Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

SƯU TẦM BÀI YÊU THÍCH



Tìm thơ hay thế kỉ mới

Nguyễn Vũ Tiềm
Thứ tư ngày 27 tháng 2 năm 2013 9:07 PM


 Tôi đi tìm và nhớ lại...
Hơn mười năm trước, mở đầu thế kỷ mới, cũng là mở đầu thiên niên kỷ mới, cả nhân loại tràn ngập niềm vui, đồng thời lại nín thở hồi hộp với sự cố Y2K.
Lỗi thiên niên kỷ!
Thời đại công nghệ tự động hóa, các máy tính sẽ nhận dạng ngày 1-1-2000 giống y như ngày 1-1-1900! Nguy hiểm quá! Các cầu thang máy, hệ thống quản lý tài khoản ngân hàng, hệ thống điều khiển không lưu, điều khiển việc kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân… tất cả sẽ bị đảo lộn nếu không kịp thời khắc phục lỗi này.
Cả thế giới phải chi hàng nghìn tỉ đô la để khắc phục: lập trình lại các hệ thống, thay thế các phần cứng cũ; bỏ phần mềm lỗi thời, cài đặt những phần mềm tinh xảo siêu việt hơn; sử dụng cơ chế đọc số năm theo dạng đầy đủ 4 chữ số thay cho 2 chữ số của thế kỷ trước suýt làm cho sự cố Y2K trút thảm họa lên đầu nhân loại.
Sự kiện này là lời nhắc thiên niên kỷ!
Các nhà thơ, những người vốn có ăng ten nhanh nhạy nhất không thể không nghe thấy lời nhắc này và không thể không giật mình: thế thơ có chuyển động không, hay vẫn theo nếp cũ của thế kỷ trước?
***
Yêu cầu đổi mới, cách tân là đòi hỏi thường xuyên bức thiết đối với mỗi nhà thơ, nhưng ở mỗi cột mốc quan trọng của thời gian thường có những cú hích mạnh, tạo ra những chuyển động đặc biệt mang “dấu ấn lịch sử”. Nhiều cuộc hội thảo chuyên đề thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam và ở các Hội địa phương đã góp phần thúc đẩy sự chuyển động cách tân thơ. Đặc biệt là hai cuộc hội thảo về thơ của hai nhà thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn do Hội Nhà Văn VN và Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức, cuộc hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại & Nguyễn Quang Thiều” do Viện Văn Học Việt Nam tổ chức có tiếng vang, gây ấn tượng sâu sắc trong đời sống văn học nước nhà.
Sự chuyển động rầm rộ của thi đàn Việt Nam ở đầu thế kỷ 21, ta thấy có nhiều nét tương đồng với thơ Việt ở đầu thế kỷ 20. Tương đồng ở sự chuyển từ cũ sang mới; từ quen sang lạ; từ dễ sang khó; từ mượt mà êm ái sang gồ ghề khúc khuỷu; từ dễ đọc dễ thuộc, dễ ngâm ngợi sang suy ngẫm liên tưởng sâu xa, minh triết… đặc biệt nhất là những đổi thay về thi pháp nghệ thuật…
Thơ Việt Nam thế kỷ 21 tiếp nối dòng chảy của các thế kỷ trước nhưng có nhiều mới lạ. Mới lạ đến ngỡ ngàng, gây nhiều tranh cãi quyết liệt, nhiều sự đánh giá ngược chiều nhau. Nhất là thời đại thông tin hiện nay, báo mạng phong phú và cực kỳ nhanh nhạy, những cuộc tranh cãi nhiều lúc làm cho bầu không khí văn chương sôi sùng sục. Nhiều trường hợp không giữ được bình tĩnh, một số bạn đã quá nặng lời (có cả mạnh tay) với đồng nghiệp. Cuộc “chuyển giao thế kỷ ngoạn mục” trên thi đàn Việt đang diễn ra!
***
Xin phép ngoái lại một chút để nói điều này. Thơ hay đạt tới độ toàn bích thường có khả năng vượt thời gian, xuyên thế kỷ. Tôi tạm phân làm bốn cấp độ.
Cấp độ một: Thơ rung động tâm hồn, dễ thuộc, dễ nhớ.
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”
                                                        Nguyễn Bính           
“Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau
Vai anh, em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”
                                                           Huy Cận
Cấp độ hai: Thơ gây ấn tượng sâu sắc.
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần…” 
                                                             Tố Hữu
“Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…” 
                                                         Hàn Mặc Tử
Cấp độ ba: Thơ tạo nên nỗi ám ảnh khôn nguôi.
“Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran…”
                                                         Chế Lan Viên
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không gian…”
                                                             Xuân Diệu
Cấp độ bốn (cao nhất): Thơ khiến cho người ta nghĩ khác, sống khác đi.
“Anh hùng khôn luận nơi thành bại
Thà chết còn hơn mất tự do…” 
                                                         Hồ Tùng Mậu
“Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt…”
                                                      Phùng Khắc Bắc
Trước khi ra trận, hai bố con đã nhận biết mức độ quyết liệt và thử thách cao nhất của cuộc chiến một mất một còn. Nhìn đứa con lần này rất có thể là lần cuối. “Cái nhìn vuốt mắt”, đau nhói tim ta! Những người sẵn sàng chấp nhận cái chết thì còn có kẻ thù nào, sức mạnh nào ngăn cản được họ?
Đọc câu thơ trên, chúng ta nghĩ khác về cuộc chiến và sống khác trong cuộc đời.
Trước những câu thơ tài hoa đặc sắc của thế kỷ 20 trích một cách ngẫu hứng trên đây, tôi rưng rưng xúc động và cảm phục.
***
Thơ ở đầu thế kỷ 21 có gì đặc biệt?
Mỗi nhà thơ có sự tìm tòi sáng tạo của riêng mình, có thất bại, có thành công bước đầu, có những thể nghiệm dở dang và phần lớn là chưa có hồi kết cho nên câu trả lời dẫu cẩn trọng và thấu đáo đến mấy cũng vẫn là vội vã.
Lớp nhà thơ có thành tựu từ thế kỷ trước, nhiều người như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê Khánh Mai, Inrasara, Trương Nam Hương, Từ Quốc Hoài… có những bứt phá ngoạn mục trong việc tự đổi mới thơ mình, vẫn đang đồng hành cùng lớp trẻ ở thế kỷ mới.
Trong quá trình đi tìm thơ hay thế kỷ mới, (tìm chứ chưa phải tuyển chọn), tất nhiên là phải nhìn tổng thể, nhưng tôi chú ý tìm hiểu nhiều hơn ở lớp nhà thơ mới của thế kỷ mới và nhận ra mấy điểm:
*Thơ đầu thế kỷ 21 dường như không đáp ứng yêu cầu dễ đọc, dễ thuộc và rất khó ngâm ngợi, chỉ dành cho nghĩ ngợi. Nghĩ ngợi và cảm xúc. “Ôi con đường của thời gian chỉ mình ta hiểu được/ Trong đôi mắt em buồn” (Nguyễn Chí Hoan). “Hôn nhân nằm trên giấy tờ/ Tình yêu kí kết trong tim”  (Yên Trang). “Cầm cặp vé cửa ga số phận/ Cầu cho em/ ngày nhỡ chuyến tàu” (Nguyễn Công Bình).
*Thơ tối giản những thủ pháp tu từ, gần với văn xuôi, câu dài ngắn bất kỳ, giản dị mà sâu sắc: “chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng lại/ ông già không xuống tàu/ Quay lại ga đầu tiên, con tàu dừng lại/ ông già không xuống tàu/ người lái tàu hỏi ông già về đâu/ ông già hỏi con tàu về đâu…” (Thạch Quỳ). “Chúng ta có phải là thần/ bị biến thành người/ để có thể cảm thấy cái chết/ Chúng ta có phải là quỷ/ được biến thành người/ để có thể cảm thấy tình yêu?” (Đặng Chân Nhân).
*Xác lập tương quan mới làm mới ngôn từ: “cơn bão từ vựng; núi đồi thanh âm; thác ghềnh cú pháp…” (Trần Quang Quý); Hoặc: “cầm ly ngày mai trên tay” (Đặng Huy Giang). “Uống từng ngụm ngày/ giọt ban mai/ giọt hoàng hôn/ từng giọt đời ngai ngái cỏ…” (Đoàn Mạnh Phương); “Lấy dao/ tìm tre/ chẻ và vót cơn giận dữ…”  (Lê Va). “Em giặt giũ nỗi buồn/ Trắng tinh phiền muộn/ Phơi vào đêm phần phật bão giông”  (Huỳnh Thúy Kiều). “Những cánh đồng cuối cùng lên huyết áp…/ anh tự cứu mình bằng kháng sinh thơ” (Trần Hoàng Nhân)
  *Tạo tình huống bất ngờ: “Đêm qua những con cá bơi  quanh chiếc giường/ Ngửi chúng ta rồi bỏ đi/ Và bực dọc nói:/ Chúng ta không bao giờ ăn những con mồi chết...”  (Nguyễn Quang Thiều) “Một ngày gió nâng tôi lên cao/ gió trao tôi đôi cánh/ và bảo tôi hãy cởi gió ra/ và bay lên trên ý nghĩ” (Nguyễn Phan Quế Mai). Hoặc hình ảnh bất ngờ: “Mặt trời được giữ lại làm con tin”  (Thi Nguyên); “Nhìn xuyên qua kẽ ngón tay/ Lại nghe thác đổ mới hay tấm lòng/ Thì ra bốn chục năm ròng/ Nhà em mái lợp giữa vòng tay anh”. (Phan Ni Tấn - Ở Canada)
   *Tinh tế và sâu sắc: “Tro của tiếng chim/ của lá/ của hoa/ rơi lả tả trong chiều cùng xác nắng…” (Tuyết Nga); “Khúc nam ai, những cung phi góa bụa/ Chèo thuyền vớt xác mình trên sông…” (Phan Huyền Thư). Hoặc: “đám @ đánh võng phóng như bay/ thời gian ngã, máu tuôn, thời gian không thể dậy/ tốc độ ư ?/ thì cũng cũ lắm rồi…/ ta lớn lên bằng kiếm tìm/ kiếm tìm giờ đã cũ ...“ (Nguyễn Bình Phương). ”Tôi ôm rổ mắt ngồi chơi/ Để xem tấp nập người đời lại qua/ Tôi đem rổ mắt làm quà/ Khóc cho hết thảy gần xa phận người”. (Lợi Hồng Diệp - ở Ba Lan)
