Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

GIỚI THIỆU SÁCH


ĐẾM TUỔI MÙA ĐÔNG -ĐỘC ĐÁO BÀI THƠ CUỘC ĐỜI
                                                                             Nhà thơ Mai Liễu

    Trên tay bạn đọc là tập thơ khá độc đáo. Độc đáo bởi đó là tập sáng tác của một gia đình: Hai vợ chồng và cô con gái trẻ. Có thể nói: “Đếm tuổi mùa đông” là tâm sự cuộc đời của chính các tác giả đang sống và làm việc tại
Lai Châu, một trong những tỉnh miền núi xa xôi và khó khăn nhất của cả nước. Có thể ban đầu họ không có ý định làm thơ, càng không nghĩ rằng rồi sẽ trở thành nhà thơ, nhưng cuộc đời của họ là cả một bài thơ đẹp. Tất cả đều bắt đầu từ cuộc đời của người chồng, người cha có tên là Phùng Cù Sân. Phùng Cù Sân, anh sinh ra tại một bản Dao dưới chân núi Phăng Xô Lin thuộc huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu vào năm 1950 - khi ấy Lai Châu chưa được giải phóng. Cậu bé người Dao từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ: Đói ăn, rách rưới và đi ở là cuộc đời niên thiếu của Phùng Cù Sân.
    Hãy nghe Phùng Cù Sân tâm sự về thảm cảnh của hai đứa trẻ mồ côi những năm tháng ấy:
Năm vừa lên ba, con mất mẹ,
Đứa em trai con mới biết bò
Xác mẹ phủ chiếu manh
Giữa túp lều lạnh cóng
Em con lăn xả vào
Bú khô
Cha con nghiện ngập
Đem con đi ở cho người
Đổi lấy tiền hút thuốc
Mặc hai con đói rách tả tơi…
Và nữa:
Thiếu thuốc phiện  cha con kiệt sức
Trút hơi tàn trên thửa ruộng cằn khô
Hai đứa trẻ gầy nhom , nhem nhuốc
Đói cồn cào nước mắt tuôn rơi
                                   (Ơn Đảng- Phùng Cù Sân)
    Ngày Tây Bắc được giải phóng, hai đứa trẻ mồ côi đó được cán bộ của Đảng, của Bác Hồ đón về nuôi và gửi vào trường thiếu nhi vùng cao (nay là trường dân tộc nội trú) học tập. Công ơn của Đảng đối với ông còn lớn hơn cả công ơn cha mẹ sinh thành. Ông xưng “con” trong bài thơ “ Ơn Đảng” là vì thế. Đó là lời giãi bày tâm sự hết sức mộc mạc mà chứa chan tình đời. Cái “thật”có lối đi riêng vào lòng người, gây cho người đọc sự xúc động và cảm thông sâu sắc. Từ mái trường ra đi, ông trở thành thầy giáo, rồi trở thành cán bộ Đảng - đã từng làm Bí thư huyện ủy Sìn Hồ - quê ông, rồi được điều  động về tỉnh làm Bí thư Đảng ủy cơ quan Dân -Chính - Đảng của tỉnh Lai Châu cho đến nay. Từ một chú bé người Dao mồ côi đói rách lam lũ dưới chân đỉnh Phăng Xô Lin năm nào nay trở thành một trí thức người Dao, một cán bộ của Đảng có tầm và có tâm là một cuộc đổi đời lớn, thật may mắn và cũng thật kỳ diệu. Nói thơ là người, là cuộc đời cũng là vì vậy. Phùng Cù Sân làm thơ là để nói về cuộc đời mình, rộng hơn là cuộc đời người Dao theo Đảng.
      Phùng Cù Sân cũng còn một may mắn nữa, bên ông có người vợ hiền, đảm đang, tận tụy luôn cảm thông chăm lo cho ông đến từng giấc ngủ. Bùi Thị Sơn- quê gốc Hải Dương nhưng bà lại sinh ra ở thị xã Tuyên Quang, bên dòng sông Lô thơ mộng. Theo cha mẹ đi kháng chiến, công tác, bà đến Lai Châu và gặp thầy giáo người Dao Phùng Cù Sân. Cô gái người Kinh tuổi còn ngây thơ nhưng đã sớm cảm thông hoàn cảnh của người thầy giáo trẻ:
Biết anh mồ côi từ tấm bé
Trái tim em  rớm máu tự bao giờ
    Rồi tình yêu đến với họ cũng là lẽ tự nhiên. Bùi Thị Sơn như gắng mãi để bù đắp cho chồng những thiệt thòi của tuổi thơ ấu vô cùng nghiệt ngã của chồng:
Dù em có vất vả bao nhiêu
Đâu sánh nổi tuổi thơ anh cơ cực?
Dù em có chiều anh hết mức
Làm sao bù tình mẫu tử thiêng liêng?
                     (Viết khi anh đang ngủ - Bùi Thị Sơn)
