Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

PHONG LAN

 Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn (Đăng lại)


1-     
   Luân đang ngồi trầm ngâm bên ô cửa sổ, ngắm nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng thì nghe tiếng gõ cửa gấp gáp:
     - Cứ vào!
     Chưa kịp nhận ra người thanh niên bảnh bao này là ai, Luân đã ngợp thở trong vòng ôm rất chặt của anh ta:


- Anh Luân! Em nhớ anh quá! Một năm rồi còn gì! Em đánh mất di động nên không còn địa chỉ để liên lạc với mọi người. Em vẫn theo dõi Tạp chí Văn nghệ của các anh. Anh viết lên tay lắm! Còn Phong Lan, có dễ đến nửa năm rồi, em không đọc được bài nào của cô ấy. Em cứ hy vọng đợt đi trại viết này, sẽ gặp được Phong Lan. Thế mà…
     Nghe cái giọng thao thao bất tuyệt của anh thanh niên, Luân nhớ ra ngay anh ta tên là Minh - một bạn viết ở Phú Thọ… Năm ngoái, trại viết của Hội Liên hiệp tổ chức tại Bãi Bằng - một địa điểm khá đẹp và thơ mộng. Trại viên gồm các văn nghệ sĩ 14 tỉnh Khu vực miền núi phía Bắc. Lai Châu chọn được hai trại viên tiêu biểu là Luân và Phong Lan. Ngoài bốn mươi tuổi, Phong Lan vẫn đẹp lắm - một vẻ đẹp mềm ấm, kiêu sa và huyền bí. Người ta thường nói: “Ông trời công bằng lắm, chẳng mấy ai được cả tài và sắc. Những cô gái xinh đẹp thường không thông minh và ngược lại, những cô gái thông minh thường không xinh đẹp”. Thế mà, trong trại viết ấy, Phong Lan nổi lên như một biểu tượng: đẹp, thông minh, dịu dàng và quyến rũ. Nàng thường mặc những chiếc áo ren hoặc lụa tơ tằm, ôm sát thân hình tròn lẳn trông rất gợi cảm. Nửa tháng ở trại, nàng là trung tâm thu hút của mọi người, từ chị Hiền ở Yên Bái - một cô giáo đã nghỉ hưu đến Thu Trang - cô phóng viên ở Lạng Sơn, trẻ nhất trại - ai cũng quý mến Phong Lan. Các cô gái trẻ thường bình luận sau lưng cô:
     - Này, chị ấy lúc nào cũng nhàn nhã, chẳng thấy đóng cửa cắm cúi viết như bọn mình, lúc nào cũng thấy chị ấy đem máy ảnh, một mình thơ thẩn trên đỉnh núi Chang như người mộng du.
     - Ồ, thế thì mọi người không biết rồi, chị ấy đã chuẩn bị rất chu đáo các bài viết từ ở nhà, đóng thành tập thơ riêng, truyện ngắn riêng. Đến trại, chị ấy đi dạo một mình, ngắm cảnh thiên nhiên để ủ cảm xúc, ý tưởng cho những sáng tác mới, đó cũng là một phong cách hay!
     - Mà chị ấy cũng rất chu đáo, chăm sóc đến mọi người. Lúc nào đi trên núi Chang về, cũng có bó hoa rừng cắm ở phòng nữ, trên bàn lúc nào cũng có một loại bánh kẹo mới để mọi người “ăn cho vui”. Chị pha cà phê thì tuyệt ngon, phòng nào chị cũng biếu một hộp cà phê Trung Nguyên “nhâm nhi cho tỉnh táo, còn lấy sức mà viết”.
     Chuyện ấy chỉ có Luân là biết: Chồng Phong Lan là Giám đốc một ngành kinh tế của tỉnh, dịp tết vừa qua, đám bậu xậu dưới quyền từ tỉnh đến các huyện biếu xén đủ thứ, làm sao dùng hết được. Mà chồng Phong Lan cũng rất thoáng. Ông ấy luôn là “Mạnh Thường Quân” cho những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn; dù bận rộn biết bao công việc, ông vẫn luôn giành thời gian và tình cảm ưu ái cho giới văn nghệ sĩ và các phóng viên báo tỉnh nhà. Hôm Phong Lan xuống trại, cô ấy cũng ghé qua trường Luân, rủ anh cùng đi:
     - Em biết, đợt này cả tỉnh chỉ có hai anh em mình đi trại viết. Anh nhà em cũng tiện đường đi Hà nội công tác đúng dịp này, em ra mời anh đi cùng. Ta đi sớm một chút qua chùa Hương, quay lại là vừa lúc khai mạc trại anh ạ!
     - Cám ơn Lan! Có lẽ tôi phải đi sau vì còn bận giải quyết một số việc của gia đình, Lan cứ đi trước đi.
     - Vâng! Thế em đi trước nhé!
     Vẫn nụ cười quyến rũ, vẫn nói năng dịu dàng từ tốn, Luân thầm nghĩ: “Công tác gì cái lão ấy. Lại lấy xe công đưa vợ đi chơi đây! Ta bỏ hai trăm bạc đi xe ca, tự do không hơn à?”
     Đám đàn ông văn nghệ sĩ tỉnh lẻ, bữa cơm nào cũng tìm cách lân la ngồi gần Phong Lan, tán tỉnh cô ra mặt:
     - Em đúng là một bông hoa rừng.
     - Cái tên em mới thật ấn tượng, chắc bố mẹ em tự hào về con gái lắm mới đặt cho em tên một loài hoa đẹp - Chúa của các loài hoa.
     Phong Lan đỏ mặt (lúc nào cũng đỏ mặt, e thẹn như con gái mới chết chứ):
     - Em cũng thường thôi!
     - Em vừa đẹp vừa giỏi, lại khiêm tốn. Nhưng em ơi! Người ta vẫn thường bảo một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu đấy em ạ!
     Phong Lan lại đỏ mặt, liếc nhanh qua Luân. Luân tảng lờ như không nghe thấy những lời tán tỉnh nhạt nhẽo, trống rỗng của đám đàn ông háo sắc cũng như không nhìn thấy cái liếc mắt như van lơn, ngăn chặn của Phong Lan. Ừ, chắc lúc ấy cô ấy chợt nhớ ra, cái tên Phong Lan là do anh gọi đầu tiên (sau này cũng trở thành bút danh của cô ấy). Lúc gọi cô cái tên đó, anh cảm thấy ở cô một vẻ đẹp mong manh yếu ớt như cánh hoa lan đung đưa trước gió. “Ừ, thì bây giờ cô ta vẫn là Phong Lan - nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác” - Luân cay đắng nghĩ .
     Tán là tán cho vui vậy thôi, ai cũng yên bề gia thất cả rồi. Cũng có đôi chàng nghệ sĩ tỉnh lẻ nửa nạc nửa mỡ “Được thì tốt, không được thì là đùa vui thôi mà”. Phong Lan không tỏ ra dễ dãi, mềm lòng cũng không tỏ ra phật ý hay kiêu kỳ ngạo mạn trước những lời tán tụng suồng sã quá trớn. Cô thường mở to đôi mắt bồ câu ngây thơ, ngạc nhiên như không hiểu mọi người nói gì (ở cái tuổi của cô mà vẫn cứ như  “con nai rừng ngơ ngác” mới chết người chứ!). Nói thế thôi, các ông văn nghệ sĩ từng trải tinh đời lắm, họ thừa hiểu: cô ta giữ phép lịch sự nên giả vờ không biết gì, đóng kịch kể cũng khéo. Thế nhưng, thái độ ấy làm cho một người “chết” thật! Người đó là Minh - một hội viên của Phú Thọ - nghề nghiệp chính là thợ ảnh, trẻ hơn Phong Lan đến năm tuổi, trai tân.