*Trừ thơ lục bát, còn nhìn chung là thơ tự do đã bỏ hết vần, chỉ giữ lại nhịp điệu. Nhiều khi nhịp điệu lại cũng rất trúc trắc gập ghềnh gây khó khăn cho người đọc, (nhưng cuộc sống chả đầy gập ghềnh trắc trở đó sao?).
*Thơ mở ra nhiều hướng liên tưởng mênh mang, đa chiều đa nghĩa để rồi ở mỗi người đọc ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, thời gian khác nhau, những câu thơ được sáng tạo thêm một lần nữa, sống thêm một đời sống nữa, nhiều đời sống nữa (nhiều khi ngoài ý tưởng của tác giả): Những bài: Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ (Mai Văn Phấn); Luân Hồi (Lê Thành Nghị); Những câu: “Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể khóc... /... Nhổ khóm hoa vàng để mà được vục vào với bụi, với phân, với đất / Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn” (Lãng Thanh).
*Tiếp nhận thơ, nhiều trường hợp đòi hỏi một năng lực, trình độ nhất định nào đó, bởi thơ không còn là biểu tượng một mặt như trước mà biểu tượng nhiều mặt, bạn đọc có thể hiểu thế nào cũng được, chính vì thế dễ gây nên sự khó hiểu. Những bài: Mở nút áo (Ly Hoàng Ly); Đêm ngủ trong chùa (Nguyễn Đức Tùng – Nghệ thuật mới số 11)
Ào ạt sục sôi như Vi Thùy Linh, Phan Trung Thành, Thủy Anna, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Hữu Hồng Minh; lại trầm lắng cẩn trọng như Phạm Khải, Nguyễn Quyến, Bình Nguyên Trang, Ngô Liêm Khoan; trực diện đối thoại với thói quen như Phan Hoàng; quyết liệt từ bỏ thói quen như Nguyễn Đăng Khương, Trịnh Sơn; gắn bó với tuổi trẻ và cuộc sống như Nguyễn Phong Việt, Vũ Thiên Kiều, hay“từng trôi qua những tích tắc tử thần” như Nguyễn Thúy Quỳnh, “Tập làm người sốt ruột ngày mai” như Lê Thiếu Nhơn, mong “Thời gian ơi cho tôi quá giang một đoạn” như Thi Nguyên… đặc biệt Đặng Chân Nhân (sinh năm 1993) đang du học ở Anh Quốc, nhiều bài anh viết bằng tiếng Anh rồi sau đó mới dịch sang tiếng Việt, đoạn trích trên trong bài Life 3… đều đã từng khiến người đọc phải ngỡ ngàng, nhiều phen giật mình thon thót!
*Thơ chú ý đến ý tưởng toàn bài nhưng lại ít quan tâm đến cấu tứ nên bài thơ thường dàn trải miên man. Phần đông thường dừng lại ở hình ảnh, ít quan tâm đến xây dựng hình tượng, biểu tượng nên có ý tưởng độc đáo nhưng rất hiếm câu thơ tài hoa. Do vậy những bài thơ hay, lưu lại được trong tâm tưởng người đọc còn quá ít trong khi thơ được in ra hơi bị nhiều.
Nhưng mà không sao, mới chỉ có một con giáp (12 năm), hãy để tranh cãi, va đập và thương tích đớn đau nhiều hơn nữa! 
Với một số ưu điểm mới mẻ trên đây, rõ ràng thơ đương đại (hay hậu hiện đại trong đó có yếu tố thi pháp nghệ thuật mới) yêu cầu cao hơn trước rất nhiều. Một xã hội phát triển, đòi hỏi mọi lĩnh vực đều phải gắng sức đạt những đỉnh cao nhất, có những sản phẩm chất lượng cao nhất đặng cạnh tranh với toàn cầu. Thơ không lẽ là ngoại lệ?
Tất nhiên thơ của thế kỷ mới thì thuộc về lớp người của thế kỷ mới, nhưng đó là cơ chế thông thường, “hành chính”, thơ ca còn có quy luật riêng, không ít ngoại lệ: có khi người già mà thơ rất trẻ và ngược lại. Bài “Cây chuối rừng” của Nguyễn Khoa Điềm, bài “Ông già nghễnh ngãng” của Thạch Quỳ, bài “Luân hồi” của Lê Thành Nghị, bài “Biển thầm”  của Lê Khánh Mai, bài “Bài thơ tả mây” của Lê Vĩnh Tài, bài “Tượng hình” của Thanh Tùng, bài “Bên tượng linga” của Hoàng Vũ Thuật, bài “Anh chiếm chỗ bóng đêm” của Trương Đăng Dung, bài “Vọng trắng” của Võ Tấn Cường… nói chung đều có những tìm tòi mới mẻ trong ý tưởng và bút pháp là những ví dụ khá thuyết phục.
Tôi rất chú ý tìm đến những nhà thơ trẻ hăng hái đổi mới, cách tân, nhưng mới chỉ gặp một số it có thành tựu, còn phần nhiều mới chỉ ghi nhận ở sự gắng gỏi về hình thức, còn nội dung sâu sắc độc đáo thì quá hiếm hoi, hoặc có ý tưởng nhưng chưa đến độ, chưa thuyết phục lắm.
Tìm tòi khám phá là quý, nhưng một số trường hợp quá xa vời, bước quá đà ra ngoài quỹ đạo thơ, gây khó khăn cho sự tiếp nhận, dễ mất công chúng, dẫn đến sự giống nhau ở nhiều tác giả, giống nhau ở chỗ cùng nói những điều không đâu vào đâu, nói lấy được trong một dàn đồng ca bế tắc. Bài học mất công chúng của thơ Pháp, thơ Mỹ và một số nước khác đang diễn ra đáng để chúng ta suy nghĩ.
Mặt khác, nhiều nhà thơ từng có thành tựu ở thế kỷ trước, sang thế kỷ mới, sức viết vẫn dồi dào, điêu luyện tinh xảo hơn nhưng là sự điêu luyện trong những thao tác quen thuộc đã cũ do vậy giờ đây cũng không còn mấy thuyết phục.
Trước kia thơ có vần, đọc lên nghe uyển chuyển du dương dễ thuộc, dễ ngâm ngợi nhưng cũng dễ đánh lừa ta. Nhiều khi nội dung, ý tưởng không có gì, câu chữ sáo mòn trống rỗng nói những điều hiển nhiên ai cũng biết cả rồi, nhưng được đọc diễn cảm, hoặc ngâm, lại thêm đàn sáo phụ họa nữa, nghe rất mùi mẫn. Loại “dựa dẫm vào vần” như thế chỉ giống như thơ mà thôi chứ nghiêm túc thì không thể gọi là thơ được.
Yêu cầu của thơ là rung cảm tâm hồn, lay động tâm can. Không có ý tưởng gì đặc biệt, mới lạ, sâu sắc thì rung với lay được cái gì?
Thời trước, nhịp vần, niêm luật dễ che đậy những khuôn sáo dễ dãi, nay các tân hình thức và nhiều cách đổi mới táo bạo khác cũng dễ che đậy những nhược điểm tương tự. Thơ xếp chữ hình thoi, hình tam giác, hình cái hoa, cái lá, hóa trang ngôn từ, vặn xoắn, chẻ đôi chẻ ba âm tiết cho dị hình dị dạng, lục bát cắt vụn, xuống dòng nhiều lần… ít mang lại hiệu quả thẩm mỹ gì.
Một điều dễ nhận thấy: thơ hay của đầu thế kỷ 21 vừa gần gũi lại vừa khác xa với thơ hay của thế kỷ 20. Mới vào đầu thế kỷ đã có dấu hiệu vui thế rồi, sau nữa chắc chắn sẽ hay hơn, mới hơn.
Những chuyển động đổi mới của thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ 21 đã trở thành trào lưu, khuynh hướng chưa? Tôi nghĩ đã và đang! “Cuộc chiến bút giấy, mạng” có hồi còn quyết liệt hơn cả thời thơ mới - thơ cũ ở thế kỷ 20. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng lạ lùng: có nhà thơ sốt sắng “dịch thơ Việt ra thơ Việt”, thực chất là dịch thi pháp nghệ thuật mới trở về thi pháp nghệ thuật cũ! Có lẽ anh cho là độc giả không tiếp nhận được nên phải mất công làm cái việc “dịch” kỳ quặc này. Một việc làm cổ kim đông tây chưa từng có. (Hãy xem các cụ ta hồi đầu thế kỷ 20 có cụ nào “dịch” thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… trở về thơ thất ngôn bát cú đâu…) Nhưng đây cũng là một minh chứng để thấy rõ rằng có sự khác biệt rất đáng kể giữa cũ và mới thật sự chứ không phải mơ hồ..
Buồn hơn nữa là vẫn còn những tai nạn thơ như quy chụp cho bài thơ “Lời cây dầu ở trước trụ sở UBND”, tác giả bị đưa ra kiểm điểm ở Đồng Nai năm 2012.
Về cái chuyện vần của thơ, tôi nghĩ cũng nên xem lại. Để cho dễ thuộc dễ nhớ là một ưu thế đặc biệt chứ, nỡ nào lại bỏ vần đi? Nhưng may quá, tổ tiên ta đã để lại một di sản vô giá là thơ lục bát, giờ đây thể thơ thuần Việt này đảm đương sứ mệnh lớn lao là gìn giữ yếu tố vần cho thơ Việt được tồn tại vĩnh cửu.
***
Nếu như ở thế kỷ trước “Một người đi chật cả con đường” (Nguyễn Duy) thì bước sang thế kỷ này hệ thống đường xá hữu hình và vô hình, thực và ảo, sóng mặt đất và sóng vệ tinh… đến độ biến thế giới tròn thành thế giớ phẳng; một nhà thơ ở Thái Bình có đôi chân bất động, nhưng chỉ với ngón tay nhấn chuột anh đã trò chuyện với bạn thơ ở bất cứ nơi nào trên thế giới… thì chân trời sáng tạo tất yếu được mở ra vô biên, thơ đi vào cõi sâu thẳm tâm hồn, chia sẻ với mọi cảnh ngộ và số phận con người; khái niệm tự do cũng có màu sắc và hương vị khác: “Trang giấy trắng – cõi tuyệt kỳ im lặng/ nơi Tự do nuôi bởi máu ngôn từ” (Đỗ Trọng Khơi).
Giữa biển thơ mênh mông, tìm những bài thơ sâu sắc, mới lạ tiêu biểu cho những bài thơ hay ở những năm đầu thế kỷ mới để thưởng thức, học tập; bình ít bài, còn lại thì lưu trữ làm kho báu. Công việc rất lý thú này tôi mới chỉ bắt đầu, đang tiếp tục, cập nhật, hào hứng.
Vì mới đang đi tìm nên có chỗ tới, có chỗ chưa tới, mới gặp được người này mà chưa gặp được người kia… thôi thì biết đâu tâu đấy. Rất mong được các nhà thơ và bạn đọc góp ý, phê bình.
               TP. Hồ Chí Minh ngày Tam hợp: 12 tháng 12 năm 2012

