Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ


Chỉ còn một tuần nữa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày huyện được giải phóng( 19/12/1953- 19/12/2013).Để thiết thực chào mừng sự kiện này,từ mùa thu năm ngoái,gia đình Gái Núi đã hoàn thành bản thảo tập truyện và ký "SÌN HỒ DẤU YÊU" và đã được NXB Hội Nhà văn in xong quý III/2013(sách dày 280 trang, gồm 41 truyện và ký của 3 tác giả: Phùng Cù Sân, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến). UBND huyện Sìn Hồ đã đặt mua 300 cuốn để tặng cho các vị Đại biểu về dự mít tinh. Sau đây, GN xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng về cuốn sách này.
------------------------------------------------
Thay lời giới thiệu:
CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng
Bạn đang có trên tay một tập sách đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng huyện Sìn Hồ, Lai Châu(19/12/1953-19/12/2013). Đó là tập văn “Sìn Hồ dấu yêu” do 3 cây bút cùng trong một gia đình từ quê hương Sìn Hồ viết lên như một bản hợp xướng tam ca đầy tâm huyết, có khả năng cuốn hút bất kỳ người đọc, người nghe nào. Cũng có thể nói, đây là bản tình ca đích thực về tình gia đình, tình yêu quê hương đất nước, nghĩa Đảng, lòng dân, sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống nơi cao nguyên đá xa xôi, gian khổ vào bậc nhất của cả nước đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
“Sìn Hồ dấu yêu” không chỉ dựng nên một thiên nhiên hùng vĩ của vùng cao Tây Bắc với những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, những khu rừng

