Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

GỐC CỘI NGUỒN

Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Có những tiếng thì thầm rất khẽ trong lồng ngực người phụ nữ mặc bộ đồ sang trọng điều khiển tay lái chiếc SH màu mận chín. Người phụ nữ đó là tôi. Vẻ bề đài các, sang trọng, từ trang phục cho đến chiếc móng tay, rồi đôi xăng đan kiểu cách ôm gọn đôi chân. Chiếc xe cũng một kiểu cách nhẹ nhàng quá thể, nó lướt trên đường êm như đang trượt trên băng, ánh mắt tôi vô hồn đọng trên từng góc phố: các tán cây phủ dày bụi; tiếng còi xe thả ầm ĩ vào không gian, những ngôi nhà bao diêm xếp những que diêm con người thẳng tắp bên trong, những khu chung cư ở nước nào cũng giống với nước nào. Tất cả nhòe nhoẹt, những dãy hàng mỹ phẩm, áo quần, biển quảng cáo ngang dọc, xanh đỏ chen chúc với nhau, xếp đè lên nhau. Lớp lớp phô trương. Là đây - ước mơ của tôi khi những hạt tinh thể trăng trắng đọng trong ánh mắt còn có  khả năng biểu cảm. Khung cảnh này là khát vọng đỉnh điểm thời thiếu nữ mà tôi trả giá bằng học phí là đôi mắt vô hồn lúc này, ngay trên đỉnh ngọn EVeRest cuộc đời. Hình ảnh chợt hiện trong tôi: một con bé có những ngón tay thô sần, nhám đen, hạt đất giắt đầy móng tay, bàn chân bị xước vì đá đồi cào cấu, lọn tóc rối bời vì bị những cây, những que, cành, lá chải qua khi băng rừng tìm đàn trâu bị lạc…
Một chiếc xe tải chạy ào qua tôi, tạt mù mịt khói cay mắt. Người tài xế thò đầu qua khung cửa, giọng nói khạc từ cổ họng như tiếng đá bắn ra từ bom phá núi, văng tứ tung theo nước bọt, cứa từng nhát sắc lẻm vào tai người nghe:
-         Điên à, muốn chết hả?
Trên môi tôi vẫn mơ hồ một nụ cười, nó hờ hững bay về phía góc núi xa tắp, nơi những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa xanh ưỡn mình giữa bao la trời đất. Xứ này, đến nhánh lúa cũng hiên ngang. Tôi và lũ bạn cưỡi trâu, áo quần lem nhem và những tràng cười giòn tan như tiếng vỡ rôn rốt của bánh phồng tôm. Cái cười ấy sao mà xa thế? Dù chiếc miệng có hồng hồng, xinh xinh thế nào thì dưới lớp son loại xịn, tôi vẫn không thể đuổi bắt, nhét lại nụ cười, níu chặt nơi vành môi mình thêm một lần nữa. Nhìn vào gương xe, tôi cố gắng thả một nụ cười, hàm răng trắng vừa nhô ra đã như bị thuốc tê làm chết điếng. Tiếng cười gằn nơi cuống họng, nướu răng muốn bật máu vì bất lực. Tôi nuốt nghẹn nụ cười đó xuống. Đèn đỏ. Tôi đếm ngược thời gian cùng dòng người đang thi nhau sấp ngửa lao vào đằng trước, trườn cả lên vỉa hè, cùng với những tiếng còi kỳ dị. Quê tôi con đường nhỏ xíu, mẹ tôi đứng trước hè chờ con đi học về…
***
           “Hoa Ban, con!” – tiếng mẹ tôi gọi đấy, ăm ắp, tràn trề yêu thương. Giờ thì mọi người đều gọi tôi là Triệu Đoan Trang rồi! Thứ tên quê kệch không hợp với tôi – hay chính con người tài năng, xinh đẹp như tôi không xứng đáng với cái tên gởi gắm yêu thương của mẹ? Tôi đấu tranh vì cái tên mới, tôi sợ họ Chẻo khiến người ở phố biết tôi có gốc gác dân tộc. Lần đầu tiên tôi thấy mắt mẹ ánh lên những tia tột cùng đau khổ.
Xưa… Đêm mẹ sinh tôi, cơn đau kéo đến. Thấu vào bụng, thúc vào xương sườn, chấn động, run rẩy cả những tế bào nhỏ nhất, cảm giác như trăm ngàn mạch máu li ti đều đã vỡ nứt. Rút co ruột. Tiếng mấy cô hộ lý xôn xao, rồi rất nhẹ, tiếng ấy vẳng lại trong mẹ, loang xa, loang xa như lòng hồ rộng bao la, từng đợt sóng bị nuốt chìm cùng gió xoáy. Mẹ tôi lả người, mềm oặt. Giời giăng giăng sao, tán khắp bóng đêm, bao vây mẹ. Ngôi nhà nhìn từ dưới lên như một nốt ruồi trên gương mặt núi. Tiếng cha loãng vào đêm, mẹ không nghe được lời cha dặn về cái tên của tôi thì đá núi đã găm mất lời vào tim rừng. Mẹ đặt tên tôi theo loài hoa tình yêu của cha mẹ, loài hoa tinh khiết, đến nỗi không tin là nó có thể thuộc về cuộc đời. Mẹ vui sướng ngất lịm khi tôi oe oe khóc tiếng chào đời, chỉ một giây sau mẹ đã lại xỉu đi vì biết tin cha mất ở trận đấu cuối cùng trên đồi Độc Lập...
         Nhưng dù học cao, hiểu sâu đến mấy tôi cũng nhất quyết phải vì sĩ diện của mình mà đổi tên. Ước mơ của mẹ là bố, ước mơ của tôi là vượt qua 3.141m đỉnh Fanxiphăng về thủ đô bằng bất cứ giá nào. Mẹ khuỵu ngã khi nghe những câu người ta dùng để ám chỉ về cô con gái yêu của mình “con gái dân tộc biết chài”..., giây phút ấy tôi đang mải mê ngụp lặn trong dòng đam mê cùng một sếp cỡ bự...
Đường phố đang khô ráo, nắng rát, chợt ào một trận mưa, hàng bằng lăng hai bên đường nhạt trắng. Tôi nhớ trước đám tang của mẹ vài ngày, khi qua đây màu bằng lăng vẫn tím sẫm kia mà? Phải chăng những trận mưa đã nhuộm trắng màu nó mà tôi chẳng hay? Mưa càng lúc càng to, táp tới tấp vào mặt, những sợi mưa dai dẳng quất vào bờ vai mảnh dẻ, tôi quên cả chuyện mở cốp xe lấy áo mưa. Trước mặt tôi là dáng hình khắc khổ của bà bán hàng rong. Nước mưa rơi đầy mi mắt tôi, mặn chát hơn vị nước biển mùa yêu đương tôi vừa trải qua! Dáng hình đó tiến đến thật gần, tôi gào lên từ cõi sâu tiềm thức: đôi mắt tôi vô hồn từ phút ấy: dáng mẹ tôi đấy, oằn dấu hỏi trong khoảng trời bằng lăng nhạt thếch. Ngày mẹ đi tôi không kịp về, làm một việc có hiếu duy nhất trong đời là vuốt mắt cho bà ra đi thanh thản. Tôi quỳ trên nấm mộ đá, mắt lặng nhìn tấm phướn trắng xóa uốn mỏng dấu hỏi tạc giữa đá xám. Tháng ngày cuối bàn tay mẹ sục những gốc rạ cùn trên thửa ruộng bậc thang mót lúa, tôi lao vào lụa là, tiệc tùng, bàn chân lạc lối không bị ám ảnh nào đè nặng. Bóng mẹ hắt vào cây cột điện, con đường vắng ngắt, tôi nhào tới ôm lấy bà như thủa bé trong một cơn đau sắt se lồng ngực. Trái tim tôi đang đập những mạch bình thường. Mẹ sẽ lại vỗ về tôi, tha thứ cho những con đường tôi đã đi qua, như đã dang tay đón tôi trong bao dung ánh mắt. Những cành bằng lăng thoắt tím, lại thoắt trắng giăng giăng đầy màu mắt, vì sao ước mơ của tôi tối đen hơn bao giờ hết, nụ cười của người cha mà tôi chưa từng thấy mặt cũng hiện hình rõ nét trong ngôi nhà – nốt ruồi lưng núi và dòng suối uốn hình bản nhạc cuốn tôi bay lên, bay lên, ánh mắt có sinh khí trở lại, tôi bay lên trong hình hài người thiếu nữ có cái tên thuần khiết cha mẹ đặt…
***
         Sớm mai, người đàn ông thức dậy trễ tràng hơn mọi ngày. Ông mở cửa sổ, đập vào mắt là hàng bằng lăng phớt tím, loang dần, loang dần trong khoảng không gian được ánh mặt trời chiếu rọi. “Quái, hay mắt mình bị hoa nhỉ? Bằng lăng hôm qua bị mưa táp rụng hết xuống mặt đường rồi kia mà!”. Suy nghĩ của ông bị cắt ngang vì tiếng ngọt ngào của người vợ vọng ra từ trong bếp:
-         Anh vào uống cà phê đi, sáng nay anh dự hội nghị phải không?

        Người đàn ông không đáp, chỉ khẽ cười, nụ cười mơ hồ thoắt ẩn đã biến mất sau bộ râu con kiến. Đứa con trai chạy từ cầu thang xuống chào anh, xe đã đón ở ngoài cửa đưa nó đi học. Người đàn ông nheo nheo mắt lướt trên tờ nhật báo đặt sẵn trên bàn, tin về vụ tai nạn xảy ra hồi 16 giờ 30 phút tối ngày hôm trước: xe mới, không mất thắng, con đường lúc ấy vắng người mà cô gái tự nhiên đâm bổ vào cột điện. Người ta phán đoán đây là một vụ tự sát. Người đàn ông thản nhiên gấp tờ báo lại, những ngón tay nần nẫn như chú sâu chít bị ngâm rượu đến trương phềnh lên móc vào túi quần, nơi một chiếc chìa khóa xe SH tím sẫm còn nằm lại. 

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

CHUYỆN CỦA PHỦ MÌN

Truyện ngắn củaTrai Rừng (Phùng Cù Sân)

