Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

CÁNH HẠC ẤY ĐÃ BAY XA...

CÁNH  HẠC ẤY ĐÃ BAY XA...
Cánh hạc ấy đã bay xa
Thơ văn vẫn ngát hương hoa, tình đời ...

          Anh Trần Vân Hạc - Nhà nghiên cứu  Văn hóa dân gian Tây Bắc đã vĩnh biệt chúng ta. Mấy ngày nay, trên các trang blog, facebook và một số trang Website, bạn bè gần xa viết những dòng thơ tràn đầy nước mắt thương tiếc anh - một người viết tận tụy, tài hoa,  thủy chung, nhân hậu.
          Anh đã trở về với cát bụi, nhưng tinh thần của anh, tâm hồn của anh còn lưu trên mỗi trang anh viết và trong lòng gia đình, bè bạn.
          Nhớ đến anh là nhớ một người say mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Bắc, đặc biệt là văn hóa Thái. Với tính cách cẩn trọng, chu đáo, với cách viết dung dị và giọng văn ngập tràn cảm xúc, anh đem đến cho người đọc niềm vui khám phá và tình yêu với những giá trị văn hóa bản sắc của một tộc người Việt ở Tây Bắc.
          Anh Vân Hạc am hiểu sâu sắc từng loại “Nhạc cụ của người Thái Tây Bắc” như bộ hơi gồm các loại “pí”, khèn bè; bộ dây gồm đàn tính, nhị và bộ gõ gồm: trống, chiêng, chũm chọe và quả nhạc. Anh dẫn độc giả cùng đắm chìm  trong “Những âm thanh tinh tế của nhạc cụ Thái” cùng “Cảm nhận được sự giao hòa của đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống sinh sôi, phát triển, ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn người trong sáng hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống, hướng mỗi người đến giá trị đích thực của Chân- Thiện- Mỹ”.
          Anh dày công sưu tầm nghiên cứu về “Lịch của người Thái đen Tây Bắc” và khẳng định: Lịch của người Thái đen Tây Bắc cùng với những giá trị văn hóa khác làm nên bản sắc của một tộc người rất đáng trân trọng và giữ gìn”.
          Anh trân trọng “Rừng thiêng của người Thái” bởi anh hiểu rõ: “Rừng, đặc biệt là rừng thiêng (những cánh rừng đầu nguồn, những cánh rừng ma - nơi thờ cúng thần linh, nơi chôn cất những người chết) có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt và tâm linh. Đối với các cộng đồng người Thái thì mỗi ngọn núi, mỗi con suối và mỗi khu rừng đều có những giá trị tinh thần mà người ta tôn thờ. Rừng thiêng của người Thái là biểu hiện tập trung nhất của các niềm tin thiêng liêng đó và được bảo vệ với những quy định chặt chẽ của cộng đồng từ đời này sang đời khác...”.
          Anh Vân Hạc yêu quý “Những dòng suối Tây Bắc” và tự bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, sống giữa cảnh thiên nhiên  hùng vĩ, nên thơ. Mỗi rừng cây, mỗi con suối trong xanh gợn sóng, mỗi con gió thấm đẫm hương rừng như ngấm vào huyết quản. Dẫu bây giờ xa Tây Bắc, nhưng trong tôi luôn cồn cào nhớ những dòng suối thơ mộng, trong lành ”. Anh suy tư: “Tây  Bắc có biết bao nhiêu dòng suối nhỏ, những dòng suối len lỏi giữa bạt ngàn xanh như mạch máu trong cơ thể sống. Đó là nguồn sống của vạn vật, là chiếc nôi của cộng đồng dân cư với những sinh hoạt muôn mầu và ẩn chứa bao huyền thoại, góp phần làm nên một văn hóa đặc thù. Những dòng suối nhỏ kia đâu có biết mình chính là ngọn nguồn của sông, của biển, góp phần bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, ươm những mùa no ấm...”. Những dòng suối hiện lên trong những áng văn của anh gần gũi thân thương như số phận mỗi con người Tây Bắc trong huyền thoại: “Đây dòng Nậm Xia (Văn Chấn, Yên Bái) - dòng nước mắt của cô gái Thái trắng trong xinh đẹp bị cường quyền chia rẽ lứa đôi, để đến tận hôm nay, những ngày nắng đẹp, vẫn thấp thoáng làn rêu huyền ảo trong nước biếc - mái tóc dài thơm của cô gái hóa thành. Kia dòng Nậm Tộc (Văn Chấn, Yên Bái) - dòng nước mắt xót xa tủi hờn của người con gái Khơ Mú than khóc cho mối tình ngang trái của một kiếp người, của cả dân tộc từng bị thực dân, phong kiến tàn sát, tận diệt, đến mức chỉ còn ba trăm người sống chui lủi và ẩn náu bên dòng suối nhỏ...”. “...Những dòng suối Tây Bắc ẩn giấu trong mình bao điều trầm tư, sâu lắng.”
