KÍNH THƯA CÁC BÁC, CÁC CÔ CÁC CHÚ, CÁC ANH CÁC CHỊ VÀ CÁC BẠN !
CHÁU LÀ PHÙNG HẢI YẾN- CON GÁI CỦA MẸ BÙI THỊ SƠN. MẸ CHÁU ỐM PHẢI NHẬP VIỆN TỪ 23/12/201) VÀ CÓ THỂ PHẢI NGHỈ GIAO LƯU TRÊN BLOG MỘT THỜI GIAN DÀI. THAY MẶT MẸ SƠN, CHÁU XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐÃ ĐẾN THĂM, ĐỌC VÀ GÓP Ý CHO CÁC TRANG VIẾT CỦA GIA ĐÌNH CHÁU.CHÁU CŨNG BẬN NHIỀU CÔNG VIỆC NÊN KHÔNG THAY MẸ CHÁU ĐÁP TỪ, HỒI ÂM RIÊNG CHO TỪNG CẢM NHẬN ĐƯỢC- CHÁU MONG ĐƯỢC MỌI NGƯỜI LƯỢNG THỨ CHO MẸ CON CHÁU Ạ.
SẮP BƯỚC SANG NĂM MỚI, CHÁU KÍNH CHÚC CÁC BÁC, CÁC CÔ CÁC CHÚ, CÁC ANH CÁC CHỊ VÀ CÁC BẠN LUÔN MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC, THÀNH ĐẠT !
NHÂN DỊP NÀY, CHÁU XIN GỬI TẶNG CÁC BÁC,CÁC CÔCÁC CHÚ, CÁC ANH CÁC CHỊ VÀ CÁC BẠN MỘT TRUYỆN NGẮN CỦA CHÁU VIẾT LÂU RỒI Ạ.
CHÁU: PHÙNG HẢI YẾN.
PHIÊN CHỢ “TẾT TRẺ CON”
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
- Thim à, hôm nay là chợ tết trẻ con rồi, mày không đi à? Chợ phiên trước mới bán con gà, còn một ít tiền đây, đi đi chứ!
Tia (bố) nằm co ro vì lạnh trong góc nhà, rên rẩm bảo với Thim. Thim ngồi ngoài bếp, đẩy thêm củi xuống dưới nồi cám lợn. Nhìn ra cửa sổ bếp to bằng lòng bàn tay, Thim thấy trời đã nhờ nhờ sáng. Có lẽ bọn trẻ tầm tuổi Thim ở bản trên, bản dưới đều đã buộc lại thắt lưng, nhờ mẹ quấn khăn đầu thật đẹp để đi chợ cuối cùng của một năm... Thim chặc lưỡi. A – ma (mẹ) mất trong đợt lạnh tháng mười, chẳng còn ai sửa sang cho con gái nên Thim chẳng còn muốn bước qua bậc cửa gỗ cao trước nhà để hòa vào dòng người đến chợ.
Chả biết từ lúc nào có ngày chợ ấy, người già nhất trong bản cũng không còn nhớ nữa! Chỉ biết rằng, phiên chợ tết này không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của trẻ nhỏ. Với người dân nơi đây, trước khi đón chờ một mùa xuân mới thì phiên chợ tiễn năm cũ là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em dân tộc Dao, cũng là ngày được chúng mong đợi nhất trong suốt một năm ròng. Đến “ngày của mình”, bố mẹ chúng thường mặc cho con những bộ quần áo mới nhất, cái quần thêu họa tiết tỉ mỉ, cẩn thận nhất… Nghĩ đến cảnh chợ, nước mắt Thim lại tràn qua khóe mi.
- Thôi mà, đừng khóc nữa! Tia dắt ngựa đưa mày qua suối Hồng Hồ đi chợ tết trẻ con nhé! Mày khóc nhiều a – ma không vui đâu.
- Tia, con không đi chợ. Tia đang ốm mà!
- Năm sau mày mười lăm tuổi
rồi, đi nốt năm nay đi, không thì lại nhớ. Hôm trước a – ma dặn tia xếp bộ áo a – ma mới thêu ba tháng mùa hè vào hòm gỗ cất để mày mặc đi chợ cuối năm.
Thim lật đật chạy vào buồng, lôi hòm gỗ đã cũ ra. Đây rồi, bộ quần áo còn thơm mùi chàm, bạc trắng kêu leng keng, những sợi chỉ đỏ được xếp cẩn thận. Thim ôm mớ quần áo vào lòng, bộ quần áo a – ma đã tỉ mẩn thêu từng họa tiết, con nhớ a – ma quá! Thim nức lên. Một bàn tay dịu dàng đặt lên vai Thim. Thim quay lại, bắt gặp nụ cười hiền hậu của cô Phấy, em út của a – ma.
