Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

HUỲNH XUÂN SƠN VỚI CẢM NHẬN BÀI THƠ " TÌNH YÊU TRONG CHIẾN TRANH"

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn



Tháng Bảy thơ về đề tài Chiến Tranh và Tri Ân tràn lên khắp các trang thơ xuất phát từ những tâm hồn yêu thơ. Nào đâu chỉ có những vần thơ  nhắc nhớ về chiến trận với bom đạn tàn khốc. Đâu phải chỉ có thơ  lên án tội ác chiến tranh gây cảnh tang tóc mất mát đau thương cho người dân trên cả nước,dù ít dù nhiều đều phải  gánh chịu hậu quả…
Một mảng đề tài không thể thiếu trong những năm gian khổ ấy, là Tình Yêu. Vâng Tình Yêu lúc nào cũng là đề tài nóng nhất cho nhà thơ khi cầm bút. Người trong cuộc viết cho nhau, người ngoài cuộc viết cho người trong cuộc cùng thế hệ. Đặc biệt hôm nay tôi gặp và rất muốn đồng hành với cảm xúc của người ngoài cuộc viết về những người trong cuộc yêu nhau, nhưng khác thế hệ. Bài thơ của tác giả Bùi Thị Sơn có tựađề:
Tình Yêu Trong Chiến Tranh
Tình yêu trong chiến tranh
mong manh
lặng lẽ như trăng rằm
long lanh…
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ
Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ( Bùi Thị Sơn)
Lời mở cho bài thơ phải chăng tác giả muốn khẳng định “Tình yêu trong chiến tranh” khác với tình yêu trong hoà bình ư? Từ xa xưa tới nay câu hỏi thế nào là tình yêu chẳng ai định nghĩa đúng trong mọi trường hợp… Mỗi trái tim có nhịp rung động theo tần số khác nhau, chẳng ai giống ai. Nhưng trong chiến tranh tình yêu “mong manh” thì có lẽ đúng trong mọi trường hợp. Người đi tham gia chiến đấu. Người ở lại hậu phương, một lá thư tâm tình gửi cho nhau cũng là báu vật hiếm hoi. Người đi mang theo lời hẹn thề để sống chiến đấu…Người ở lại chờ đợi với một niềm tin trong mỏi mòn..không biết ngày sum họp. Người đi kẻ ở họ yêu nhau như vậy trong thời ly loạn. Còn những cuộc tình nảy sinh tại chiến trường đến với các chàng trai cố gái xông pha lửa đạn thì lại khác. Người con trai biết trái tim mình rừng rực lửa đấy, nhưng có khi ngay cả ngỏ lời cũng không…Vì biết ngày mai ra sao dưới mưa bom bão đạn…Còn phía người nữ nhi đang  tham gia phần việc mà  thanh niên thời nay phần đông có lẽ chỉ nghe cũng đã thấy sợ. Tôi chỉ biết những công việc mà họ đã làm qua sách vở và những lời ca là động lực để sống để chiến đấu của các anh các chị một thời “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường? em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu. em đi bắc những nhịp cầu nối những con đường tổ quốc yêu thương. Cho xe thẳng tới chiến trường. Cô gái miền quê ra đi cứu nước. mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” (Cô Gái Mở Đường- Xuân Giao). Chứ tôi chưa hề được học được nghe về tâm tư tình cảm của họ khi bên nhau phải nén lòng. Kìm hãm tiếng yêu, mà hình ảnh tác giả miêu tả có lẽ rất đúng tâm lý và rất thực ở thời điểm ấy:
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ
Hai động từ kép “nuốt lịm” và “bấu víu” rồi “vờ ngủ” cho thấy sự chịu đựng và kìm nén tình cảm không hề dễ dàng chút nào. Trong khi ở ngay cánh võng bên cạnh là một anh lính trẻ cũng đang có khao khát rất đàn ông rất thật:
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…
Có lẽ tôi và rất nhiều bạn đọc sống và yêu trong thời bình yên hôm nay. Rất khó hiểu hết tại sao  “Phút rạo rực” của người đàn ông lại được tác giả ví nó “nhọn hoắt như chiếc dằm”. Ác nghiệt ở chỗ cái dằm ấy lại “găm chặt trong lòng anh lính trẻ”. Chiếc dằm nhọn hoắt ấy  lại chính là phút rạo rực của người đàn ông ư? Vậy thì tại sao lại bị “găm chặt trong lòng” mà không bùng phát ra? Mang thắc mắc ấy đi tìm và tôi được biết vào lúc chiến tranh ác liệt ấy họ không được biểu hiện tình yêu ủy mỵ, làm nhụt chí chiến đấu. Thư từ gửi trao cho nhau cũng chỉ được nói chuyện đánh giặc. Làm gì có chuyện âu yếm “vuốt ve một niềm mơ ..” dẫu có thật khẽ thì cũng không được! bởi kỷ luật sắt của mệnh lệnh. Nên anh lính trẻ “không dám vượt một tầm với rất gần”. Còn “phút rạo rực” ai lại không có, đâu chỉ riêng người lính trẻ ấy! Nhưng "phút rạo rực" đến để rồi phải kìm nén, chôn vùi đi trong nhức buốt trái tim thì có lẽ chỉ có trong thời chiến mà thôi!
Một thời tôi đã nghe và đã thích những lời ca:
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư. (Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây- Hoàng Hiệp)