Tẩn Phủ Mìn đã học xong chương trình lớp 1 với kết quả đạt loại giỏi. Nó vui lắm. Bố mẹ nó và cô giáo Huyền càng vui hơn. Nhớ lại hồi tháng 9 năm ngoái, cô giáo Huyền - chủ nhiệm lớp 1 không khỏi bật cười khi nghĩ đến cậu bé Phủ Mìn bé xíu, thông minh và nghịch ngợm nhất lớp.
Buổi đầu tiên lên lớp, để tạo bầu không khí thân mật và để tạo điều kiện cho học sinh  làm quen với nhau, mặc dù đã nắm rõ “lý lịch trích ngang” của từng học sinh, cô giáo Huyền vẫn cho từng em đứng dậy tự giới thiệu về mình. Một cô bé lũn chũn có khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt tròn xoe đen láy ngồi ở đầu bàn trên cùng nhanh nhẹn đứng lên nói:
- Thưa cô! Em tên là Trần Thị Mỹ Dung, dân tộc Kinh, sinh năm 2000. Bố mẹ em cùng công tác tại Phòng Văn hóa huyện ạ!
Cả lớp vỗ tay hoan hô cô bé. Đúng là bố mẹ làm ở cơ quan văn hóa, con gái lại làm quen với ánh đèn sân khấu từ nhỏ nên nói năng lưu loát và bạo dạn thật.
Tiếp theo là cậu bé đầu húi cua, dân tộc Thái ở Nậm Mạ, có cái tên dịu dàng như con gái: Hương - Lò Văn Hương. Mặc dù theo bác trai lên ở huyện một năm rồi song cậu bé vẫn tỏ ra rất bẽn lẽn, e lệ. Nghe cả lớp vỗ tay, mặt cậu bé đỏ bừng như ngồi bên bếp lửa hồng. Lò Văn Hương chưa kịp ngồi xuống thì Tẩn Phủ Mìn đã đứng bật dậy, giơ tay chào cô giáo giống như bộ đội chào khi duyệt binh:
- Thưa cô! Cháu… à quên! Em tên là Tẩn Phủ Mìn, sinh năm 2000. Bố em công tác ở Huyện đội, còn mẹ em thì dạy học ở trường cấp 3 huyện ạ!
Cô Huyền nhẹ nhàng nhắc:
- Em quên chưa giới thiệu em là dân tộc gì ?
- Thưa cô! Bố em là người Dao, mẹ em là người Mông, còn em thì là người Kinh ạ !
Cả lớp cười ồ lên. Cô Huyền xoa đầu Mìn,nói:
- Vậy thì em là dân tộc Dao chứ!
Phủ mìn đỏ mặt tía tai vì bị các bạn cười, song cậu vẫn vừa gãi tai vừa thanh minh:
          - Ông nội em trước đi bộ đội. Hôm ra nhà em chơi, ông bảo với bố em là : “Thằng Phủ Mìn thành người Kinh rồi! Sao các con không dạy cháu tập nói tiếng Dao, Mông?”. Bố em bảo: “Chúng con bận công tác tối ngày, không có thời gian nào dạy cháu.Thôi cứ để nó lớn hẵng hay”. Ông em cứ lắc đầu nói mãi câu: “Nó đúng là người Kinh rồi. Từ quần áo, đầu tóc, tiếng nói… chỉ còn mỗi một cái tên..”.
Cô Huyền giải thích:
- Em chưa biết nói tiếng Dao song em vẫn là người Dao. Ông em muốn nhắc nhủ bố em: dù bận công tác cũng phải giành thời gian dạy cho con tiếng nói của bố mẹ đẻ..
          Sau buổi làm quen, cô giáo hướng dẫn cho cả lớp tập viết chữ O. ở lớp mẫu giáo, các em đã tập tô các chữ cái rồi nên bây giờ các em tập viết cũng không khó khăn lắm. Riêng Phủ Mìn viết chữ rất nguyệch ngoạc, méo mó. Cô Huyền cầm tay cho nó đưa từng nét chữ thì được, hễ cứ thả tay ra là Phủ Mìn không làm sao viết nổi một chữ O tròn như các bạn. Cuối buổi học, cô giáo khen cả lớp đã có nhiều cố gắng và động viên Phủ Mìn về nhà tập viết lại chữ O cho thật tròn. Thực ra thì cô giáo Huyền là người hàng xóm với gia đình Phủ Mìn. Từ trước đến nay Phủ Mìn quen gọi là cô xưng là cháu, giờ chuyển sang gọi là cô xưng em nó cứ thấy ngượng mồm thế nào ấy.
Ăn cơm tối xong, cô Huyền sang nhà Phủ Mìn chơi. Phủ Mìn chạy trốn vào trong buồng vì sợ phải nghe cô giáo mách mẹ chuyện ở trên lớp. Nó nghe mẹ và cô nói cười vui vẻ. Khi cô Huyền về rồi, nó lén đến bên mẹ nằn nì:  
- Mẹ ơi! Ngày mai mẹ xin cho con chuyển sang lớp mẹ nhé! Con chỉ thích làm “sinh viên” của mẹ thôi!
Mẹ cười, xoa đầu Mìn thủ thỉ:
- Con trai ngoan của mẹ! Con phải học từ lớp 1 đến hết lớp 9 thì mới được vào học lớp của mẹ dạy, làm học sinh của mẹ chứ không phải là sinh viên đâu… Cố gắng lên con nhé!
Phủ Mìn tròn xoe mắt vặn vẹo mẹ:
- Con thấy bố bảo chị Mý Lai nhà mình là sinh viên trường Sư phạm kia mà..
Mẹ ôn tồn giải thích:
- Rồi sau này con cũng sẽ trở thành sinh viên như chị Mý Lai, nhưng con phải học hết 12 năm phổ thông, rồi đi học nghề cơ!
         Đêm ấy, Phủ Mìn nằm mơ được làm chú bộ đội như bố, rồi lại được làm thầy giáo như mẹ và cô Huyền. Nửa đêm, giật mình tỉnh giấc, nghĩ đến nhiệm vụ cô Huyền giao cho. Nó len lén trở dậy bật điện, mím môi mím lợi viết chữ O. Cứ sắp đến đoạn vòng tròn nối vào nhau thì y như rằng nét chữ lại nguyệch sang lúc thì bên trái, lúc lại sang bên phải. Nó uể oải nhìn sang chiếc bàn soạn giáo án của mẹ. Chồng sách giáo khoa để riêng, các loại vở soạn bài để riêng; hộp đựng bút gắn một chiếc lọ hoa bé xíu,  lúc nào cũng cắm một bông hồng nhung tươi thắm trông thật đẹp mắt. Nó dụi mắt, ngắm nhìn hộp bút có đủ loại: bút bi, bút dạ, bút máy… các màu xanh, đỏ của mẹ. Cặp mắt nó sáng rực như mắt Tôn Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn:
- À, biết rồi!
Nhanh như một con sóc, nó trườn sang bàn mẹ, rút cái bút máy màu mực đen. Rồi nó ra bàn lấy cái chén úp xuống mặt bàn, mở nắp bút bơm một giọt mực nhỏ vào trôn chén.Nó cầm nắp bút máy chấm vào trôn chén rồi cẩn thận đóng từng nắp chữ lên trang vở tập viết, những chữ o tròn xoe lần lượt hiện ra, đều tăm tắp (tròn hơn cả chữ cô Huyền viết mẫu ở trên lớp). Khi trang vở đã kín mít chữ O, nó nhảy khỏi ghế, hét toáng lên:
- Hoan hô! Phủ Mìn giỏi quá!
Bố giật mình tỉnh giấc:
- Mẹ dậy xem con trai nói mơ cái gì kìa!
Mẹ hoảng hốt thấy Phủ Mìn tay cầm quyển vở, chân không đi dép đứng giữa nền nhà. Mẹ nhào tới ôm chầm lấy nó :
- Sao đang đêm con lại bật điện sáng choang thế này?
          Phủ Mìn dụi đầu vào vai mẹ, nũng nịu khoe:
- Mẹ xem con viết chữ O có đẹp không hở mẹ?
Mẹ cầm quyển vở và hiểu ra tất cả:
- Ôi! Con trai của mẹ! Sao con lại dùng nắp bút máy để in chữ thế này?
- Mẹ đừng nói cho cô Huyền biết nhé!
- Nhất định cô Huyền khắc biết! Thôi con đi ngủ đi! Để chiều mai mẹ sẽ hướng dẫn con tập viết lại…
- Không được đâu mẹ ơi! Sáng mai con phải đem vở lên lớp cho cô giáo kiểm tra lại rồi.
- Thế mẹ con mình cố gắng làm luôn bây giờ nhé!
Mẹ lấy khăn rửa mặt cho Phủ Mìn, rồi đem quyển vở ôly ra hướng dẫn con:
- Đây con nhìn mẹ viết mẫu một chữ này, con bắt đầu viết chữ từ dưới dòng kẻ ngang này rồi lượn xuống phía tay trái, từ từ thôi xuống đến dòng kẻ dưới rồi lại từ từ vòng lên phía tay phải. Thế! Thế! Con biết chưa nào?
- Vâng! Mẹ để con tự viết, mà tại sao chiếc bút này cứng thế hở mẹ?
- Ấy! Con phải cầm bút như thế này, nhẹ nhàng thôi, đừng nắm chặt thế! Mà con phải ngồi thật ngay ngắn vào. ừ, đúng rồi, con của mẹ thật là giỏi.
Được mẹ khích lệ, Phủ Mìn phấn khởi lắm! Tự tay nó đã viết hết một trang chữ O theo chỉ dẫn của mẹ, tuy chưa thật tròn trịa nhưng nom đã dễ nhìn. Hôm sau Phủ Mìn được cô giáo khen trước cả lớp nên nó phấn khởi lắm.
         Một hôm, Phủ Mìn quên không đem que tính đến lớp. Đến giờ học toán, cô giáo Huyền đứng trên bục giảng cứ thấy nó nhấp nhỏm, lúc thì trườn người ra bàn, lúc thì cúi xuống gầm bàn. Cô hỏi:
- Phủ Mìn làm gì dưới gầm bàn thế?
- Dạ, em làm toán ạ!
- Làm toán sao lại chui xuống gầm bàn?
- Em đếm bằng ngón chân ạ! Em đã đếm hết ngón tay rồi nhưng không đủ…
- Thế que tính của em đâu rồi?
- Thưa cô! Em để quên ở nhà ạ!
Cô Huyền hỏi cả lớp:
- Em nào xung phong lên bảng giải bài toán?
Ba, bốn rồi năm cánh tay rụt rè giơ lên. Cô giáo đảo mắt khắp lượt cả lớp như động viên khích lệ các em. Phủ Mìn sợ cánh tay của mình thấp, cô giáo không nhìn thấy nên nó đứng bật dậy, cố kiễng chân cao và giơ cánh tay phải lên:
- Em! Em ạ!
Cô giáo nhắc:
- Phủ Mìn ngồi xuống. Em phải ngồi ngay ngắn và giơ tay thẳng như các bạn, mà em không được la lên om sòm như thế!
Phủ Mìn đỏ bừng hai má, nó lí nhí :
- Dạ, Thưa cô! Lần sau em không làm như thế nữa ạ!
Cô xoa đầu Phủ Mìn:
- Em biết lỗi thế là tốt rồi. Thế Phủ Mìn lên bảng giải bài toán đi!
Phủ Mìn giải bài toán rất nhanh, được cô giáo khen ngợi và các bạn trầm trồ cảm phục. Phủ Mìn vui sướng lắm. Nó rất hay giúp đỡ các bạn nên bạn nào cũng yêu quý nó. Nhưng đôi khi nó giúp bạn không đúng cách.
Một lần mẹ mua nải chuối xanh về để nấu ốc. Thấy nó và cái Mỷ lúi húi ở trái nhà mà nải chuối xanh thì vừa bị vặt mất hai quả, nhựa rỉ ra bàn, mẹ chạy ra nhắc nhủ hai đứa không được ăn chuối xanh. Vừa ra đến nơi mẹ thấy  chúng đang ngồi trước một bàn đất nặn, bên cạnh là hai quả chuối căng tròn cũng bằng đất nặn. Mẹ hỏi:
- Hai đứa dang làm gì đấy?
- Mẹ ơi! Con và bạn Mỷ đang làm thủ công, nặn quả chuối bằng đất
Nhìn hai quả chuối nặn to khác thường, mẹ hiểu ra tất cả:
- Ồ! Tại sao các con lại lấy đất bọc ra bên ngoài quả chuối thật? Nếu đem lên lớp, cô giáo sẽ phê bình là không thật thà. Mình phải tự nặn bằng đất nặn chứ!
Hai đứa biết lỗi, “dạ” thật ngoan.
Rồi mẹ cầm tay, hướng dẫn hai đứa nặn quả chuối. Cái Mỷ thích lắm, nó bảo: “Mẹ cậu giỏi thật đấy!”.

         Cứ thế, từng ngày, từng ngày, mẹ và cô Huyền chỉ bảo dìu dắt, hôm nay Phủ Mìn đã được lên lớp hai. Nó cũng đã biết nói chuyện với ông bà nội bằng tiếng Dao và nói chuyện với ông bà ngoại bằng tiếng Mông (tuy mới chỉ là những câu chào hỏi thông thường). Bố mẹ thường giành thời gian trước khi đi ngủ để dạy tiếng địa phương cho nó. Nó còn được nhà văn Tẩn Kim Phu cho quyển “Truyện  cổ tích dân tộc Dao Sìn Hồ”. Cuốn truyện đó nó gối đầu giường và đọc đi đọc lại đến thuộc lòng từng câu, từng chữ. “Năm học mới, đến giờ thi kể chuyện, nhất định mình sẽ xung phong kể một câu chuyện trong cuốn sách này cho cô giáo và các bạn nghe’’- Phủ Mìn thầm nghĩ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, hai tay vẫn cầm cuốn truyện và trên môi phảng phất một nụ cười thật tươi.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ


Chỉ còn một tuần nữa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày huyện được giải phóng( 19/12/1953- 19/12/2013).Để thiết thực chào mừng sự kiện này,từ mùa thu năm ngoái,gia đình Gái Núi đã hoàn thành bản thảo tập truyện và ký "SÌN HỒ DẤU YÊU" và đã được NXB Hội Nhà văn in xong quý III/2013(sách dày 280 trang, gồm 41 truyện và ký của 3 tác giả: Phùng Cù Sân, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến). UBND huyện Sìn Hồ đã đặt mua 300 cuốn để tặng cho các vị Đại biểu về dự mít tinh. Sau đây, GN xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng về cuốn sách này.
------------------------------------------------
Thay lời giới thiệu:
CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng
Bạn đang có trên tay một tập sách đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng huyện Sìn Hồ, Lai Châu(19/12/1953-19/12/2013). Đó là tập văn “Sìn Hồ dấu yêu” do 3 cây bút cùng trong một gia đình từ quê hương Sìn Hồ viết lên như một bản hợp xướng tam ca đầy tâm huyết, có khả năng cuốn hút bất kỳ người đọc, người nghe nào. Cũng có thể nói, đây là bản tình ca đích thực về tình gia đình, tình yêu quê hương đất nước, nghĩa Đảng, lòng dân, sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống nơi cao nguyên đá xa xôi, gian khổ vào bậc nhất của cả nước đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
“Sìn Hồ dấu yêu” không chỉ dựng nên một thiên nhiên hùng vĩ của vùng cao Tây Bắc với những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, những khu rừng

