Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

GẶP MA


Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn
1.
Hồi mẹ tôi học khóa 13, Trường Trung cấp Y sĩ khu tự trị Tây Bắc, có cô Hất cùng học rất hay đến nhà tôi chơi. Cô hai mươi nhăm tuổi, xinh gái, hát hay, thế mà mãi không có người yêu. Mẹ thương cô nên ý tứ mối lái cho một chú bộ đội cùng đơn vị bố. Sau buổi đầu gặp gỡ tại nhà tôi, ăn cơm xong, chú Bảo rủ cô đi xem xi-nê… rồi tránh mặt luôn, không bao giờ nhắc đến cô Hất nữa. Mẹ gặng hỏi mãi, chú mới nói:
- Con gái gì mà nói chuyện cứ nhấm nhẳn như chó cắn ma ấy !
Sao lại là chó cắn ma? Tôi rất muốn hỏi mẹ câu ấy nhưng lại sợ mẹ mắng: “trẻ con hóng hớt chuyện người lớn” nên cứ ấm ức mãi trong lòng.
Những chuyến bố đi công tác xa nhà, cô thường sang nhà tắm gội cho chị em tôi, chế biến các món ăn ngon, rồi vui vẻ ăn cùng mẹ con tôi và ngủ luôn tại đó. Bố ở nhà thì đêm nào bố cũng kể chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, chuyện ngụ ngôn cho anh em tôi nghe, rồi ngâm thơ, hát quan họ, hát ru cho chúng tôi ngủ. Còn cô Hất lại rất thích kể chuyện ma, hết ma cà rồng đến ma xó, hết chuyện “Con ma lưỡi xanh” lại đến chuyện “Bàn tay động đậy”, “Bác sĩ ăn thịt người”… Cô kể chuyện hấp dẫn lắm, lại kèm theo động tác minh họa làm chúng tôi sợ rúm ró nhưng cứ hồi hộp nín thở lắng nghe. Đôi lúc đến đoạn gay cấn nhất, cô dừng lại làm chúng tôi như nghẹt thở vì tò mò.
- Cô ơi! Cô kể tiếp đi nào!
- Sao nữa cô ơi!
Thích nghe thật đấy nhưng đêm đi ngủ, anh em tôi vẫn sợ run cầm cập. Hồi ấy chưa có công trình phụ khép kín như bây giờ nên nửa đêm
mót đi giải, anh em tôi phải bấm nhau cùng dậy ra góc sân “giải quyết nỗi buồn”vì mẹ phải ôm ấp bé Thu Hằng mới được sáu tháng tuổi.
Bố về, nghe chúng tôi nhắc lại những câu chuyện cô Hất kể thì nói:
- Theo duy vật, không có ma quỷ chi hết. Chết là hết các con ạ! Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế.
Câu này bố nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi.
Tôi không bao giờ tin có ma và luôn tâm niệm lời răn của bố “Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế”.
2.
Thế mà đêm nay, sau gần bốn mươi năm bố rời xa dương thế, tôi đã tận mắt nhìn thấy ma. Thật chứ chẳng phải mơ, vì tôi tự cấu tay mình mấy lần đều thấy đau nhói.
Sáng sớm, trước khi lên xe đi công tác, anh không quên dặn dò:
- Em mới ốm dậy, cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đừng có thức khuya và lên mạng đấy nhé!
- Vâng ạ.
Mọi bận, tiếng “Vâng ạ” ngoan hiền ấy chỉ là câu nói cửa miệng, câu nói chiếu lệ thôi. Như mẹ xưa thường nói “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, cứ mỗi lần anh đi công tác xa nhà, mặc dù rất thương chồng tuổi đã cao mà luôn sốt sắng với công việc, tôi vô cùng vui mừng vì được tự do gặp gỡ, giao lưu với những người có chung sở thích yêu văn chương trên các diễn đàn văn học mạng mà không bị chồng quản thúc về giờ giấc vì lo cho sức khỏe của tôi. Dẫu chưa (và có thể không bao giờ) gặp gỡ nhau ngoài đời, nhưng họ đã đem đến cho tôi nguồn động viên an ủi được sống hết mình với niềm đam mê mà tuổi trẻ tôi cố kìm nén, dằn lòng để lo tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, cả “Người giáo viên nhân dân” nữa chứ!
Nhưng hôm nay thì tôi không còn chút thời gian nào để lên mạng. Sau gần hai tuần nằm viện, tôi nhớ khu nhà vườn của tôi quá! Tôi giành thời gian chăm sóc lũ chim trĩ, bồ câu công, gà gô, gà chọi, gà tre, gà ô… và đàn mèo mướp ngộ nghĩnh đáng yêu. Lại còn tưới hoa, tỉa tót cây cảnh nữa. Mùa này, vườn nhà tôi nở rộ các loại hoa: hoa chuông, hoa sao, hoa ly, hồng nhung, hồng môn, bạch môn, tầm xuân, thược dược, tỉ muội, ti gôn, xương rồng, mười giờ, hoàng lan, lan ý… muôn màu sắc, kiểu dáng và ngào ngạt hương thơm quyến rũ mời gọi lũ bướm xinh và lũ ong rừng lơi lả... Các loài cây: thông, liễu, thiết mộc lan, chuối cảnh, chuối hột, đào rừng, khế, xoài, bưởi, nhãn… qua một đêm tắm mưa nom xanh um, mướt mát như khu rừng nhỏ trong truyện cổ tích. Vừa làm vừa nghĩ vẩn vơ, trời tối sập lúc nào không hay. Tôi chỉ kịp úp bát mì tôm húp tạm, rửa ráy chân tay là lăn kềnh ra ngủ, không còn biết trời đất là gì nữa…