BÌNH MỘT SỐ BÀI THƠ HAY THẾ KỶ MỚI
NGUYỄN QUANG SÁNG
Rượu
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Lời bình
Chỉ biết Nguyễn Quang Sáng qua văn xuôi, tôi ngạc nhiên thấy ông viết bài thơ trên trong tập thơ giấy dó bán đấu giá trong ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 của Ban Thơ Đương đại Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (thu được 286 triệu đồng làm quà tặng trẻ em nhiễm chất độc da cam). Tôi hỏi ông về bài thơ này, ông nói:
 -Tôi làm thơ từ lâu, và vẫn thường làm, nhưng thơ tôi dở, không dám đưa đăng báo. Rượu là một trong những bài thơ dở đó của tôi. Tôi cho là từ chất liệu đời sống trở thành văn chương giống như gạo nấu thành cơm và rượu. Văn xuôi của chúng tôi là cơm, thơ là rượu. Thơ là tinh chất của cuộc đời.
 Thơ và rượu, cổ kim đông tây đã đề cập đến nhiều nhưng so sánh như trên vẫn là những ý mới mẻ lý thú.
 Trong bài Rượu, Nguyễn Quang Sáng đặt vấn đề về giao tiếp ứng xử bên mâm rượu, qua đó mỗi người tự thể hiện mình một cách rõ ràng nhất: hay dở, đúng sai, cao thượng hay thấp hèn… bộc lộ hết mình khó có gì che đậy.
 Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc.
Chữ “thuốc độc” có nặng quá không? Hơi bị cực đoan chăng? Để dễ chấp nhận, thử thay bằng chữ nào đó nhẹ hơn một chút, chẳng hạn như “cay đắng”? Thì chính rượu đã phảng phất vị đó rồi. Suy ngẫm kỹ thì thấy đây là câu nhắc nhở nghiêm khắc cần thiết đối với tất cả mọi người. “Rượu vào lời ra”, lời hay và lời dở, nói xấu người vắng mặt, nói sau lưng là tự bộc lộ cái chất tiểu nhân hèn mọn của bản thân mình. Từ đó rượu lại dễ dẫn dắt ta tới những động thái bất thường khác, dễ đưa ta vượt qua cái ngưỡng từ tốt qua xấu từ sang ra hèn, mất nhân cách thậm chí thành thú tính chỉ trong một thoáng chốc! Trong thực tế thiếu gì những chuyện đau lòng do rượu gây nên. Như thế không nguy hiểm chết người sao? Chữ “thuốc độc” có tác dụng như ly rượu mạnh, trở thành từ rất đắc địa. Văn chương giống như rượu vậy, không chấp nhận sự nửa vời, trung tính, pha loãng.
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt…
Chưa phải là ngợi khen hay nói tốt, chỉ cần nhắc nhớ thôi cũng đã quý lắm rồi. Chữ “nhắc nhớ” rất gợi, dễ rung lên những sợi ân tình từ thẳm sâu tiềm thức.
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Cũng một ly rượu mà sự khác biệt ghê gớm quá: thuốc độc giết người với nước thánh cứu người. Đoạn trên nghiêm khắc nhắc nhở, đoạn dưới thủ thỉ ân tình chứa chan nhân ái:
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương.
Là “nước thánh”, trong đó nỗi nhớ thương hòa vào ly rượu thấm đẫm tâm hồn ta. Nguyễn Quang Sáng trải nghiệm nhiều, ông đúc kết tình người, lẽ đời trong một bài thơ ngắn: từ đây lại đặt ra vấn đề không nhỏ trong cuộc sống, có thể khái quát thành một phạm trù văn hóa, đó là văn hóa trong tiệc rượu, gọi một cách dân dã kiểu Nam Bộ là văn hóa nhậu.
Giống như bản tính thẳng thắn bộc trực của tác giả, bài thơ không hoa lá màu mè đi thẳng vào cốt lõi nhân văn, đụng đến điều gan ruột trong giao tiếp ứng xử, giản dị mà thấm thía.

TRẦN QUANG QUÝ
Lời
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
Chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng
chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp
chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn.
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
cám dỗ xui nhiều điều dại dột
đời cũng dạy ta không thể uốn cong
dù phần thắng nhiều khi thuộc những bầy cơ hội
Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên
Trên chiếc lưỡi có vị đắng sự thật
Trên chiễc lưỡi có vị ngọt môi em
Trên chiếc lưỡi có lời thề nước mắt
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
dẫu những lời em làm ta mềm lòng
dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi.
Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác
một chiếc lưỡi mang điều bí mật
và điều này chỉ người biết mà thôi.
Lời bình
Mới đọc câu mở đầu đã ngỡ ngàng, “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”! Ai mà chả nói bằng chính chiếc lưỡi của mình? Nhà thơ đưa ra một câu rất hiển nhiên, có vẻ như “ai mà chả biết”! Câu này thừa chăng? Trong bài thơ có một câu thừa thì chỉ có mà vứt cả bài đi thôi! Nhưng sao đọc câu thơ này ta lại giật mình? Có cái gì bí ẩn ở đây? Ngẫm lại xem, có khi nào ta nói, mà lời phát ra, có khi cả giọng nói không phải thật sự của ta mà là của người nảo người nào ấy? Quả có không ít lần như thế! Cái người nào ấy sai khiến ta, xúi giục ta, làm cho ta không còn là ta nữa qua lời nói. Thì ra nhà thơ viết cái điều “hiển nhiên” để kích thích, để gợi ra cái điều không bình thường kia ở trong mỗi chúng ta. Và cái điều “mượn lưỡi của người khác” ấy có lẽ chả hay ho gì.
Và để làm cái việc nói bằng chiếc lưỡi của chính mình, tưởng như nhẹ nhàng thôi lại hóa ra không phải đơn giản: “Chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng/ chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp/ chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn”. Trời ơi, khó khăn nguy hiểm đến thế kia ư? Lại còn bị hành hình nữa! Ôi thương cho cái lưỡi quá!
“Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”! Tác giả nhắc lại và phát triển thêm, cái lưỡi từng bị “cám dỗ xui nhiều điều dại dột”. Nói bằng chiếc lưỡi của người khác thì tệ hại thế đấy, nó có thể đổi trắng thay đen, từ ngay thành gian, từ tốt thành xấu, từ thiện thành ác… chỉ còn là khoảng cách rất nhỏ, rất mong manh! Nhưng may mắn thay, có ông thày là cuộc đời từng dạy cho: “không thể uốn cong” Và vì thế mình có thể bị thất bại, bị đau đớn ê chề: “dù phần thắng nhiều khi thuộc những bầy cơ hội”. Phải, ta từng chứng kiến không ít cái cảnh “tiểu nhân đắc trí”.
Nhà thơ nhắc:“Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên”, nên nó thiêng liêng lắm! Và “có vị đắng của sự thật, có vị ngọt môi em, có lời thề nước mắt” nên nó mến thương, cao quý lắm!
Cho nên phải giữ cho lưỡi của mình lúc nào cũng thật sự là của mình, không uốn lưỡi vì người khác cả khi “dẫu những lời em làm ta mềm lòng/ dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi”.
Ôi, cái lưỡi, tưởng đơn giản mà thực ra vô cùng bí ẩn, “lưỡi không xương lắm điều lắt léo” câu này để nói về mình hay về người khác đều được cả, nhưng trước hết phải cảnh giác với chính mình “một chiếc lưỡi mang điều bí mật…”
 “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác”! Mới đọc tưởng câu thơ thừa, vô dụng, nhưng chạm vào sâu thẳm làm ta giật mình, mới thấy là vô cùng hệ trọng. Có phải vì thế mà tác giả nhắc đến bốn lần, đủ biết cái điều tưởng hiển nhiên đơn giản mà khó nhọc, mà hệ trọng biết chừng nào.
“dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi”  là câu thơ hay nhất trong bài.
Dùng cái phi lý hình thức để đạt cái hợp lý nội dung, bài thơ làm ta suy ngẫm về nhiều lẽ ở đời đặc biệt là mỗi khi ta sử dụng đến cái lưỡi của mình để phát ngôn.
LY HOÀNG LY 
Mở nút áo
Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo
Chầm chậm, mở ba chiếc nút áo
Soi vào gương, chầm chậm, mở chiếc
nút thứ tư
Chầm chậm, mở năm chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở nút thứ sáu...
Tìm hoài không thấy nút thứ sáu
Soi vào gương, cố tìm nút thứ sáu,
nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín...
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu trời đêm trong lồng ngực
Nhưng áo chỉ năm nút
Nhưng đêm là vô tận
Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
Bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
                                            