     Tác giả ao ước mỗi nụ hôn của mình có thể” xóa đi một nếp nhăn-xóa đi bao nhọc nhằn gian khổ “ của chồng, mong trên môi của chồng “luôn hé nở nụ cười”. Hạnh phúc với bà cũng thật giản dị, gần gũi mà cũng thật lớn lao, cao cả; bà luôn chi chút cho nguồn sống, nguồn hạnh phúc đó, bởi:
Như vầng trăng chỉ đêm rằm mới tỏ
Chỉ có anh – em mới thật là em
(Thơ tình tặng chồng – Bùi Thị Sơn)
     Cảm tấm lòng và tình yêu của vợ, Phùng Cù Sân tâm sự:
Em sinh ra để đem đến niềm vui
Cho học trò, cho anh, cho bè bạn
Em hồn nhiên, ngây thơ, lãng mạn
Quý nghĩa nhân, khinh vật chất tầm thường.
(Tặng em thi sĩ của riêng anh – Phùng Cù Sân)
     Để rồi đi đâu, hình ảnh của người vợ hiền cũng luôn ở bên ông, rạng rỡ:
                       Dù đi cuối đất cùng trời
              Nhìn ai cũng ngỡ nụ cười riêng em
(Đến thăm huyện bạn lại nhớ em – Phùng Cù Sân)
    Đó thật là cái nhớ rất riêng của Phùng Cù Sân – người đàn ông miền núi – mà Bùi Thị Sơn gọi bằng tình cảm chan chứa yêu thương là “trai rừng”:
Trai rừng
Chẳng dễ dãi
Trước những lời đầu môi chót lưỡi…
… Trai rừng thích vợ mình
Là người tình đắm say, mộc mạc
Chẳng phấn son, hào nhoáng, mỹ miều.
(Trai rừng – Bùi Thị Sơn)
     Một là người Dao, một là người Kinh; một chôn nhau cắt rốn ở đất núi rừng heo hút, một quê quán ở miền xuôi nhưng họ sinh ra là để dành cho nhau. Họ đồng cảm với nhau từ hoàn cảnh, tính cách và sở thích. Tôi vẫn phải nhắc lại: cuộc đời họ là cả một bài thơ tình rất mộc mạc mà vô cùng say đắm. Thời gian, năm tháng hình như phải đứng ngoài cuộc tình của họ:
Quy luật đời hà khắc
Ai rồi cũng già thôi
Nhưng tâm hồn – em ơi
Phải giữ cho trẻ mãi…
(Xưa và nay – Phùng cù Sân)
      Duyên phận đời người thật là kỳ lạ, nhưng cũng ở tại lòng mình:
Từ xa lắc xa lơ
Ai ném anh vào em
Chúng mình thành chồng vợ
Cõi trần thành cõi tiên.
(Ném – Bùi Thị Sơn)
       Phùng Hải Yến là con gái của đôi vợ chồng yêu thơ ấy. Hiện cô đang là sinh viên  Khoa Sân khấu – Điện ảnh – Viết văn Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội. Trong tập thơ in chung với bố mẹ, Phùng Hải Yến có trên 30 bài thơ. Cuộc đời cô con gái khác xa cuộc đời của bố mẹ bởi xã hội miền núi bây giờ đâu giống như xã hội thời ông bà cô ngày xưa, cũng không hẳn giống thời bố mẹ cô đến với nhau, nên duyên chồng vợ trong căn hộ tập thể của trường nội trú thân thương. Cô con gái họ được học hành, thành nhà báo, lại về Hà Nội học. Nói như các cụ ta: được “thỏa chí bay nhảy” đó đây, nhưng tổ ấm gia đình, tấm lòng cha mẹ thì chẳng ai muốn rời xa, cô cũng vậy:
Không còn mong mình giống cánh chim trời
Bay xa mãi vào khoảng trời cao rộng
Con rơi vào khoảng thinh không gió lộng
Ngủ yên lành trong lòng mẹ mênh mông...
(Mẹ ơi – Phùng Hải Yến)
      Dù là thế, lớp trẻ bây giờ vẫn có những mối quan tâm, chia sẻ của họ. Đó là lẽ đương nhiên và cũng đáng mừng hơn khi họ vẫn tìm thấy lối về, vẫn nhìn thấy:
Điệu khèn bên núi
Réo rắt gọi tình yêu
Vẫn nghe thấy
Điệu hát ngân nga
Vọng sườn đồi
Leo đỉnh núi
Chàng trai yêu ở đâu nghe thấy
Về nơi đường mây.
(Đường mây – Phùng Hải Yến)
   Quan trọng hơn, cô vẫn biết trân trọng và cảm nhận sự ấm áp của cội nguồn văn hóa:
Bẽn lẽn úp mặt vào cái xiết tay
Tưởng hơi ấm sau điệu xòe nằm lại.
(Xiết tay – Phùng Hải Yến)
    Bài thơ cuộc đời của Hải Yến đã sang một trang khác. Trong trang viết của  Hải Yến không có cái nhìn trong cuộc như những vần thơ của bố mẹ cô, nhưng tình đời chắc mãi còn nồng ấm trên mỗi trang viết ấy. Bởi thơ cần nhất là sự chân thật.
    Chúc cho tình yêu, tình đời của họ mãi mãi nồng nàn, ấm áp như hồn thơ biết ủ lửa giữa ngày đông.