Bỗng có tiếng chú Vàng sủa gióng giả từng chặp: Gư âu! Gư âu! Gư âu! Gư âu!
Tiếng sủa như bị ai thít cổ dúm dó lại, khó thoát khỏi họng.
Khổ thân chú Vàng eo thon, chân dài, tai vểnh, đôi mắt luôn tròn xoe ngơ ngác như một chú nai rừng của tôi. Từ hôm khai giảng năm học mới, chú bị giam cầm gần như hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng mỗi ngày vì tội hay trêu đuổi các cô cậu “Sinh viên tí hon” trường Mầm Non Hoa Sen đối diện cổng nhà tôi. Ban đầu chú phản đối kịch liệt bằng cách tru lên từng hồi đến mệt lử mới nghỉ giải lao để lấy sức tru tiếp. Rồi lại phản đối bằng cách tuyệt thực, giả ốm không ăn uống gì suốt hai ngày trời khiến tôi mủi lòng đã định thả chú ra mấy lần. Nhưng chồng tôi thì kiên quyết lắm: “Không thể vì thương một con chó mà để nó đùa giỡn, cắn xé các bé thơ có ngày” - Anh nói thế và giành thời gian thể dục buổi sáng đưa cậu chàng đi “giải quyết nỗi buồn”, dạo bộ mươi, mười năm phút rồi lại nhốt vào cũi sắt đặt cạnh Nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn của gia đình tôi. Và anh đã thuần hóa được chú Vàng đến độ chú ngoan ngoãn hiền lành, tự giác chui vào cũi mỗi lần cùng ông chủ đi dạo bộ buổi sáng về. Bù lại, chú được tôi cưng phụng, “cơm bưng, nước rót” và vuốt ve, tắm táp cho mỗi ngày nên nom cậu chàng ngày càng mỡ màng, óng ả ra…
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng sủa không còn méo mó, dúm dó nữa mà tức tối, gióng giả, hối thúc quyết liệt hơn.
Tôi vươn vai, dụi mắt, quờ quạng định tìm cái đèn pin Trung Quốc trên đầu giường thì nhìn thấy ánh sáng ma mị len qua khe cửa sổ. À, mới qua Rằm Trung Thu hai hôm nên Trăng vẫn còn sáng. Tôi xỏ chân vào dép, khẽ khàng đi ra sân. Ôi, đêm nay là cái đêm gì mà trời đất ảo mờ thế này? Sương mù giăng mắc khắp các lá cây, ngọn cỏ… Một luồng gió lạnh luồn từ gan bàn chân đến từng chân tóc khiến tôi thoáng rùng mình, run rẩy như đêm tân hôn, lần đầu tiên trong đời có bàn tay lạ lẫm của người đàn ông gọi là chồng lân la, sờ soạng… Tôi xoa hai bàn tay vào nhau, hoảng hốt thấy tay mình lạnh như ướp đá và chợt nhớ đến cô Hất có một lần rửa tay tôi cho tôi đã văng tục : “Khiếp! Tay con bé này lạnh như l…ma”. Tại sao l…ma lại lạnh nhỉ? Tôi không dám hỏi bố mẹ câu này bởi bố mẹ tôi không bao giờ nói tục. Hỏi thế sợ bẩn mồm lắm!
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Vàng ơi! Đừng sủa “Như chó cắn ma” thế! Tao xuống ngay bây giờ!
Gâu! Gâu !Gâu! Gâu!
Gì mà khó tính, bức bối thế! Hay có con rắn xanh từ hàng rào chanh leo bên hàng xóm mò sang cắn mày? Tao xuống ngay bây giờ.
Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa…
“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường”. Mặc cho chú Vàng đáng thương vẫn hằn học tức tối gâu lên từng hồi, không biết bằng cách nào tôi vẫn lết về được phòng ngủ, leo lên chiếc giường gỗ pơ mu, ngủ say như chết.
3.
Vừa ru bé Rồng ngủ xong, đang chuẩn bị tranh thủ viết tin bài thì Hoài Thy nhận được điện thoại của bố từ huyện Mường Tè:
- Con sắp đi ngủ chưa? Từ chặp tối đến giờ, bố điện đến năm cuộc điện thoại mà không thấy mẹ nhấc máy. Con thử vào xem mẹ thế nào? Bố lo lắm, vì mẹ vừa ra viện, lại ở nhà một mình đêm hôm thế này…
- Vâng, con sẽ vào ngay ạ.
Cô ra sân bấm máy cho mẹ. Rõ ràng có tiếng chuông đổ dồn mà sao mẹ lại không nghe máy nhỉ? Cô trở vào nhà, nói khẽ với chồng:
- Anh ngủ với bé Rồng nhé! Em vào xem mẹ thế nào.
Từ nhà Hoài Thy đến nhà bố mẹ cô chưa đầy ba ki lô mét nên cô đi xe máy loáng cái là đến ngay. Cô lách chìa khóa mở cổng, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào nhà. Mẹ nằm co ro sát mép giường, ngáy khò khò, nước bọt nhểu ra hai bên mép, nom phát khiếp !