- Cô đưa con Mẩy đi chợ, tiện qua đây quấn đầu cho Thim.
Thim để mặc cho cô Phấy nhẹ nhàng gỡ từng sợi tóc rối, cô cẩn thận vắt từng nếp khăn rồi chỉnh lại cho thật khéo, thật vuông vắn rồi mới thôi. Sau đó cô dùng tiếp một sợi dây siết nhẹ vào cái eo nhỏ xinh của Thim, cẩn thận đeo vào tai Thim một đôi hoa tai bạc trắng. Cái Mẩy reo lên:
- A – ma làm chị Thim đẹp như cô dâu rồi!
Thim ngần ngại, e ấp nhìn trộm vào chiếc gương nhỏ treo trên vách tường. Rồi nhìn cô Phấy, cô gật đầu, khẽ cười. Thim thoáng buồn, điệu bộ của -cô Phấy sao mà giống a – ma của Thim quá? Thim ôm chầm lấy cô Phấy, bờ vai nhỏ rung lên, cô nói khẽ:
- A – ma cũng muốn cháu đi chợ tết vui và xinh đẹp thế này mà!
Lúc Thim đi qua bậc cửa gỗ cao, tia nhét vào cạp lưng Thim mấy đồng tiền lẻ. Thim nhìn tia, tia gầy và già đi nhiều quá. Thim bảo:
- Tia đắp chăn ngủ tiếp đi.
Tia cười, gò má răn reo nhăn nhúm lại. Cuối cùng thì con bé cũng chịu đi chợ tết trẻ con, năm sau nó lớn hẳn, cảm giác háo hức của ngày hôm nay sẽ không còn nữa. Khi sắp mất, a – ma Thim đã dặn ông thật kỹ, là phải nhắc để con bé đi chợ phiên cuối năm.
Cuối cùng thì Thim, Mẩy và cô Phấy cũng đi qua suối Hồng Hồ. Bước qua suối, Thim lén nhìn dưới suối, hôm nay Thim không nhận ra mình nữa. Thảo nào mà lúc qua con dốc, lũ trai bản dưới cứ chỉ trỏ và cười. Má Thim chợt ửng đỏ…
Chợ cuối năm tấp nập trẻ con, sắc màu rực rỡ trên mọi ngả đường cứ như chiếc khăn thổ cẩm đang dệt dài quanh co núi. Trong chợ, bọn con trai đang tranh thủ mua những thứ đồ đơn giản mà gây nhiều thích thú trong mắt chúng, như: vài viên bi xanh đỏ, dây thắt lưng… Con gái rủ nhau mua bóng bay, kẹp tóc, chỉ thêu... Mua xong vài thứ, mọi người lại rủ nhau đi ăn ở các quán hàng trong chợ. Này nhé: quán ăn của dân tộc Hoa thì có tào phớ mềm mượt, chưa kịp nuốt đã trôi tuột vào cuống họng ngọt ngào, rồi lại có cả bánh bò dẻo, thơm; quán ăn của dân tộc Mông thì có bánh dày giã bằng gạo cẩm màu tím, rán lên vừa giòn vừa ngậy và món thắng cố nổi tiếng với du khách gần xa; quán ăn của dân tộc Dao thì có bánh mật màu nâu, đậm vị đường phên, bánh chưng đen quyện vị màng tang, ăn bao nhiêu cũng không ngấy… Trong chợ còn bao nhiêu loại quả, loại rau và sản vật của núi rừng. Trẻ em đến chợ để chơi, để vui, để mua quà và để giao du cùng chúng bạn. Từ đứa trẻ đang nếm dở cái kem đến cậu bé đang vô tư gặm khúc mía lùi, trên môi đứa nào cũng nở nụ cười hồn nhiên, trong sáng. Với Thim, phiên chợ tết trẻ con cuối cùng của cô là phiên chợ đáng nhớ nhất. Phiên chợ tuy không còn a – ma để cô nũng nịu đòi đưa đi, đòi quà song vẫn có dư vị ấm áp, như a – ma đang cười hiền từ với cô ở đâu đây trong góc chợ. Từ phiên chợ sau, tuy Thim đã lớn song những phiên chợ vùng cao đã hằn in trong tâm trí của cô, nâng bước cô để cô mạnh mẽ như những phiến đá cao nguyên, ngạo nghễ với mây trời, gió núi. Phiên chợ ấy là phiên chợ của niềm háo hức, cái háo hức rất trẻ thơ làm ấm sực khoảng không gian âm u, lạnh lẽo của đợt rét cuối năm…