 Lời bình
Thiếu nữ đứng soi gương, lần lượt mở nút áo của mình. Một-hai-ba-bốn-năm… những thao tác bình thường quen thuộc ai ai cũng từng làm hàng ngày, không có gì đặc biệt, đến mức chả có gì đáng nói. Ở khúc 1-2-3, tác giả lại dềnh dàng, rời rạc. Nhưng mở hết năm chiếc nút rồi, sao lại đòi mở nút thứ sáu, nút này không có. Mấu chốt của vấn đề bắt đầu từ cái nút tưởng tượng này.
 Đã biết chắc nút thứ sáu không có, sao lại đòi mở nút bảy-tám-chín? “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu trời đêm trong lồng ngực”. À, tác giả muốn mở cái vùng tối bí ẩn của bản thể mình. Nếu vậy thì không phải bảy-tám-chín nút đâu, mà còn nhiều nữa, thăm thẳm vô cùng, mênh mang vô định… Có tâm hồn, tư tưởng, có ý thức, tiềm thức, linh cảm, có nỗi niềm, có khát vọng, buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, có thiện, có ác… Tác giả không nói ra những điều này, nhưng tình huống, hoàn cảnh gợi ra khiến người đọc suy ngẫm mà hiển hiện bao nhiêu điều cụ thể và mơ hồ.
 Trở lại những cái nút áo vật thể, vẫn chỉ có năm nút, làm sao đây? “Áo chỉ năm nút/ Nhưng đêm là vô tận” tương phản giữa hữu hạn và vô cùng, tình cảnh chơi vơi chới với trước cái vô cùng thật đáng thương.
 “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm”. Phần trắng hiện thực thì quá ư là hạn chế, cô bé hy vọng ở cái phần đêm siêu thực cơ. Phần siêu thực mới có thể giải đáp được những câu hỏi rất thực tế và phức tạp của cuộc đời. Nhưng không được!
 Hai khúc cuối: Vẫn tiếp tục“Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm”. Bản thể chứa đựng nhiều lắm, bí mật lắm, vẫn là thân thể thịt da mình sao mà mênh mang, xa lạ? Khao khát muốn tìm hiểu khám phá mà đành bó tay. “Bất lực và khóc”.
 Khóc thật sự, khóc như mưa: “trong vô vàn những giọt nước mắt”… Đau khổ chăng? Ân hận điều gì chăng? Xót xa vì mình không hiểu được mình chăng? Muốn phơi bày tâm can nỗi niềm gì chăng? Tình cảm tha thiết chân thành. Cũng may, mãi đến phút cuối này, bầu trời đêm trong ngực mới cảm thông: “Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng”. Giọt đêm tưởng tượng thôi, nhưng hiển hiện trước mắt ta lại rất thật. Rất thật nhưng ta cũng không thể nói đó là giọt gì. Thôi thì giọt gì cũng được, mỗi người cảm nhận một cách. Bài thơ đầy tâm trạng nhưng không rõ tâm trạng gì, lý do gì, khát khao gì, hay đang bế tắc điều gì?…
Hình tượng thiếu nữ trước gương mở dần từng chiếc nút áo rất đẹp và ấn tượng. Nhưng không phải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tòa thiên nhiên tuyệt tác ấy, mà tác giả gợi cho ta một cuộc thăm dò, khám phá bản thể rất lý thú và kỳ bí. Năm chiếc nút áo gợi cho người đọc nghĩ đến cái cơ chế đóng kín mà tác giả muốn cởi bỏ, nhưng chỉ cởi được phần hữu hình, còn phần vô hình vô hạn thì bất lực.
Muốn giải thoát, con người chỉ gặp đớn đau.
Tứ thơ được thiết kế chặt chẽ, mượn cái thật (năm nút áo) để nói cái không thật (bầu trời đêm trong ngực); mượn cái không thật (bầu trời đêm…) để nói cái rất thật (tâm trạng, tự vấn, cuộc tìm tòi khám phá chính mình, muốn giãi bày, giải thoát…). Cả bài thơ không có chữ nào mới nhưng cách diễn đạt tự nhiên mới mẻ, bao hàm ý mới lạ và sâu sắc... 
          N.V.T.
-----------------------
NGUYỄN VŨ TIỀM 49A/22 Phan Đăng Lưu, P7, Q. Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.  Email: vutiemnguyen@yahoo.com.vn   0909 450 871 
Nguồn:trannhuong.com