già nguyên sinh, cái nôi của sự sống muôn loài, những sông suối đầu nguồn trong vắt, tiếng chim ca vượn hú mỗi ban mai trong lành, “Sìn Hồ dấu yêu” còn, và là điểm nổi bật nhất là vẽ nên chân dung đẹp, rất đa dạng của những con người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng sống, chiến đấu, lao động trên mảnh đất này.
Với tác giả Phùng Cù Sân, một người con của dân tộc Dao Sìn Hồ, từng là thầy giáo, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ và cán bộ Đảng nhiều năm, những trang viết của anh giàu trải nghiệm nhưng chan chứa tình đất, tình người, qua đó nổi bật lên chân dung những nhân vật đáng yêu, đáng nhớ.
Đó là bà mẹ dân tộc Thái, sống lặng lẽ nơi bản làng xa xôi, suốt đời hy sinh lo cho chồng con, cùng những người thân, ít ai biết rằng những năm tháng trẻ trung thời con gái bà đã có hành động dũng cảm của một anh hùng khi cùng với bố mẹ bảo vệ, cứu sống một cán bộ cách mạng từ miền xuôi lên hoạt động, đang bị thương và địch truy đuổi tưởng không sao thoát khỏi cái chết. Hành động anh hùng cùng mối tình thoáng qua nhưng để lại dấu ấn sâu nặng và đẹp như giấc mơ của bà tưởng đã chôn sâu trong ký ức bỗng vụt thức dạy khi có cô nhà báo trẻ từ Hà Nội, là cháu nội của “người xưa” lên tìm gặp và khi câu chuyện được hé mở, cả đứa cháu trai giỏi giang của bà hôm nay cũng ngỡ ngàng không thể nào ngờ tới.
Đó là Thượng tá công an Giàng A Páo, người con của Sìn Hồ suốt đời gắn bó với quê hương, không ngại gian nan, nguy hiểm để bảo vệ cuộc sống yên bình cho các dân tộc nơi đây, cả khi đã nghỉ hưu vẫn tha thiết có thể tiếp tục làm được những gì có ích cho quê hương.
Ngòi bút Phùng Cù Sân cũng không quên dành những trìu mến thân thương cho lớp trẻ thơ như em bé Phủ Mìn dược sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bố mẹ, cô giáo và cả cộng đồng khi cuộc sống đã ngày càng ấm no, hạnh phúc, những đói nghèo xưa của cha ông đã đi vào cổ tích.
Như một sự bổ sung cho Phùng Cù Sân, cũng viết về đất và người Sìn Hồ nhưng cây bút nữ Bùi Thị Sơn lại khai thác theo chiều hướng khác. Là một cô giáo vùng đồng bằng quê vải Thanh Hà, Hải Dương, trở thành cô giáo vùng cao Tây Bắc, rồi gặp chàng “trai rừng” đất Sìn Hồ, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, Bùi Thị Sơn yêu và gắn bó với đất và người Sìn Hồ như quê hương thứ hai của mình. Nữ tính, hồn hậu, kết hợp cái mộc mạc, dễ thương của con người miền núi với chất tinh tế, đa cảm và nhạy cảm của cô gái miền xuôi, ngòi bút Bùi Thị Sơn đã thu hút được cảm tình người đọc với những nét rất riêng, không lẫn với bất kỳ ai. Cũng viết về một cán bộ người Dao sinh ra ở Sìn Hồ, trưởng thành có nhiều năm xa quê hương nhưng tình cảm sâu nặng, chân thành dành cho nơi chôn nhau, cắt rốn vẫn nguyên vẹn, thủy chung như chưa hề có sự chia xa, Bùi Thị Sơn không miêu tả trực tiếp mà khai thác sâu vào tâm tư của những đề tài phong phú người trong cuộc của những thế hệ già, trẻ khác nhau, tạo nên cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Bùi Thị Sơn dành nhiều trang viết của mình cho những người vợ, người mẹ, ttrong đó có những số phận không may mắn, phải gánh chịu bao nhiêu nỗi đau không thể nói thành lời, nhưng vẫn âm thầm vượt lên tất cả để sống, để khẳng định niềm tin sắt son với đời. Không hề nhắc đến bom đạn của chiến tranh nhưng những đau thương mất mát và hệ lụy nặng nề của nó vẫn hiện diện, đè nặng lên những số phận con người của nhiều thế hệ, đặc biệt với những phụ nữ dân tộc ít người sống ở nơi xa xôi hẻo lánh dường như cách biệt với cộng đồng. Tâm hồn đa cảm của Bùi Thị Sơn còn khiến người đọc chia sẻ, cảm thông khi viết về những yêu thương, giận hờn, cả “những giọt nước mắt đời không thấy” trong đời sống vợ chồng, tưởng như rất ấm êm, hạnh phúc, để rồi khi được gỡ bỏ, tình yêu của họ càng thêm thắm thiết, chân thực hơn.
Phùng Hải Yến là thế hệ thứ hai trong gia đình và thật thú vị, Hải Yến sinh ra như để tiếp nối cả tình yêu thương, ước muốn, và năng khiếu bẩm sinh của cha mẹ với nghề viết.
Sinh năm 1985, được học hành, đào tạo bài bản, là một nhà báo trẻ chưa đầy 30 tuổi, cùng với nhiều bài báo sắc sảo, Hải Yến đã có những sáng tác văn thơ trình làng được người đọc chú ý. Phần đóng góp trong tập sách này, Hải Yến có cả truyện ngắn và phần tản văn với đề tài phong phú về đất và người Sìn Hồ như những bó hoa giàu hương sắc dâng tặng quê hương. Với cái nhìn trong sáng, hồn nhiên nhưng say mê, khao khát tìm hiểu, khám phá, Hải Yến đã tạo ra cái nhìn mới mẻ, trẻ trung với tất cả những gì là nét đẹp truyền thống của quê hương, từ cảnh quan thiên nhiên, những món ăn dân tộc độc đáo của vùng đất Sìn Hồ, những phong tục, tập quán từ bao đời vẫn được gìn giữ làm phong phú thêm tâm hồn, bản sắc dân tộc nơi đây mà ít nơi nào có được. Có cảm giác Hải Yến như một cây non đang sung sức, gắng cắm rễ sâu vào lòng đất mẹ để có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Nhờ bút pháp chân thực, trẻ trung, tươi mới nên cả những trang cuối sách viết về cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên đất Sìn Hồ hôm nay của Phùng Hải Yến vẫn chiếm được cảm tình và sự thuyết phục với người đọc, không hề khiên cưỡng.
“Sìn Hồ dấu yêu” tập sách của ba tác giả thuộc hai thế hệ trong một gia đình, đều là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, dù số trang còn khiêm tốn nhưng quả là món quà nhỏ nhưng quý, giàu ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Sìn Hồ.
Cách đây hơn 40 năm, tôi đã đến Lai Châu nhưng chưa có dịp được đặt chân lên Sìn Hồ nên cái tên Sìn Hồ từ trước tới nay đến với tôi vẫn nghe mịt mùng, xa lắc. Nhưng lạ thay, khi đọc “Sìn Hồ dấu yêu”, cảm giác xa lạ dường như không còn, thay vào đó, tôi có thể hình dung ra Sìn Hồ, cả thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, sông suối đến những con người thuộc các dân tộc anh em sống trên vùng đất này như đã gặp gỡ ở đâu đó, thân quen và yêu mến lạ lùng. “Văn học nghệ thuật là thiên nhiên thứ hai do con người tạo nên”. Ai đó từng nói như thế. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng viết: “Nơi ta chưa đi thì lòng sẽ đến”. Chưa đặt chân đến Sìn Hồ nhưng lòng tôi đã đến qua những trang viết của “Sìn Hồ dấu yêu” cùng với những tác giả khác.
Nhà thơ dân tộc thiểu số rất nổi tiếng của Liên Xô, Raxun Gamdatốp đã viết rất hay về xứ sở Đaghextan nhỏ bé của mình được người đọc cả thế giới hâm mộ, từng nhắc nhở: “Con suối nhỏ chảy ra tới biển, nhìn thấy trước mình là khoảng không xanh thẳm bao la và hòa mình vào khối nước màu xanh vĩ đại ấy, chớ nên quên con đường nhỏ, dài, gập ghềnh sỏi đá mà nó đã phải trải qua”.
“Sìn Hồ dấu yêu” là những trang viết nhắc ta điều đó.
Nha Trang, Mùa Thu 2012
Nguyễn Gia Nùng
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam).