Nhà Minh ở cách trại mười cây số, hôm đầu tiên cậu xin phép trại trưởng là cậu nghỉ tại gia đình, còn tranh thủ làm thêm, thỉnh thoảng cậu mới đến trại gửi tác phẩm và tham khảo ý kiến của mọi người. Thế nhưng, vừa gặp được Phong Lan, nghe cô ấy nói chuyện, có chút men rượu vào cậu đã say đứ đừ, nằng nặc xin trại trưởng bố trí cho ở lại trại “để còn học hỏi kinh nghiệm của anh em”. Biết Luân ở cùng tỉnh với Phong Lan, cậu tìm cách làm thân, dò hỏi chuyện chồng con cô ấy. Luân giữ thái độ bình thản, dè dặt trước các thông tin chọn lọc cậu cho Minh biết về Lan. Anh không muốn nhen cho Minh tia hy vọng hão huyền. Anh chỉ nói:
     - Chồng Lan là Giám đốc một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, giàu có và rất yêu vợ con. Lan có hai đứa con, một trai, một gái, đang học phổ thông trung học. Gia đình Lan sống hạnh phúc lắm!
     Hôm tổng kết trại, ai cũng cảm thấy rất vui vì được các nhà văn, nhà thơ trung ương nhận xét rất tỉ mỉ chu đáo cho bài viết của từng người, nhất là thấy được hạn chế cần khắc phục. Các văn nghệ sĩ tỉnh lẻ đâu có ai được học qua trường lớp viết văn bao giờ. Dịp đi trại này vô cùng bổ ích đối với mọi người. Riêng Phong Lan thì vui và hãnh diện ra mặt vì truyện ngắn “Thần tượng” của cô được chọn đăng trên một tờ báo có uy tín ở trung ương: “Đề tài thì không mới, nhưng cách viết thật táo bạo. Nó gợi ra trách nhiệm của mỗi người trước cái xấu, cái ác, cái giả dối được che đậy bởi lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Văn phong mạnh mẽ, ngôn từ chọn lọc, hàm xúc…” Nhận xét của một nhà văn có tiếng làm mọi người càng nhìn Phong Lan với đôi mắt nể phục.
2.
     Ba mươi năm trước, Luân vừa học hết cấp II thì bố mất đột ngột . Luân là con cả trong gia đình có ba anh em trai. Thương mẹ vất vả, anh xin đi học lớp trung cấp sư phạm ở Thuận Châu (Sơn La), hy vọng ra trường sẽ đỡ đần mẹ nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ rất thương cậu con trai cả học giỏi, chăm làm và hiếu thuận nhưng đành phải chấp nhận giải pháp ấy vì bà không thể gồng mình nuôi nổi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
     Sắp đến ngày đi thi, hôm nào cậu cũng vào rừng kiếm cho mẹ gánh củi khô to tướng để mẹ đun dần. Hôm ấy vừa về đến ngõ, cậu đã nhìn thấy một cô bé chừng mười sáu, muời bẩy tuổi mặc một cái áo phin màu tím hoa cà, hai bím tóc cài nơ vểnh lên, ngoe ngoảy như đuôi chồn đang giúp mẹ tưới rau. Cô bé ngẩng đầu lên, nhìn thấy cậu, nhoẻn nụ cười thật tự nhiên:
     - Em chào anh Luân! Anh đi lấy củi về đấy ạ?
     - Ừ
     Luân đáp cụt lủn, nghĩ thầm: “Quái, con bé lạ hoắc này ở đâu ra mà biết cả tên mình nữa chứ!”
     Đặt gánh củi giữa sân, cậu thấy mẹ đang ngồi uống nước cùng một thiếu phụ xinh đẹp, ăn mặc đỏm dáng:
     - Cháu chào cô ạ!
     - Luân đấy ư? Cao lớn bảnh bao vậy rồi ư?
     Thấy Luân ngơ ngác chưa nhận ra người quen, mẹ nhắc:
     - Con không nhận ra cô Nhạn à? Ngày trước cô ở cùng nông trường chè với bố mẹ, có ba đứa con gái là Lan, Hồng, Cúc ấy! Gia đình cô ấy chuyển về Thuận Châu lâu rồi. Chú ấy bị tai nạn giao thông, mất năm ngoái.
     Cô Nhạn bỗng oà lên, khóc rưng rức:
     - Ôi chị ôi là chị ôi! Chị em mình cùng cảnh ngộ, cái số mình sao nó khổ thế này.
     Phụ nữ dễ mủi lòng, nhất là những người goá chồng sớm. Nghe cô Nhạn khóc, mẹ cũng gục đầu vào vai cô nức nở.
     Giờ thì Luân đã nhớ ra: hồi Luân còn học cấp một có ở cạnh nhà cô Nhạn thật. Ông trời thật chẳng công bằng: Bố mẹ Luân sinh toàn con trai, còn nhà cô Nhạn lại sinh liền tù tì “ba con vịt trời”. Hàng xóm cứ đùa trêu: Sau này cho ba ả tố nga kết duyên cùng ba chàng hàng xóm thì thật là hay, lũ trẻ con sinh ra đều có chung ông bà nội ngoại. Luân nghe thấy, xì một tiếng thật to: “Cháu không thèm lấy con Lan!” Cái Lan ngày ấy gầy đét, đen như chấy. Mới năm năm không gặp mà cả mẹ cả con giờ đều như lột xác, biến thành người khác, thơm tho, đẹp đẽ. Nghe người ở nông trường đưa con xuống học ở Thuận Châu về nói cô mua một ngôi nhà hai tầng ở mặt đường, bán cơm phở chạy lắm! (Tiền ở đâu ra nhỉ, hồi còn ở nông trường chè, họ túng thiếu lắm! Hay là… hay là hồi đó nó buôn lẻ thuốc phiện mà công an chưa phát hiện ra, nó cứ giả nghèo giả khổ rồi nhanh chóng chuyển hướng đi nơi khác làm ăn?) Mà gặp lại người quen cũ cùng nông trường chè, cô ấy “chém đẹp” ngay. “Càng quen càng lèn cho đau”mà!
     Đấy là Luân nghe mọi người nói thế, chứ hôm nay thấy cô đến thăm an ủi mẹ, lại có cả em Lan xinh đẹp đi cùng, mẹ và Luân đều rất vui. Mẹ mời cô ở lại dùng cơm, cô vui vẻ nhận lời ngay, lại còn lôi từ trong làn nào trứng, nào giò chả, nào bánh kẹo, hoa quả…
Ăn cơm xong, cô chẹp miệng mấy cái, rồi dợm giọng nói với mẹ:
     - Em lên thăm chị, trước là chia buồn cùng chị, sau là cũng muốn bàn với chị việc học hành của các cháu.