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

MÈO CÁI KHÓC



Truyện ngắn của bùi Thị Sơn
1- Hai người nằm ườn, lười nhác trên phiến đá giữa rừng sâu thăm thẳm. Suối chảy róc rách bốn bề. Ngước nhìn lên trời cao, chỉ thấy tầng mây xanh ngăn ngắt. Nhìn xuống chút nữa, xung quanh núi nhấp nhô điệp trùng. Anh đặt tay lên bụng vợ, âu yếm nói:
- Con mình được hoài thai giữa khung cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình thế này, chẵc chắn sẽ thông minh, nếu là con trai thì khôi ngô tuấn tú, nếu là con gái thì dịu dàng xinh đẹp lắm, em ạ! Nếu em sinh con trai, mình sẽ đặt tên con là Thạch Sơn, nếu em sinh con gái, mình sẽ đặt tên con là Thạch Hà, em nhé!
Lan lim dim mắt mơ màng, sung sướng tận hưởng cảm giác lâng lâng hạnh phúc.Từ lúc cưới nhau đến nay, chưa bao giờ Thái thể hịên sự lãng mạn đáng yêu như thế! Cô nhoẻn nụ cười tình tứ với chồng ...
- Này, này! Dậy đi em ơi! Tám giờ hơn rồi còn gì!
Nghe cái giọng ồm ồm của chồng cùng cảm giác nhồn nhột, ram ráp nơi đầu ngực, Lan phải trở về với hiện thực, với cái thói quen dùng bộ râu quai nón chà khắp thân thể vợ nhất là những vùng gợi cảm ...của Thái. Cô nhỏm dậy, dụi dụi mắt, tiếc hoài giấc mơ dang dở...
- Em đánh răng, rửa mặt, chải đầu, hai vợ chồng mình ra quán ăn sáng rồi đi nhé!
Lan vẫn ngáp ngắn ngáp dài, tiếc ngơ tiếc ngẩn giấc mơ dang dở:
- Đi đâu cơ! Ngày chủ nhật, lẽ ra anh cứ để cho em ngủ nướng thêm tí nữa...Tối qua, em chấm bài khuya nên hơi mệt.
- Em quên rồi sao? Tối qua hai vợ chồng mình đã thống nhất sáng nay em đi hiệu may một chiếc áo dài mới để
dự đám cưới cái Ni Na.
2- Lan đã từng được nghe tiếng mèo cái gào thét, nức nở gọi bạn tình giữa đêm hôm khuya khoắt khi cô ngủ một mình trong khu nhà vườn rộng mênh mông. Tiếng gào thét mới bức bối, da diết làm sao? Ngoao... ngo...a...o, ngo...a ...o... - Tiếng gào thét lúc khoan lúc nhặt,lúc hối thúc, giục giã, lúc van vỉ thiết tha... Tiếng gào thét cứ to dần, dữ dội, rồi ai oán, tuyệt vọng, chán chường... Hơn một tiếng đồng hồ khắc khoải không tìm thấy bạn tình, cô nàng mệt lử, khản đặc tiếng, chỉ gầm gừ yếu ớt trong họng... Chừng hai mươi phút sau, dường như đã nghỉ ngơi lấy lại được sức, mèo cái lại rống lên gọi bạn tình... Tiếng gọi lần này xót xa, thống thiết, mãnh liệt hơn. Tiếng gào thét như vọng đến trời xanh khiến trời động lòng thương cho mèo cái tìm thấy bạn tình. Đêm tối quá! Lan không nhìn thấy chàng mèo đực có được cái may mắn, diễm phúc gặp nàng mèo cái nồng nàn, say đắm của cô. Chỉ nghe trên mái bếp tiếng rượt đuổi nhau huỳnh huỵch (vẽ chuyện chưa, cấn lắm rồi mà còn cứ ra vẻ làm cao). Nhưng khúc dạo đầu không kéo dài lâu. Chỉ vài tích tắc sau đã nghe trên trần bếp tiếng lăn lộn gấp gáp, tiếng gừ gừ mãn nguyện của đôi bạn tình: tiếng rên của con đực khàn trầm, tiếng rên của con cái vút cao sung sướng...
Tám giờ sáng hôm sau, cô nàng mới lười nhác vươn vai uể oải đi từ góc bếp ra sân sưởi nắng. Nàng trườn tấm thân mềm mại có ba màu đen, vàng, trắng uốn éo trên đống cát trước cửa, mắt lim dim ra chiều sung sướng mãn nguyện lắm! Cái dáng nằm vừa e ấp, ý tứ vừa hé lộ sự khiêu gợi mời gọi... Ấy là lúc nàng khép nép khoanh tròn tấm thân mềm mại, hai chi trước khoanh trước ngực như thể đang nguyện cầu điều gì linh thiêng, thành kính lắm; hai chi sau khép chặt, chiếc đuôi dài vằn vện cụp lại phía sau như chở che, gìn giữ nơi thiêng liêng, thầm kín - nơi bảo tồn và phát triển của giống loài...
Chồng Lan đi công tác xa về. Nghe cô kể chuyện con mèo cái, anh phá lên cười:
- Trời ơi! Vợ tôi đa cảm quá! Chuyện đực cái của loài vật chỉ là chuyện bản năng, chúng làm gì có được cảm xúc như người... Em chỉ giỏi tưởng tượng vớ vẩn... Hay là...
Buông lửng câu nói ỡm ờ và cái nhìn sở hữu lên bộ ngực tròn đầy viên mãn của vợ, Thái bế bổng cô lên chiếc giường mới đóng bằng gỗ pơ mu thơm nức... Lan không kịp phản ứng gì. Từ khi cưới chồng đến giờ, cô hoàn toàn bị Thái chủ động lôi kéo... Trong thâm tâm, cô không hài lòng với kiểu cách yêu đương sấn sổ như cướp đoạt của chồng nhưng là người sống nội tâm, tinh tế, dịu dàng, kín đáo, cô không dám nói ra chuyện ấy. Vợ chồng cưới nhau được hơn một năm, Lan mong chờ mãi mà vẫn chưa mang thai. Tất cả đều lạ lẫm mới mẻ đối với cô. Ở thời buổi hiện đại này, cưới được một cô gái biết giữ mình, nết na, đoan trang như Lan quả là hiếm có khó tìm. Vì thế, Thái rất yêu vợ, có điều cái cách yêu của anh sống sượng quá, không phù hợp với con người mộng mơ, lãng mạn như Lan. Lúc đang còn yêu nhau, làm sao Lan biết được sẽ cưới phải một người chồng như thế... Mình phải nói! Phải nói! Phải nói! Đã bao lần Lan tự nhủ lòng mà vẫn chưa đủ can đảm nói với chồng điều tế nhị đó. Lần này thì không chịu được nữa rồi, cô ngồi bật dậy, hất tay chồng ra:
- Em mệt...hãy để cho em yên !
- Anh xin lỗi! Chẳng qua anh nhớ em quá! vợ chồng mới cưới - xa nhau ba ngày mà dài đằng dẵng như đã xa ba năm rồi ấy!
Câu nói có cánh ấy đã làm Lan xiêu lòng, không dám phản ứng...
3- Con mèo cái ngày càng mỡ màng, óng ả. Hàng ngày, nó vẫn ra sân sưởi nắng, mắt lim dim, lim dim... Cái bụng dần dần căng ra, các núm vú hồng hồng bé xíu như hạt gạo cũng dần dần nhô lên, Lan vui mừng trước sự đổi thay nhanh chóng của con mèo cái. Cô không có hứng thú để tâm sự với chồng về chuỵện con mèo. Cô sợ rồi cái thói bỡn cợt, vô cảm của Thái trước mọi sự đời.
Sáng sớm, Thái vừa dắt xe máy ra cổng thì gặp ngay bà Tho_bà hàng xóm đơn thân đã nghỉ hưu. Bà Tho hớt hải, lắp bắp:
_Chú...chú...chú Thái...
Thái vội vàng nhảy phóôc lên xe máy, ném vớt lại một câu:
_Bà vào gặp Lan nhé! Cháu phải đi làm ngay!
Rồi vù xe phóng thẳng, để mặc bà già lẩm cẩm đứng giữa sân, lắc đầu ái ngại.Trái ngược với chồng, vừa nghe tiếng bà Tho, Lan đã ra tận cổng đon đả mời bà vào nhà. Bà Tho_vẻ mặt đầy xúc động_lắc đầu quầy quậy:
_Cô...cô cùng tôi ra đây ngay...
Thấy lũ trẻ con khoảng chín, mười tuổi đang xúm đen xúm đỏ quanh hố vôi trước ngõ, chỉ trỏ, tranh cãi nhau, bà Tho quát tướng lên:
_Giải tán! Tao đã bảo chúng mày giải tán hết, đi học đi kẻo muộn cơ mà.
Bọn trẻ lẳng lặng bỏ đi...
Lan nhìn thấy giữa hố vôi mới tôi,xác một hài nhi khoảng trên ba cân đã tím tái song vẫn dễ dàng nhận ra đó là một bé trai bởi con chim nhỏ xíu của nó ủ rũ như một cái cuống cà bị phơi nắng suốt mấy ngày trời. Bà Tho kể:Sáng sớm nghe lũ trẻ ỏm tỏi trước hố vôi, bà tưởng có đứa nào sơ ý tụt chân xuống đấy bèn chạy ra giúp đỡ chúng.Té ra, chúng cãi nhau xem ai đã vứt con búp bê trần truồng vào hố vôi, mà chắc đã bôi bùn trước khi vứt xuống đó nên trông bẩn phát khiếp. Một thằng con trai dùng sào khều lên và nói: con búp bê to đẹp thế này, chỉ cần ngâm xà phòng omo rồi cọ rửa sạch, mặc quần áo vào là em gái nó đã có một con búp bê mới tinh.Vừa toan nhấc con búp bê...thằng bé đã hét lên một tiếng kinh hoàng rồi ngất lịm...Bọn trẻ con chạy bán sống bán chết.Bà Tho vội vàng bế xốc thằng bé vào nhà,xoa dầu gió cho nó tỉnh lại,cắt cử hai đứa trông nom nó rồi mới chạy sang nhà Lan.Cất giọng ngàn ngạt, bà Tho bảo Lan:
_Không biết người mẹ bất nhân của nó là ai, song nó đã chết ở cổng ngõ nhà mình, tôi với cô cùng lo hậu sự cho bé để vong linh nó đỡ tủi...