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

XUÂN MUỘN


Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn (đăng lại)
Thi sĩ giật mình tỉnh giấc. Quờ tay sang bên trái, chẳng thấy nàng đâu. Quờ tay sang bên phải, cũng chẳng thấy nàng đâu. Mùi chè ướp hương nhài vẫn thoang thoảng đâu đây. Chiếc rèm cửa bằng lụa tơ tằm vàng óng lay lay như bóng dáng người đẹp còn lẩn khuất hư hư thực thực...
Đã nhiều người đẹp lưu lại thư phòng này. Đó là những người hâm mộ thơ tình của ông suốt nửa thế kỷ qua. Họ đọc thơ ông - hồi hộp, run rẩy. Họ kiếm tìm mọi lý do để được gần ông - Từ lúc ông còn là thi sĩ có mái tóc bồng bềnh cho đến khi mái tóc ngả màu muối tiêu. Họ là những cô tiểu thư khuê các, mộng mơ của một thời quá vãng, người giàu có sang trọng như một mệnh phụ phu nhân, người là vợ của một vị tướng oai phong lừng lẫy, đánh đông dẹp bắc. Họ không thoả cơn khát tình với những ông chồng đạo đức sáng ngời hay những ông chồng võ biền "dùi đục chấm mắm cáy". Họ muốn tìm ở ông hơi thở nồng nàn quyến rũ, họ muốn được yêu, được sống hết mình... Đến thư phòng của ông còn có những cô sinh viên mơ mộng. Họ tôn thờ, thần tượng là ông, sẵn sàng sống với ông từng giờ từng phút theo một triết lý sống:
"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt
trăm năm".
Có lần, vô tình những người hâm mộ "đụng độ " nhau. Cô sinh viên trẻ lễ phép:
- Chào bà ạ!
Tiếng "ạ" kéo dài như mỉa mai, khinh bỉ... Rồi cô quét ánh nhìn soi mói lên mái tóc phi dê đã nhuộm lại, bộ ngực căng mẩy giả tạo nhờ độn thêm mấy lần "mút", bộ mặt bự phấn của người đàn bà đã qua thời "vàng son" - một cái nhìn đầy ác ý. Người đàn bà không phải tay vừa, nàng đánh nửa con mắt qua mặt "con chíp hôi", rồi quay lại thi sĩ với cái nhìn tình tứ, mơ màng và giọng nói nhẹ như cơn gió thoảng:
- Anh còn nhớ bài thơ tình đầu tiên anh tặng em dưới rặng liễu ven Hồ Tây không?
Thi sĩ vốn nhạy cảm, không muốn mất lòng ai. Chàng nhìn cô sinh viên trẻ măng với ánh nhìn của người anh cả - thân thương, trìu mến nhưng nghiêm nghị, xa cách:
- Trang Trang vào thư phòng đi! Thầy tiễn khách rồi sẽ quay lại trao đổi tiếp vởi em về chủ đề hôm qua.
Rồi chàng quay sang "người đẹp quá vãng":
- Hoài Thi về nhé! Nếu thu xếp được, tôi sẽ đến thăm vợ chồng bạn vào một ngày gần nhất".
Lời nói nhẹ nhàng, chuẩn mực không thể trách cứ vào đâu được...
Đó là lần đầu "đụng độ" nhau khi họ mới tìm đến hoặc gặp lại thi sĩ. Họ đi tìm và ngộ nhận cái "nửa kia đích thực" của mình...
* * *
Lần thứ hai... Trang Trang trong bộ đồ quần ống típ trắng, áo phông hồng, trẻ trung, hiện đại, nhảy chân sáo từ thư phòng thi sĩ bước ra... Bình minh vừa nhô lên - khoảng không gian bừng sáng, chan hoà ánh nắng. Nàng nhẹ nhàng cúi xuống khóm hoa hồng nhung, đặt môi hôn hờ lên cánh hoa đỏ thắm, khe khẽ nhắm mắt lại tận hưởng mùi hương hoa nồng nàn quyến rũ... Tai nàng còn văng vẳng lời thơ đắm say, mãnh liệt: "Hôn thật khẽ, thật êm. Hôn êm đềm mãi mãi. đã hôn rồi hôn lại. Như nghiến nát bờ em."Bỗng nàng rùng mình, khìn khịt mũi đánh hơi - mũi nàng tinh như mũi chó sói. Nàng nhận ra mùi nước hoa ngoại đắt tiền của kẻ "tình địch". Nàng mở mắt ra, sa sẩm mày mặt khi thấy người đàn bà “cập kề” tuổi năm mươi trong bộ đồ mỏng tang màu hoàng yến ôm sát những đường cong gợi cảm (đường cong thật hay là thủ thuật của đám đàn bà nhờ chồng mà xài tiền như nước?). Rất bản lĩnh, nét mặt nàng trở nên ngây thơ, trong sáng. Nàng lễ phép thưa rằng:
- Chào bà! Bà lại đến nghe thơ đấy ạ! Cháu phải về lên giảng đường học. Bà cứ ở lại đàm đạo văn chương với thầy nhé !
Sáng nay, Trang Trang vui lắm. Như thường lệ, nàng dậy từ lúc năm giờ sáng để chạy bộ cùng hai cô bạn gái trong ký túc xá. Ngọn gió mát lành lùa vào chân tóc, mái tóc thề ngang vai tung tẩy bay bay theo nhịp chạy. Đôi gò vú tròn lẳn, chắc nịch như hai nắm xôi cũng dâng lên hạ xuống theo nhịp chạy. Nàng vừa chạy vừa hít sâu lồng ngực để luồng không khí trong lành thấm tận vào từng đường gân thớ thịt. Đột nhiên, nàng nhớ đến thi sĩ cô đơn có cặp mắt mơ màng và mái tóc bồng bềnh vương trên đài trán... Nàng lừa hai đứa bạn, cố tình chạy chầm chậm, rồi bất ngờ đến khu đường ngoặt, nàng lao chạy như điên đến hiên nhà thi sĩ. Ông ngạc nhiên khi nghe tiếng đập cửa uỳnh uỳnh, rồi cô trò nhỏ lao sập vào ông, đổ oặt cái thân mình mềm mại nóng hôi hổi lên vai ông. Ông nhẹ nhàng hỏi:
- Trang Trang! Em làm sao thế ?
- Không sao đâu thầy ạ! Em rất, rất vui. Và tự nhiên em nhớ đến thầy...
Thi sĩ thoáng rùng mình. Vì cảm động? Vì bất ngờ? Vì sao nữa? Ông biết cô bé mười tám tuổi xinh đẹp ngây thơ này đã khiến bao chàng sinh viên và các ông thầy trẻ xao xuyến mất ăn mất ngủ mà cô dửng dưng vô cảm chẳng muốn nhìn đến ai. Ông thì đã ngoại lục tuần với biết bao cay đắng trên tình trường. May mà ông có được cái tài nên tổ chức cứ níu kéo ông ở lại giảng dạy cho các sinh viên văn khoa thêm một vài năm nữa. Tình cảm của cô bé mộng mơ này cũng chỉ là tình cảm bồng bột nhất thời như những cô bé lớp đàn chị của cô. Tốt nhất là nên tạo ra một khoảng cách an toàn để cô bé khỏi vỡ mộng sau này và cũng để trái tim mình đừng thêm một lần nữa rỉ máu. Ông nhẹ nhàng nâng đầu cô ra khỏi bờ vai xương xẩu của mình:
- Bình tĩnh nào cô bé! Em trở về lên lớp học đi! Đừng trêu đùa lão già này nữa.
- Không! Em không phải là cô bé. Em mười tám tuổi rồi. Thầy cũng không phải lão già. Thầy còn độc thân và tâm hồn thầy còn rất trẻ. Em đã đọc hết các tập thơ tình của thầy - Em ngưỡng mộ thầy và em yêu thầy thật lòng.
- Thôi nào, cô bé, về lên lớp học đi. Rồi có ngày em sẽ thấy ân hận.
- Em không ân hận. Em muốn được thầy hôn...
Để chiều lòng cô bé và cũng không cưỡng nổi lòng mình, thi sĩ nhẹ nhàng ôm cô bé, nâng mặt cô lên và hôn vào giữa trán cô. Cô mỉm cười sung sướng:
- Em cám ơn thầy! Em lên lớp đây!
Cô đem theo cả hơi thở ấm áp và nụ hôn phớt nhẹ, không gợn chút dục tình của thần tượng lên lớp ...
Hoài Thi nhẹ nhàng len qua luống thược dược đỏ thắm, khe khẽ cất tiếng chào từ sau lưng thi sĩ :
- Anh ạ !
Thi sĩ đang mải miết nhìn theo một cánh én chấp chới phía trời xa, khẽ rùng mình thảng thốt:
- Em đấy ư ?
Giọng nói chàng nhẹ bẫng như trôi từ một cõi hư vô nào đến. Đôi gò má chàng phơn phớt hồng tựa hình ảnh chàng cách đây bốn mươi năm về trước. Hoài Thi chợt hiểu ra: Chàng xúc động nhường ấy - đương nhiên trái tim chàng lại thêm một lần nữa run rẩy: "Lại một lần nữa ta mất chàng - Cái con bé chíp hôi có gương mặt bừng sáng, ngây thơ, thánh thiện và giọng nói ríu rít như chim... nó đã kịp làm xiêu lòng chàng... ừ mà cũng tại ta... Hồi ấy ta còn trẻ trung xinh đẹp, biết bao kẻ vây quanh... Chàng thi sĩ nghèo nhưng có trái tim nhạy cảm, nhân hậu... Giờ thì ta đã có rất nhiều: Nhà cửa, tiện nghi, chồng thành đạt, con trai con gái khôi ngô, xinh đẹp, học hành giỏi giang... Ta chỉ thiếu một trái tim yêu thương nồng nàn quyến rũ, có đốt đuốc đi tìm dưới gầm trời này cũng chẳng tìm nổi người thứ hai như chàng... Khi ta tìm gặp lại chàng - chàng không hề oán trách nhưng lịch thiệp tạo ra khoảng cách... Chẳng có lẽ ta chẳng là gì trong mắt chàng?". Hoài Thi bỗng cảm thấy chóng mặt, mắt hoa lên, nàng luống cuống vịn vào cây thuỷ trúc có dây hoa sao mỏng mảnh, đỏ tươi như máu quấn quanh rồi từ từ quỵ xuống... Chân nàng vô tình đá phải chiếc ô doa đặt cạnh cây thuỷ trúc khiến nó lăn lông lốc và phát ra tiếng kêu lọc cọc. Thi sĩ giật mình quay lại, chàng vô cùng hoảng hốt khi nhìn thấy Hoài Thi gần như trong trạng thái bất tỉnh. Chàng xốc Hoài Thi vào thư phòng, lấy khăn mặt dấp nước âm ấm đặt lên trán nàng, lấy dầu gió xoa khắp cổ, tay cho nàng. Chàng ý tứ không nhìn xuống khuôn ngực trần sau lần áo mỏng tang... Một lát sau, Hoài Thi từ từ mở mắt... Nàng nhìn không chớp vào bức tranh thiếu nữ treo trên tường với khuôn mặt đẹp thánh thiện như Đức Mẹ Đồng Trinh và chợt nhớ ngày xa xưa thi sĩ cũng từng gọi mình như thế! Nàng quay sang nhìn thi sĩ nồng nàn đắm đuối, đôi mắt đen ngời sáng dưới đôi hàng mi cong vút không chớp... Ký ức ùa về ào ạt - đã bao đêm chàng vấn vương mơ tưởng đến con người này, giờ nàng đã hiện ra bằng xương bằng thịt ngay trước mắt chàng - không mơn mởn, ngây thơ, e ấp như mấy mươi năm về trước mà từng trải, đằm thắm, tự tin, quyến rũ... Chàng từ từ cúi xuống hôn lên mắt nàng - đôi mắt long lanh, diễm lệ... Hoài Thi mơ màng tận hưởng nụ hôn thần tiên mà người tình trong mộng ban tặng cho nàng. Nàng lim dim đôi mắt đẹp, như nấn ná, như khích lệ, như chờ đợi một điều gì nồng nàn hơn thế nữa...
Tiếng chuông đồng hồ đổ dồn. Thi sĩ như bừng tỉnh. Chàng vò đầu, gãi tai như một cậu bé có lỗi:
- Hoài Thi về nhé! Xin lỗi em,mình phải lên lớp tiết bốn...
Hoài Thi ngước đôi mắt đẹp ầng ậng nước, cất giọng giận dỗi:
- Vâng... Thầy có việc thầy cứ đi, em sẽ về ngay, không làm mất thời giờ của thầy...
* * *
...Lần thứ ba...Trang Trang mặc áo đầm màu hồng phấn, hai bím tóc nhỏ xíu như đuôi chồn ngoe nguẩy. Nàng cầm trên tay tập thơ tình như một vật trang sức, một cái cớ đến gặp ông thầy khả kính của mình... Nàng tinh nghịch huýt sáo một bản tình ca với âm điệu vui tươi, nhí nhảnh của thảo nguyên mênh mang xa vắng... Suýt nữa nàng va phải Hoài Thi khi bà này từ thư phòng thi sĩ bước ra, đôi mắt ngấn lệ tràn trề thất vọng...
- Chào bà! Sao bà về vội thế? Bà nán lại một chút cùng thầy và cháu thưởng thức một ly cà phê Ban Mê mẹ cháu vừa gửi ra, bà nhé!