“Chắc hôm nay mẹ lao động mệt lắm nên ngủ quên”. Nhìn mẹ ngủ thấy thương quá nên cô không nỡ đánh thức mẹ dậy. Cô nhắn tin cho chồng: “Anh ngủ với con trai nhé! Mẹ mệt nên đêm nay em ngủ trông nom mẹ. Mai em về sớm đi gửi Rồng để hai vợ chồng kịp giờ đi làm.” Hoài Thy lấy khăn mặt dấp nước ấm, lau mặt, lau tay cho mẹ rồi kê đầu gối ngay ngắn, đắp chăn, buông màn cho mẹ ngủ. Chợt thấy góc phòng lóe lên ánh sáng xanh của lap - top chưa kịp tắt, cô bèn nhấn enter và đọc được dòng chữ mẹ viết dang dở:
“…Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa. Ngang tầm cây chuối hột cao lênh khênh là một cái đầu lâu to như nồi cơm điện tọa trên chiếc cổ dài ngoằng ngoẵng nhỏ bằng ngón tay trỏ cứ dập dềnh trồi lên, tụt xuống nhẹ tênh như không có trọng lượng. Hai hàm răng va vào nhau lập cập, lấy hết sức bình sinh, tôi dùng các móng tay phải cấu lên mặt, đau nhói! Không phải là mơ! Lại dùng các móng tay trái véo đùi non. Đau quá! Rõ ràng không phải là mơ! Cha mẹ ơi! Đêm nay, con gặp ma thật rồi!
Tôi căng mắt ra nhìn cái đầu lâu kỳ dị tô trát đủ các màu sắc cầu vồng gần giống hình trái tim khổng lồ bị bóp méo. Đầu phía bên phải nó nhòn nhọn khoằm khoằm như mỏ quạ, phía trên còn cài chiếc nơ đỏ nhờ nhờ như màu máu, còn phía dưới cái mỏ quạ ấy là một thẻo thịt dài đo đỏ cong cong hình con đỉa to tướng bám vào. Ở khoảng giữa chiếc nơ và con đỉa ấy, trồi lên một con mắt to thô lố như nắm đấm trẻ con, ở giữa đen ngòm, bên ngoài con ngươi trắng nhởn. Đầu lâu của một người chột mắt chăng? Khuôn mặt mang hình trái tim có một mắt, không mồm, không mũi ấy cứ dập dềnh lên xuống nhún nhẩy theo nhịp sủa dấm dẳn của chú Vàng đáng thương. Tôi véo má lần nữa và lặng lẽ quan sát tiếp. Sau nửa mặt bên phải của đầu lâu là đoạn võng xuống khiến tôi liên tưởng đến trái tim người rồi từ đấy nó lại vồng lên tròn trịa khêu gợi như chiếc mông trinh nữ điểm xuyết những chiếc lông vũ xanh đỏ, tím vàng to như quả chuối mắn. Từ “Chiếc mông trinh nữ” phía bên trái xuôi vát xuống là nơi gặp gỡ của “Con đỉa to tướng” phía bên phải xuôi vát xuống tạo thành một góc nhọn mềm mượt của trái tim ngự trên chiếc cổ yếu ớt không mang nổi cái đầu lâu ngất ngưởng…”.
Đọc đến đây, hai hàm răng Hoài Thy va vào nhau lập cập:
“Thế này là thế nào? Mẹ gặp ma thật chăng? Mẹ thường nói là mẹ theo duy vật như ông, không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ cơ mà”.
Trí tò mò trỗi dậy, Hoài Thy định xuống khu nhà vườn xem mặt mũi cái đầu lâu kỳ dị ấy ra sao song vốn nhút nhát, cô khóa trái cửa lại, tắt vi tính, rồi chui vào chăn ôm chặt lấy mẹ như hai năm trước đây cô chưa đi lấy chồng.
Cô lẩm nhẩm đếm từ một đến một trăm và lại đếm ngược lại từ một trăm đến một. Được vài lần như thế, Hoài Thy ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
Suýt nữa thì Hoài Thy ngủ quên, không kịp trở về nhà giúp chồng đem bé Rồng đi gửi trẻ. May quá, tiếng khóc hờn lẫy của cô bé mẫu giáo bên kia giàn chanh leo sát kề mảnh vườn của mẹ đã khiến cô giật mình tỉnh giấc:
- Ứ ừ, con bắt đền mẹ đấy! Bóng bay của con bay mất rồi!
- Hu! Hu! Bóng bay con gà của con bay mất rồi! Bắt đền mẹ đấy!
- Bóng bay con gà cơ! Nào, nào…
Hoài Thy dụi mắt, vươn vai đi về phía bụi chuối cảnh thì thấy quả bóng bay hình con gà đủ màu sắc cầu vồng đang dềnh lên dềnh xuống trông thật đẹp mắt. Nhìn ngang, nó chỉ có một mắt thật. Và cái cổ dài ngoằng ngoẵng khẳng khiu ấy chính là cái cần để bé cầm tay cho gà đi chơi…
Cô vui vẻ gọi toáng lên:
- Bé Miu Miu ơi! Cô tìm thấy bóng bay con gà của cháu rồi này.
Chị Thu - mẹ bé Miu Miu - mừng rỡ nhận quả bóng bay con gà, cảm ơn cô ríu rít. Hoài Thy khe khẽ trở vào nhà, nghe tiếng mẹ nói mớ:
- Ông Bồ Tùng Linh tài thật! Đọc tiểu thuyết “Liêu trai chí dị” của ông bao nhiêu lần cũng không thấy chán…
B.T.S