Lan rụng rời chân tay. Sao trên đời này lại có hạng người độc ác, vô tình đến thế? Dù có thể đứa nhỏ chỉ là kết quả của một mối tình chớp nhoáng hay một lần lầm lỡ , nhưng nó đã là một con người bằng xương bằng thịt, lẽ nào người mẹ dám tước bỏ quyền được làm người của nó? Hôm nay, Lan lên lớp tiết bốn nên cũng không vội lắm, bài vở cô đã soạn sẵn từ hôm qua. Cô nhanh chóng cùng bà hàng xóm đơn thân bế xác hài nhi vào nhà , cắt rốn cho nó . Lúc hai người đun nước nóng tắm cho đứa nhỏ ,phát hiện ra cổ nó bị rách bởi một vết thít(có lẽ bằng dây điện); chân trái, tay phải bị bẻ gẫy gập,cả hai không sao cầm nổi nước mắt .Tắm rửa xong xuôi,Lan ủ nó vào một cái khăn bông mớt đem từ nhà sang.Bà hàng xóm lôi từ cạp quần ra một chiếc chìa khoá màu đồng hun cũ kỹ rồi tiến đến bên chiếc hòm gỗ(một chiếc hòm đạn cũng cũ kỹ như chủ nhân của nó) lựa khoá mở hòm.Bà lôi từ trong hòm ra một tập thư vàng ố màu thời gian,một chiếc ca sắt,một cà mèn đựng nước,một chiếc áo dài màu tím Huế mới tinh.Nhẹ nhàng đặt tất cả những kỷ vật của một thời bom đạn lên chiếc bàn nhỏ kê ở cửa sổ,bà lại nhẹ nhàng đặt xác hài nhi vào trong hòm, khoá chặt lại.Nhìn bà hàng xóm tỉ mẩn lặng lẽ lo chuyện hậu sự cho đứa trẻ xấu số, nước mắt Lan lã chã tuôn rơi. Cô vội vã ra vườn chặt một nải chuối, hái một chùm hoa hồng bạch và cùng bà hàng xóm nhân hậu kê một cái bàn nhỏ, thắp hương cho đứa bé xấu số. Hai người đàn bà_một già một trẻ_một đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc trên tuyến đường Trường Sơn, khi hoà bình trở về đời thường với trình độ văn hoá chưa hết lớp 7, lại bị nghễnh ngãng do ảnh hưởng của những đợt dò phá bom mìn- được ưu tiên làm cấp dưỡng cho nhà khách uỷ ban nhân dân huyện cho đến lúc về hưu vẫn chăn đơn gối chiếc_một sinh ra và lớn lên trong cảnh sống thanh bình, phát triển của đất nước, yêu và lấy một anh chàng bác sĩ đẹp trai, tài giỏi , đầy triển vọng trên con đường công danh sự nghiệp _Hai người đàn bà ấy lặng lẽ khóc bên nhau,mất đăm dắm nhìn vào chiếc hòm đạn cũ kỹ .Trời ơi! giá người ta cứ đẻ và đem đến cho mình đứa trẻ này mình sẽ hạnh phúc biết bao!Sáu mươi tuổi,mình vẫn đủ sức nuôi nấng, chăm sóc nó nên người,mình sẽ bế nó đi xin sữangười đàn bà lớn tuổi thầm nghĩ. Mình mong đợi hàng năm rồi mà trời chưa thương cho mình hạnh phúc được làm mẹ.Giá đứa bé này còn sống,mình sẽ nhận nuôi nó ,coi nó như con ruột.Trời sẽ hiểu và thương mình...Người phụ nữ trẻ nghĩ.Bất chợt hai người nhìn sang nhau như đọc được suy nghĩ của nhau ,rồi như không kìm nén nổi,họ ôm chầm lấy nhau nức nở...
_Lan! Lan ơi!Mùi hương ở đâu nồng nặc thế này?Em đang làm gì đấy hở Lan?
Buổi sáng đi làm,Thái đang xạc pin vào di động nên quên luôn di động ở nhà.Từ bệnh viện,anh tranh thủ ù xe tạt về nhà lấy máy.Không nhìn thấy vợ đâu,anh ngó sang nhà bà Tho thì bắt gặp cảnh tượng vợ mình và bà hàng xóm nghễnh ngãng,gàn dở đang ôm nhau khóc như mưa như gió trước chiếc bàn thờ bé xíu nghi ngút khói hương bên cạnh chiếc hòm đạn cũ kỹ.Anh cất tiếng hỏi:
_Bác Tho ơi!Có chuyện gì xảy ra vậy?
Bà Tho gạt nước mắt,nức nở không nói lên lời.
_Sao vậy Lan?
Như có phản ứng dây chuyền,nghe tiếng bà Tho nức nở ,Lan càng hức lên không kìm nén nổi.Rồi cuối cùng ,qua những lời kể đứt đoạn xen lẫn với tiếng thút thít,Thái cũng hiểu ra ngọn nguồn câu chuyện.Anh bảo :
_Hai người đa cảm quá!ở trong bệnh viện,chuyện người ta đến đẻ xong vội vã trốn tránh ,bỏ rơi con xảy ra như cơm bữa...Mà bà mang nó vào trong nhà để thắp hương thế này là xui xẻo lắm đấy !
Lan sụt sịt:
_Nhưng nó chết tức chết tưởi,chết khổ chết sở quá anh ơi !
_Em thật là...người đời...
Rồi anh đùng đùng rồ xe máy,phóng thẳng,không nói một lời nào...
Lặng đi mấy giây trước thái độ dửng dưng vô cảm của chồng,Lan như sực tỉnh:
_Bác ơi!Cháu sắp phải lên lớp rồi!Làm thế nào bây giờ hở bác?
_Thôi!Cô cứ chuẩn bị lên lớp đi !Còn việc gì cứ để đấy tôi lo...
4-
...Suốt cả bữa cơm trưa và bữa cơm chiều hôm ấy,hai vợ chồng Lan lặng lẽ ngồi vào bàn,lặng lẽ ăn mà không ai nói với ai một lời nào.Lan nhai cơm trệu trạo không muốn nuốt nhưng cũng không nỡ đứng dậy trước Thái. Anh ấy đi làm bận bịu suốt cả ngày,chỉ có hai bữa cơm.Mình mà đứng dậy,anh ấy cũng thôi luôn và sẽ phải nhịn đói đi ngủ.Nghĩ vậy,Lan cố gắng nhai chầm chậm đợi Thái đứng dậy mới đem bát đĩa đi rửa.Đợi chồng nằm vào giường bật ti vi xem chương trình thời sự,Lan mới nhẹ nhàng sang nhà bà Tho...
Bà Tho đã làm xong cái bàn thờ ở thân cây muỗm ngoài sân để thắp hương cho đứa bé xấu số.Bà cất giọng ngàn ngạt bảo Lan:
_Tôi đã chôn bé ở ngay dưới gốc muỗm này,để ngày ngày gần gặn khói nhang cho vong linh nó bớt tủi...Lúc còn ở Trường Sơn,tôi cũng đã nhiều lần tham gia chôn cất đồng đội_những người hôm trước còn cùng ăn cùng ngủ với mình,bắt chấy cho nhau,trêu đùa chọc ghẹo nhau.Chỉ qua một trận đánh,họ dã ra người thiên cổ...Vậy mà không làm sao tôi quên được cảm giác đau buồn khi chứng kiến cái chết của một con người.Bây giờ cũng vậy...
Lan lặng lẽ ở bên bà Tho,giúp bà bóc lạc đến khuya mới về nhà.Cô nghe thấy tiếng chồng lầu bầu: Cái tủ quần áo...Sao cô không khép kín lại...Con mèo cái lăn lộn mãi trong đó,tôi đã lẳng nó ra ngoài sân rồi...
Ngoao... ngoao... ngoao... Con mèo cái rống lên thê thảm và dùng vuốt cào cửa cành cạch.Lankhẽ khàng ra mở cửa.Chỉ đợi có vậy,con mèo cái lao vụt vào phòng,ra sức nhảy lên cánh cửa đã bị Thái chốt chặt.Lan từ tốn bước đến bên giường chồng:
_ Anh cho em mượn chùm chìa khoá mở tủ.
_ Để làm gì ?
_ Em nghi...con mèo cái đã đẻ con trong đó.Không nhanh khéo nó chết ngạt mất...
_ Đúng là thần kinh cô có vấn đề.Làm gì có chuyện ấy ?
Lan không cãi một lời nào,lẳng lặng mở bật cánh tủ ra.Giữa những đôi tất chân đã bị bới bung lên,một con mèo con vằn vện ,nhỏ xiu ,ướt mèm,mắt nhắm nghiền đang thoi thóp thở...Con mèo cái chỉ đợi có vậy,lao vọt lên tủ,ôm ấp,vuốt ve,liếm láp và cho con nó bú.
_Thật là hết chỗ nói rồi.Tự dưng ngăn để tất biến thành ổ mèo.Mà cô không nghe người ta nói mèo đẻ một con là có điềm gở sao?
Lan hạ giọng năn nỉ:
_Không!Anh ạ,em chỉ nghe người ta bảo nếu mèo đẻ ở đâu thì cứ để nguyên nó ở đó,nếu mình tự ý dịch chuyển,phải vía, con nó sẽ chết.Thôi anh cứ để nó ở tạm đây;sáng mai em sẽ lấy hết tất ra và thay bằng ruột gối mềm cho mẹ con nó ngủ.
Thấy Lan trở lại dịu dàng dễ thương,Thái cũng mềm mỏng:
_Thôi khuya rồi,vợ chồng mình đi ngủ đi,mai còn dậy sớm đi làm.
Lan ngoan ngoãn,khép nép nằm xuống bên cạnh chồng.Bỗng có tiếng chuông vang lên từ di động của Thái.Thái làu bàu: Giờ này còn không để người ta được yên.Anh quyết định không nhấc máy.Lan ôn tồn nhắc:
_Mình là bác sĩ.Nhỡ ai có bệnh cấp cần gặp mình thì sao?
Lại một hồi chuông điện thoại nữa vang lên gióng diết.Thái nghe vợ,mở máy,giọng chuyển sangkhiêm tốn nhỏ nhẹ cực kỳ:
_A lô!Chị Hương đấy ạ!Có việc gì mà đêm hôm chị gọi đến em thế ạ?
_Chú sang ngay nhà chị!Cháu Ni Na ốm.!
Giọng người đàn bà đầu dây máy vang lên rành rọt như một mệnh lệnh.Thái vùng dậy,mặc thêm quần áo,rồi vù xe đi luôn,không kịp căn dặn vợ lời nào.
5-
...Nưả đêm,khi Lan đã ngon giấc thì nghe tiếng xe máy của chồng vù về:
_Lan ơi!Ngủ chưa?Anh thương cái Ni Na quá!
_Ni Na làm sao?Chẳng phải con bé đang học ở trường Đại học Văn hoá Hà Nội sao?