          Và những dòng suối Tây Bắc ngày nay trên mỗi trang viết của anh tràn ngập chất thơ, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống mới mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc: Mùa xuân, trên các bãi rộng ven suối, các bản Thái tưng bừng trong lễ hội hái hoa ban, cùng các trò chơi dân gian: Đua thuyền vượt thác, bắn nỏ, tung còn, múa xòe... Những đêm trăng, những dòng suối long lanh muôn ánh vàng, in bóng những  đôi trai gái đang tình tự giữa đất trời ngào ngạt hương xuân. Khắ bản mường, những dòng nước tưng bừng quay cọn nước tưới mát cho đồng ruộng, giục lúa lên xanh, ươm những hạt vàng và thậm thình tiếng chày giã gạo cối nước như nhịp tim của suối, âm vang một mùa vụ ấm no.”
          Anh Vân Hạc rất yêu thích các trò chơi dân gian của dân tộc Thái và đặc biệt là  yêu thích trò chơi tung còn. Bởi “Tung còn là mỹ tục của người Thái Tây Bắc, là trò chơi vui tươi trong ngày xuân và trong những lễ trọng, hơn thế còn chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Quả còn chính là sự mô phỏng những ánh sao băng chợt chói sáng  trên bầu trời cao như quỹ đạo của rồng còn ”. Với anh, “Quả còn sáng cả trời xuân”, “Quả còn mang những ý nghĩa sâu xa và thiêng liêng. Mỗi người khi cầm quả còn trên tay là gửi vào đó tất cả sự nâng niu trân trọng, gạt bỏ những ý nghĩ xấu xa, thấp hèn và dục vọng... Sau ngày hội, người phụ nữ, người sinh ra và nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc giữ trọng trách cất giữ quả còn, như cất giữ nâng niu những hạt giống quý báu cùng bao lời khẩn cầu thiêng liêng”.