già nguyên sinh, cái nôi của sự sống muôn loài, những sông suối đầu nguồn trong vắt, tiếng chim ca vượn hú mỗi ban mai trong lành, “Sìn Hồ dấu yêu” còn, và là điểm nổi bật nhất là vẽ nên chân dung đẹp, rất đa dạng của những con người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng sống, chiến đấu, lao động trên mảnh đất này.
Với tác giả Phùng Cù Sân, một người con của dân tộc Dao Sìn Hồ, từng là thầy giáo, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ và cán bộ Đảng nhiều năm, những trang viết của anh giàu trải nghiệm nhưng chan chứa tình đất, tình người, qua đó nổi bật lên chân dung những nhân vật đáng yêu, đáng nhớ.
Đó là bà mẹ dân tộc Thái, sống lặng lẽ nơi bản làng xa xôi, suốt đời hy sinh lo cho chồng con, cùng những người thân, ít ai biết rằng những năm tháng trẻ trung thời con gái bà đã có hành động dũng cảm của một anh hùng khi cùng với bố mẹ bảo vệ, cứu sống một cán bộ cách mạng từ miền xuôi lên hoạt động, đang bị thương và địch truy đuổi tưởng không sao thoát khỏi cái chết. Hành động anh hùng cùng mối tình thoáng qua nhưng để lại dấu ấn sâu nặng và đẹp như giấc mơ của bà tưởng đã chôn sâu trong ký ức bỗng vụt thức dạy khi có cô nhà báo trẻ từ Hà Nội, là cháu nội của “người xưa” lên tìm gặp và khi câu chuyện được hé mở, cả đứa cháu trai giỏi giang của bà hôm nay cũng ngỡ ngàng không thể nào ngờ tới.
Đó là Thượng tá công an Giàng A Páo, người con của Sìn Hồ suốt đời gắn bó với quê hương, không ngại gian nan, nguy hiểm để bảo vệ cuộc sống yên bình cho các dân tộc nơi đây, cả khi đã nghỉ hưu vẫn tha thiết có thể tiếp tục làm được những gì có ích cho quê hương.
Ngòi bút Phùng Cù Sân cũng không quên dành những trìu mến thân thương cho lớp trẻ thơ như em bé Phủ Mìn dược sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bố mẹ, cô giáo và cả cộng đồng khi cuộc sống đã ngày càng ấm no, hạnh phúc, những đói nghèo xưa của cha ông đã đi vào cổ tích.
Như một sự bổ sung cho Phùng Cù Sân, cũng viết về đất và người Sìn Hồ nhưng cây bút nữ Bùi Thị Sơn lại khai thác theo chiều hướng khác. Là một cô giáo vùng đồng bằng quê vải Thanh Hà, Hải Dương, trở thành cô giáo vùng cao Tây Bắc, rồi gặp chàng “trai rừng” đất Sìn Hồ, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, Bùi Thị Sơn yêu và gắn bó với đất và người Sìn Hồ như quê hương thứ hai của mình. Nữ tính, hồn hậu, kết hợp cái mộc mạc, dễ thương của con người miền núi với chất tinh tế, đa cảm và nhạy cảm của cô gái miền xuôi, ngòi bút Bùi Thị Sơn đã thu hút được cảm tình người đọc với những nét rất riêng, không lẫn với bất kỳ ai. Cũng viết về một cán bộ người Dao sinh ra ở Sìn Hồ, trưởng thành có nhiều năm xa quê hương nhưng tình cảm sâu nặng, chân thành dành cho nơi chôn nhau, cắt rốn vẫn nguyên vẹn, thủy chung như chưa hề có sự chia xa, Bùi Thị Sơn không miêu tả trực tiếp mà khai thác sâu vào tâm tư của những đề tài phong phú người trong cuộc của những thế hệ già, trẻ khác nhau, tạo nên cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Bùi Thị Sơn dành nhiều trang viết của mình cho những người vợ, người mẹ, ttrong đó có những số phận không may mắn, phải gánh chịu bao nhiêu nỗi đau không thể nói thành lời, nhưng vẫn âm thầm vượt lên tất cả để sống, để khẳng định niềm tin sắt son với đời. Không hề nhắc đến bom đạn của chiến tranh nhưng những đau thương mất mát và hệ lụy nặng nề của nó vẫn hiện diện, đè nặng lên những số phận con người của nhiều thế hệ, đặc biệt với những phụ nữ dân tộc ít người sống ở nơi xa xôi hẻo lánh dường như cách biệt với cộng đồng. Tâm hồn đa cảm của Bùi Thị Sơn còn khiến người đọc chia sẻ, cảm thông khi viết về những yêu thương, giận hờn, cả “những giọt nước mắt đời không thấy” trong đời sống vợ chồng, tưởng như rất ấm êm, hạnh phúc, để rồi khi được gỡ bỏ, tình yêu của họ càng thêm thắm thiết, chân thực hơn.
Phùng Hải Yến là thế hệ thứ hai trong gia đình và thật thú vị, Hải Yến sinh ra như để tiếp nối cả tình yêu thương, ước muốn, và năng khiếu bẩm sinh của cha mẹ với nghề viết.
Sinh năm 1985, được học hành, đào tạo bài bản, là một nhà báo trẻ chưa đầy 30 tuổi, cùng với nhiều bài báo sắc sảo, Hải Yến đã có những sáng tác văn thơ trình làng được người đọc chú ý. Phần đóng góp trong tập sách này, Hải Yến có cả truyện ngắn và phần tản văn với đề tài phong phú về đất và người Sìn Hồ như những bó hoa giàu hương sắc dâng tặng quê hương. Với cái nhìn trong sáng, hồn nhiên nhưng say mê, khao khát tìm hiểu, khám phá, Hải Yến đã tạo ra cái nhìn mới mẻ, trẻ trung với tất cả những gì là nét đẹp truyền thống của quê hương, từ cảnh quan thiên nhiên, những món ăn dân tộc độc đáo của vùng đất Sìn Hồ, những phong tục, tập quán từ bao đời vẫn được gìn giữ làm phong phú thêm tâm hồn, bản sắc dân tộc nơi đây mà ít nơi nào có được. Có cảm giác Hải Yến như một cây non đang sung sức, gắng cắm rễ sâu vào lòng đất mẹ để có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Nhờ bút pháp chân thực, trẻ trung, tươi mới nên cả những trang cuối sách viết về cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên đất Sìn Hồ hôm nay của Phùng Hải Yến vẫn chiếm được cảm tình và sự thuyết phục với người đọc, không hề khiên cưỡng.
“Sìn Hồ dấu yêu” tập sách của ba tác giả thuộc hai thế hệ trong một gia đình, đều là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, dù số trang còn khiêm tốn nhưng quả là món quà nhỏ nhưng quý, giàu ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Sìn Hồ.
Cách đây hơn 40 năm, tôi đã đến Lai Châu nhưng chưa có dịp được đặt chân lên Sìn Hồ nên cái tên Sìn Hồ từ trước tới nay đến với tôi vẫn nghe mịt mùng, xa lắc. Nhưng lạ thay, khi đọc “Sìn Hồ dấu yêu”, cảm giác xa lạ dường như không còn, thay vào đó, tôi có thể hình dung ra Sìn Hồ, cả thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, sông suối đến những con người thuộc các dân tộc anh em sống trên vùng đất này như đã gặp gỡ ở đâu đó, thân quen và yêu mến lạ lùng. “Văn học nghệ thuật là thiên nhiên thứ hai do con người tạo nên”. Ai đó từng nói như thế. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng viết: “Nơi ta chưa đi thì lòng sẽ đến”. Chưa đặt chân đến Sìn Hồ nhưng lòng tôi đã đến qua những trang viết của “Sìn Hồ dấu yêu” cùng với những tác giả khác.
Nhà thơ dân tộc thiểu số rất nổi tiếng của Liên Xô, Raxun Gamdatốp đã viết rất hay về xứ sở Đaghextan nhỏ bé của mình được người đọc cả thế giới hâm mộ, từng nhắc nhở: “Con suối nhỏ chảy ra tới biển, nhìn thấy trước mình là khoảng không xanh thẳm bao la và hòa mình vào khối nước màu xanh vĩ đại ấy, chớ nên quên con đường nhỏ, dài, gập ghềnh sỏi đá mà nó đã phải trải qua”.
“Sìn Hồ dấu yêu” là những trang viết nhắc ta điều đó.
Nha Trang, Mùa Thu 2012
Nguyễn Gia Nùng
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam).