     - Cô nói gì tôi chưa hiểu…
     - Thế này chị ạ! Nói gần nói xa chẳng qua nói thật!     Em nghe người ta nói cháu Luân sắp thi vào trường Sư phạm Thuận Châu, em cũng thật là tiếc cho cháu. Nếu anh còn, chắc chắn nó còn học lên nữa, thi đỗ đại học đàng hoàng. Từ nhỏ, nó đã nổi tiếng là thông minh, sáng dạ. Nhưng thôi, nó có chí thì sau này còn nhiều dịp học tiếp. Em lên bàn với chị để cho cháu Luân xuống ôn thi giúp con Lan nhà em, sau hai đứa cùng thi vào sư phạm thì tốt. Nhà em cũng gần trường, lại rộng rãi, để chúng nó học ngoại trú vừa đỡ tốn kém vừa tiện lợi đủ đường…
     Cô Nhạn bỏ chừng câu nói lấp lửng, liếc nhanh qua Luân, nháy mắt đầy hàm ý.
     Mẹ ngạc nhiên:
     - Ôi, tôi cứ tưởng cháu Lan nhà mình đang theo học trường văn hoá nghệ thuật tỉnh Sơn La cơ mà?
     - Chẳng giấu gì chị: Cháu từ nhỏ thể trạng đã yếu nên học khó vào lắm! Ông anh trai em dạy học ở đấy mách trường lấy học sinh tốt nghiệp cấp một vào. Ba năm đầu cho học văn hoá hết cấp hai, sau đó mới phân vào các khoa thanh nhạc hoặc múa… Con Lan nhà em học yếu, lại không có năng khiếu âm nhạc. May mà có bác cháu đỡ đầu nên thi vào trót lọt, lại được nhà trường nuôi ăn học tử tế, ba năm trời mình chẳng mất xu nào. Bây giờ tốt nghiệp cấp hai rồi, bác cháu nói khéo với nhà trường do hoàn cảnh gia đình, cháu xin về học chuyên nghiệp gần nhà, còn đỡ đần thêm cho mẹ. Chị tính: ngành khác thì còn có thể cố, làm nghệ thuật mà không có năng khiếu về đàn hát thì…
      “Thế làm cô giáo không cần có năng khiếu à? Học yếu thì làm sao dạy được ai cơ chứ!” Luân nghĩ thầm. Một tiếng nói khác văng vẳng bên tai Luân: “Tốt nhất là im lặng đừng nói gì. Cứ để mẹ và cô ấy bàn”.
     - Nghe nói kinh tế nhà cô giờ khá giả rồi, sao cô không cho cháu học tiếp lên cấp ba rồi thi vào đại học?
     - Ôi dào! Em nói thật với chị, nếu không có ông anh ruột em làm ở đấy, cháu cũng khó thi nổi hết cấp II. Mà đi học tiếp, biết nhờ cậy ai. Em nghĩ tốt nhất là để anh em nó cùng học với nhau tiếp ba năm chuyên nghiệp, anh Luân giúp đỡ Lan. Từ trường đến nhà em chưa đầy một cây số, em sẽ xin cho hai đứa học ngoại trú. Khoản ăn nghỉ của cháu Luân, chị khỏi phải lo.
     Luân hiểu ý cô Nhạn: Cô không tính tiền ăn, tiền trọ cho cậu như vậy tiền học bổng ít ỏi cậu có thể giành dụm gửi về cho mẹ nuôi các em. Đổi lại, cậu có nhiệm vụ phụ đạo cho cái Lan, sao cho nó cùng tốt nghiệp sư phạm với cậu.
3.
     Khi theo cô Nhạn về Thuận Châu, Luân được cô bố trí cho một phòng riêng trên tầng hai, bên cạnh phòng hai chị em Lan và Hồng. Cô Nhạn và cái Cúc thì nghỉ ở gian cạnh phòng khách tầng hai. Dưới tầng một, cô Nhạn vẫn bán cơm phở, còn một buồng lớn giành cho ba cô gái trẻ giúp việc bán hàng. Như vậy, ngôi nhà có tám người sinh sống chỉ có mỗi Luân là nam giới nhưng cô ấy xếp như vậy cũng không có gì bất tiện bởi riêng phòng cậu như một phòng víp thực thụ với công trình khép kín thơm tho sạch sẽ. Khi học bài, cô Nhạn yêu cầu hai đứa ra phòng khách ngồi học đàng hoàng nghiêm chỉnh. Cả nhà ăn cơm ở tầng một. Các món ăn lúc nào cũng có thịt cá chế biến rất ngon, Luân càng nhớ mẹ và các em nhiều hơn. Việc thi vào trường của hai đứa diễn ra khá suôn sẻ. Hai đứa cùng thi vào khoa văn vì đó là môn học Luân say mê nhất. Rất may, tên hai đứa có cùng phụ âm đầu, xếp theo bảng chữ cái A, B, C hai đứa ngồi gần nhau nên Luân có thể giúp Lan một cách dễ dàng, còn dư thời gian sửa lại bài của mình cho khác một chút, không ai có thể phát hiện ra được. Luân cũng định bụng chỉ giúp Lan thi vào trường, rồi dạy bù các môn, lấp lỗ hổng kiến thức cho cô ấy.
     Kết quả thi vào trường thật mĩ mãn: Luân đỗ thủ khoa, còn Lan đứng thứ ba sau cái Thục - một đứa con gái khá xinh nhưng rất nghèo. Đối với lực học của Luân, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng đối với Lan, đỗ vào trường học (lại đỗ với số điểm cao) thật là vượt quá mong đợi của cả hai mẹ con cô Nhạn. Cô tổ chức một bữa tiệc lớn để chiêu đãi cả nhà. Suốt bữa ăn, cô luôn tay gắp thức ăn đầy bát cho Luân:
     - Cô và em Lan cám ơn cháu nhiều lắm! Cô biết là cô không nhầm khi đã “chọn mặt gửi vàng” nơi cháu…
      Luân cảm thấy mất tự nhiên trước sự chăm sóc thái quá của cô Nhạn. Còn Lan nghiêng đầu, lườm yêu mẹ:
     - Mẹ mà khen anh Luân thì chẳng khác nào khen chim biết bay. Nhưng công của mẹ cũng lớn lắm đấy! Lúc chúng con đi thi, chẳng phải mẹ đã đồ xôi đỗ cho chúng con ăn, lại còn mua chiếc áo đỏ đẹp tuyệt cho con mặc đó sao?
     - Cô thì chỉ được cái…
     Lan cướp lời mẹ:
     - Chỉ được cái nói đúng, phải không mẹ? Nhưng mẹ ơi, có chuyện này con cần nói ngay với mẹ. Lúc cô giáo điểm danh vào phòng thi, con ngượng muốn chết. Bọn con gái thi vào lớp con chẳng xinh đẹp gì mà đứa nào cũng có một cái tên hay: Nào Hồng Nhung, Hải Yến, nào Cẩm Tú, Tuyết Trinh… Tên Lan nghe cũng được rồi, nhưng có chữ Thị đằng trước, nghe quê quá mẹ ạ! Con định đổi Nguyễn Thị Lan thành Nguyễn Phương Lan có được không mẹ?
     Cô Nhạn còn chưa biết trả lời con gái ra sao thì Luân dè dặt nói:
     - Cô ạ! Cháu nghĩ: Đổi tên đệm cho hay hơn cũng là nguyện vọng chính đáng của em Lan, nhưng thủ tục rườm rà lắm! Nếu mình làm không đến nơi đến chốn, sau này còn khó cho việc thi tốt nghiệp hoặc xin đi làm. Tốt nhất, mình cứ để tên cũ, còn tên Phương Lan mình đề vào mục tên thường gọi.
     Cô Nhạn âu yếm nhìn Luân:
     - Đúng là cháu có ăn có học, nói cái gì cũng có lý có tình. Cái tên Phương Lan nghe cũng hay, nhưng nhiều người đặt tên ấy rồi, nghe nó nhàm quá! Hay là… hay là, cháu giúp em tìm một cái tên đệm khác vậy?