                              Hà Nội, ngày 10/1/2010
                                     Mai Liễu

21 nhận xét:

  1. Cho chị một cuốn thơ này nhé, Sơn. Chị chúc mừng cả nhà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị ạ. Mà em phải in lại đã. Chúng em in 700 cuốn mà biếu bạn bè xa gần giờ chỉ còn một cuốn lưu thôi ạ. Cả 2 vợ chồng em và con gái Hải Yến đang chuẩn bị in chung một tập truyện ký nhan đề "Sìn Hồ dấu yêu". In xong, em sẽ gửi biếu chị sau nhé !

      Xóa
  2. Em chúc mừng cả nhà, chị nhé! Một gia đình thật đặc biệt đấy chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cám ơn Diệu Thu nhé !
      Lâu rồi chưa ghé thăm em vì cũng lu bu việc nhà. Thông cảm cho chị nhé !
      Chúc em có thêm nhiều bài thơ hay nhé !

      Xóa
    2. Dạ em cảm ơn chị ạ! Hy vọng một ngày gần đây sẽ được gặp chị ở Hà Nội ạ!

      Xóa
  3. Thật tuyệt vời,biết được thêm một niềm vui lớn của S.Chúc mừng !

    Trả lờiXóa
  4. Hạnh phúc quá chị ơi! Chúc mừng gia đình chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài cũ đăng lại của nhà thơ Mai Liêũ thôi em à.
      Cám ơn em nhé !

      Xóa
  5. CHUC MUNG MOT GIA DINH VAN CHUONG NM RAT THICH THO CUA CHAU YEN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM CÁM ƠN CHỊ NHÃ MY
      EM CHÚC CHỊ NGÀY MỚI VUI NHIỀU Ạ

      Xóa
  6. Một người con trai của núi rừng " trai rừng" trở thành nhà giáo, người trí thức và cán bộ Đảng của dân tộc ,có phúc có lộc và nhất là có duyên gặp cô gái gốc đồng bằng Bắc bộ đã trở thành cô giáo "gái núi",tình yêu và hạnh phúc; thế hệ nối tiếp, cháu SV Hải Yến (Phải chăng có láy gốc quê mẹ Hải Dương?)nghề nghiệp có khác nhưng cả nhà đã hoà nhịp vào THƠ. Mong sẽ có dịp cầm đọc tập thơ này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn thầy đã đọc bài giới thiệu của nhà thơ Mai Liễu và động viên gia đình em.
      Sách em in 700 cuốn từ năm 2010, nay chỉ còn 1 cuốn. Em sẽ in lại và gửi biếu thầy sau nhé !

      Xóa
  7. Em đã về nhà chưa em? Nhớ gửi cho chị một cuốn sách đấy nhé( Qua bác HXH ấy Sơn ạ)!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, em thường ở huyện Sìn Hồ với con trai, chỉ thứ 7, chủ nhật mới xuống Lai Châu (Cách Sìn Hồ 60 km) thăm Trai rừng thôi ạ. Khoảng tháng 7 cháu mới tháo bột và tập đi lại ạ.
      Em sẽ in lại sách và gửi tặng chị sau nhé !

      Xóa
  8. Bài cảm nhận rất hay, em xin chúc mừng tác phẩm và gia đình mình. Cháu đã đỡ nhiều chưa chị ơi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHỊ CÁM ƠN EM NHIỀU NHÉ ! CHÁU TIẾN TRIỂN TỐT RỒI EM Ạ

      Xóa
  9. Em ơi! Cháu đỡ rồi chứ?
    Chúc mừng gia đình văn chương của em. Bao giờ in xong, chị Ngựa cũng muốn có 1 quyển đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM CÁM ƠN CHỊ NGỰA Ạ. khi nào in thêm, nhất định em sẽ gửi sách biếu chị đấy ạ.
      Cháu em đã đỡ nhưng vẫn sinh hoạt một chỗ thôi chị ạ.

      Xóa
  10. [img] http://images.yume.vn/buzz/20110801/cafe.jpg [/img]
    Xin chúc mừng bạn
    Mời bạn ly cafe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn nhé bạn thân yêu
      Chúc bạn vui, khỏe, đạt nhiều ươcs mơ...

      Xóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]