14 nhận xét:

  1. Em thật là có đầu óc phong phú... chị Cat chịu !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Chị HẠT CÁT:
      Mẹ bảo em đa cảm, yếu bóng vía nên hay thần hồn nát thần tính thôi chị iu à.

      Xóa
  2. Mấy hôm nay mình bận việc, giờ mới sang thăm Bạn - Mến chúc Bạn ngày mới an vui và nhiều may mắn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn thân yêu!
      Chúc bạn luon mạnh khỏe, hạnh phúc, yêu đời và yêu thơ mãi nhé!

      Xóa
  3. Anh đang đọc . Sẽ theo đến trang cuối may ra mới nói được gì . Cảm ơn em !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh kính mến !
      Truyện ngắn GẶP MA em vừa viết là một truyện riêng biệt lập, không liên quan gì đến tiểu thuyết KHÔNG GIỐNG AI đâu ạ.

      Xóa
  4. Anh vẫn đọc tiếp . Phải theo dõi đến trang cuối may ra mới nói được gì chăng ! Cảm ơn em !

    Trả lờiXóa
  5. Em cứ chạy sang đọc rồi lại chạy về đây chị Sơn ơi!

    Có nhiều bài viết mà khen lai e sáo rỗng, nên em chỉ để lại dấu chân em Ếch thôi, em chờ đọc tiếp những truyện tiếp theo của chị !

    Trả lờiXóa
  6. Ếch yêu quý ơi ! Chị có lỗi với em và mọi người nhiều lắm bởi lâu rồi không còn thời gian đi thăm mọi người nữa vì nhiều việc linh tinh...
    Thông cảm cho chị nhé !
    Hẹn gặp lại em sau nhé !

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện em viết hay, nhưng chữ bé chị đọc mỏi cả mắt.

    Trả lờiXóa
  8. Em cám ơn chị ạ . Em sẽ chỉnh sửa lại cỡ chữ, chị nhé !

    Trả lờiXóa
  9. Sang thăm bạn Nhân ngày NGVN mình mang tặng bạn cành hoa .[img]http://i1075.photobucket.com/albums/w440/tranhoangman/0224_zpse04efb57.gif[/img]

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn bạn tặng nhành hoa
    Đẹp như tình bạn chúng ta thắm nồng
    Dẫu không thành vợ thành chồng
    Thơ tình trong sáng ta dâng tặng đời...
    CHÚC VUI KHỎE NHÉ, BẠN ƠI!

    Trả lờiXóa
  11. Sang thăm bạn mang theo cành hoa bình dị của quê mình tặng bạn[img]http://i1075.photobucket.com/albums/w440/tranhoangman/hoa-tuoi-bang-lang-chohoatuoi-vn_zpsf7dbc233.jpg[/img]

    Trả lờiXóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]