     Cô đánh mắt liếc nhanh sang con gái yêu với nụ cười đầy hàm ý… Lan ngoẹo cổ, nũng nịu:
     - Mẹ nói phải quá! Anh Luân văn hay chữ tốt, anh đặt tên đệm cho em đi!
     Cái miệng Lan chúm chím như nụ hoa hàm tiếu, hai má Lan đỏ lừng như say rượu và nhất là đôi mắt - đôi mắt long lanh như hai giọt sương mai đậu trên hai hạt nhãn khiến trái tim cậu con trai mới lớn đập loạn xạ. Cậu nhớ đến buổi trưa hè nóng nực, một mình vào rừng kiếm củi giúp mẹ, lúc khát nước khô cổ họng, cậu ngẩng nhìn lên cây cổ thụ tìm bóng mát, bỗng chợt thấy người nhẹ bẫng, thanh thản lạ lùng như đang bay lên chín tầng mây. Ấy là khi cậu chợt nhìn thấy chùm phong lan vàng rực như nắng nổi bật giữa vòm lá xanh ngăn ngắt. Cậu leo lên cây cổ thụ, khéo léo chặt nhành cây có chùm lan rễ ăn sâu như tạc vào cành cây, đem về, cậu treo chùm lan ấy ngay cạnh cửa sổ. Khi có gió, chùm hoa khe khẽ đung đưa, những cái nhụy màu phơn phớt tím rung rinh, rung rinh toả hương thơm ngào ngạt.
     - Anh đặt tên đệm cho em đi!
     Giọng nói dịu dàng của Lan như đưa Luân trở về với thực tại.
     - À, à… Phong Lan! Phong Lan có được không hả cô?
     - Tuyệt quá!
     Hầu như tất cả mọi người ngồi bên mâm cơm cùng thốt lên hai tiếng đó.
4.
     Đêm ấy, Luân thao thức mãi. Cậu nhớ đến nụ cười mãn nguyện của cô Nhạn, ánh mắt lấp lánh niềm vui của Lan và những tiếng xuýt xoa trầm trồ của hai cô em gái. Cậu tự nhủ lòng, mình sẽ cố gắng kèm cặp, bổ sung những lỗ hổng trong kiến thức của Lan, dấy lên trong Lan ngọn lửa đam mê văn chương như cậu, trước hết là không phụ lòng tốt của cô Nhạn, trí tuệ tâm sức mình bỏ ra xứng đáng với những bữa ăn nghỉ tử tế cô ấy giành cho mình, đỡ gánh nặng cho mẹ. Cũng bởi một lý do thầm kín sâu xa. Cậu mỉm cười một mình trong mơ, hy vọng ngày hai đứa ra trường...
     Nhưng, cuộc đời giá đừng có những chữ nhưng oái oăm ấy! Thiện ý của cậu sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu người được cậu giúp đỡ không nỗ lực vươn lên bằng chính nội lực của mình. Ở nhà mỗi lúc ngồi vào bàn học, Lan lại ngáp dài ngáp ngắn kêu đau đầu chóng mặt. Luân động viên cô:
     - Cố gắng lên Lan ạ! Anh rất muốn giúp em ôn lại các kiến thức cũ em đã quên.
     Lan nũng nịu: “Thôi đi mà anh! Mẹ em đón anh xuống ở nhà em là để giúp em cơ mà! Sức khoẻ em không được tốt, mẹ sợ em học nhiều đau đầu”.
     Cô Nhạn đứng ở trước cửa phòng khách từ bao giờ, nói chêm vào:
     - Đúng đấy Luân ạ. Cô chỉ muốn cháu giúp em tất cả, sao cho em có tấm bằng tốt nghiệp bằng chúng bằng bạn. Mà cháu ở đây, cô và các em đối xử với cháu cũng không đến nỗi nào, phải không?
     Giọng cô ngọt nhạt, xơn xớt mà làm Luân đau nhói trong lồng ngực, cậu quay đi cố giấu dòng nước mắt  tủi hổ cứ trực trào ra: “Vâng ạ!”. Đêm ấy, Luân không sao chợp mắt nổi, cậu thấm thía câu nói “Nghèo thường đi đôi với hèn”. Cậu biết việc làm của mình là sai trái, là dung túng cho thói gian lận, giả dối của những kẻ có tiền. Nhưng cậu cũng không thể vào ở nội trú với vài đồng học bổng ít ỏi để mẹ lại oằn lưng ra cuốc đất trồng chè, gửi thêm tiền cho cậu ăn học. Hai đứa em ở nhà với mẹ còn khổ sở biết bao. “Cô và các em đối xử không đến nỗi nào”. Người ta đang kể công về những bữa ăn ngon, căn phòng tiện nghi giành cho cậu. Rặt một giọng con buôn. Cậu đổi lại bằng chất xám, bằng nỗi tủi nhục và cả lòng tự trọng của thằng con trai mười bẩy tuổi. Từ đó, cậu phải làm việc gấp đôi những giáo sinh khác. Ở nhà, cậu soạn bài giảng văn và làm bài tập ngôn ngữ cho Phong Lan chép lại. Trong lúc Phong Lan nắn nót “sao y bản chính”, cậu lẳng lặng chuẩn bị bài cho mình theo một hướng khác với bài đã làm giúp Lan. Nhiều lúc trả bài, Lan còn được điểm cao hơn cả Luân .“Vì chữ em đẹp hơn chữ của anh mà!” Lan hồn nhiên giải thích. Những lúc phải làm bài trên lớp, cậu tốc ký thật nhanh rồi mắt trước mắt sau, chờ lúc thầy không chú ý, khéo léo đẩy bài sang cho Lan. Lần đầu làm thấy ngượng, thấy hổ thẹn với chính mình, lâu dần thành quen, cậu coi đó như một cuộc đổi chác và không còn cảm giác xuyến xao bồi hồi khi ngồi bên Lan nữa. Có lúc cậu cũng lo: nếu thầy gọi Lan lên bảng làm bài tập, Lan nhìn bài của cậu mà không giải được thì làm sao? Rồi sau này đi kiến tập, thực tập, Lan xoay sở như thế nào?
Mọi lo lắng của Luân đều không xảy ra. Cả một học kỳ, mỗi giáo sinh chỉ có một điểm miệng. Lần ấy, Lan cầm bài của cậu lên bảng, trả lời vanh vách. Luân ngạc nhiên trước sự hoạt ngôn của cô ta: “Công bằng mà nói, Lan không đến nỗi dốt nhưng sức ỳ của cô ấy lớn quá, khó thay đổi được. Mình là cái quái gì mà dám thay đổi một cô gái đẹp con nhà giàu?” – Luân nghĩ vậy để tự an ủi chính mình.
     Sang học kỳ hai, thầy Ngô - chủ nhiệm lớp được chuyển vùng. Thay thế thầy là thầy Trọng trẻ măng, khôi ngô tuấn tú vừa mới ra trường. Hôm đầu tiên thầy Trọng lên lớp, lũ con gái đã mắt tròn mắt dẹt:
     - Trời ơi! Đúng là chàng Kim Trọng tái thế. Con người mới hào hoa phong nhã, dịu dàng làm sao?
     - Mà giọng giảng bài của thầy thật lôi cuốn…
     - Từ hồi còn là sinh viên, thầy đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh.