11 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả Nguyễn Gia Nùng đã viết thay anh những dòng nghĩ suy tương tự ! Chúc mừng em và cả gia đình Văn chương này . Chúc cuộc sống hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM CÁM ƠN ANH LÝ VIÊN GIAO NHIỀU Ạ
      CHÚC ANH NGỦ NGON NHÉ! HÔM NAY EM HƠI MỆT NÊN DI NGỦ SỚM ĐẤY Ạ.

      Xóa
  2. Chúc mừng em và một gia đình rất đặc biệt !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM CÁM ƠN ANH HHP NHIỀU Ạ
      CHÚC ANH NGỦ NGON NHÉ! HÔM NAY EM HƠI MỆT NÊN DI NGỦ SỚM ĐẤY Ạ.

      Xóa
  3. Đọc lời giới thiệu của Nhà văn Nguyễn Gia Nùng. Ánh Nhật ước gì mình sở hữu tác phẩm này một cuốn. Ghiền vì lôi cuốn quá chị Sơn ơi!
    Chúc chị một ngày cuối tuần vui và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  4. Chị cám ơn em Nguyễn Anh Nhật đã sang thăm đọc và cổ vũ cho gia đình chị nhé !
    Rất vui khi thấy em trân trọng sách SÌN HỒ DẤU YÊU nhưng đành khất em để in thêm mới gửi tặng em sau nhé ! Sách chị in có 500 cuốn nhưng vì ban đầu Sìn Hồ chỉ đặt mua 100 cuốn nên chị tặng gia đình, bạn bè hơn 200 cuốn rồi. Bây giờ huyện SH lại bảo cần 300 cuốn tặng Đại biểu về dự mít tinh Kỷ niêm 60 năm Ngày Giải phóng huyện(19/12) chi thu gom mãi cũng chỉ được 260 cuốn thôi, in tiếp thì không kịp rồi, em à...
    Chúc em ngày nghỉ vui nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
  5. Chào bạn Bùi Thị Sơn!
    Dễ đến vài năm nay anh em mình không giao lưu với mhau trên blog. Hôm nay lang thang vô tình vào đây. Cha cha một nhà có tới ba nhà văn (Phùng Cù Sân, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến) lại có tác phẩm chiềng làng thì quá tuyệt.
    Anh chúc mừng ba mẹ con em nhé(Ghi chú: Phùng Cù Sâm là cháu gái phải không?) Còn cháu PHY thì anh đã có bài thơ KHÓC TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN SƠN và anh đã đăng trong thư mục: Thơ văn sưu tầm rồi.
    Chúc gia đình em luôn phát triển và thành đạt trên con đường văn chương nhé!
    Thân ái: Hải Thăng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì! Anh Hải Thăng ơi ! Phùng Cù Sân là bố của cháu Phùng Hải Yến đấy ạ
      Em bị mất mật khẩu cũ nên không đăng bài mới được. Em chỉ dùng mật khẩu mới để trả lời com thôi ạ.
      Em cám ơn anh nhiều và chúc anh luôn VUI- MẠNH- HẠNH nhé!

      Xóa
  6. Chào bạn Bùi Thị Sơn!
    Dễ đến vài năm nay anh em mình không giao lưu với mhau trên blog. Hôm nay lang thang vô tình vào đây. Cha cha một nhà có tới ba nhà văn (Phùng Cù Sân, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến) lại có tác phẩm chiềng làng thì quá tuyệt.
    Anh chúc mừng ba mẹ con em nhé(Ghi chú: Phùng Cù Sâm là cháu gái phải không?) Còn cháu PHY thì anh đã có bài thơ KHÓC TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN SƠN và anh đã đăng trong thư mục: Thơ văn sưu tầm rồi.
    Chúc gia đình em luôn phát triển và thành đạt trên con đường văn chương nhé!
    Thân ái: Hải Thăng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bấm một lần sao ra hai nhận xét nhỉ bạn Sơn ơi!

      Xóa
    2. Em cũng không biết nữa. Em rất muốn đăng bài mới mà không biết làm cách nào đấy anh à.

      Xóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]