Và cũng đã tin rằng “cái gạt nước” trước tấm kính xe ấy có thể “xua đi nỗi nhớ” trong lòng người đang yêu. Còn phía nữ nhi thì đơn giản hơn chỉ cần “cái nhành cây “ thôi là “gạt nỗi riêng tư” đi được. Tôi đã thật là ngây thơ và có phần mù quáng trong niềm tin vào sự rung động của trái tim yêu! Cho đến lúc mà đọc được lời thơ cũng như những lời chia sẻ sau:
cả tiểu đội ngây người đứng ngắm
đây rừng phơi quần áo của chị em
17 năm -mài miệt sách đèn
đâu ai đã dám cầm tay bạn gái
nếu xem phim RỪNG LẠNH em sẽ hiểu về nỗi khát yêu của lính - đói rét ,bom đạn ,kể cả cái chết họ cũng không sợ -cái họ sợ là nỗi cô đơn -cô đơn đến mất lý chí ,đến phát rồ phát dại -trần truồng chạy trong rừng gào gọi tình yêu
cũng không biết bao nhiêu người ngã xuống có trở thành thiên sứ không khi mà họ còn trinh trắng ?’ (Hải Minh)
Hay như:
Đọc, hiểu, thương và cảm phục những CON NGƯỜI chân chính trong cuộc chiến tranh vệ quốc đau thương và oanh liệt!
Bạn chị viết thư từ chiến trường Trị - Thiên về, có đoạn: "T ơi! Sáu tháng nay chúng tớ ở rừng, tuyệt nhiên không có bóng dáng con gái. Nói chuyện với nhau, chúng tớ chỉ thèm được nhìn thấy đôi bím tóc và chiếc quần phíp
thôi!" Tội chưa?! (Hoamai1)
Và đây là lời chia sẻ của một bạn đọc khác nữa:
“Giai thoại chiến tranh và người lính kể đến bao giờ mới hết. Tình yêu khát khao, rạo rực, cháy bỏng con tim của người chiến sĩ. Nhưng họ không dám thổ lộ tình yêu, bởi họ sợ hôm nay là vậy nhưng ngày mai sẽ ra sao chỉ làm khổ cho nhau. Đớn đau vì một mối tình. Đành lặng yên, tinh nguyên sự trắng trong của mối tình lùi sâu vào ký ức và đẹp theo thời gian... (Đức Thắng)
Những khao khát rất thật, rất đời như thế nhưng họ cả một thế hệ đã phải nín nhịn, phải kìm nén vì chiến tranh. Vâng tôi cũng đồng ý rằng còn nhiều lắm kể bao giờ mới hết được. Thôi kể ra được bao nhiêu những uẩn ức trong lòng họ đã phải chịu đựng và kìm nén, thì có lẽ cũng an ủi được phần nào. Vì sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các cô gái, chàng trai năm xưa cũng có người biết đến, dẫu muộn còn hơn không!
Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh đã vào khổ kết với những vần thơ nặng trĩu tâm tư người trong cuộc may mắn trở về, tâm tư tác giả, tâm tư tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa:
Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ
Tính từ 30/5/1975 cho tới nay ngót bốn mươi năm. Từngđoàn cựu chiến binh quanh năm tìm về chiến trường xưa. Người mong muốn đi tìm đồng đội hoặc thân nhân ngã xuống những năm bom đạn. Có không ít người lính già tìm lại chiến trường xưa thăm người trong mộng của mình. Gọi là trong mộng, bởi ngày ấy có yêu đến mấy cũng lặng im kìm nén vì đại cuộc vì nhiệm vụ… Một trong số đó là “Người lính tóc bạc phơ” của tác giả Bùi Thị Sơn. Anh về “thăm mộ cũ”  sau “bốn mươi năm” còn gặp lại, dẫu chỉ là nấm mộ cũ có lẽ anh còn là “người may mắn” bởi dẫu cho “thương người con gái” ấy “trắng trong mãi một giấc mơ” và đã “hóa người thiên cổ” nhưng còn nấm mộ là còn hơn biết bao nhiêu những: “Trắng trong mãi một giấc mơ”, còn đang phải nằm đâu đó, cô đơn, lạnh lẽo, giữa rừng già, ven lộ hay bên bờ suối! mà người “Không dám vượt một tầm với rất gần” xưa, cũng còn đang nằm đâu đó hoặc không biết họ ở đâu mà đến thăm như “người lính tóc bạc phơ” hôm nay.
Vẫn biết chiến tranh là hy sinh, là mất mát không chỉ tình riêng mà cả chính mạng sống của những người tham gia chiến đấu. Sự hy sinh thầm lặng của những đôi lứa yêu nhau, chờ đợi nhau. Rồi những người vợ chờ chồng trong mòn mỏi, những đôi lứa được gần nhau, yêu nhau  mà không dám bày tỏ cũng là sự mất mát vì chiến tranh, do chiến tranh, mà có lẽ  không bao giờ, và có điều gì bù đắp lại được.
Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn, với những câu thơ mộc mạc giàu hình tượng, nặng tình thơ và ý thơ dạt dào. Đã nói lên được phần nào những hy sinh thầm lặng ấy. Sự dũng cảm vượt qua được “phút rạo rực” của người lính trẻ có khi còn khó khăn hơn việc cầm súng lao lên giữa mưa bom bão đạn.
Cám ơn Tác giả Bùi Thị Sơn đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn về sự mất mát trong chiến tranh, mà xưa nay tôi chưa lưu tâm tìm hiểu. Có thể với cá nhân tôi cùng những suy nghĩ trong bài viết này, chưa hẳn đúng trong mọi trường hợp. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành tặng cho những “người lính tóc bạc phơ” hôm nay tìm về với những “Trắng trong mãi một giấc mơ”nơi chiến trường năm xưa. Cùng dành tặng cho những người lính mà một thời trai trẻ đã “không dám vượt một tầm với rất gần”.Nhưng nay chưa có điều kiện hoặc không biết "người ấy" đang ở nơi đâu, để mà tìm đến, mong một lần hội ngộ dẫu có phải âm dương cách trở...
Quy Nhơn 26/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

