Tạp văn
1-Ù…ù….ù…ù…
Ong …ong…u…u…
Âm thanh bùng
nhùng tới tấp chen lấn nhau lấp đầy có ngọn hai bên màng nhĩ mang hình dạng kỳ
dị như tai của Lão Trư Bát Giới. Tô đang phiêu diêu ở bãi biển nào vậy? Đồ Sơn
dịu dàng hay Sầm Sơn mạnh mẽ? Vũng Tàu cuồn cuộn hay Nha Trang sâu lắng? Ơi
biển muôn đời tôi si mê! Biển hào phóng bao dung với muôn vàn ức triệu cánh tay
sóng mát rượi vuốt ve âu yếm tôi những trưa hè hiếm hoi tôi kiếm cớ xa rừng để
trốn ra với biển…
Tôi vẫn yêu
rừng lắm - một tình yêu máu thịt, hữu cơ, tự nhiên như không khí cần cho tôi
thở, nước sạch cần cho tôi uống hàng ngày. Nhưng tôi khát biển! Biển xa xôi vời
vợi luôn hiện về trong từng giấc mơ tôi một thiên đường đầy mộng mị ám ảnh dứt
day… Có lẽ cánh tay sóng cuồn cuộn của biển không ôm chỉ riêng tôi? Như một gã
thanh niên choai choai “ngựa non háu đá”, cái gì xa vời ngoài tầm tay với cũng
khiến tôi háo hức khát khao, chinh phục !
Rồi những
tiếng rì rầm rất lạ…Tôi lạc vào phiên chợ Cõi Âm sao? Mọi tiếng động đều nghe
như mơ hồ, lạ lẫm, như kìm nén, cố giấu, như bảng lảng, không thực…
2.
- Ôi cái cổ
của con sao bỏng rát thế này?
- Con vừa cắt
amidan đấy! Gắng lên!
Tiếng mẹ dịu
dàng như trôi về từ một bến bờ xa lơ xa lắc.
- Ôi, cô bé
dũng cảm. Cắt amidan mà không hề kêu rên một tiếng - Giọng một bác sĩ trẻ động
viên khuyến khích - Con gái ông Phó giám đốc Bệnh viện Khu có khác!
Cô bé con mười
hai tuổi cố nghiến răng chịu đau mặc nước mắt tuôn tràn đôi gò má xanh xao nhợt
nhạt. Bàn tay mẹ dịu dàng lau khô dòng nước mắt nóng hổi của cô. Mẹ ân cần bón
từng thìa sữa cho cô suốt tuần lễ bởi
vết cắt bị tổn thương, đau rát. Sau đợt ấy, giọng nói cô trầm hẳn xuống, ồm ồm,
đứt quãng; giọng hát cũng không còn trong trẻo, ngân vang như trước… “Chim Sơn
Ca” suốt bốn năm cấp 1 và một năm cấp 2 đành “mất chức” quản ca. Bù lại, cái
chức cán sự văn cô giữ dài dài không chỉ
suốt những năm học phổ thông cấp hai…
Bố bảo:
- Con gái bố
thật tuyệt! Lớn lên, con sẽ là một bác sĩ giỏi giang.
- Ứ ừ, con sợ
tiêm lắm! Con chẳng làm bác sĩ đâu, con chỉ làm văn sĩ thôi!
Bố cười hiền
từ:
- Con gái bố
mơ mộng quá! Được rồi, lớn lên con sẽ làm văn sĩ.
3.
Bố đột tử vì
bị xuất huyết não khi thức trắng đêm viết Diễn văn cho Khu ủy chuẩn bị kỷ niệm
hai mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (lúc ấy bố đã chuyển sang công tác ở Ban
Văn giáo Khu Tây Bắc). Một mình mẹ cô - người đàn bà góa bốn mươi tư tuổi gồng
mình nuôi sáu đứa con lít nhít sàn sàn như trứng gà trứng vịt đang học hành
dang dở, riêng cậu út mới vừa tròn hai tuổi. Cô không trở thành bác sĩ, cũng
không trở thành văn sĩ mà trở thành cô giáo dạy văn. Con đường học hành của cô
dang dở, đứt đoạn chứ không “xuôi chèo mát mái” như bạn bè cùng trang lứa. Cô
vào học hệ 7+3 lớp Văn- Sử của trường trung cấp Sư phạm Khu Tây Bắc, rồi ra
trường đỡ gánh nặng cho mẹ. Rồi lấy một anh bạn đồng nghiệp mồ côi nghèo khổ.