          Anh tìm thấy “Những bài học bổ ích và lý thú qua các bài đồng dao Thái Tây Bắc”, Với cách kết cấu móc xích, cùng với cách diễn đạt nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu, kết hợp với các trò chơi, tạo nên một sự sống động, tươi sáng, phù hợp với cách nghĩ, lối sống và tiếp nhận của trẻ thơ”. Đó là thế giới của các loại quả: “Dưới bụi có quả cà/ Bụi cao có quả nhót/ Quả chín gọi quả quân/ Tít trên đồi quả sim/ Nhiều gân là quả sổ/ Quả béo mọng quả ngõa/ Quả sung chát trĩu cây/ Chạy men cành quả khế/ Quả chuối chín vàng ươm/ Hai quả giống anh em/ Trám đen chua, cọ chát/ Quả có đốt quả  me/ Mình đầy gai quả mít/ Chỉ lên trời quả ớt...”. Cũng có khi các bài đồng dao lại đi vào các đặc điểm của loài vật như bài “Đuổi bắt chuột”:Này chuột chuột nhắt/ Lúc mày đi mày trượt cỏ tranh/ Lúc mày đến mày len lá lúa/ Sáng sớm ra mày men đường cái/ Đi đường rộng đường bằng về bản...” giáo dục các em lũ chuột có hại cho mùa màng cần phải tiêu diệt để bảo vệ thành quả lao động. Ở bài “Ngồi dây đu” sự giáo dục vô cùng tinh tế: “ Nắm dây đu/ Đôi chân như hai ống nước/ Ta bay cao/ Cho ống nước đổ xuống/ Khi em trên/ Lúc em dưới/ Dưa thêm chua/ Bánh thêm ngon/ Cơm chan nước lã thành ngọt/ Nhìn xuống nhà tạo/ Thấy chậu nhà tạo bị thủng/ Ô nhà tạo bị rách”. Anh có lời bình rất sát thực, rất hay: “Bay lên trời cao, con người như được chắp cánh cho những ước mơ thánh thiện, cùng hòa trong niềm vui trong cuộc sống, cuộc sống như cũng đáng yêu hơn, những giá trị vật chất thường ngày không có được nhường chỗ  cho những ước mơ cao đẹp và thêm trân trọng yêu hơn những gì có được do bàn tay lao động, cuộc sống thêm hương sắc, “Dưa thêm chua/ bánh thêm ngon/ cơm chan nước lã thành ngọt”. Nhà tạo giàu là thế mà khi bay trên trời cao người ta thấy: “Chậu nhà tạo bị thủng/ ô nhà tạo bị rách” nhỏ bé, tầm thường trước những ước mơ lành mạnh, những khát vọng cháy bỏng, chính đáng của người dân lao động”. Bài “Trâu húc nhau” được anh nhận xét “Đầy kịch tính và âm thanh”: “Hục hịch... Hục hịch/ Trâu húc trâu đôm đốp... đốp/ mày sứt tao chữa... chữa”/ Mắt  mày vỡ thì xong.. .xong/ Răng mày rụng tao trả... trả/ Hục hịch... Hục hịch”.
          Anh Vân Hạc say mê văn hóa Thái đến mức cảm nhận được cả “Hồn dân tộc trong từng họa tiết” thể hiện ở nghệ thuật trang trí phong phú độc đáo, sống động trên thổ cẩm và trang trí nhà cửa của tộc người này. “Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím... tạo ấn tượng mạnh. Họa tiết thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật... Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái Tây Bắc không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xóa, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột... Ngay trong mỗi bông hoa, hoặc thế giới động vật cách điệu cũng có hoa đực, hoa cái, con trống, con mái. Âm dương hài hòa, ước mong sự sinh sôi phát triển, khát khao chung sống thuận theo quy luật của muôn đời được thể hiện vô cùng tinh tế và phải trải qua hàng ngàn năm tiến hóa mới có được...”. Nhà cửa của người Thái cơ bản theo hình mẫu của thổ cẩm: “Giữa núi rừng trùng điệp, gió sương giá buốt, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người, mỗi gia đình, bản mường, để rồi mỗi khi đi xa, nhớ về bếp lửa nhà sàn, trong lồng ngực nhỏ nhoi của mỗi người con của quê hương chợt ấm một ngọn lửa của tình cha, nghĩa me, anh em và quê hương yêu dấu, tiếp sức cho mỗi người con vượt lên gian khó, chiến đấu và chiến thắng. Trong kiến trúc nhà sàn người Thái Đen Tây Bắc, cột thiêng có vai trò vô cùng quan trọng, được coi như trụ cột, chứa đựng linh hồn của ngôi nhà, là biểu tượng cho sự bền vững của gia đình, ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa, trên khau cút”...