Trang Trang vẫn tỏ thái độ lễ phép, lịch thiệp mà cao ngạo của một người tự ý thức được thế mạnh vượt trội của mình so với đối phương... Thấy bà này gật đầu, rảo bước như trốn chạy, như thất bại, nàng cảm thấy vừa đắc ý vừa thương hại bà ta... Nhưng rồi nàng lại nghĩ: "Bà ta có kinh nghiệm trên tình trường - có thể lần này bà chưa chinh phục được thầy, nhưng biết đâu được...". Cô nữ sinh mơ mộng đã học lỏm được vài chiêu trói buộc người tình qua các trang tiểu thuyết vừa đọc... Nhưng cô đã lầm. Người thất bại thảm hại lại chính là thần tượng của cô - Hoài Thi chỉ là người thất vọng trước sự thực phũ phàng...
"Ta khác!". Trang Trang kiêu hãnh nghĩ và yểu điệu lướt qua trước thầy. Thi sĩ xua tay, đôi mắt tuyệt vọng như con thú bị thương:
- Em về đi! Về đi! Tôi mệt.
Trang Trang tối sầm mặt mũi:
- Chỉ vì người đàn bà kia ư, thầy?
Thi sĩ uể oải lắc đầu... Trang Trang đành lặng lẽ bước khỏi thư phòng...
Biết tin thi sĩ ốm, Trang Trang còn mua hoa quả đến thăm ông hai lần nữa. Tự tay nàng bóc cam mời ông ăn, ông cũng chỉ buồn bã lắc đầu. Lòng tự ái của cô gái trẻ đẹp bị tổn thương, nàng nghiêng mình kính cẩn:
- Chào thầy!
Rồi lặng lẽ ra về, bụng bảo dạ: "Ta quý tài văn chương, ta yêu tâm hồn chàng và ta cũng muốn chàng hết mình với ta. Xung quanh ta thiếu gì chàng trai trẻ ve vãn, tán tỉnh..."
* * *
Sau hơn tuần nghỉ ốm, thi sĩ lên lớp với bộ mặt gầy sọm, râu ria sợi đen sợi trắng đua nhau mọc tua tủa. Ông cố tránh không để ý đến Trang Trang nhưng nàng lại cố tình cười nói lả lơi với mấy chàng sinh viên trẻ măng như cố tình chọc tức ông... Thời gian sau, ông nghe tin nàng... chửa hoang, chẳng biết với ai nữa, nhà trường đang họp hội đồng kỷ luật để xử lý nàng, răn đe làm gương cho kẻ khác. Nàng phớt đời, ngạo nghễ đi giữa mọi người với chiếc bụng lùm lùm sau lần áo mútxôlin mỏng tang màu hoàng yến... Một lần, nàng cố tình đợi ông đi ngang qua và nói rất nhanh:
- Tất cả là tại thầy, thầy làm em vỡ mộng.
Nước mắt nàng lã chã tuôn rơi. Mặc dù biết lời trách cứ đó là vô lý (ông có bao giờ hứa hẹn làm cho nàng nuôi hy vọng đâu) nhưng ông vẫn cảm thấy xót xa, thương nàng vô hạn.
Dạo này thi sĩ cũng hay gặp Hoài Thi. Nàng luôn sánh đôi bên chồng trong những buổi đi xem hoà nhạc hoặc đi dạo trên đường phố, xem ra rất tình tứ và ngập tràn hạnh phúc. Ông chồng võ biền "dùi đục chấm mắm cáy" giờ đã đeo lon đại tá và có phần bệ vệ hơn trước. Nhìn thấy thi sĩ từ xa, Hoài Thi chủ động khoác tay chồng và đon đả chào chàng trước:
- Lâu rồi không gặp anh. Anh vẫn khỏe chứ ạ? Sao anh lại đi có một mình?
Thi sĩ lịch sự bắt tay người chồng và đáp lại qua quýt... Chàng biết rõ Hoài Thi đang đóng kịch. Nàng lừa chàng, lừa chồng, lừa mọi người và tự lừa dối chính mình. Cuộc sống giàu sang trong nhung lụa không làm nàng hạnh phúc. Thi sĩ nhận rõ điều đó qua ánh nhìn mỉa mai, khiêu khích, oán giận, trách móc của nàng. Trái tim đa cảm của chàng lại ngập tràn thương xót: "Cuộc đời mỗi người có một nỗi khổ riêng - ta thương nàng nhưng chính ta - chính ta là con người bất hạnh nhất "... Chàng lừ đừ bước vào phòng tắm. Tự ngắm mình trong chiếc gương lớn treo đối diện bồn tắm, chàng buồn rầu nhận ra những vết chân chim hằn trên mí mắt: "Ôi! Ta đã già, ta đã già thật rồi !" Chàng uể oải, hờ hững cởi bỏ bộ đồ ngủ kẻ sọc xanh trắng, tự nhìn ngắm thân thể mình trong gương: "Vòm ngực, bắp tay ta vẫn còn săn chắc - đó là do ta làm việc, sinh hoạt điều độ và tâm hồn ta còn rất trẻ - Chàng tự nhủ - Đàn bà, con gái vẫn mê thơ tình của ta". Đôi mắt chàng đang từ từ đảo xuống phía dưới phần bụng trắng hồng, thon lẳn bỗng ngây đờ ra, đau đớn tột độ: "Trời ơi! Sao lúc nào nó cũng tím tái, ủ rũ, u buồn đến vậy? Tất cả là tại nó... tại nó... tại nó. Ta đâu phải là đức thánh như các bà, các cô từng nghĩ, từng rỉ tai nhau trong những lúc thất tình ê chề. Ông trời thật bất công hay thật công bằng khi cho ta tâm hồn đa cảm, tài thơ thiên bẩm nhưng lại không cho ta hạnh phúc được hưởng thú vui trần tục như mọi người đàn ông bình thường khác? Tại sao? Tại sao lũ đàn bà, con gái đều ỏn ẻn nói rằng mến tài thơ của ta, yêu tâm hồn ta nhưng khi thấy ngoài nụ hôn nồng nàn say đắm ban tặng họ, ta không thể tiến xa hơn được nữa - họ sẵn sàng bỏ rơi ta? Chẳng lẽ họ chú trọng đề cao nhục dục đến thế?". Bực mình, chàng khoác hờ chiếc khăn tắm lên mình rồi ra ngồi bàn viết, quyết định không tắm nữa:
"Đến bao giờ ta mới gặp được em?
Người con gái đoan trang không màng danh lợi
Nàng yêu ta ở phần hồn thánh thiện
Không cúi mình trước nhục dục tầm thường..."
Viết đến đó, nước mắt chàng trào ra - nỗi buồn thầm kín này chỉ riêng chàng tỏ: Khó tìm lắm - chàng lẩm bẩm một mình rồi gục xuống bàn, thiếp đi...
* * *
Người thiếu phụ trong bộ đồ tơ tằm trắng muốt nhẹ nhàng bước đến bên chàng cất giọng chế giễu:
- Này thi sĩ! Đường đường là một đấng nam nhi mà chàng phải đau buồn vì một việc cỏn con đó sao? Có gì uẩn khúc ở trong lòng, chàng cứ viết ra để giải toả...
Chưa có một người đàn bà con gái nào dám nói với chàng bằng cái giọng vừa thân mật vừa kẻ cả như thế. Chàng dụi mắt, sững sờ trước vẻ đẹp phồn thực hiển hiện trên tấm thân tròn lẳn, những đường cong gợi cảm của người đàn bà đang ở giai đoạn sung mãn nhất. Chàng thi sĩ đa tình yêu cái đẹp - đơn giản là như thế... Bắt gặp cái nhìn giễu cợt, đầy vẻ khiêu khích từ đôi mắt to tròn ẩn dưới bờ mi cong vút, chàng ý tứ lảng cái nhìn sang tủ sách treo đối diện chiếc giường ngủ của mình:
- Nàng là ai? Cớ sao nàng lại biết rằng ta đang buồn ?
- Em là người cũng yêu thơ như chàng. Thơ chàng hay vì nhiều lẽ nhưng trước hết và trên hết chàng dám nói thật những rung động lòng mình ở cõi tâm tư sâu lắng nhất - Người nhất. Một số kẻ khác - cái bọn cơ hội, đạo đức giả ấy lớn tiếng chê bai thơ chàng chỉ biết đi sâu khai thác cái tôi nhỏ bé mà không nói được cái lớn lao, tầm vóc... Có phải ai cũng có đủ tâm và đủ tầm để nói những vấn đề lớn lao đó đâu - mà nói được cái tôi để bao người đọc cảm được cái ta trong đó cũng đáng quý lắm rồi... Mà chàng buồn, em cảm nhận được bởi "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" mà...
Thi sĩ ngạc nhiên, cất giọng nhẹ nhàng bảo nàng rằng:
- Nàng chắc mới ba mươi tuổi. Ta sáu mươi tuổi rồi. Thôi. Ta cứ gọi nhau bằng anh em cho thân mật nhé! Nào! Mời em ra ngoài ban công uống chè, thưởng nguyệt và cùng đàm đạo văn chương.
Chàng giơ bàn tay phải ra - rất sành điệu, lịch lãm mời nàng đi trước. Nhưng nàng ý tứ lùi lại phía sau và cất tiếng cười thật trong trẻo:
- Em cười anh điều gì đấy?
- Không! Không phải em cười anh. Em vui vì trong mắt anh, em trẻ thêm mười bốn tuổi. Thực ra thì... em đã bốn mươi tư tuổi rồi đấy!
Lúc ấy, chàng đang pha trà, lúng túng suýt nữa đánh rơi cái chuyên màu cánh gián... Hai người nhìn nhau thiết tha tình tứ. Rồi họ say mê nói chuyện văn chương đông tây kim cổ, tâm đầu ý hợp. Chàng tò mò muốn biết nàng là ai? Nàng từ đâu đến nhưng lại e ngại nàng sẽ cho mình là người khiếm nhã, chàng khôn khéo gài những câu hỏi xen vào việc bình phẩm thơ ca. Ai dè vớ phải cao thủ. Nàng kỳ lạ thật! Vừa mơ màng lãng mạn, vừa tỉnh táo, thông minh, mẫn tiệp.
* * *
Gà gáy canh ba. Nàng nhìn chàng khắc khoải, đắm đuối:
- Em phải đi rồi. Vĩnh biệt anh! Gặp được anh, em thật hạnh phúc!
Chàng giật mình như rơi từ cõi hư vô xuống, miệng lắp bắp vụng về:
- Chưa... nàng chưa đi được đâu! Ta đã biết nàng là ai và từ đâu đến đây...
Chàng liều lĩnh giang tay định ôm nàng thì đột nhiên bóng hình thướt tha, kiều diễm ấy biến mất đường đột như khi vừa xuất hiện. Chiếc rèm cửa vẫn lay lay phơ phất. Mùi hương thơm thoang thoảng là mùi hương của hoa hay hương của nàng? Thi sĩ chới với đứng dậy, từ từ tiến về phía cửa buồng - nơi treo bức tranh nữ sĩ họ Hồ chàng thường ngưỡng vọng. Chàng lạnh toát sống lưng khi nhận ra người thiếu phụ đêm qua đàm đạo văn thơ cùng chàng chính là nữ sĩ họ Hồ - một người đã từng được người đời ca tụng hết lời về tài năng văn chương thơ phú và cũng không ít người coi văn thơ của nàng là loại dâm thư - sản phẩm của một người đàn bà nổi loạn. Chàng đã có nửa đêm bên nàng trong mối tình thiêng liêng trong sáng, yêu nhau vì đức mến nhau vì tài, không gợn chút nhục dục. Nàng không có vẻ đẹp rực rỡ, hồn nhiên như Trang Trang; nàng cũng không có vẻ đẹp si mê, quyến rũ đa tình của Hoài Thi. Vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp thánh thiện của một tâm hồn thanh cao, biết mình biết người, không ỷ tài cậy sắc mà đỏng đảnh, xem thường người khác; trân trọng con người nhưng không tỏ ra nhún mình quỵ luỵ... Thi sĩ thở dài: "Có lẽ chính vì điều đó ta yêu nàng muốn phát cuồng". Chàng đưa tay mân mê từng đường nét trên bức tranh, ngỡ ngàng khi nhìn thấy từ đôi mắt đen huyền thông minh sắc sảo kia hai giọt lệ to tròn tuôn rơi. Chàng hôn rất lâu vào đôi mắt, hôn đến đôi môi chúm chím như nụ hoa hàm tiếu của nàng. Kỳ lạ chưa, thân hình nàng trong tranh run rẩy... chàng cảm được hơi ấm từ cơ thể người thiếu phụ trong tranh như một người đàn bà bằng xương bằng thịt. Một thoáng rùng mình. Lần đầu tiên trong hơn lục tuần sống trên dương thế, chàng cảm thấy khát khao cuồng nhiệt. Như từ trong vô thức, đôi môi tham lam của chàng vục xuống khoảng thung lũng giữa đôi gò bồng đảo. "ùm!" Bức tranh đổ ập xuống người chàng. Thi sĩ mê man, bất tỉnh...
* * *
Sáng hôm sau... Tiết hai trống giờ học về thơ. Cả lớp buồn vì vắng bóng thầy. Buổi trưa, đám sinh viên mua đường sữa, hoa quả vào thăm thầy thì nhìn thấy thi sĩ nằm ngửa bất động. Bức tranh nữ sĩ họ Hồ, người đàn bà nổi tiếng ra đời trước chàng hơn thế kỷ đổ ụp lên thân thể chàng. Nhấc bức tranh ra, mọi người đều sửng sốt khi nhìn thấy từ đôi mắt người quá cố mở to, long lanh hai giọt nước mắt hạnh phúc muộn mằn... Đôi môi chàng phảng phất nụ cười đắm say, mãn nguyện...