CHÙM THƠ VIẾT NGÀY 27 THÁNG 7


1-LIỆT SĨ

Gửi vào đất: nắm xương tàn
Gửi vào đời : những chứa chan ân tình
Gửi vào người: đức hy sinh
Con dân đất Việt nghiêng mình trước Anh !
Bao người chiến sĩ vô danh
Tạc vào sông núi dáng hình  Việt  Nam


2-VÀI MẢNH CÒN LẠI  CỦA MỘT LIỆT SĨ TRẺ 

Một hạt trắng tựa hạt ngô 
Một chùm hoe đỏ xác xơ gió  nồm 
Một vài cọng cỏ xanh non 
Ba mươi năm lẻ vùi chôn đất này 
Hôm nay con đã về đây 
Theo chân đồng đội thăm thầy ,thăm u 
Quê nhà giờ đã khác xưa 
Dẫu thân tan nát,vẫn mơ cờ hồng 
Thầy u giờ đã lưng còng 
Vuốt ve con-những mảnh hồn trai tơ 


3-TỰ THẤY HỔ THẸN

Tuổi hai mươi
Anh đã hoá thân vào sông nước
Cho giang sơn gấm vóc mãi nở hoa
Sao thơ em chỉ than mây, khóc gió
Gần hết đời chưa đến nổi cái TA
Ngắm di ảnh
Nghĩ về những liệt sĩ chưa một lần chụp ảnh
Nước mắt nhạt nhoà
Xót xa.
Ta là ai ?
Là gì ?
Giữa vũ trụ bao la…

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

HUỲNH XUÂN SƠN VỚI CẢM NHẬN BÀI THƠ" NHỮNG VẾT SẸO"...