Rồi sinh con trai, con gái. Rồi lại cắn răng chịu đựng thiếu thốn gian khổ,
thay phiên nhau trông con để tiếp tục học lên. Anh đã học qua hai lớp Quản lý
giáo dục và lớp Cao cấp chính trị. Còn cô cũng lần lượt học hết lớp Cao đẳng Văn
Sư phạm Tây Bắc đến lớp Đại học Văn Sư phạm Hà Nội. Bây giờ người ta nói “Dốt
đi chuyên tu, ngu đi tại chức” cũng chẳng sai nhưng ngày ấy, cô tự hào đã học
bằng thực tâm, thực tài của mình …
Yêu văn chương
không làm cho cô trở thành văn sĩ nhưng khiến đời sống tâm hồn cô thêm phong
phú. Cô sống bao dung nhân hậu , hòa đồng với mọi tầng lớp người trong xã hội.
Yêu văn chương cũng bao phen làm cô long đong lận đận bởi ngộ nhận, vỡ mộng…
4.
Cục gì nhờn
nhờn, trơn tuồn tuột cứ trồi lên cổ họng thế này? Muốn khạc quá mà thấy tanh
tanh mằn mặn. Cô thòi tay móc họng và lôi ra từng cục bầy nhầy có màu hồng nhạt
như hạt lựu ngày bé thường được mẹ mua cho ăn mỗi lần ngóng mẹ đi chợ về. Buồn
nôn quá!
Lại móc cổ
họng lôi ra từng cục to hơn, sền sệt như những miếng tiết tím bầm, lại trơn
trơn nhùn nhũn như cục thạch cô thường mua cho bé Bi ăn, và bé thường cười
khanh khách khi nún chán chê lại đùn ra bắt mẹ nuốt hộ.
Cô cố hé đôi
mắt nặng chình chịch, hum húp như bị ong đốt để nhìn nhận
mọi cảnh vật hiện hữu quanh mình. Cái đầu u mê của cô dần dần tỉnh laị. Cô
lờ mờ nhớ ra: Sáng nay, Hoài Thy tỉnh
giấc, reo to:
- Ôi, bố ơi !
Mẹ mở mắt rồi này ! Mẹ tỉnh lại rồi này !
“Choang!”. Anh
đang rót nước sôi vào phích, mừng quá run tay làm chiếc phích lăn lông lốc, vỡ
tan.
- Bố! Bố có
làm sao không? May rồi, bố không sao! Trưa về con mua cái phích mới. Bố mừng
cho mẹ quá đấy mà!
Qua lời trao
đổi rì rầm của hai bố con, cô mới hay mình bị ngộ độc thuốc, xuất huyết niêm
mạc và thực quản, đường tiêu hóa phải vào khoa nội Bệnh viện tỉnh cấp cứu, truyền
giải độc sáu ngày sáu đêm rồi. Cái âm thanh ầm ì cô nghe như tiếng sóng biển ấy, tiếng oan hồn khóc ở
Cõi Âm ấy, cái cổ bỏng rát như bị cắt amidan ấy, những cục da thịt nhùn nhũn,
tanh lòm, mằn mặn ấy… là hậu quả của
trận ngộ độc thuốc chết tiệt ấy. Sáu ngày qua môi cô lở loét, lưỡi rộp
lên trắng như bôi vôi nên không ăn uống gì nổi, phải truyền đạm sữa. Căn phòng
cô ở trên tầng bốn khang trang, tiện nghi như khách sạn ba sao là căn phòng tự
nguyện duy nhất của khoa nội mà mọi người đã ưu ái giành riêng cho cô. Tất
nhiên, anh phải trả tiền phòng mỗi ngày. Bệnh nhân là cán bộ hay nhân dân điều
trị nội trú đều được tĩnh dưỡng trong những gian phòng gồm bốn giường bệnh sạch
sẽ, có toa lét , trang thiết bị nội thất
hoàn toàn do Hàn Quốc tài trợ và được các y bác sĩ, các điều dưỡng viên, các y
sinh thực tập… quan tâm, chăm sóc rất chu đáo. Riêng phòng cô ở được trang bị
thêm điều hòa, ti vi, đầu thu, bàn ghế, ấm điện, ấm chén để pha trà, tiếp khách…
Sáu ngày qua, bố con anh lo lắng cho cô nên thay nhau túc trực trông cho cô
truyền đạm truyền thuốc mỗi ngày bắt đầu từ lúc tám giờ sáng và kết thúc ba giờ
đêm hôm sau, không dám bật ti vi nữa.
5.