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

BẢN HỦI

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Gái Núi kính chúc các thầy,các cô giáo về hưu và đương chức luôn có một sức khỏe dồi dào, lạc quan yêu đời và hạnh phúc nhé!
Gái Núi xin gửi lên trang một truyện ngắn của con gái mình- nhà báo Phùng Hải Yến- sinh năm 1985-phóng viên Tòa soạn Báo Lai Châu, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc Thiểu số Việt Nam.
BẢN HỦI
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Khi Xoàn giơ tay lên góc trái của bảng để ghi sĩ số lớp, cô cảm giác hụt hẫng ở ngón cái và ngón trỏ. Đảo mắt nhìn xuống, Xoàn hét lên: cô nhìn thấy những ngón tay búp măng cùn cụt ở đầu móng. Những mẩu thịt ton hon đang run rẩy cố nắm thật chắc viên phấn. Xoàn tức tưởi chạy khỏi lớp, bỏ lại phía sau ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của học sinh. Xoàn lao vào nhà bếp tìm con dao, hai nhát cứa vào ngón trỏ làm máu nhuộm đỏ mắt Xoàn, nhưng cô không thấy đau.
Ánh mắt ráo hoảnh, Xoàn lặng lẽ bước vào căn phòng nhỏ với những đồ đạc giản đơn. Lặng lẽ thay chiếc áo trắng mà trước khi ra trường cô đã mua để mặc trong cuộc hẹn với bạn trai. Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ. Thời còn là một nữ sinh sư phạm, cô đâu biết có những bản nhỏ cheo leo vách núi như nơi cô được cử đến dạy. Xoàn khẽ nằm xuống giường, nước mắt ứ tràn qua má. Cái lưng còng của mẹ; dáng ngồi hút thuốc lào, xóc tổ tôm của cha;
cái quần xộc xệch của thằng em út; dáng con trâu với cái cày liêu xiêu trong nắng chiều đồng quê… ùa vào tâm khảm cô. Lại cả ngày Xoàn chia tay với người yêu khi anh nhận quyết định ở lại thành phố. Sự khác biệt về gia cảnh khiến anh không đủ can đảm níu giữ cô, còn lòng tự trọng, tự ti của một cô gái nhà quê đưa chân cô theo hướng khác. Cứ thế, Xoàn nhớ lại hai mươi ba năm cuộc đời mình. Một cách quả quyết, cô liếc con dao cực sắc vào động mạch tay…
***
- Xoàn, Xoàn, con gái gì mà ngủ trưa cũng ú ớ, dậy đi chứ? Mồ hôi tứa khắp mặt này!
Xoàn ngồi bật dậy, ngơ ngác, rồi vội vã ôm chầm lấy chị Nhung:
- Không, không, chị ơi, em sợ lắm, trong mơ em cũng thấy mình bị lây hủi.
- Giữ mồm giữ miệng chứ. Chuyện cái Hoa xuống bản mua gà đen về bồi bổ cho chồng ốm rồi bị lây hủi làm mày sợ chứ gì? Ai cũng nghĩ như mày khéo cả trường này phải giải tán. Những đứa trẻ không bị hủi cũng thất học vì bản hủi này mất.
Xoàn lặng im, tay vân vê tà áo. Sự sợ hãi trong giấc mơ còn lẩn khuất ở đâu đó, nhưng cô không dám nói gì nữa. Bản hủi ở khá xa trung tâm xã, bước chân đầu tiên của cô tới đây, chị Nhung cảnh báo:
- Trông cũng xinh đấy! Nhưng em ạ, ở đây yêu cũng khó chứ đừng nói đến chuyện lập gia đình
Lúc ấy, Xoàn chẳng hiểu chị nói gì. Hai chị em ở chung trong căn phòng tập thể của trường. Dần dà, trong mắt Xoàn, chị Nhung giống như người chị cả, chị Nhung sắc sảo; chị Nhung yêu thương trẻ nhỏ trót sinh ra trong bản hủi, chị Nhung không chấp nhận số phận bằng cách yêu qua quýt, lấy chồng tạm bợ. Chị Nhung bảo:
- Ở lâu mày khắc hiểu.
Chỉ trong tháng đầu, Xoàn nhanh chóng quen với các anh chị dạy học cùng trường. Xoàn đặc biệt ấn tượng với chị Mai – cô gái dong dỏng có nước da sáng, đôi mắt nâu và khuôn miệng chín mọng ở phòng kế bên. Chị Mai dạy môn mỹ thuật và âm nhạc, “đã từng muốn mình là một diễn viên múa” - chị nhoẻn nụ cười chết người khi nói về mơ ước của mình. Hôm Xoàn sang phòng chị xin dầu gió xoa vào những vết đỏ loét trên chân, nghe Xoàn than thở, chị nhắc:
- Xứ này là xứ độc, bị ruồi vàng đốt phải vài ba năm mới lặn hoặc “đóng dấu” nham nhở sẹo trên chân đấy!
Chị Mai không dọa. Sau tháng đầu tiên dạy học Xoàn đã cất cả những cái áo sơ mi ngắn tay, những chiếc quần lửng gối. Có lúc đang đêm, Xoàn bật dậy, mở cái hòm gỗ, hay tay mân mê những bộ đồ không có cơ hội mặc cho đến khi tiếng càu nhàu của chị Nhung cất lên Xoàn mới lên giường ngủ tiếp. Trong mơ, Xoàn thấy mình mặc váy ngắn, tung tăng giày cao gót dạo phố cùng người yêu…
Sáng sớm, khi tiếng gà chưa tan, Xoàn trở dậy mặc chiếc áo sơ mi tay dài, quần dài đến gót chân xuống bản gọi học sinh đến lớp. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách đáng sợ nhất trong ngày của Xoàn. Gọi là bản hủi vì không có gia đình nào không có người hủi. Cũng không biết bản ấy đã hình thành từ bao giờ, tuy không bị ai xa lánh nhưng bản ở cách xã những mấy cánh rừng, mấy con suối; bản chứa nhiều ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác không hiểu sao ngón tay, ngón chân của cha mẹ chúng lại rụng như lá cây cơm nguội bên suối. Đến nhà học sinh nào Xoàn cũng được mời đến ngồi cạnh bếp lửa, Xoàn thật khó để quen với những gương mặt thiếu lông mày lông mi, chi chít nốt sần củ trên thịt da của những người trong bản. Khi cùng lũ trẻ tới trường với những tiết học bắt đầu muộn, Xoàn mới khẽ rùng mình.
Kỳ lạ là các cô, cậu bé sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị hủi lại rất lành lặn, mắt đứa nào đứa nấy trong veo, ánh nhìn lanh lợi; bàn tay bàn chân đủ ngón đủ móng tuy sần chai vì lao động sớm. Khi vuốt ve tay chúng, Xoàn thường nhớ đến cu Tí nhà mình. Những đứa trẻ nói giọng ngọng lơ ngọng líu với Xoàn. Ở gần chúng, Xoàn cũng bập bẹ học tiếng của dân tộc Mảng, hỏi cách dệt váy thổ cẩm, ăn thử món rau sắn và rêu mà chúng hớn hở mang đến làm quà cho cô giáo.
Điểm duy nhất Xoàn không thích ở chị Mai là khi có những anh chàng cán bộ người Kinh ở xã hoặc ở huyện xuống. Lúc ấy, ánh mắt chị sáng long lanh, hai má hồng rực, chị thường rủ Xoàn đi cùng sang nhà trưởng bản. Hai tay chị liên tục vuốt tóc, mắt liếc dọc liếc ngang. Xoàn đem chuyện về kể với chị Nhung, chị Nhung cười xòa:
- “Gái phải hơi giai… ” thôi kệ nó, con gái phơi phới mà rơi vào vùng này cũng chẳng biết làm sao. Cái Mai nó không yêu bộ đội biên phòng để cố mà bắt cưới như cái Huyền, không chịu lấy thằng trai Mảng khỏe như con ngựa đực, thì nó… cứ lả lơi thế thôi!
Trong giọng nói giả bộ lơ lớ của chị, Xoàn trở lại cảm giác ăn quả me tròn trên rừng, chát chua và có phần cay đắng. Những đêm chị Mai đưa khách về, Xoàn cố ngủ mà không ngủ nổi, bên kia giường, chị Nhung cũng trở trăn, lật mình, thở dài. Những người ấy cứ đến lại cứ đi, Xoàn thấy lạ vì chị Mai không cần có cảm tình với họ, cũng chẳng biết họ có luyến lưu nhiều với mình hay không. Dần dà, Xoàn cũng không hay nói chuyện với chị nữa, không chỉ mình Xoàn, dường như ở trường này ai cũng ác cảm ngấm ngầm không nói ra được, không đồng tình với cách sống của chị Mai.
Đó là một buổi chiều đông giá, chị Huyền tóc tai xoã sượi lảo đảo chạy lên con dốc có ngôi trường nhỏ, trên tay bế đứa con gái chưa tròn bốn tuổi, chị gào thét điên cuồng. Cả khu tập thể nhỏ bé chợt nhốn nháo. Hỏi ra mới biết anh Thành chồng chị sau chuyến tuần tra biên giới về bỗng thấy nước mũi chảy nhiều, giọng nói khản đặc. Ban đầu chị tưởng anh bị xoang nên mua thuốc cho anh uống, sau rồi thấy tay chân anh dần co quắp, đoán đó là dấu hiệu của bệnh hủi nên chị sợ hãi chạy bổ ra khỏi nhà, mang theo đứa con chị yêu hơn chính mình. Chị chỉ mong đưa nó ra khỏi bản càng nhanh càng tốt. Chị không thể tưởng tượng người chồng mới hôm qua đầu ấp tay kề với mình sẽ dần bị trụi mi trụi tóc, rụng tay rụng chân. “Bốp” – cái tát của chị Nhung bất ngờ quá nên không ai kịp ngăn lại:
- Mày nghĩ thế nào mà định mang con đi, vợ chồng gắn với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa đấy! Hồi mới lên người ta bảo mày bị ma nhập vì khắp người nổi da rắn. Thằng Lanh là học sinh lớn nhất của cái trường này, nó thấy cô giáo khổ quá nên lần mò lên núi đá kiếm lá thuốc giã đắp cho đến khi đỏ thịt đỏ da thì mày quay sang có bầu để lừa anh chàng bộ đội biên phòng cưới. Nay lại bạc bẽo vậy mà được sao? Nói cho mày biết, bệnh phong không dễ lây vậy đâu, những đứa trẻ học ở đây có mấy đứa bị lây hả? Hôm nay là cuối tuần nên học sinh về hết, chứ hình ảnh một cô giáo thế này thì mất mặt quá!
Chị Huyền chết sững, Xoàn cũng chết sững. Trong lòng Xoàn dậy sóng, sợ hãi cúi mặt trước tuổi bốn mươi của chị Nhung. Khi ấy, Xoàn tự rủa mình hèn nhát khi bất đồ nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nơi tai họa luôn rình rập này.
Anh Vàng đến bản khi Xoàn vẫn còn hoang mang bởi chuyện của chị Huyền dù chị đã mang con trở về nhà, chăm sóc chồng tận tình trong đợt nghỉ phép, nghe tin sau đó anh khoác ba lô lên đồn biên phòng và ở miết trên ấy. Chị Huyền lên lớp giảng toán cho học sinh với đôi mắt rười rượi ngẫm suy, thằng Lanh thi thoảng len lén nhìn và thấy mắt cô Huyền đỏ hoe, rần rật nước mắt.
Xoàn quen anh Vàng ở ngoài suối, khi anh hỏi đường đến trường. Mắt một mí, mũi khoằm và môi mỏng – khuôn mặt tròn vo của anh chẳng ăn nhập gì với đường nét trên đó. Qua câu chuyện dọc đường về, Xoàn biết anh là cán bộ Phòng Lao động Thương binh Xã hội của huyện. Ngoài giọng nói ngọng nghịu gây mất cảm tình với Xoàn ngay từ đầu, khi trò chuyện, Xoàn còn không dám nhìn thẳng vào mặt anh vì sợ trí tưởng tượng của cô giáo dạy văn sẽ khiến cô phá lên cười vô ý tứ. Chị Mai xoay xoay cái gương tròn trên tay:
- Ba mươi hai tuổi, dân tộc Hmông thì đã làm sao, người ta làm ở huyện đấy!
Sau hôm đầu làm quen, Vàng mời Xoàn đi chơi. Ra bờ suối, đang hỏi chuyện gia đình, anh bảo:
- Chờ anh một lát.
Không chờ Xoàn trả lời, anh phóng vào lùm cây gần đó, quay lưng lại phía Xoàn “giải quyết”. Cái lưng của anh to và thô đập vào mắt Xoàn, đêm miền núi vắng lặng nên từ tiếng kéo phéc mô tuya đến tiếng khạc đờm trong cổ họng đều đập vào tai Xoàn. Choáng váng vì hành động phản cảm ấy nhưng Xoàn vẫn cố giữ phép lịch sự để không nhăn mặt bỏ về. Hôm sau, Xoàn cố ý tránh mặt anh ta, soạn giáo án và đi ngủ thật sớm.
Nửa đêm, tiếng rú thất kinh của người đàn ông vang từ phòng bên cạnh làm Xoàn tỉnh giấc, chị Nhung và Xoàn chạy bổ sang phòng chị Mai. Chị Mai ngước cái nhìn bị thương vào khoảng trống trước mặt, hai bàn chân buông thõng, những ngón chân ngun ngủn đã cụt hết móng, anh Vàng vơ vội cái chăn đắp lên tấm thân trần như nhộng, ấp úng:
- Thật là kinh khủng, cô ta…
Xoàn lặng đi khi thấy ánh mắt tê dại của chị Mai, ánh mắt ấy mãi còn ám ảnh Xoàn. Ánh mắt không thấy lại được vì ngay hôm sau chị đã biến mất, trên bàn lưu lại một lá thư:
“Mọi người mãi mãi không hiểu được sự kinh khiếp của em trong những ngày đầu mang căn bệnh này. Những giấc mơ què cụt khiến em thèm cảm giác được làm mẹ, có một đứa con dù với bất kỳ ai để khi chết đi rồi vẫn biết có một phần của mình còn tồn tại trên đời. Em tin là con em sẽ khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến lớp chúng ta. Em sẽ dạy nó học vẽ học nhạc, ngón chân nó sẽ có đầy đủ móng, lông mi rất cong, lông mày rất rậm, ngón tay nó búp măng và nó có thể múa…”
Những dòng thư của chị còn dài và ứa nước mắt. Khoảng trời trước mặt Xoàn sụp vỡ ở tuổi hai tư trưởng thành.

***
- Qua khúc cua tay áo này là bản ấy sẽ xa tít trong quá khứ, em đừng có khóc đến sưng cả mắt như thế chứ?
Xoàn nhìn Vàng, ánh mắt của anh ta kéo dài vệt chỉ, tia mắt rắn lạnh lẽo. Hình ảnh chị Mai nhàu nát chết bên nắm lá ngón không khiến anh ta nghĩ anh ta chính là một phần nguyên nhân ư? Chắc trước khi chết chị đã đau đớn đứt gan đứt ruột, đứt cả nghĩ suy, đứt niềm hy vọng? Xoàn xót đau nhìn chiếc xe lăn dần qua khúc cua.
- Dừng lại, tôi xuống.
Người lái xe gằn giọng:
- Vàng, cậu lại làm chuyện gì thế này? Xe của cơ quan cần về đúng giờ để còn xuống tỉnh dự hội nghị.
Tuy nói thế nhưng chiếc xe cũng dần khựng lại,. Xoàn kéo nắm chốt, nhảy xuống, cô xách túi hành lý chạy ngược về phía con đường bụi mù, đằng sau là tiếng của Vàng:
- Cô điên rồi, cô sẽ hối hận, đời cô sẽ chìm trong cái bản hủi ấy.
Xoàn không nghe thấy bất kỳ lời nào của gã đàn ông ném theo, khoảng trời trước cô là những ánh mắt học trò lung linh, chấp chới. Những ánh mắt như cánh bướm, nó sặc sỡ đủ màu, nó sẽ bay xa và sẽ bay cao…

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

“THIÊN THẦN VÀ ÁC QUỶ” HAY LỜI TẠ TỘI MỘT TÌNH YÊU?