Lời ngỏ:
Tình cờ vào thăm Thi đàn Việt Nam, Bùi Thị Sơn bắt gặp bài viết này của nhà thơ HUỲNH XUÂN SƠN ưu ái giành cho mình. Thú thật, BTS chỉ là cây bút nghiệp dư chứ không phải là nhà thơ đâu.Vì tôn trọng tình cảm yêu quý của HUỲNH XUÂN SƠN giành cho mình, BTS xin đăng nguyên vẹn bài viết của HUỲNH XUÂN SƠN trên blog của mình.
--------------------------------------------------------
HUỲNH XUÂN SƠN VỚI CẢM NHẬN BÀI THƠ "NHỮNG VẾT SẸO " CỦA NHÀ THƠ BÙI THỊ SƠN.
Khi nói đến Những Vết Sẹo, thông thường ta biết nó được hình thành từ nỗi đau. Vết trầy xước nhỏ trên da, nỗi đau sẽ ít và mau lành, để lại vết sẹo mờ, mau phai. Vết thương nặng khi liền để lại sẹo lớn và có khi là di chứng cả phần đời còn lại. Vết sẹo đớn đau nhất, vết sẹo khó liền nhất, đó là vết sẹo trong tâm hồn…Những Vết Sẹo ấy không nhìn thấy được bằng mắt, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn, bằng trái tim người đối diện.
Tâm hồn rộng mở với trái tim nhạy cảm dạt dào tình thơ của nhà thơ Bùi Thị Sơn, đã ngân lên những cảm
xúc rất đặc biệt, khi chị cảm nhận được và chị “yêu những vết sẹo ấy..” Những vết sẹo lớn nhỏ, dầy, lõm và cả những vết sẹo trong sâu kín tâm hồn, trong đáy mắt người thương binh … Cũng chính là nhà thơ Phạm Thôn Nhân người chị đề tặng bài thơ
NHỮNG VẾT SẸO
Kính tặng blogger- thương binh Phạm Thôn Nhân
Có vết sẹo sần sùi dày cộm lên theo tháng năm dòng chảy
Vơi cho đời bao mất mát chiến tranh
Có vết sẹo hun hút khoét thịt da ngày đêm bỏng cháy
Lấp đầy mắt bé thơ sắc trời biếc trong lành
Có vết sẹo âm ỉ chỉ riêng anh nhìn thấy
Anh lẳng lặng giấu đi nhứ kho báu riêng mình
Em yêu vết sẹo ấy trong anh
Thản nhiên, anh mỉm cười, đứng dậy
Soi mắt anh, em thấy nước non mình
Mang hình chữ S và hai quần đảo Hoàng sa- Trường Sa muôn đời bất diệt!
Em yêu vết sẹo ấy trong anh!
Tổ quốc Việt Nam trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau ra trận chống giặc ngoại xâm. Từ thuở người Chinh Phu trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu đã “theo lệnh Vua hành quân trống kêu dồn. Quan với quân lên đường…”…Cho đến những năm “trường kỳ kháng chiến”. Nhà thơ Phùng Khắc Bắc khi lên đường ra trận đã cảm nhận trong ánh mắt người cha đưa tiễn : “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt”.
Người Chinh Phụ tiễn chồng đi và bồng con đến hóa đá vẫn chỉ “nghe như vó ngựa đâu trở về…”. Nhà thơ Phùng khắc Bắc là một trong số những người mà “hòn đạn mũi tên” tránh được người! Kết thúc chiến tranh may mắn trở về, dẫu khi đi cha ông đã “nhìn cái nhìn vuốt mắt”. Bao nhiêu người được may mắn nguyên vẹn trở về như ông ? chiến tranh đã cướp đi nhiều triệu người con nước Việt..Đã lấy đi một phần xương máu của biết bao triệu người nữa.