_Nó vừa tranh thủ về thăm bố mẹ được mấy hôm _Anh bỗng hạ giọng nói nhỏ _Cái hài nhi bà Tho chôn cất hồi chiều chính là con của nó đấy!Một thằng bạn cùng học ở Hà Nội yêu con bé...nhưng khi cái bụng nó ễnh ra rồi thì thằng đó tính bài chuồn,viện cớ bố mẹ nó không đồng ý cho lấy vợ mãi tận miền ngược.May mà con bé cao lớn,lại đang là mùa đông,nó mặc áo măng tô rộng thùng thình nên không ai biết được.Nửa đêm hôm qua,con bé trở dạ.Cố nén cơn đau,nó ôm theo một bọc quần áo vào toa lét.Vừa kịp khép cửa toa lét thì đứa bé đã rơi ngay ra nền gạch lát.Không kịp để cho thằng bé cất tiếng khóc chào đời,nó lấy hết sức bình sinh nhỏm dậy,nhét ngay chiếc tất xù vào mồm đứa bé.Nó bảo:Nhìn mặt đứa bé giống thằng bố nó như tạc,máu uất nổi lên,nó quyết tâm kết liễu đời thằng bé để chấm dứt vĩnh viễn một mối tình oan nghiệt...
Lan thấy đau nhói ở ngực trái:
_Lúc ấy chị Hưong làm gì?Sao chị ấy không khuyên can con bé?
_Chị ấy đã ngủ say.Con Ni Na cố giấu vì nó đã nung nấu ý định trả thù thằng Sở Khanh kia từ lâu.Nó bịt mồm,thít cổ,bẻ gẫy chân tay thằng bé rồi cuộn xác thằng bé vào đống quần áo sạch,cho vào thau đem ra hố vôi mới tôi.Nhìn trước nhìn sau không thấy ai,nó thả xác thằng bé xuống hố vôi rồi vội vã đem chậu quần áo về,cho vào máy giặt sạch...Nó đang xối nước cọ toa lét thì kiệt sức phải lết vào phòng ngủ.Sáng bảnh mắt không thấy con gái dậy,lại ngửi thấy mùi tanh trong toa lét,chị Hương hốt hoảng đập cửa buồng con gái mới vỡ lẽ mọi sự... .Khổ quá!Cái Ni Na bị sót rau,lên cơn sốt liên miên.Chị Hương khóc hết nước mắt vì thương con.May mà anh Chiến đang công tác tại Hà nội.Bây giờ thì ổn rồi.Vợ chồng mình biết với nhau thôi nhé!Nên giữ thể diện cho anh chị ấy.Người ta là một gia đình danh giá...
Lan nhìn xoáy vào mặt chồng.Anh ta đóng kịch cả với vợ.Bà Hương-Phó chánh thanh tra huyện là vợ của ông chủ tịch huyện-người đã giúp đỡ Thái vào làm việc ở trung tâm y tế huyện,rồi cất nhắc anh lên trưởng khoa nội,sắp tới giám đốc trung tâm y tế nghỉ hưu,đồng chí phó giám đốc lên thay,Thái là một trong những ứng cử viên sáng giá tranh cử cái ghế phó giám đốc.Chỉ cần một tiếng nói của đồng chí chủ tịch huyện_người anh kết nghĩa_coi như phần thắng đã nằm trong tầm tay.Thế thì làm sao mà chả thương với xót.Nếu rơi vào trường hợp khác gọi điện vào giờ ấy,chắc chắn Thái không rời khỏi chăn gối được.Trời ơi!Tại sao lúc yêu nhau ta không nhận ra điều này?-Lan xót xa thầm nghĩ.
6-.
Một tuần sau .
Buổi chiều, Lan đang soạn giáo án thì nghe tiếng rú kinh hoàng,dồn dập của con mèo cái. Tiếng rú thất thanh,đớn đau,tuyệt vọng.Cô chạy vội từ tầng hai xuống và bắt gặp con mèo cái đang xoã xượi,phủ phục lên con nó .Cô tiến đến gần và dường như không còn tin vào mắt mình nữa. Con mèo con loang lổ,nhỏ xiu như một quả dưa chuột mềm nhũn ,oặt ẹo ,hai mắt nhắm nghiền...nó đã chết ngạt trong tủ từ lúc nào.Cô không nỡ đem xác nó đi chôn ngay.Con mèo cái khoanh tròn hai chân sau,hai chân trước giang rộng ôm lấy xác con nó như gà mẹ xù cánh ấp con ,che chở con khi nhìn thấy diều hâu sà xuống định cắp con nó đi.Cô liên tưởng đến hình ảnh diều hâu rình bắt gà con là bởi vì cô nhìn thấy ánh mắt xanh lè,căm hờn của con mèo cái nhìn cô như chính cô là thủ phạm đã giết chết con nó.Cô quay mặt đi,không dám nhìn cảnh tượng ấy nữa.Rõ ràng,sáng nay-trước khi lên lớp,cô vẫn nhớ mở toang cánh cửa tủ để mèo mẹ vào ấp ủ,cho con nó bú...Lan quay trở lại bàn soạn giáo án nhưng không còn tâm trí để vào bài vở nữa.Dưới nhà,con mèo cái vẫn tru lên từng hồi ai oán.Từ bé đến giờ,chưa bao giờ cô nghe thấy tiếng mèo khóc.Rồi dường như mệt lả, nó lặng im một hồi lâu. Lan đoán nó thấm mệt nên đã ngủ thiếp đi. Cô rón rén đi xuống cầu thang, định lừa lúc con mèo cái ngủ quên sẽ bế con mèo nhỏ đi chôn. Thì ra, con mèo cái đã cắp con nó trở lại ngăn tủ, khòeo chân vén những miếng vải vụn đắp cho con nó. Và... kỳ lạ chưa, nó nhỏm ngồi dậy,nhẹ nhàng nâng con mèo con lên, dí núm vú hồng hồng bé tẹo ở hàng vú thứ hai vào cái miệng nhỏ xíu khép chặt của mèo con. Nó cứ dướn lên,dướn lên mãi mà không tài nào đưa đầu vú vào miệng con nó được. Như sực tỉnh trước sự thực phũ phàng là con mình đã chết rồi,nó lại tru lên từng hồi não nề,đau đớn...Hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi, Lan không dám nhìn cảnh tượng đau lòng ấy nữa. Cô khẽ lùi bước định leo lên cầu thang, chẳng may vấp phải bình lan ý, cô ngã quay ra nền nhà. Nhanh như cắt,con mèo cái nhảy tót từ trong tủ xuống sàn nhà, lăn lộn cào cấu Lan, miệng không ngớt tru lên những tiếng khóc than não nuột... Lan càng khẽ gỡ nó ra thì nó càng liều lĩnh ôm chặt lấy Lan. Lan nước mắt ròng ròng - đau thì ít mà xót thương cho con vật thì nhiều...
Vừa lúc đó, Thái bước vào nhà. Nhìn thấy cảnh tượng con mèo cái hung hãn đè lên vợ mình cùng với những tiếng kêu gào ghê rợn, cô vợ nhỏ bé nước mắt lưng tròng, chống cự yếu ớt. Anh lao vào xách tai nó, xoay ba vòng rồi lẳng đi thật xa. Con mèo ngất lịm. Lan nhảy bổ ra sân, ôm lấy con mèo:
_ Trời ơi! Sao anh ác thế? nó chết thì sao?
_ác gì? Nó chẳng cào em xây xước mặt mày đó sao? Nó choáng một chút rồi tỉnh dậy ngay thôi! mà nó có chết thì em đã có con của nó rồi...
_ Con nó cũng chết rồi,anh ạ...
Lan thút thít kể cho chồng nghe về cái chết của con mèo con. Thái lấykhăn mùi xoa lau mắt cho vợ, an ủi cô:
_ Có lẽ tại anh... sáng nay, khi em lên lớp tiết một,anh mở tủ tìm đôi tất chân, con mèo mẹ nhảy từ tủ ra sân, anh quên con nó vẫn ở trong đó nên tiện tay đóng cửa tủ lại.Mãi đến trưa,anh mới mở tủ lấy áo lót thay... Mà em buồn làm gì. Hôm nay,anh nhận tiền bồi dưỡng trực đêm được một trăm ngàn. Mai em ra chợ mua con mèo khác đẹp hơn con này...
_ Nhưng mình đã nuôi nấng nó từ khi nó còn nhỏ, em thương nó quá!
Thái ôm vợ vào lòng, vỗ về cô:
_ Trời ơi! Vợ anh đa cảm quá! Có lẽ bởi vậy anh mới yêu em nhiều đến thế!
Nhưng thôi, muộn rồi, em vào bếp nấu cơm đi! Anh sẽ đi chôn con mèo con và theo dõi con mèo mẹ xem nó có tỉnh lại không nhé!
7_
Lan miễn cưỡng đi vào trong bếp. Một lát sau,Thái trở lại rửa tay thật sạch rồi vòng ra sau lưng ôm lấy vợ:
_ Thôi đừng buồn nữa, mất xinh. à, anh báo cho em một tin mừng nhé! Tuần sau, con gái chị Hương lấy chồng. Em nên may một chiếc áo dài mới maù tím Huế để hai vợ mình cùng đi dự đám cưới nhé!
_ Chị Hương nào? _ Lan hững hờ hỏi.
_ Thì là vợ ông anh kết nghĩa của anh đấy thôi! Cái thằng Sơn bên phòng thanh tra huyện _ nhân viên của chị Hương ấy _ số nó son thật. Bao nhiêu đứa si mê, muốn chết vì cái Ni Na mà nó có thèm ngó ngàng tới bọn trai xóm núi này đâu. Chị Hương nhà mình cũng thật là nhân hậu. Chị ấy không cậy chồng làm lớn mà chê bai con nhà nông dân...
Thái còn lải nhải ca ngợi chị Hương nhà mình hết lời nhưng tai Lan như ù đi, cô không buồn nghe chồng nói nữa.Trước mắt cô bỗng hiện lên chiếc áo dài màu tím Huế bà Tho đã nâng niu,cất giữ trong hòm đạn ba mươi nhăm năm nay,bà may sẵn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng,đợi người yêu từ chiến trường trở về làm lễ cưới như lời hẹn ước.Nhưng anh đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Sài Gòn đúng vào ngày cuối cùng của cuộc chiên tranh:Ngày hai mươi chín tháng tư năm một ngàn chín trăm bẩy mươi lăm.Bây giờ bà Tho đem cái áo ấy gối lên đầu giường vì chiếc Va li bằng hòm đạn_kỷ vật thân thiết thời tuổi trẻ của bà đã dùng làm quan tài chôn cho thằng bé con xấu số chưa kịp cất tiêng khóc chào đời...