     Thầy Trọng ngay lập tức trở thành thần tượng của lũ con gái choai choai mới lớn. Thầy rất thích ăn phở sáng ở hàng cô Nhạn, khi thì đi cùng vài ba người bạn, khi thì đi một mình. Thầy cũng năng đến nhà kiểm tra việc tự học của hai đứa. Nhiều lần, thầy biểu dương về thành tích “chăm chỉ học tập, thông minh, sáng tạo” của đôi bạn Luân - Lan trước lớp. Thầy khuyên:
     - Em nào có năng khiếu nên viết bài cộng tác với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đó cũng là một cách trau dồi kiến thức văn học rất có ích đối với một giáo viên dạy văn sau này.
     Nghe lời thầy, Luân mạnh dạn viết hai bài thơ gửi cho Tạp chí. Lần đầu tiên được đăng bài, cậu cảm động đến rơi nước mắt. Cậu viết bài không chỉ vì mục đích kiếm tiền nhuận bút giúp đỡ gia đình, mà còn vì nhu cầu tự thân muốn giãi bày lòng mình.
     Hôm ấy hết giờ học chiều, cậu ở lại trực nhật quét lớp trước để sáng mai đỡ phải ra lớp sớm. Tình cờ, cậu phát hiện ra quyển sổ nhỏ bìa xanh trong ngăn bàn của cái Thục. Cậu tò mò giở ra xem mới biết đó là tập thơ tay của Thục mới viết. Lướt qua vài bài, cậu bị cuốn hút ngay bởi cách viết chân thực giàu cảm xúc của Thục, đặc biệt là bài thơ “Sinh ra từ trong núi” - một bài thơ giản dị mộc mạc, chan chứa tình người dân miền núi. Trong cậu dấy lên một cảm xúc thán phục, trân trọng người bạn gái nghèo mà có chí. Đang mải mê, say sưa đọc, thì cái Thục hớt hải chạy đến:
     - Luân ơi, cậu có thấy…?
     Thục bỏ dở câu hỏi, mặt đỏ tía tai: “Cậu… cậu dám đọc trộm thơ của mình…” Nói đến đó, nó oà lên , khóc nức khóc nở như người bị đánh oan. Luân luống cuống:
     - Tớ…xin lỗi cậu, tớ không cố ý…
     - Cậu đã đọc bài: “Cho một người bạn trai” chưa?
     - Chưa. Tớ thề đấy!
     - Thế thì được rồi. Cậu cho mình xin lại.
     Luân luống cuống đưa lại tập thơ viết tay trả Thục, miệng lúng búng nói lời xin lỗi lần nữa. Khi đưa cuốn sổ, người thì chộp lấy như tìm thấy vật quý suýt mất, người thì dùng dằng luyến tiếc chưa muốn trao, hai đứa vô tình bóp tay nhau thật chặt. Như có dòng điện ngầm chạy khắp cơ thể, toàn thân Luân nóng ran - cái cảm xúc mới lạ chưa từng có khi ngồi kề bên Phong Lan.
     Sau giây phút bàng hoàng, Luân cố trấn tĩnh lại, và nói với Thục:
     - Thục ơi! Sao Thục không gửi bài cho Văn nghệ tỉnh?
- Thục viết chỉ để cho riêng mình, như những trang nhật ký bằng thơ. Thục chưa đủ tự tin để gửi đăng. Mình xin Luân đấy, Luân đừng tiết lộ cho ai những gì Luân đã đọc.
     Luân gật đầu, lảng tránh ánh mắt bối rối, van vỉ của cô bạn gái.
     Từ đó, Luân càng cố gắng học hơn. Cả Thục cũng vậy.          Như có một cuộc đua ngầm. Như có một động lực mãnh liệt từ bên trong khiến đứa nào cũng muốn vươn lên tự khẳng định mình.
5
     Sang năm thứ hai, Luân hơi bị bất ngờ khi thấy trong quyết định đi kiến tập, cậu và Phong Lan đi hai trường cách xa nhau gần trăm cây số: cậu đi theo đoàn về tít tận nông trường Mộc Châu dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của cô Thuỷ - phó chủ nhiệm lớp; còn Phong Lan và cái Thục thì được về nhận kiến tập ngay tại trường cấp II Tô Hiệu, thị xã Sơn La dưới sự hướng dẫn chỉ đạo của thầy Trọng - chủ nhiệm lớp. Cậu đưa mắt sang nhìn Phong Lan thì bắt gặp cái nhìn dửng dưng vô cảm của cô ta. Luân nghĩ thầm: “Thoả thuận ngầm giữa mình và cô Nhạn là mình phải giúp đỡ Phong Lan cho đến khi Lan ra trường. Vì thế phải báo ngay cho cô ấy biết, còn can thiệp với nhà trường cho hai đứa đi cùng một nơi”.
     Sau bữa cơm trưa, lúc ngồi ở bàn uống nước, nghe Luân từ tốn thông báo tin ấy, cô Nhạn nở một nụ cười thật tươi:
     - Thôi cháu ạ! Tổ chức đã phân công sao thì mình phục tùng vậy. Chẳng phải hai anh em đã từng viết vào đơn xin đi học: “Thực hiện nghiêm túc sự phân công của tổ chức” đó sao?
     Luân quá ngạc nhiên trước sự giác ngộ cao độ của hai mẹ con cô Nhạn.
     Hai tuần đi kiến tập trôi qua nhanh chóng trong sự làm việc miệt mài của Luân. Ban ngày cậu cùng các bạn đi dự giờ thăm lớp, thảo luận rút kinh nghiệm; ban tối lại tranh thủ đến thăm gia đình phụ huynh học sinh, rồi lại một mình tự tập giảng. Chỉ khi đặt mình xuống giường, cậu mới nhớ đến mẹ, các em và hai đứa bạn gái cùng học. Cậu vẫn ngầm thi đua với Thục. Còn với Lan, cậu thực sự thấy lo cho cô ấy. Cậu viết thư gửi về Tô Hiệu, căn dặn Lan tận tình tỉ mỉ, nhưng không hề nhận được hồi âm của cô ấy.
     Kết thúc đợt kiến tập, cả lớp có ba người đạt loại giỏi: Luân, Thục và tất nhiên là cả Phong Lan. Các bạn đùa trêu: “Tam giác đều… đừng biến thành tam giác tình yêu đấy nhé!”. Luân lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng. Thục đỏ bừng hai má. Còn Phong Lan buông thõng một câu: “Không bao giờ”. Từ lâu rồi, Luân nào có mơ. Nói đúng hơn, Phong Lan đâu phải mẫu người con gái anh lựa chọn. Anh chợt nhớ đến một câu đố về quả vải anh đã thuộc từ bé: “Da cóc mà bọc bột lọc, bột lọc mà bọc hòn than” - Tự dưng nhìn thái độ ngạo mạn của Phong Lan, anh lại nghĩ đến hình ảnh “bột lọc mà bọc hột than”. Anh không oán trách Phong Lan nhưng thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn.
6.
     Hôm sau, cô Nhạn sai ba cô bé giúp việc làm một bữa tiệc linh đình “mừng kết quả kiến tập tốt đẹp” của hai anh em. Mâm bát dọn xong xuôi, Phong Lan mặc chiếc sơ mi Hồng Kông màu hoàng yến, chiếc váy cùng màu ấy, ngắn trên đầu gối, bước ra hiên vừa đúng lúc thầy Trọng đèoThục đến. Phong Lan e lệ: “Chào thầy ạ!” rồi quay sang ôm choàng lấy Thục như lâu lắm rồi mới được gặp nhau:     - Ôi! Mộng Thục, hôm nay bạn đẹp quá!