Tháng bảy về chỉ có một ngày tri ân. Thế hệ cháu con hôm nay phần đông nhớ “kẻ trồng cây” vào tháng bảy và có khi chỉ nhớ một ngày 27. Mười một tháng còn lại , cũng có thể với ba trăm sáu tư ngày còn lại kia bao nhiêu người còn nhắc nhớ tới những người lính trực tiếp cầm súng, trực tiếp hy sinh và trực tiếp gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường. Hay họ cũng lại bị guồng máy xã hội phát triển cuốn vào trôi theo để rồi năm sau lại nhắc nhớ…
Tháng bảy năm 2014 nhà thơ Bùi Thị Sơn viết tặng nhà thơ, nhà khoa học, họa sĩ Phạm Thôn Nhân,người đã mang trên mình biết bao vết sẹo khi may mắn còn sống trở về. Những gì chị gửi gắm vào câu chữ có lẽ nhiều hơn tựa đề Những Vết Sẹo.
Mở cánh cửa để bước vào thế giới nội tâm mà chị gọi là Những Vết Sẹo. Ta bắt gặp ngay dấu tích của nỗi đau để lại. Những “vết sẹo” này nhìn thấy ngay được bởi nó “sần sùi dày cộm lên” dẫu bao nhiêu “tháng năm”. Hình ảnh của “ vết sẹo sần sùi dày cộm lên theo tháng năm dòng chảy” rõ ràng chẳng hề đẹp chút nào. Nhưng lại có một sức mạnh ghê ghớm hay có thể nói Vết sẹo đã làm được việc làm phi thường “vơi cho đời bao mất mát chiến tranh” . Chiến tranh mang đến bao nhiêu mất mát cho người lính cả hai bên tham chiến, cho người thân của họ, cho cả những người dân vô tội không may vướng hòn tên mũi đạn đi lạc.Tính riêng thời hiện đại mà cụ thể làngay trong thế kỷ hai mươi thôi. Một Điện Biên anh hùng… Một Thành Cổ Quảng Trị… Một Đại Lộ Kinh Hoàng… Một Thảm Sát Mỹ Sơn…Một Lộ Máu Số 7… Một Bình Long An Lộc…Một tết Mậu Thân…Một Hải chiến hoàng Sa… Một Gạc Ma…Một chiến tranh biên giới Tây Nam… Một chiến tranh biên giới phía bắc…Còn biết bao nhiêu chữ Một gắn liền những địa danh như thế nữa… Bao nhiêu địa danh là bấy nhiêu vết sẹo “sần sùi dày cộm lên…” Còn thêm những “vết sẹo hun hút khoét thịt da ngày đêm bỏng cháy” trên thân thể Mẹ Việt Nam. Không giấy mực nào tả hết, không có sử gia nào ghi hết, ghi đúng được…
Những vết sẹo trên thân thể người lính may mắn trở về có thể đã liền da, có thể những vết loét không bao giờ liền, và những vết thương lòng không có phép màu nào chữa khỏi…Làm sao chữa khỏi với những cảnh “Đỏ trên cây là máu bạn bè tôi”. Và : trên dải đất mang hình tia chớp./ Bao nghĩa trang là bấy vết sẹo lồi./ Những vết sẹo chìm trong tim người lính??? (trích thơ -Hải Minh)… Những phép đối ngẫu được tác giả khéo léo đưa vào khổ thơ này làm sức nặng của tình thơ, chở tình người trĩu xuống, oằn theo những câu thơ như khắc khoải, như gập ghềnh… “Vết sẹo sần sùi dày lên” cũng chính là vế đối rất nhân văn khi vế bên kia là “Vơi đi bao mất mát..” Rồi “vết sẹo hun hút khoét thịt da..” lại là vế đối đắt giá cho “lấp đầy mắt bé thơ sắc trời biếc trong lành”. Những vết sẹo này ta có thể nhìn thấy, cầm nắm và cảm nhận ngay được. Cùng với những điều tốt đẹp mang lại từ chính những vết sẹo ấy.