Đến với bài thơ hay:
THIÊN THẦN VÀ ÁC QUỶ

Tôi nợ em
một bài thơ
không bao giờ viết nổi
Tôi nợ em
mùa loa kèn
Khi tháng tư đi rất vội
Tôi nợ em
Bởi lời hứa đầu môi
Khi yêu thương
em đã trót trao tôi
Em - thiên thần
mơ hạnh phúc lên ngôi
Tôi ác quỷ trộn đam mê vào tối
Em - người đàn bà
Tin cả lời nói dối
Nên từng đêm
Nước mắt đắng tràn môi
Bóng em đen
trên tường trắng mầu vôi
Giấc ngủ quay lưng nỗi đau trinh tiết
Em - người đàn bà
đêm đêm đào huyệt
Liệm ước mơ
trong áo váy thiên thần

( Trần Sương Mai)
Bài bình của Bùi Thị Sơn:
“THIÊN THẦN VÀ ÁC QUỶ” HAY LỜI TẠ TỘI MỘT TÌNH YÊU?
Tình yêu nam nữ là một trong những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ nhất mà tạo hóa đã ban tặng loài người. Ở mỗi nơi, mỗi lúc, các cung bậc tình yêu được thể hiện dưới những hình thức khác nhau nhưng điểm chung nhất từ cổ chí kim, từ đông sang tây: Đó là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn đồng điệu không phân biệt tuổi tác, địa vị sang hèn trong xã hội. Đó là sự rung động của con tim ngập tràn thương mến, khao khát cho và nhận. Tình yêu chân chính không có chỗ cho sự giả dối, cơ hội, lừa lọc lên ngôi.
Bài thơ “ Thiên thần và ác quỷ” của Trần Sương Mai thì khác. Nhân vật trữ tình xưng tôi tự nhận mình là “ác quỷ” sám hối trước một người con gái ngây thơ, thánh thiện như “thiên thần” đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho mình.
Mở đầu bài thơ là điệp ngữ “tôi nợ em” dược nhắc đi nhắc lại tới ba lần:
“Tôi nợ em
một bài thơ
không bao giờ viết nổi
Tôi nợ em
mùa loa kèn
Khi tháng tư đi rất vội
Tôi nợ em
Bởi lời hứa đầu môi”
Thơ- giống như tình yêu- là kết quả sự rung động mãnh liệt của con tim nhưng người đàn ông ấy “ không bao giờ viết nổi” cho em “một bài thơ”. “Em” không hiện ra bằng hình hài vóc dáng nhưng đã lấp ló một vẻ đẹp tâm hồn. Trong khi xã hội nhan nhản những cô gái sống nhớp nhơ thực dụng “giá áo, túi cơm”, coi thơ ca là phù phiếm vô vị thì em chỉ ước ao được người mình yêu tặng một bài thơ minh chứng cho tình yêu anh ấy dành cho mình mà thôi! Em đâu có mơ tiền tài danh vọng ! Tội nghiệp cho em! Tình cảm hời hợt người ta dành cho em đâu đủ thăng hoa để “viết nổi”một bài thơ- dẫu chỉ là một bài thơ xoàng xĩnh, nhạt nhẽo !
Người đàn ông ấy nợ em cả “ mùa loa kèn khi tháng tư đi rất vội” bởi “lời hứa đầu môi”. Có lẽ đó là thời điểm hai cá thể- Thiên thần và Ác quỷ- đã hòa nhập thể xác làm một?
“Khi yêu thương
em đã trót trao tôi
Em - thiên thần
mơ hạnh phúc lên ngôi
Tôi- ác quỷ
trộn đam mê vào tối”
Hạnh phúc biết bao khi tình yêu thăng hoa lên tột đỉnh, hai người tự nguyện dâng hiến nhau hết thảy! Cũng bất hạnh biết bao khi tình yêu thánh thiện chỉ có từ một phía ! “ Em” - bởi cảm xúc yêu thương ngập tràn không kìm nén nổi nên “ trót trao" cho người ta cái quý giá nhất của đời người con gái. Dẫu đã trở thành “đàn bà” em vẫn là “thiên thần” bởi tình yêu của em vô tư hồn nhiên , thánh thiện lắm! Còn “tôi” thì sao? “Tôi” chỉ là tên “ác quỷ” đến với em bằng động cơ thấp hèn nhằm thỏa mãn thú vui nhục dục “… trộn đam mê vào tối”.
Viết về chuyện tế nhị, nhạy cảm bằng những câu thơ cô đọng, hàm ngôn, giàu hình tượng như thế, tôi cảm phục chị Trần Sương Mai đã biết tiết chế cảm xúc xót xa, phẫn nộ…làm chủ ngòi bút của mình để không sa vào kể lể, dung tục hóa một bi kịch tình yêu.
Cả tin, dại khờ, nông nổi luôn là điểm yếu của phụ nữ .Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã dành hẳn một tập thơ có tên là “Dại yêu” tập hợp chân dung những người đàn bà “dại yêu”: xưa là Xúy Vân, Mỵ Châu, Thị Mầu, Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương…nay là người đàn bà “lỡ chồng”với đứa con mang họ mẹ, một nữ sĩ “càng say càng gặp tình vờ”, một người em gái với đời riêng lấy “cái thất tình làm vui”…
Nhưng chính sự “dại yêu”ấy mới là thuộc tính của tình yêu đích thực. Nếu so đo tính toán thiệt hơn, liệu đó có còn là tình yêu không? Bởi em “tin cả lời nói dối”của một kẻ lợi dụng danh nghĩa tình yêu để thỏa mãn “đam mê” trong bóng tối nên sau phút yêu thương “trót trao", em phải gánh chịu hậu quả “ từng đêm nước mắt trắng tràn môi”. Theo thiển ý của tôi: chỉ cần viết “nước mắt tràn môi” là đủ cho độc giả hình dung nỗi đớn đau, xót xa, dằn vặt, ân hận của người đàn bà ấy rồi. Nếu thay cụm từ “nước mắt tràn môi” bằng cụm từ “nước mắt mặn chát môi” thì giá trị biểu cảm của câu thơ có lẽ nặng hơn chăng? Chỉ vì một phút nông nổi, yếu lòng “ khôn ba năm, dại một giờ” mà nàng phải âm thầm bao đêm nuốt nghẹn dòng nước mắt mặn chát ngược vào tim, đâu dám hé răng tâm sự cùng ai…
Hình ảnh “ bóng em đen trên tường trắng màu vôi” không mới
(Nhà thơ Bế Kiến Quốc từng viết trong bài thơ “ Hoa huệ”:
“Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?”) nhưng câu thơ tiếp theo” giấc ngủ quay lưng/nỗi đau trinh tiết” lại là cách nói rất riêng chỉ có ở Trần Sương Mai. “Em” không phải loại con gái hư hỏng săn tìm thú vui nhục dục trong chốc lát. Chỉ vì quá yêu thương, quá tin tưởng vào người mình yêu mà em không còn giữ được phẩm giá truyền thống của người con gái Á Đông cho đến ngày vu quy. Và cái giá phải trả cho sự “dại yêu” của em là những đêm thức trắng, héo tàn nhan sắc…
Người con gái nào khi yêu không mơ có ngày được chưng diện “váy áo thiên thần” trắng trong tinh khiết khi lên xe hoa về nhà chồng? Nhưng vì trót dại yêu nên “em” đã nhận kết cục bi thảm như thế này đây:
“ Em - người đàn bà
đêm đêm đào huyệt
Liệm ước mơ
trong áo váy thiên thần”
Hai câu thơ bát cú bị bẻ gãy nhịp, hình tượng thơ độc đáo, táo bạo “ đào huyệt liệm ước mơ” khiến độc giả không khỏi rùng mình rồi lặng đi bởi xót thương cô gái daị yêu sớm trở thành người đàn bà bị bỏ rơi trong cô đơn giằng xé…Tôi hình dung ra hình ảnh cô gái ấy đêm đêm lăn lộn trong đống “ váy áo thiên thần” để khóc cho “ ước mơ” đẹp đẽ của mình giờ đã tan thành mây khói…Yêu đắm say đến độ đã sắm sửa đầy đủ “váy áo thiên thần” chuẩn bị cho ngày cưới mà vẫn bị ruồng rẫy, bỏ rơi khi đã trót” trộn đam mê vào tối” cùng một tên “ác quỷ” mới biết mình bị dối lừa, nàng đã rơi từ đỉnh cao ước mơ xuống tận cùng tuyệt vọng…
“ Thiên thần và ác quỷ” được viết theo thể thơ tự do và rất gợi hình, gợi nhạc nên dễ đi vào lòng người đọc. Cái “ tôi” trữ tình là sự sám hối muộn mằn của một người đàn ông tự nguyền rủa mình là “ác quỷ”- người đàn ông đã từng “nói dối” để thỏa mãn thú tính nhất thời, rồi sẵn sàng bỏ rơi người con gái yêu mình sau khi đã biến nàng thành đàn bà. Thật là ghê tởm !Là cô gái yếu đuối, nhân hậu, vị tha, dẫu bị lừa dối, nàng không tìm cách trả thù gã Sở Khanh mà chỉ âm thầm vật vã trong đớn đau khắc khoải… So với nỗi đau tinh thần không gì bù đắp nổi của cô gái dại yêu kia thì từ dùng “ ác quỷ” còn quá nhẹ do tội lỗi “ giết người không dao” của gã đàn ông đê tiện kia. “Ác quỷ” mang bộ mặt xấu xa gớm ghiếc trong tưởng tượng của con người. Còn gã Sở Khanh kia lại là con “ác quỷ” đội lốt người, thậm chí còn có thể mang bộ mặt đẹp đẽ , thánh thiện nữa…
Nhưng nếu đọc đi đọc lại toàn bài thơ, sau nỗi ân hận xót xa của anh ta, tôi không nỡ coi anh ta là ác quỷ mà chỉ đánh giá anh ta là một kẻ dối trá, ích kỷ, phóng đãng thôi. Điệp ngữ “ tôi nợ em” được nhắc đi nhắc lại đến ba lần ở đầu bài thơ không chỉ là nỗi day dứt, sám hối muộn màng của anh ta mà còn thể hiện sự hiểu biết của anh ta về “em” rất sâu sắc. Rõ ràng, trong anh ta còn le lói chút nhân tính chứ chưa đến mức để trái tim hóa đá, đóng băng trước một người con gái đã yêu mình đến độ tiều tụy cả thể xác lẫn tâm hồn…Song dẫu vì lý do gì anh ta không cưới cô gái thì mọi lời xin lỗi đều không thể chấp nhận được.
Nhập vai, hóa thân vào nhân vật người đàn ông dối trá để hưởng đam mê trong bóng tối, không một lời khuyên răn, giáo huấn, bằng hình tượng thơ độc đáo sáng tạo, Trần Sương Mai đã gửi đến các bạn gái trẻ một thông điệp cảnh tỉnh: Dẫu có hội nhập văn hóa Đông Tây, dẫu có quan niệm thoáng về tình yêu đến mấy, người con gái khi yêu vẫn rất cần có sự tỉnh táo, sáng suốt của lí trí, nhận rõ chân tướng của những kẻ “ nói dối” cơ hội , đừng để “ trái tim lầm chỗ để lên đầu”(Tố Hữu) rồi lặp lại bi kịch đớn đau của “ người đàn bà/ đêm đêm đào huyệt/liệm ước mơ trong váy áo thiên thần”.
BTS