Hôm nay là thứ
bảy, bệnh nhân là cán bộ viên chức đã về
vãn. Chỉ còn nhiều bệnh nhân là bà con các dân tộc ở vùng sâu vùng xa thôi. Hai
bố con đóng kín cửa phòng, bật điều hòa và mở ti vi nho nhỏ xem chương trình
thời sự. Đêm nay trên VTV1 phát chương trình truyền hình trực tiếp mang tên “Vì
Ngày mai Tươi sáng”. Đó là sáng kiến của các bác sĩ Khoa ung bướu, bệnh viện K
Hà Nội để quyên góp tiền ủng hộ trẻ em ung bươú vui tết Trung Thu. Hai bố con
đang xem, chợt Hoài Thy nói nhỏ:
- Bố xem kìa !
Người ta đứng đầy ngoài cửa sổ phòng mình kìa!
Theo tay chỉ
của Hoài Thy, tôi cố nhướng mắt nhìn qua cửa kính thì thấy những đôi mắt tròn
xoe thô lố của các em nhỏ đi chăm cha mẹ ốm, những đôi mắt mỏi mệt, nhăn nheo
của các bệnh nhân già dán chặt qua cửa. Anh khẽ khàng nhắc con gái:
- Con xếp ghế
ra cho bố…
Rồi nhanh nhẹn
mở cửa, vồn vã:
- Mời các bác,
các anh và các cháu ngồi xem!
Hai anh trung
niên chắc là cán bộ, ba ông bà già người Mông, người Dao và ba đứa trẻ người Thái ý tứ bước vào, ngồi ghế im lặng theo dõi màn
hình.
Hoài Thy bảo:
- Bố cho họ
vào phòng xem ti vi thế này, con sợ bác
sĩ trực đêm không đồng ý.
- Không sao
đâu con! Bà con vùng sâu vùng xa, họ thèm xem ti vi lắm con ạ.
Rồi rót nước
lavi trao tay từng người.
Tôi hé mắt
nhìn ba em nhỏ, áo quần vương nhiều mảnh vá, thấy cay cay nơi sống mũi…
Màn hình xuất
hiện hình ảnh Hoàng Diệu Thuần - cô gái Nghệ An bảy năm chống chọi với bệnh ung
thư máu cùng tập tự truyện “Như hoa hướng dương” gây xôn xao dư luận về nghị
lực phi thường của cô sinh viên bé nhỏ. Giao lưu cùng em bên Thi viện.net, tôi
được biết em còn có hai mươi trang thơ gồm 197 bài thơ do em sáng tác và các
blogger thân thương gửi tặng. Chợt hổ thẹn trước cô bé chỉ đáng tuổi con mình…
Đến mục các
doanh nhân và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ bệnh nhân ung thư, tôi thấy
lòng dịu lại trước những tấm lòng từ thiện của bà con mình. Tiếng chồng tôi:
- Con gái gửi
tin nhắn về 1405 - NMTS…cho bố nhé !
- Xong rồi! Mà
mỗi tin nhắn chỉ tặng được quỹ “Ngày mai tươi sáng” có mười ngàn thôi bố à.
- Không sao ! Mai lên cơ quan, bố lại nhờ anh Tuấn gửi tiếp…
Ôi, cái ông
chồng già cà là tẩm của tôi! Được con
trai trang bị cho cái điện thoại iphone5 hiện đại thế mà chỉ biết gọi và
nghe máy. Stốp! Cứ mỗi lần có ai gửi tin nhắn tới là phải đem về nhờ vợ đọc hộ.
Có lần tôi đọc được tin nhắn của một bà tuổi sồn sồn chán chồng ngọng líu ngọng
lo: “Em ngưỡn mộ eng lắn đó” mà ôm bụng cười tưởng đứt ruột.
Con gái tôi
cáu:
- Mẹ đừng chê
bai bố! Người như bố bây giờ “hiếm có khó tìm” lắm đấy! Con đi dự họp, thấy ối
ông đứng đầu ngành của tỉnh tuổi gần như bố, nét mặt nghiêm trang, tư thế đĩnh
đạc đàng hoàng mà ngấm ngầm thò tay xuống ngăn bàn nhoay nháy viết tin nhắn hẹn
hò bồ bịch đó nha!
- Này con,
không phải con tưởng tượng ra đấy chứ? Cẩn thận không mắc bệnh nghề nghiệp đấy
nhé!
Nói là nói vậy
thôi, ông chồng già cà là tẩm của tôi - dẫu không phải rơi rớt sót lại của loài
khủng long tiệt chủng nhưng cũng là loại “động vật cấp cao quý hiếm”. Tôi hay
bôi bác chồng nhưng “khẩu xà tâm phật”.
Chuyện nhỏ… như
con thỏ ấy mà!
B.T.S