          Yêu văn hóa Thái đến nhường ấy, anh Vân Hạc còn dành nhiều thời sưu tầm dân ca Thái rồi dịch ra tiếng Việt với mục đích quảng bá rộng rãi cho mọi người cùng thưởng thức cái hay, cái đẹp trong dân ca Thái. Nhiều độc giả hẳn  đã rất xốn xang rạo rực  khi đọc “Lửa tình hạn khuống”:Nong ơi!/Hạn khuống mỗi năm chỉ mở một lần/ Thu xếp việc nhà rủ nhau đi hái củi/ Cái con mắt cứ lúng liếng lúng la như là muốn nói/ Cái bụng như có lửa ngóng ông mặt trời xuống núi/ Câu khắp giao duyên nóng bỏng đợi trên môi.../ Nong ơi!/ Chim rừng ngủ rồi nhường ta trọn đêm/ Trăng sà xuống rắc vàng muôn câu khắp/ ...Nong ơi!/Sàn hoa đêm nay ta chung tay chụm hồng ngọn lửa/ Mai sẽ bên nhau ấm bếp lửa nhà sàn.”
          Là người lính, là nhà giáo, rồi say mê nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tây Bắc, anh Vân Hạc còn làm thơ, viết lời bình thơ của bạn bè, chụp ảnh, viết tản văn, truyện ngắn... Ở thể loại nào, các tác phẩm của anh cũng chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả bởi cảm xúc tinh tế, chân thành và đậm đặc chất núi rừng.
          Độc giả yêu thơ  tình của anh Vân Hạc,  yêu “Quả pao không tuổi” như Tình yêu không mùa/Trái tim xuân sớm/ Nõn nà non tơ” thật mộc mạc hồn nhiên, trong trẻo như  hơi thở của núi rừng vậy!
          Và đây “Điệu  valse phố núi”: “... Là vũ điệu của lá/ Của hoa/ Của tiếng họa mi/ Khắc khoải gọi mùa xây tổ/ Hồi sinh sau những ngày đông giá/ Anh dìu em vũ điệu ngàn sâu/ Ngập tràn hương gió/ Bồi hồi cây  thở/ Thác ngời ban mai/ Giọt nước mắt em gọi mầm măng nhú/ Tưới nhuần cả lá thu rơi/ Rưng rức trải vàng trên đất/ Anh ru em bằng những gì tinh khôi nhất/ Nụ cười thắp lửa trong ánh mắt.../ Điệu Valse em ơi/ Anh nâng niu ru tình day dứt...”. Cảm xúc thăng hoa đã cho anh một bài thơ tình thật đẹp, đúng như người xưa nói : “ Thi trung hữu nhạc” và “ Thi trung hữu họa”
          Và nữa là “Mùa yêu” đắm say mãnh liệt mà vô cùng sâu lắng, ngọt ngào: “Tiếng khèn anh như cánh chim  xuân/ Cần mẫn gom từng tia nắng/ Từng sợi tin yêu bốn mùa hy vọng/ Làm tổ trong trái tim em/ ...Đấy là mùa yêu có phải không em/ Bất chấp mưa giông bão tố/ Âm thầm lặng lẽ sinh sôi/ Dẫu đời còn bao đau khổ”
          Tôi hằng nghĩ: những bài thơ tình anh Trần Vân Hạc viết đều dành tặng cô giáo dạy văn Dương Hiền Nga - người bạn đời xinh đẹp, dịu dàng, chung thủy của anh bởi qua nhiều lần tâm sự với anh, tôi được biết đôi vợ chồng yêu văn chương  ấy có một mối tình đẹp như trong tiểu thuyết!
          Sinh thời, anh Trần Vân Hạc đã tặng vợ chồng tôi một bài thơ có tên là  “Vợ chồng Trai Rừng”:Vợ chồng Trai Rừng xuống chợ/ Đèo quanh vó ngựa dồn vang/ Váy mày đong đưa mùa xuân/ Môi tao còn sưng vấp đấy/ Tao mua cho mày cái kim/ Mày thêu mặt trời đỏ lựng/ Thêu tiếng khèn tao gọi bạn/ Thêu lời yêu mày trao tao/ Cùng nâng bát rượu ngô nào/ Tao say thấy mày đẹp lắm/ Má như hai quả đào chín/ Tự dưng muốn cắn má mày/ Trời chiều đèo dốc núi say/ Mày dặt tao lên lưng ngựa/ Mỏi chân thì mày cầm đuôi/ Theo lũ chim rừng về tổ”.