     Luân còn chưa hết ngạc nhiên trước cái tên đệm mĩ miều, kệch cỡm chẳng hợp với Thục chút nào, đã thấy Thục má phấn môi son, trong bộ đồ trang phục y chang Lan bước vào nhà.
     Cô Nhạn đon đả bước ra đón khách:
     - Ôi! Cảm ơn thầy đã quá bộ đến vui cùng các em! Vào nhà đi Mộng Thục! Nom cháu cứ như là diễn viên điện ảnh ấy!
     Cô Nhạn công bố: bữa tiệc này trước hết là để cảm ơn thầy Trọng đã hết lòng dìu dắt, chỉ bảo để các em có được kết quả như hôm nay, sau là động viên Luân, Thục, Lan đã nỗ lực vươn lên, không phụ lòng tin của thầy, của mẹ.
     Tiếng bật bia lách cách, những cốc bia vàng sóng sánh tràn ly, thức ăn đầy bàn thơm ngào ngạt. Chốc chốc ba cô gái trẻ, đẹp lại thay nhau đổi món liên tục. Gương mặt ai cũng mãn nguyện. Thầy Trọng tự tay rót bia, gắp thức ăn liên tục cho cô Nhạn, Phong Lan , Mộng Thục, cái Hồng, cái Cúc và  cả Luân, y chang thầy là chủ nhà vậy.  Cô Nhạn và Phong Lan cũng tới tấp tiếp thức ăn cho mọi người. Luân cảm thấy ngượng ngùng như mình là kẻ được ăn theo, chứ bữa tiệc này đâu phải giành cho mình. Cậu viện lý do bị nhức đầu vì không quen uống bia, xin phép cô Nhạn, thầy Trọng và mọi người lui về phòng nghỉ sớm. Về đến phòng, cậu vẫn nghe văng vẳng bên tai những lời nói vuốt đuôi nằn nì cậu ở lại cho bữa tiệc thêm vui cùng cái nhìn cảm thông, ái ngại của Thục. Mà Thục ơi! Mới chỉ có hai tuần đi kiến tập ở thị xã cùng Phong Lan, không ngờ em đã thay đổi nhanh đến thế! Không chỉ vì cái tên đệm ướt át sáo rỗng, không chỉ vì bộ cánh đắt tiền hợp mốt, cũng không chỉ vì mùi nước hoa thơm sực nức, cái cách trang điểm vụng về và dáng đi cố tình tạo ra uyển chuyển của một người mới tập làm sang... Luân mơ hồ nhận thấy một điềm báo không hay sẽ đến với Thục. “Nhất định mình sẽ… nhất định mình sẽ…” Cậu trăn trở trên giường, vò đầu bứt tai: “Mà mình đã là gì của cô ấy đâu, Thục cũng giống như  Phong Lan, mình lấy quyền gì để trách cứ, hay khuyên bảo cô ta? “Ừ, quyền là bạn - một người bạn tốt có chung sở thích văn chương. Văn chương hướng con người đến chân thiện mĩ. Nhất định… nhất định…”
7.
     Rồi Luân thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy mới thấy bụng đói cồn cào, cổ họng khát khô. Cậu bật điện, nhẹ nhàng ra phòng khách uống nước thì thấy cô Nhạn tay cầm cuốn tiểu thuyết “AnnaKaHêrina” cô mượn của thầy Trọng, cổ ngoẹo sang một bên, đang ngủ gà ngủ gật trên đi văng. Luân định quay vào phòng thì cô Nhạn tỉnh lại, dụi dụi mắt, nói:
     - Cô lên phòng cháu mấy lần, thấy cháu ngủ say quá! Toàn nói chuyện mê. Mà khổ! cháu đã ăn được gì đâu cơ chứ! Hay cháu để cô gọi các em hâm nóng lại thứ ăn cho cháu?
     - Không cần đâu cô ạ, cháu ăn đủ rồi.
     Cô Nhạn pha cho Luân một cốc nước cam đá. Nhìn cô khuấy cốc nước nom diệu nghệ, điệu đà, nét mặt hồng hào rạng rỡ làm Luân nhớ đến hình ảnh một quả phụ xinh đẹp tuổi hồi xuân mà anh đã đọc trong một cuốn tiểu thuyết. Anh quay mặt đi, tự thẹn với ý nghĩ không trong sáng của mình.
     - Này Luân - Cô Nhạn vừa đưa cốc nước cho Luân vừa dịu dàng nói - Từ lâu, cô đã coi cháu như con cái trong nhà, các em Lan, Hồng, Cúc cũng coi cháu như anh trai ruột của chúng, có điều này cô muốn hỏi ý kiến cháu…
     “Quái lạ!” - Luân còn đang băn khoăn không hiểu sao hôm nay cô lại rào trước đón sau như vậy thì cô Nhạn đã tiếp lời:
     - Cháu thấy thầy Trọng là người như thế nào?
     - Dạ, thầy rất giỏi và rất thương học sinh ạ!
     - Cô cũng không giấu cháu: Cách đây một tháng, thầy Trọng đã đến xin cô cho phép được tìm hiểu em Lan!
     “À, thì ra là thế! Chuyện Lan đi kiến tập ở Tô Hiệu đã có sự thoả thuận xếp đặt từ trước.” Nghĩ thoáng vậy rồi  Luân mới trả lời:
     - Ý em Lan thế nào hả cô?
     - Trước hôm đi thực tế, nó chưa trả lời gì. Nhưng đợt này xem chừng xuôi xuôi rồi cháu ạ. Cô bảo nhất quyết phải có ý kiến của cháu.
     “Thế thì còn gì để nói nữa” - Luân nghĩ thế trong đầu.
     - Tốt thôi, cô ạ! Em Lan và thầy Trọng thật xứng đôi vừa lứa!
     Thấy Luân ngáp dài tỏ ý buồn ngủ, cô Nhạn tiếp lời:   - À, mà cô có chuyện này muốn nói thêm với cháu. Cháu và em Lan giờ đã lớn, ở chung một nhà e không tiện. Anh em cháu thì chẳng có gì, có điều khách quan bên ngoài nhìn vào không hay! Đợt vừa rồi cái Lan về nói cô mới biết: cái Thục mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh nó thật đáng thương. Cô định cho nó ở chung nhà với Lan. Còn cháu, cô đã bố trí cho nghỉ nhờ bên quán phở của cậu em họ  của cô.
     - Cháu cám ơn cô! Việc này cháu tự thu xếp được.
8
     Hôm sau, nghe Luân ngỏ ý xin vào ở trong ký túc xá của sinh viên, thầy Trọng gật đầu lia lịa, lại còn trực tiếp phân công các bạn nam sắp xếp, kê giường đón anh rất nhiệt tình. Phong Lan tay năm tay mười xăn xắn xếp ga đệm cho “ông anh nuôi”. Luân rùng mình nghĩ đến những cái vỏ chanh khách ăn phở đã vắt kiệt nước trong cái quán sang trọng nhà cô Nhạn.
     Cái giường kê thêm ở phòng nam cho Luân nằm chính là cái giường Thục vẫn nằm ở phòng nữ. Một sự hoán đổi ngoạn mục: phòng nam kê thêm một giường, phòng nữ bớt đi một giường. Bởi vì chính hôm đó, một chàng lái xe quá cảnh trẻ măng đã vào tận ký túc xá giúp Thục chuyển đồ ra nhà Lan ở. Mà Thục lại ở trên cái giường sang trọng gần hai năm qua Luân từng nghỉ trong một gian phòng khép kín đầy đủ tiện nghi “Chao ôi là cuộc đời!”