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

GẶP MA


Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn
1.
Hồi mẹ tôi học khóa 13, Trường Trung cấp Y sĩ khu tự trị Tây Bắc, có cô Hất cùng học rất hay đến nhà tôi chơi. Cô hai mươi nhăm tuổi, xinh gái, hát hay, thế mà mãi không có người yêu. Mẹ thương cô nên ý tứ mối lái cho một chú bộ đội cùng đơn vị bố. Sau buổi đầu gặp gỡ tại nhà tôi, ăn cơm xong, chú Bảo rủ cô đi xem xi-nê… rồi tránh mặt luôn, không bao giờ nhắc đến cô Hất nữa. Mẹ gặng hỏi mãi, chú mới nói:
- Con gái gì mà nói chuyện cứ nhấm nhẳn như chó cắn ma ấy !
Sao lại là chó cắn ma? Tôi rất muốn hỏi mẹ câu ấy nhưng lại sợ mẹ mắng: “trẻ con hóng hớt chuyện người lớn” nên cứ ấm ức mãi trong lòng.
Những chuyến bố đi công tác xa nhà, cô thường sang nhà tắm gội cho chị em tôi, chế biến các món ăn ngon, rồi vui vẻ ăn cùng mẹ con tôi và ngủ luôn tại đó. Bố ở nhà thì đêm nào bố cũng kể chuyện cổ tích, chuyện thần thoại, chuyện ngụ ngôn cho anh em tôi nghe, rồi ngâm thơ, hát quan họ, hát ru cho chúng tôi ngủ. Còn cô Hất lại rất thích kể chuyện ma, hết ma cà rồng đến ma xó, hết chuyện “Con ma lưỡi xanh” lại đến chuyện “Bàn tay động đậy”, “Bác sĩ ăn thịt người”… Cô kể chuyện hấp dẫn lắm, lại kèm theo động tác minh họa làm chúng tôi sợ rúm ró nhưng cứ hồi hộp nín thở lắng nghe. Đôi lúc đến đoạn gay cấn nhất, cô dừng lại làm chúng tôi như nghẹt thở vì tò mò.
- Cô ơi! Cô kể tiếp đi nào!
- Sao nữa cô ơi!
Thích nghe thật đấy nhưng đêm đi ngủ, anh em tôi vẫn sợ run cầm cập. Hồi ấy chưa có công trình phụ khép kín như bây giờ nên nửa đêm
mót đi giải, anh em tôi phải bấm nhau cùng dậy ra góc sân “giải quyết nỗi buồn”vì mẹ phải ôm ấp bé Thu Hằng mới được sáu tháng tuổi.
Bố về, nghe chúng tôi nhắc lại những câu chuyện cô Hất kể thì nói:
- Theo duy vật, không có ma quỷ chi hết. Chết là hết các con ạ! Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế.
Câu này bố nhắc đi nhắc lại nhiều lần nên đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi.
Tôi không bao giờ tin có ma và luôn tâm niệm lời răn của bố “Ai trên đời cũng chỉ sống có một lần nên cần tu nhân tích đức sống cho tử tế”.
2.
Thế mà đêm nay, sau gần bốn mươi năm bố rời xa dương thế, tôi đã tận mắt nhìn thấy ma. Thật chứ chẳng phải mơ, vì tôi tự cấu tay mình mấy lần đều thấy đau nhói.
Sáng sớm, trước khi lên xe đi công tác, anh không quên dặn dò:
- Em mới ốm dậy, cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đừng có thức khuya và lên mạng đấy nhé!
- Vâng ạ.
Mọi bận, tiếng “Vâng ạ” ngoan hiền ấy chỉ là câu nói cửa miệng, câu nói chiếu lệ thôi. Như mẹ xưa thường nói “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, cứ mỗi lần anh đi công tác xa nhà, mặc dù rất thương chồng tuổi đã cao mà luôn sốt sắng với công việc, tôi vô cùng vui mừng vì được tự do gặp gỡ, giao lưu với những người có chung sở thích yêu văn chương trên các diễn đàn văn học mạng mà không bị chồng quản thúc về giờ giấc vì lo cho sức khỏe của tôi. Dẫu chưa (và có thể không bao giờ) gặp gỡ nhau ngoài đời, nhưng họ đã đem đến cho tôi nguồn động viên an ủi được sống hết mình với niềm đam mê mà tuổi trẻ tôi cố kìm nén, dằn lòng để lo tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, cả “Người giáo viên nhân dân” nữa chứ!
Nhưng hôm nay thì tôi không còn chút thời gian nào để lên mạng. Sau gần hai tuần nằm viện, tôi nhớ khu nhà vườn của tôi quá! Tôi giành thời gian chăm sóc lũ chim trĩ, bồ câu công, gà gô, gà chọi, gà tre, gà ô… và đàn mèo mướp ngộ nghĩnh đáng yêu. Lại còn tưới hoa, tỉa tót cây cảnh nữa. Mùa này, vườn nhà tôi nở rộ các loại hoa: hoa chuông, hoa sao, hoa ly, hồng nhung, hồng môn, bạch môn, tầm xuân, thược dược, tỉ muội, ti gôn, xương rồng, mười giờ, hoàng lan, lan ý… muôn màu sắc, kiểu dáng và ngào ngạt hương thơm quyến rũ mời gọi lũ bướm xinh và lũ ong rừng lơi lả... Các loài cây: thông, liễu, thiết mộc lan, chuối cảnh, chuối hột, đào rừng, khế, xoài, bưởi, nhãn… qua một đêm tắm mưa nom xanh um, mướt mát như khu rừng nhỏ trong truyện cổ tích. Vừa làm vừa nghĩ vẩn vơ, trời tối sập lúc nào không hay. Tôi chỉ kịp úp bát mì tôm húp tạm, rửa ráy chân tay là lăn kềnh ra ngủ, không còn biết trời đất là gì nữa…
Bỗng có tiếng chú Vàng sủa gióng giả từng chặp: Gư âu! Gư âu! Gư âu! Gư âu!
Tiếng sủa như bị ai thít cổ dúm dó lại, khó thoát khỏi họng.
Khổ thân chú Vàng eo thon, chân dài, tai vểnh, đôi mắt luôn tròn xoe ngơ ngác như một chú nai rừng của tôi. Từ hôm khai giảng năm học mới, chú bị giam cầm gần như hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng mỗi ngày vì tội hay trêu đuổi các cô cậu “Sinh viên tí hon” trường Mầm Non Hoa Sen đối diện cổng nhà tôi. Ban đầu chú phản đối kịch liệt bằng cách tru lên từng hồi đến mệt lử mới nghỉ giải lao để lấy sức tru tiếp. Rồi lại phản đối bằng cách tuyệt thực, giả ốm không ăn uống gì suốt hai ngày trời khiến tôi mủi lòng đã định thả chú ra mấy lần. Nhưng chồng tôi thì kiên quyết lắm: “Không thể vì thương một con chó mà để nó đùa giỡn, cắn xé các bé thơ có ngày” - Anh nói thế và giành thời gian thể dục buổi sáng đưa cậu chàng đi “giải quyết nỗi buồn”, dạo bộ mươi, mười năm phút rồi lại nhốt vào cũi sắt đặt cạnh Nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn của gia đình tôi. Và anh đã thuần hóa được chú Vàng đến độ chú ngoan ngoãn hiền lành, tự giác chui vào cũi mỗi lần cùng ông chủ đi dạo bộ buổi sáng về. Bù lại, chú được tôi cưng phụng, “cơm bưng, nước rót” và vuốt ve, tắm táp cho mỗi ngày nên nom cậu chàng ngày càng mỡ màng, óng ả ra…
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng sủa không còn méo mó, dúm dó nữa mà tức tối, gióng giả, hối thúc quyết liệt hơn.
Tôi vươn vai, dụi mắt, quờ quạng định tìm cái đèn pin Trung Quốc trên đầu giường thì nhìn thấy ánh sáng ma mị len qua khe cửa sổ. À, mới qua Rằm Trung Thu hai hôm nên Trăng vẫn còn sáng. Tôi xỏ chân vào dép, khẽ khàng đi ra sân. Ôi, đêm nay là cái đêm gì mà trời đất ảo mờ thế này? Sương mù giăng mắc khắp các lá cây, ngọn cỏ… Một luồng gió lạnh luồn từ gan bàn chân đến từng chân tóc khiến tôi thoáng rùng mình, run rẩy như đêm tân hôn, lần đầu tiên trong đời có bàn tay lạ lẫm của người đàn ông gọi là chồng lân la, sờ soạng… Tôi xoa hai bàn tay vào nhau, hoảng hốt thấy tay mình lạnh như ướp đá và chợt nhớ đến cô Hất có một lần rửa tay tôi cho tôi đã văng tục : “Khiếp! Tay con bé này lạnh như l…ma”. Tại sao l…ma lại lạnh nhỉ? Tôi không dám hỏi bố mẹ câu này bởi bố mẹ tôi không bao giờ nói tục. Hỏi thế sợ bẩn mồm lắm!
Gâu! Gâu! Gâu! Gâu!
Vàng ơi! Đừng sủa “Như chó cắn ma” thế! Tao xuống ngay bây giờ!
Gâu! Gâu !Gâu! Gâu!
Gì mà khó tính, bức bối thế! Hay có con rắn xanh từ hàng rào chanh leo bên hàng xóm mò sang cắn mày? Tao xuống ngay bây giờ.
Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa…
“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường”. Mặc cho chú Vàng đáng thương vẫn hằn học tức tối gâu lên từng hồi, không biết bằng cách nào tôi vẫn lết về được phòng ngủ, leo lên chiếc giường gỗ pơ mu, ngủ say như chết.
3.
Vừa ru bé Rồng ngủ xong, đang chuẩn bị tranh thủ viết tin bài thì Hoài Thy nhận được điện thoại của bố từ huyện Mường Tè:
- Con sắp đi ngủ chưa? Từ chặp tối đến giờ, bố điện đến năm cuộc điện thoại mà không thấy mẹ nhấc máy. Con thử vào xem mẹ thế nào? Bố lo lắm, vì mẹ vừa ra viện, lại ở nhà một mình đêm hôm thế này…
- Vâng, con sẽ vào ngay ạ.
Cô ra sân bấm máy cho mẹ. Rõ ràng có tiếng chuông đổ dồn mà sao mẹ lại không nghe máy nhỉ? Cô trở vào nhà, nói khẽ với chồng:
- Anh ngủ với bé Rồng nhé! Em vào xem mẹ thế nào.
Từ nhà Hoài Thy đến nhà bố mẹ cô chưa đầy ba ki lô mét nên cô đi xe máy loáng cái là đến ngay. Cô lách chìa khóa mở cổng, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào nhà. Mẹ nằm co ro sát mép giường, ngáy khò khò, nước bọt nhểu ra hai bên mép, nom phát khiếp !
“Chắc hôm nay mẹ lao động mệt lắm nên ngủ quên”. Nhìn mẹ ngủ thấy thương quá nên cô không nỡ đánh thức mẹ dậy. Cô nhắn tin cho chồng: “Anh ngủ với con trai nhé! Mẹ mệt nên đêm nay em ngủ trông nom mẹ. Mai em về sớm đi gửi Rồng để hai vợ chồng kịp giờ đi làm.” Hoài Thy lấy khăn mặt dấp nước ấm, lau mặt, lau tay cho mẹ rồi kê đầu gối ngay ngắn, đắp chăn, buông màn cho mẹ ngủ. Chợt thấy góc phòng lóe lên ánh sáng xanh của lap - top chưa kịp tắt, cô bèn nhấn enter và đọc được dòng chữ mẹ viết dang dở:
“…Tôi vừa bước hối hả vừa ngước nhìn hàng rào cận kề giàn chanh leo hàng xóm. Bỗng chân tôi bủn rủn không thể bước thêm nửa bước nữa. Ngang tầm cây chuối hột cao lênh khênh là một cái đầu lâu to như nồi cơm điện tọa trên chiếc cổ dài ngoằng ngoẵng nhỏ bằng ngón tay trỏ cứ dập dềnh trồi lên, tụt xuống nhẹ tênh như không có trọng lượng. Hai hàm răng va vào nhau lập cập, lấy hết sức bình sinh, tôi dùng các móng tay phải cấu lên mặt, đau nhói! Không phải là mơ! Lại dùng các móng tay trái véo đùi non. Đau quá! Rõ ràng không phải là mơ! Cha mẹ ơi! Đêm nay, con gặp ma thật rồi!
Tôi căng mắt ra nhìn cái đầu lâu kỳ dị tô trát đủ các màu sắc cầu vồng gần giống hình trái tim khổng lồ bị bóp méo. Đầu phía bên phải nó nhòn nhọn khoằm khoằm như mỏ quạ, phía trên còn cài chiếc nơ đỏ nhờ nhờ như màu máu, còn phía dưới cái mỏ quạ ấy là một thẻo thịt dài đo đỏ cong cong hình con đỉa to tướng bám vào. Ở khoảng giữa chiếc nơ và con đỉa ấy, trồi lên một con mắt to thô lố như nắm đấm trẻ con, ở giữa đen ngòm, bên ngoài con ngươi trắng nhởn. Đầu lâu của một người chột mắt chăng? Khuôn mặt mang hình trái tim có một mắt, không mồm, không mũi ấy cứ dập dềnh lên xuống nhún nhẩy theo nhịp sủa dấm dẳn của chú Vàng đáng thương. Tôi véo má lần nữa và lặng lẽ quan sát tiếp. Sau nửa mặt bên phải của đầu lâu là đoạn võng xuống khiến tôi liên tưởng đến trái tim người rồi từ đấy nó lại vồng lên tròn trịa khêu gợi như chiếc mông trinh nữ điểm xuyết những chiếc lông vũ xanh đỏ, tím vàng to như quả chuối mắn. Từ “Chiếc mông trinh nữ” phía bên trái xuôi vát xuống là nơi gặp gỡ của “Con đỉa to tướng” phía bên phải xuôi vát xuống tạo thành một góc nhọn mềm mượt của trái tim ngự trên chiếc cổ yếu ớt không mang nổi cái đầu lâu ngất ngưởng…”.
Đọc đến đây, hai hàm răng Hoài Thy va vào nhau lập cập:
“Thế này là thế nào? Mẹ gặp ma thật chăng? Mẹ thường nói là mẹ theo duy vật như ông, không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ cơ mà”.
Trí tò mò trỗi dậy, Hoài Thy định xuống khu nhà vườn xem mặt mũi cái đầu lâu kỳ dị ấy ra sao song vốn nhút nhát, cô khóa trái cửa lại, tắt vi tính, rồi chui vào chăn ôm chặt lấy mẹ như hai năm trước đây cô chưa đi lấy chồng.
Cô lẩm nhẩm đếm từ một đến một trăm và lại đếm ngược lại từ một trăm đến một. Được vài lần như thế, Hoài Thy ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
Suýt nữa thì Hoài Thy ngủ quên, không kịp trở về nhà giúp chồng đem bé Rồng đi gửi trẻ. May quá, tiếng khóc hờn lẫy của cô bé mẫu giáo bên kia giàn chanh leo sát kề mảnh vườn của mẹ đã khiến cô giật mình tỉnh giấc:
- Ứ ừ, con bắt đền mẹ đấy! Bóng bay của con bay mất rồi!
- Hu! Hu! Bóng bay con gà của con bay mất rồi! Bắt đền mẹ đấy!
- Bóng bay con gà cơ! Nào, nào…
Hoài Thy dụi mắt, vươn vai đi về phía bụi chuối cảnh thì thấy quả bóng bay hình con gà đủ màu sắc cầu vồng đang dềnh lên dềnh xuống trông thật đẹp mắt. Nhìn ngang, nó chỉ có một mắt thật. Và cái cổ dài ngoằng ngoẵng khẳng khiu ấy chính là cái cần để bé cầm tay cho gà đi chơi…
Cô vui vẻ gọi toáng lên:
- Bé Miu Miu ơi! Cô tìm thấy bóng bay con gà của cháu rồi này.
Chị Thu - mẹ bé Miu Miu - mừng rỡ nhận quả bóng bay con gà, cảm ơn cô ríu rít. Hoài Thy khe khẽ trở vào nhà, nghe tiếng mẹ nói mớ:
- Ông Bồ Tùng Linh tài thật! Đọc tiểu thuyết “Liêu trai chí dị” của ông bao nhiêu lần cũng không thấy chán…
B.T.S