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

THƠ NGUYÊN TIÊU


THƠ NGUYÊN TIÊU

Link cố định 22/02/2013@21h46, No views, viết bởi: buithison
Chuyên mục: Máy tính, Games
,
Văn hoá Diễn đàn Văn học
Cập nhật lúc 12/02/2011, 09:17 (GMT+7)
Hướng về ngày thơ Việt Nam:
Nét mới của Sân thơ Hiện đại 2011

(GD&TĐ) - Ngày thơ Việt Nam –như thông lệ hàng năm, sẽ được tổ chức tại sân thơ Văn Miếu vào rằm tháng giêng. Đây là ngày để các nhà thơ và công chúng yêu thơ trong cả nước tôn vinh thơ. Năm nay, sân thơ Hiện đại sẽ thay thế cho sân thơ Trẻ. Sân Thơ Hiện đại là nơi dành cho những nhà thơ trẻ và công chúng của thơ trẻ. Và, sân Thơ Hiện đại năm nay sẽ có chủ đề: Blog Xuân 2011
Blog Xuân 2011 sẽ có sự hiện diện của những nhà thơ trẻ đã định hình được chỗ đứng của mình trong lòng độc giả cũng như các tác giả mới xuất hiện hứa hẹn những triển vọng thơ mới trong tương lai. Trong khu vực sân thơ sẽ có sắp đặt không gian thơ của các tác giả trẻ, hành trình đến với nghệ thuật và Thi quán cho Thơ, poster các tác giả trẻ đã có thành tựu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010. Đồng thời trong khu vực sân thơ sẽ có trưng bày và giới thiệu sách; cùng các hoạt động giao lưu của các nhà thơ trẻ với nhiều thế hệ thơ và độc giả…
Từng được gọi là Sân thơ Trẻ, Sân thơ Hiện đại 2011 sẽ có nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Đó là một không gian thơ trẻ trung, hiện đại, rộng mở, có sự biểu diễn, tương tác và giao lưu của những nhà thơ trẻ đã định hình được chỗ đứng của mình trong lòng công chúng, và các tác giả mới xuất hiện nhưng hứa hẹn sẽ đem lại những cảm xúc thơ tươi mới trong lòng độc giả.
Bước vào Sân thơ Hiện đại 2011, công chúng sẽ hòa vào
không khí của thơ ca theo chủ đề “Blog Xuân 2011”, với ba phần chính:
1. Sân khấu:
Các tiết mục đọc thơ, trình diễn thơ tại sân khấu là cơ hội để công chúng yêu thơ gặp gỡ, lắng nghe những bài thơ có phong cách hiện đại, qua giọng đọc và phần trình bày của chính tác giả.
Sân khấu Thơ Hiện đại 2011 hứa hẹn nhiều bất ngờ và quy tụ những nhà thơ hiện đại, đó là các hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, bao gồm: Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Hữu Việt, Nguyễn Thúy Quỳnh, Mai Văn Phấn và Lò Cao Nhum.
Những tác giả mới xuất hiện, chưa là hội viên Hội Nhà văn, nhưng có giọng thơ nhiều hứa hẹn sẽ tham gia đọc và trình bày thơ bao gồm: Lương Đình Khoa, Hoàng Anh Tuấn, Phùng Hải Yến, Nhã Thuyên, Đàm Thùy Dương, Phùng Thị Hương Ly, Du Nguyên, Tuệ Nguyên và Trịnh Sơn.
Không chỉ bất ngờ ở các tiết mục sẽ trình bày, sự thiết kế đặc biệt của sân khấu năm nay, cùng các tiết mục do các nghệ sĩ kịch hình thể của nhà hát Tuổi trẻ, ban nhạc nữ Đô Rê Mi… sẽ đem lại cho người tham dự những món quà mùa xuân ý nghĩa.
2. Hành trình thơ:
Không gian thơ Hiện đại 2011 sẽ gần gũi và thân thiện, với sự sắp đặt của mười tấm poster tôn vinh các tác giả thơ hiện đại đã có thành tựu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010. Không chỉ gặp gỡ với các tác giả qua hình ảnh, độc giả sẽ được đọc những tâm sự của họ về nghề viết, cùng với những bài thơ mới nhất, những câu thơ mà họ tâm đắc nhất. Sự sắp đặt hành trình thơ, qua các poster sẽ cho độc giả cái nhìn khái quát về chuyển động của nền thơ hiện đại Việt Nam trong năm 2010.
3. Thi quán:
Thi quán của Sân thơ Hiện đại 2011 mở ra một không gian tương tác giữa các nhà thơ hiện đại và công chúng yêu thơ. Sẽ có mười thi quán với sự hiện hiện của các nhà thơ có thành tích và tác phẩm trong năm 2010. Song song với các hoạt động trên sân khấu thơ, tại khu vực thi quán sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu của các nhà thơ trẻ với nhiều thế hệ thơ và độc giả.
Các tác giả xuất hiện ở poster và thi quán bao gồm: Mai Văn Phấn (Tác phẩm: Bầu trời không mái che,Hôm sau, và đột nhiên gió thổi), Nguyễn Phan Quế Mai (tác phẩm Cởi gió, Giải nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội 2008-2010”, Giải thưởng Thơ 2010 của Hội nhà văn Hà Nội), Vi Thùy Linh (tác phẩm "Phim đôi - Tình tự chậm"), Nguyễn Bảo Chân (tác phẩm Những chiếc gai trong mơ), Đoàn Văn Mật – Lữ Thị Mai (tác phẩm Giữa hai chiều thời gian, Giấc), Nguyễn Khánh Toàn (tác phẩm truyện thơ Con Hồng cháu Lạc với hơn 15.000 câu thơ về lịch sử), Nguyễn Quang Hưng (tác phẩm Vườn ánh sáng).
Ngoài ra, khu vực thi quán và poster có sự hiện diện của Khoa sáng tác lý luận và phê bình văn học(trường đại học Văn hóa). Một thi quán thơ dịch sẽ trưng bày các tác phẩm thơ dịch trong năm qua, cùng với sự hiện diện của dịch giả Thụy Anh và tác phẩm Olga Berggoltz của tôi. Lần đầu tiên trong lịch sử sân thơ, sẽ có một thi quán dành riêng cho các tác phẩm của các tác giả thơ hiện đại đến từ miền Nam và Tây nguyên do nhà thơ Tuệ Nguyên (Ninh Thuận), Trịnh Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) đại diện.
Sân thơ Hiện đại 2011 không chỉ có sự quan tâm của công chúng mà còn có sự tham gia và đồng hành của các nhà tài trợ. Cho đến thời điểm 10.2.2011, các nhà tài trợ bao gồm Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Ha Noi; Công ty CP Dịch vụ triển lãm Kinh Kỳ CESCO.V; Công ty Life. Productions; Công ty Vietlogo.
Năm nay, các gương mặt mới tham gia sân thơ 2011 được tuyển chọn từ hơn 60 gương mặt thơ trẻ đã được các hội viên Hội Nhà văn đề cử từ khắp mọi miền đất nước. Các nhà thơ đã tham gia đọc thơ từ 2 đến 3 lần tại Sân thơ Trẻ các năm qua mà chưa có thành tựu nổi bật trong năm 2010 sẽ không tham gia đọc thơ tại sân thơ Hiện đại 2011.
Tác giả: Linh Sơn
----------------------------------------------------------
Năm nay, Phùng Hải Yến đã có một bé trai 10 tháng tuổi rất kháu khỉnh nên không cùng mẹ đi du xuân và dự Ngày Thơ Việt Nam 2013 tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám được. Gái Núi xin gửi lên trang của mình 2 bài thơ mà Phùng Hải Yến đã trình diễn trên Sân thơ Hiện đại 2011- khi PHY đang là sinh viên năm thứ 4- Lớp viết văn khóa 1- Trường ĐHVHNT QĐ HN
BỨC ẢNH TRÊN THỬA RUỘNG BẬC THANG
Mẹ Hmông tay không ngưng cuốc đất
Ánh mắt không ngưng chạm góc nương
Một đôi môi xinh mút chùn chụt ngón tay
Bé con nở nụ cười ba tháng với mặt trời lấp ló sau chiếc ô đen mẹ căng lên che cho con khỏi nắng
Tròn căng giấc ngủ
Trên thửa ruộng bậc thang
Tạo bức hình đẹp nhất chiều xuân.
LÁ BÙA YÊU
Em tìm thấy chiếc lá yểm bùa
Trong lồng ngực trái người trai
em nhận lời yêu hôm qua
Loại lá mọc giữa thung
Hình trái tim
nhỏ xíu
Loại lá tỏa mùi thơm dọc lối mòn, sông suối
Loại lá neo hai bàn tay
chụm thành
lời thương
Lẽ nào anh dùng lá bỏ bùa để yêu em?
Khi mọi ngăn trái tim em đã chật ắp bóng hình anh
Đâu thể đầy hơn nữa!
Gam màu nhớ giăng em yếu đuối
Giữa trời môi, mắt anh…
Cẩn thận gói tình yêu trong lần khăn thổ cẩm mới thêu
Em một lần hoài nghi
ngược ngàn
men thung
tìm lá
yểm lời yêu cuối cùng
vào cuộc đời người con trai
em đã nhận lời
hôm qua

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

SẮC MÀU PHAI


Tết qua rồi, lam vẫn mườn mượt núi 
Thơ tình em vẫn bối rối, ngổn ngang 
Xin anh đừng bế bồng, đừng trói 
Để thơ đau quay quắt bẽ bàng 

Tết qua rồi,son bợt, phấn dở dang 
Sự thật tróc lở loang nơi kiều diễm 
Dù là Chúa rừng xanh hay con ong, cái kiến 
Giữ nổi chi Xuân hiển hiện bốn mùa? 

Tết qua rồi, thau đã tách vàng chưa? 
Hay vẫn à uôm, ỡm ờ, hổ lốn 
Trắng nhờ nhợ một mâm trăng lộn xộn 
Mùi dịu êm lẩn trốn đáy huyệt sâu 

Tết qua rồi, tim tím  rớt đi đâu?

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

GIẤU

GIẤU
Em giấu nõn nường trong yếm thắm
nơi dập dềnh từng ngọn sóng hoan ca
Tí tách xuân buông lòa xòa tứ lạ
nụ em căng nứt nở bung hoa...

Ai nỡ trách chàng gió xuân lơi lả
luồn yếm thơm giục giã những vần xa
Phút giao thừa đất trời còn nghiêng ngả
Em hồn nhiên, kiêu hãnh  hóa đàn bà !

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


NĂM MỚI, GÁI NÚI XIN KÍNH CHÚC CÁC ANH, CÁC CHỊ VÀ CÁC BẠN ĐÓN MÙA XUÂN VUI  KHỎE, HẠNH PHÚC, VẠN SỰ NHƯ Ý. VÌ ĐIỀU KIỆN RIÊNG, GN KHÔNG SANG THĂM VÀ CHÚC RIÊNG TỪNG NHÀ ĐƯỢC, RẤT MONG CÁC ANH, CÁC CHỊ VÀ CÁC BẠN LƯỢNG THỨ NHA!

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

MÙA XUÂN RẺO CAO



MÙA XUÂN RẺO CAO


 
                        Thơ: Phùng Hải Yến
Bíu vào tiếng khèn tình
Tôi rẽ sương vào hội
Hội mùa hoa thơm thơm nếp mới
Rộn ràng xòe chiêng
 
Bíu vào tiếng lục lạc ngựa khua
Tôi rẽ mây lên chợ
Chợ phiên mùa xuân mới
Áo thổ cẩm khoe màu
 
Bíu vào tiếng đàn môi
Ngơ ngẩn tôi đến suối
Ơi cô gái thổi lá bên tán rừng thưa
Ơi em gái đợi chờ bên cây ban trắng
Mùa xuân nở bừng trên miệng cười em
Mùa xuân rực rỡ trên mắt tươi
Sao em còn ngại ngùng?
 
Bíu vào tiếng lòng của kẻ xa quê
Tôi tìm về
Xòe tay ôm
Rễ cây già xum xuê tán
Ngỡ mình chạm gốc gác, cội nguồn...
                                 PHY

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

NÚI VÀO XUÂN

                        Thơ :Phùng Hải Yến

Núi vào xuân 
tưng bừng điệu hát 
Quả còn xoay 
tung tay bắt 
ánh mắt như lửa 
tình yêu. 

Núi vào xuân 
Phiên chợ tết 
ngất ngây say 
thắng cố 
má con gái ửng hồng... 
rượu ngà, 
môi nồng 
giục giã 
Bạn tình ơi! 

Núi vào xuân 
Một ngày thật lạ 
Giữa non ngàn 
chơi vơi 
Tưởng hồn mình 
hóa chiếc khăn mây 
vắt ngang núi 
mùa xuân.

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013


GIÓ CỐM

            Thơ: Phùng Hải Yến
 
Chày khua đáy cối
Gió cốm len khẽ nếp áo chàm
Nắng thổ cẩm chở thu về hong tóc
          Khói bếp bay
          Hương rựợu cay
          Ánh mắt say
 
Gió cốm đượm nồng vạt cỏ
         Cô gái mây
         Nâng chày
         Đưa mùa
         Tiễn ngày tháng
 
Gió cốm
Níu chân khách lạ
Tình lay 
 
(Trích trong tập :"Thơ bạn thơ- NXB Văn học"- tháng 8/ 2012)
 
                       PHY