Tôi ơi! Bạn đọc ơi! hãy mở lòng ra, nhắm mắt lại, lắng nghe lời con tim, để cùng với nhà thơ Bùi Thị Sơn cảm nhận Những Vết Sẹo vẫn còn tiếp… Theo nhà thơ thì “em yêu vết sẹo ấy trong anh”. Vết sẹo bên ngoài dễ nhìn thấy và cũng dễ chữa. Nhưng với người lính từng tham gia chiến đấu thì lại mang trong mình thêm những “vết sẹo âm ỉ..” Hai từ “âm ỉ” khiến có cảm giác như nỗi đau đã liền sẹo đó vẫn đang Âm ỉ, gặm nhấm, đục khoét vết thương sâu rộng thêm ra, chứ chưa hề liền sẹo. Với câu thơ “có vết sẹo âm ỉ chỉ riêng anh nhìn thấy”. Có lẽ tác giả muốn nói đến vết thương lòng, vết thương trong tâm hồn chứ không phải vết sẹo này hình thành từ nỗi đau thể xác… Nhưng cớ vì sao mà theo sau lại là “Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình”. Thật khó lý giải cho một mệnh đề được tác giả đưa ra “Vết sẹo âm ỉ” …Rồi đóng sập ngay lại vì Anh muốn giữ làm “kho báu riêng mình. Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nếu như nhận được sự chia sẻ từ người thân bạn bè. “Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình” thì có lẽ đây là nỗi đau không thể chữa lành, và có lẽ cũng không thể san sẻ được…Bản thân người Lính khi ra trận đã không màng chuyện sống chết. Nay nỗi đau không thể lành lại, không thể sẻ chia thì đâu nỡ để them dù chỉ một người phải đau lòng khi biết..
Không chỉ nhà thơ Bùi Thị Sơn, Nhà thơ Phạm Thôn Nhân, những người lính mới cảm nhận được điều đó. Ta hãy xem những người bạn, người đồng đội và bạn đọc đã đang chia sẻ:
Đơn cử như tác giả Duy Sinh với:
“Vết sẹo lưu tích chiến tranh
Đau thương anh chịu.. ngọt dành nước non”
Hay như chính thơ của người được tặng viết:
“Những mảnh xương vụn nát
Cùng đất và cát
Lẫn lộn vào nhau…
…Nhắm mắt tay đưa nước mắt tuôn tràn
Cố ôm ấp một bóng hình đồng đội…(Hoa xương rồng trên cát- Phạm Thôn Nhân).
Với một vết sẹo như vậy, bây giờ có lẽ ít nhiều đã lý giải được vì sao nhà thơ Bùi Thị Sơn lại “yêu vết sẹo ấy..”. Có lẽ bởi chị yêu phẩm chất đạo đức và ý chí của người lính mang trong mình “vết sẹo âm ỉ” đau thương, mất mát không thể chia sẻ, chẳng thể xóa nhòa nên “Anh lẳng lặng giấu đi…”.