     Cậu lái xe ấy tên là Vĩnh - người thường xuyên vận chuyển mì chính, dép tông, áo len Lào… cho cô Nhạn bán kiếm lời. Từ nay, số phận Thục lại gắn kết chặt chẽ với Phong Lan như Luân từng gắn kết. Luân không còn cơ hội để thực hiện cái mong muốn tốt đẹp là góp ý cho Thục: Hãy biến mình thành ngọn đèn để giúp cho Phong Lan “gần đèn thì sáng”. Cuộc đời thật đáng buồn “mình thì có tốt đẹp gì mà khuyên bảo người ta”. Từ đó Luân lao đầu vào học tập và sáng tác. - Lần này mục đích chính là kiếm tiền đỡ đần mẹ và các em. “Nghe thật xót xa cho cái thằng đa cảm, giàu mộng mơ, cao lòng tự trọng. Nhưng dù sao đó cũng là những đồng tiền sạch” - Luân tự an ủi mình và coi như không có gì xảy ra đối với cả ba đứa.
     Nghỉ hè năm ấy, Luân giấu không cho mẹ biết mình đã chuyển vào nghỉ trong ký túc xá. Anh giành dụm mấy đồng nhuận bút ít ỏi, mua cân gạo cẩm và ít đường phên đem về biếu mẹ. Anh không muốn mẹ buồn rầu lo lắng nhiều cho mình. Mỗi lần về nhà, anh xa xót thấy mẹ già đi trông thấy, anh lại nhớ đến hình ảnh cô Nhạn, kém mẹ có hai tuổi mà ngày càng phây phây ra.
     - Mẹ ơi! Giò phong lan màu vàng con vẫn treo bên cửa sổ đâu rồi hả mẹ?
     - À, đêm ấy có một trận mưa đá lớn rơi đúng giò hoa làm nát, sau nó chết lúc nào mẹ cũng không biết!
9.

     Luân ra trường với tấm bằng loại ưu và trở lại Lai Châu công tác. Cả Phong Lan và Mộng Thục cùng đỗ loại khá. Nghe nói: thầy Trọng đã xin cho Phong Lan ở lại trường sư phạm làm việc giữ thư viện “Thế cũng tốt! Để cô ta đứng lớp với kiến thức trống rỗng vay mượn ấy thì chỉ làm khổ cho học sinh”. Lại nghe nói: Thầy Trọng cũng giới thiệu cô vào Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La “Rồi thầy lại vắt óc ra sáng tác những vần thơ trang sức thêm cho người đẹp” cũng đáng thôi, trai ham sắc mà!”
     Còn Mộng Thục, nghe nói chàng lái xe quá cảnh đã tậu được mảnh đất tuyệt đẹp ngay trung tâm thị xã, hiện đang xúc tiến xây nhà để “đón nàng về dinh”. Lại nghe nói: Vĩnh còn chạy chọt cho cô về dạy học ngay ở trường cấp II Tô Hiệu. Thôi ! Cũng mừng cho em đã thoát khỏi cuộc sống bần hàn đeo bám suốt một thời niên thiếu. Liệu có khi nào em nhớ đến cái mộng văn chương một thời em say mê ấp ủ? Chỉ mong em đừng “gần mực mà đen”.
     Rồi Luân lấy vợ - một cô giáo dạy văn cùng trường không đẹp không xấu nhưng có một cái nhìn ấm áp và một tâm hồn bao dung nhân hậu. Anh tìm thấy hạnh phúc đích thực của đời mình bên người vợ hiền, hai đứa con xinh đẹp và nghề dạy học của mình. Anh đã có hai tập thơ ra mắt bạn đọc. Anh cũng dần quên hai người con gái từng dậy lên trong anh những rung động đầu đời.
     Thế rồi trong một lần tình cờ đi công tác ghé lại Sơn La, Anh được biết Phong Lan đã theo chồng về Lai Châu công tác. Chồng Lan tên là Tòng hơn cô đến hai mươi tuổi, làm phó giám đốc một sở lớn ở Lai Châu đã từng ghé quán ăn của mẹ con cô trong một dịp đi qua Sơn La. Thỉnh thoảng, ông trở lại quán ăn gọi vài món đồ nhắm, thanh toán cho cô Nhạn thật hậu hĩnh, rồi lân la đến bên Phong Lan nói vài câu bâng quơ và nhìn cô với ánh mắt đắm đuối. Lan tảng lờ đi “cốt sao mẹ vớ được khách sộp”. Còn thầy Trọng đã chuyển vùng về quê. Số là, trong một lần thư viện vắng khách, Phong Lan thấy trời trở lạnh bèn chạy về nhà mặc thêm chiếc áo khoác. Nghe có tiếng rên hừ hừ rồi tiếng thở hổn hển trong phòng mẹ, cô tưởng mẹ bị cảm vội đẩy cửa bước vào. Không ngờ, cô đã nhìn thấy mẹ và người chồng chưa cưới của cô trong bộ dạng của hai người… nguyên thủy. Cô rú lên một tiếng kinh hoàng rồi lao ra đường như một kẻ điên dại. Một chiếc xe con suýt đâm sầm vào cô.   Nhận ra ông Tòng, cô nói như van vỉ: “Anh hãy đưa em đi khỏi nơi này! Càng nhanh càng tốt”.
     Đúng dịp đó, giám đốc sở về hưu, ông Tòng lên làm giám đốc và xếp cô làm thư ký riêng cho ông ta, rồi cưới cô làm vợ sau khi đã lo lót để li dị bà vợ già lam lũ ở quê. Thực ra công việc của cô chỉ là giao dịch tiếp khách, còn việc viết lách ông Tòng tự làm hết. Ông vốn có biệt tài viết lách. Còn Phong Lan làm công tác ngoại giao lại quá giỏi.
     Mộng Thục chưa kịp đi làm, chưa kịp lên xe hoa “theo chàng về dinh” thì đã bị bắt giam trong nhà đá.          Hôm ấy, Vĩnh lái xe từ bên Lào về, đưa cho cô một cái xắc cốt:
     - Em cất giùm anh túi mì chính. Anh chạy sang thằng bạn một lát rồi về ngay!
     Vĩnh vừa đi khỏi, công an đã ập vào nhà đọc lệnh khám khẩn cấp. Thì ra trong cái túi Vĩnh đưa có chứa thuốc phiện. Tang chứng, vật chứng rành rành, Thục không thể chối cãi. Vĩnh thì đã cao chạy xa bay. Thục bị kết án hai mươi năm tù giam. Kết cục thật đáng buồn.
     Rồi bỗng dưng cái tên Phong Lan lại xuất hiện trên Tạp chí Văn Nghệ của tỉnh với bài thơ mộc mạc giàu cảm xúc “Những cô gái núi”. Một bài thơ được thay nhan đề, còn nội dung chính là bài “Sinh ra từ trong núi” của Mộng Thục không sai một chữ. Luân thấy chân tay như rủn ra. Người bạn gái thân thiết đang ngồi bóc lịch trong tù , còn cô ta lại được người đời tán dương, ca tụng. Luân định bụng sẽ lên Hội Văn học Nghệ thuật nói rõ điều này nhưng lại ngại Phong Lan cho rằng mình thù vặt. Tập thơ của Thục lần lượt được Phong Lan tung ra đều đều qua từng tháng với bút danh của mình và được người đọc đón nhận, hoan nghênh nhiệt liệt… Luân ấn tượng nhất khi đọc bài “Cho một người bạn trai” với những dòng cảm xúc đắm say, mãnh liệt của mối tình đầu đơn phương vô vọng. Anh nhớ lại nét mặt thảng thốt của Thục khi cô ấy hỏi :“Cậu đã đọc bài thơ cho một người bạn trai chưa?”     Và cái bóp tay vô tình của hai đứa trong một buổi chiều tà.