          Bài thơ của anh đã cho tôi cảm xúc để viết lên bài “Bùa yêu xưa” ( Đăng trong tập thơ “Tôi tam giác”, NXB Văn học, 2016): Chiếc khèn  giấu bùa yêu lâu rồi quên thổi/ Treo trên cũ kỹ tường phủ bụi thời gian/ Anh mải miết việc công sớm tối/ Khèn quên rung cung bậc nồng nàn/ Gấu váy em hoa văn lấp lánh/ Bùa yêu xưa mọc cánh bay đâu?/ Ngày khách thơ xa ghé lại thăm nhà/ Đem bài thơ tặng Trai Rừng - Gái Núi/ Bên bếp lửa bập bùng/ Hai vợ chồng nhìn nhau bối rối/ Thẹn thùng thuở chớm yêu/ Trai Rừng đem khèn xưa ra thổi/ Quấn quít gọi mùa xuân/ Gái Núi mặc váy Mông thơm bảy sắc cầu vồng/ Mắt Gái Núi như sao mai lấp lánh/ Trai Rừng ngẩn ngơ/ âu yếm vuốt ve khèn/ Gái Núi thẫn thờ/ nhón chân lên gác bếp/ tìm lại vần thơ xưa”. Anh Vân Hạc đã nhận được tập thơ tôi tặng và đã hồi âm lại. Thế mà giờ anh đã ra người thiên cổ.
          Văn là người, thơ cũng là người. Anh Vân Hạc giàu cảm xúc, lãng mạn, tinh tế, lịch thiệp nên thơ anh viết về đề tài gì cũng gợi cảm, ý nhị.  “Rượu xuân” trong thơ anh là thứ tiên tửu, mỹ tửu chứ không phải thứ rượu uống của những kẻ phàm phu tục tử: “Ta cạn ly xuân vui/ Cụng ly cùng mây gió/ Xuân... dừng bên ca sổ/ Bỗng đất trời ngát hương”.
          Và còn rất, rất nhiều bài thơ của anh - dù viết về đề tài gì - cũng dễ đi vào lòng người như thế!
          Với anh Trần Vân Hạc, thơ là thế và văn cũng là thế!
          Trên trang Website trannhuong.com của nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương, một trong những bài được mọi người đọc nhiều nhất là bài “Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc” của anh Trần Vân Hạc kèm theo bức ảnh chụp các cô gái Thái tắm  rất gợi cảm, tình tứ mà cũng rất e ấp, kín đáo. Hãy nghe anh miêu tả về những nàng sơn nữ xinh đẹp ấy: “Người ta vẫn kháo nhau, lên Tây Bắc mà xem con gái Thái tắm tiên. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, hiền thục... Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng biếc, những dòng suối già nua trầm mặc chợt nhận ra mình có một trái tim và tâm hồn trẻ trung, để rồi cứ mộng mơ, khao khát một cuộc sống bình dị, yên vui - ước mơ cháy bỏng của bao đời? Để rồi những ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc trong một chiều các cô gái Thái tắm tiên, chợt thấy mình trong sáng hơn, thanh cao hơn, như được hòa mình cùng đất và người của Tây Bắc huyền thoại.”
          Văn phong trong “Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc” của anh Vân Hạc đẹp như một áng thơ, hội tụ những giá trị tiêu biểu của Chân - Thiện - Mỹ. Bởi cái nhìn - tâm hồn anh trong sáng, thánh thiện khiến  những dòng anh viết về cô gái Thái tắm tiên thêm lung linh huyền ảo, thêm thanh cao, tao nhã, khiến người đọc ước ao được chiêm ngưỡng, được nâng  niu trân trọng lưu nhớ mãi hình ảnh đẹp của các cô sơn nữ tắm tiên trong tâm hồn mình...
          Ngoài tản văn “Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc”, anh Vân Hạc còn có nhiều áng văn xuôi ngập tràn cảm xúc, lay động đến nơi sâu lắng thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Một trong những bài văn đi vào lòng như thế là bài “Nghĩa trang mang tên một dòng sông”:Ôi có nơi nào trên trái đất này có nghĩa trang không một nấm mồ, không rõ số lượng người hy sinh, không biết tên những người đã mất? Nghĩa trang mang tên một dòng sông. Dòng sông bao dung ôm các anh vào lòng. Các anh hóa tượng đài bất tử trong lòng Tổ Quốc!...Bao tháng năm những trái tim đó vẫn tươi nhiệt huyết. Những trái tim như những nốt nhạc ngân giữa đất trời tự do, vang mãi khúc quân hành, như những giọt nước mắt đau thương của đất trời khóc cho một thời lửa đạn, đất nước chia cắt như thân thể bị chia lìa. Dòng Thạch Hãn êm đềm trong xanh từ dãy Trường Sơn đổ về chảy ra cảng Cửa Việt, sóng nước lao xao như thấp thoáng những bóng mũ tai bèo. Đôi bờ cỏ xanh vô tư ngập tràn bờ bãi kia có bao đồng đội của chúng tôi và những người dân hiền lành đã nằm lại? Dòng nước mặn mòi kia hòa bao máu của bao người? Những hạt phù sa ươm vàng mùa no ấm kia có bao xương thịt của những người lính trẻ? Đâu đây như vẫn cất lên từ sâu thẳm sông xanh tiếng gọi:“Mẹ ơi!” của những đứa con yêu  trước khi bị dòng nước xiết cuốn đi”. Mỗi lần đọc “Nghĩa trang mang tên một dòng sông” là một lần tôi khóc. Tôi hiểu: đó không phải là những giọt nước mắt ủy mị, yếu lòng mà là những giọt nước mắt tiếc thương, cảm phục những anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, những giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn ta, cho ta sống nhân văn hơn, xứng đáng hơn với giá trị con Người viết hoa.
Anh Vân Hạc đã truyền cho độc giả cảm xúc ấy bởi anh đã viết bằng cả trái tim mình - trái tim của một người trong cuộc bởi anh là chiến sĩ Pháo binh thuộc đoàn Bông Lau 38 trực tiếp tham gia chiến đấu tại Quảng Trị hè 1972 khi anh vừa tròn hai mươi tuổi.
          Đêm nay, đọc lại những dòng này của anh, thêm một lần nữa, tôi không sao ngăn được những dòng nước mắt mặn chát tuôn trào. Tôi khóc vì anh linh của các liệt sĩ đã yên nghỉ vĩnh hằng. Tôi khóc vì tác giả - người anh khả kính của tôi - vừa rời xa dương thế. Anh ra đi nhẹ nhàng thanh thản lạc quan như lời thơ anh từng viết: “ Dẫu  mai này anh sẽ ra đi/ Nắng vẫn nắng /Gió vẫn gió/ Chim rừng vẫn hót/ Anh vẫn hát mãi lời yêu từ đất/ Bay lên phía mặt trời”
Nhưng tôi  biết rằng, cũng như anh từng sống, Dòng sông lửa” kia sẽ tiếp thêm cho tôi và muôn ngườiNiềm tin, nghị lực để sống, chiến đấu thay cho cả các anh”.
Bùi Thị Sơn
 ( Viết ngày 23/03/2017- ngày gia đình, bè bạn tiễn đưa anh Trần Vân Hạc về nơi an nghỉ cuối cùng)



3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bấm mí là cách tạo mắt 2 mí không cần phẫu thuật thực hiện tạo liên kết giữa da mi mắt và cơ nâng mi, do đó khi mở, mắt sẽ hình thành nếp mí mới.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]