     Năm ngoái, Phong Lan đi trại viết Bãi Bằng cùng Luân. Năm nay, cô không đi trại Đại Lải nữa. Cách đây sáu tháng, chồng cô bị bắt trong một vụ tham ô tài sản của Nhà nước. Số bài trong tập thơ của Mộng Thục cũng đã in vừa hết. Phong Lan không còn bài gửi bài cho Tạp chí nữa. Khi “con chim sơn ca ngừng hót”, mọi người đều khen cô là người đàn bà ngoan đạo, hết lòng yêu chồng: “Chồng đang chịu cảnh giam cầm, lòng dạ nào còn viết lách, bay nhảy?”. Mãi sau này, Luân mới được biết, truyện “Thần tượng” năm trước của Phong Lan được đăng trên một tờ Văn nghệ ở Trung ương là do tay Cấp - Phó giám đốc Sở - em kết nghĩa của Tòng viết hộ “bà chị dâu xinh đẹp”. Nguyên mẫu của nhân vật chính trong truyện, trớ trêu thay lại chính là ông Tòng - một thần tượng được nặn bằng đất sét. Phong Lan chưa có thời gian đọc truyện ngắn mang tên tác giả là mình thì Cấp - Cậu em kết nghĩa đã ngồi ghế Giám đốc Sở thay ông Tòng. Vì công việc quá bận rộn, cậu không còn thời gian lui tới thăm “bà chị dâu xinh đẹp” và “ông anh kết nghĩa” đang ngồi bóc lịch trong nhà giam.

8 nhận xét:

  1. Chúc bạn một ngày nhiều niềm vui, bình an và hạnh phúc
    [img]http://sphotos-h.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-prn1/555093_427646047320308_1229463731_n.jpg [/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HOA ĐẸP QUÁ ! MINH CHÂU TRẦN ƠI ! BẠN ĐÃ TẶNG S MÓN QUÀ S RẤT QUÝ ĐẤY Ạ. CÁM ƠN BẠN NHIỀU NHÉ ! S CŨNG RẤT MUỐN TẶNG HOA CHO MỌI NGƯỜI MÀ KHÔNG BIẾT LAM THẾ NÀO ĐẤY BẠN À.

      Xóa
  2. đoạn cuối truyện có đoạn "Nguyên mẫu của nhân vật chính trong truyện, trớ trêu thay lại chính là ông Tòng - một thần tượng được nặn bằng đất sét." Mộc bỗng nhớ mình cũng có truyện ngắn được báo Tiền Phong đăng cách đây khoản 20 năm tựa đề na ná "người đàn bà nắn tượng đất nung" đó Sơn, Sơn vui nghe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, anh Mộc viết truyện sớm nhỉ! Mà lại được đăng trên báo Tiền Phong cũng là một tờ báo lớn ở Trung ương, thích thật đấy! S thì mới viết truyện ngắn cách đây chừng chục năm thôi ạ. S luôn phục anh viết thơ lục bát. Sang thăm anh, càng phục hơn khi biết mảng truyện ngắn phong phú của anh. Vui vì bọn mình có những tư tưởng đồng điệu. Cám ơn anh và chúc anh luôn vui nhiều nha!

      Xóa
  3. Cám ơn Sơn đã cho chị đọc một câu chuyện hay,chúc em sáng tác nhiều để mọi người cùng thưởng thức.Uống cốc cà phê cho tỉnh táo nè [img] https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSbwrjkUIfLaYBk0YqVBQQDic0NZ_nDaD8q52dGsDNFEk-6-qCOow [/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. EM CÁM ƠN CHỊ LUÔN QUAN TÂM ĐỘNG VIÊN EM. CÀ PHÊ CHỊ PHA NOM HẤP DẪN QUÁ !
      NGÀY MỚI VUI NHIỀU NHÉ CHỊ YÊU QUÝ CỦA EM !

      Xóa
  4. Chị Sơn ơi, chắc em đọc ko nhầm nhưng ko hiểu đoạn này: "Nghe có tiếng rên hừ hừ rồi tiếng thở hổn hển trong phòng mẹ, cô tưởng mẹ bị cảm vội đẩy cửa bước vào. Không ngờ, cô đã nhìn thấy mẹ và người chồng chưa cưới của cô trong bộ dạng của hai người… nguyên thủy. Cô rú lên một tiếng kinh hoàng rồi lao ra đường như một kẻ điên dại. Một chiếc xe con suýt đâm sầm vào cô. Nhận ra ông Tòng, cô nói như van vỉ: “Anh hãy đưa em đi khỏi nơi này! Càng nhanh càng tốt”.
    Đúng dịp đó, giám đốc sở về hưu, ông Tòng lên làm giám đốc và xếp cô làm thư ký riêng cho ông ta, rồi cưới cô làm vợ sau khi đã lo lót để li dị bà vợ già lam lũ ở quê. Thực ra công việc của cô chỉ là giao dịch tiếp khách, còn việc viết lách ông Tòng tự làm hết. Ông vốn có biệt tài viết lách. Còn Phong Lan làm công tác ngoại giao lại quá giỏi."
    Là sao chị? Em lùng bùng lổ tai và hoa mắt, vậy Phong Lan là vợ của ông Tòng????
    Em rất thích nhân vật "thầm lặng" Luân!

    Trả lờiXóa
  5. Đúng Phong Lan là vợ của ông Tòng đấy, Nhật Ánh à. Khi Phong Lan mới lớn, vì học dốt và hay ỉ lại, mẹ cô ấy đã lợi dụng Luân làm chỗ dựa để loại cây tầm gửi như Phong Lan bám vào, cố lấy cái bằng trung cấp sư phạm nên có ý gán ghép 2 đứa. Ban đầu Luân cũng có chút rung động đầu đời với cô gái trẻ đẹp này nhưng khi thầy Trọng xuất hiện, 2 mẹ con trở mặt coi Luân như múi chanh đã vắt sạch vỏ, quay ra bám thầy Trọng để đạt kết kiến tập loại khá,sau khi ra trường lại được giữ ở trường làm thủ thư... rồi được thầy Trọng sáng tác văn thơ hộ để được kết nạp vào hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đồng thời Phong Lan bám vào Mộng Thục để tốt nghiệp, rồi bạn gái đi tù, cô ta lại lấy những bài thơ sáng tác trong sổ tay của Thục để gửi đăng thường kỳ trên Tạp san văn nghệ của tỉnh. Nếu không tận mắt chứng kiến bà mẹ góa của mình quan hệ với thầy Trọng- chồng chưa cưới của mình thì đời Phong Lan chắc sẽ khác. Nhưng với bản tính sống dựa dẫm, ỉ lại, Phong Lan như sắp chết đuối vớ được cọc lại lao vào ông Tòng, làm bồ và làm vợ ông ấy, lại nhờ Cấp- chú em kết nghĩa của chồng viết truyện cho tham gia trại viết văn...Chị kể hơi tham chi tiết nên tràn lan. Nhân vật Luân chị cũng rất thích em à...

    Trả lờiXóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]