Bài thơ vẫn còn tiếp nối với hình ảnh một nụ cười trong mênh mông sóng nước…biển Đông đang cuộn nhồi những cơn sóng tạo ra từ lòng đất Mẹ Việt Nam.. Dẫu đã quá nhiều vết sẹo trên thân thể Mẹ đất nước…Xưa những chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa….Nay nhữngvết cắt “Hải chiến Hoàng Sa…”được “bồi thêm” vết cắt trên đảo Gạc Ma…Lại vừa có thêm một HD981 cắm mũi khoan vào lòng Mẹ…Nhưng tất cả những vết cắt ấy chưa thể làm đau gần như tất cả chín mươi triệu người dân Việt Nam…Với góc nhìn của riêng tôi thì có một vết sẹo của Mẹ Việt Nam mang trên mình đã bốn mươi năm…Vết thương sâu hun hút khoét vào thân thể mẹ bằng sinh mạng của 75 người con…để lại Vết Sẹo Hoàng Sa. Vết cắt Gạc Ma khoét thêm 64 người nữa…thêm một vết sẹo Gạc Ma…Những vết sẹo ấy có lẽ cũng chính là vết sẹo mà nhà thơ Bùi Thị Sơn nói “em yêu…” khi nhìn thấy trong đáy mắt người Thương binh cả “nước non mình…”
Với một trái tim quả cảm của người lính từng xông pha lửa đạn và đã gửi một phần thân thể lại chiến trường, thì hình ảnh : “Thản nhiên, anh mỉm cười, đứng dậy” sau những nỗi đau thân thể, nỗi đau tâm hồn . Đã đủ chứng minh tình yêu bao la với quê hương tổ quốc …Phải chăng Anh đứng dậy bởi có một vết sẹo khác nữa. mà tất cả các vết sẹo kia.. có lẽ chưa đau, chưa nhức nhối, chưa khoét sâu vào vết thương âm ỉ bằng nỗi đau hôm nay khi nghe quân thù gây hấn ngoài biển Đông…Nay đâm chìm tàu cá, mai phun vòi rồng uy hiếp…Ngang nhiên chiếm đóng cả quần đảo Hoàng Sa bốn mươi năm qua. Nay chúng tuyên bố chủ quyền một cách trắng trợn Lưỡi bò chúng thò ra muốn liếm trọn Biển Đông…Với tâm tư và cảm nhận như thế, ta sẽ thấy những câu thơ kết như lời khẳng định chủ quyền Việt Nam. Như tiếng lòng của chín chục triệu người dân Việt Nam đã được tác giả viết thay lời:
Soimắtanh,emthấynướcnonmình
Mang hình chữ S và hai quần đảo Hoàng sa- Trường Sa muôn đời bất diệt!
“Em yêu vết sẹo ấy trong anh!” Nào đâu chỉ riêng mình chị yêu mà tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa cùng đã đang và sẽ yêu, tri ân, và nhắc nhớ “những vết sẹo” do chiến tranh để lại trên thân thể những người lính.. Chiến tranh cũng đã để lại “Những Vết Sẹo”là: những nghĩa trang hiện hữu và nghĩa trang vô hình…như một Nhật Lệ “Cả dòng sông là một nghĩa trang trôi”.Những dòng sông, ngọn núi, những tên đất, tên làng, tên đảo và quần đảo của thân thể Mẹ Việt Nam đã liền sẹo và chưa liền sẹo…
Một người thương binh nặng, một nhà khoa học, một hoa sĩ và cũng là nhà thơ đã được tặng thi phẩm Những Vết Sẹo…Trái tim ông có lẽ đã rung lên những nhịp đập dập dồn để rồi lòng yêu nước, tình thương nhân loại, Tình đồng đội, tình thi hữu và hơn hết cả là lòng nhân hậu, tấ cả đã hoà vào câu chữ được ông gửi gắm qua bài thơ Hội Nhập Sẹo…Tôi xin mượn lời ông để kết cho bài viết này.

HỘI NHẬP SẸO
Vết sẹo ơi! Sao mi chai lên thế !
Những bàn tay đầy sẹo bạn mi đây.
Cũng một thuở. Hình như, linh cảm thấy,
Sự dịu dàng đau đớn chốn bàn tay…
Thôi đừng nhé nhắc chi về quá khứ.
Thịt da kia cũng thịt da này!
Bom đạn đã xa về dĩ vãng.
Những bàn tay tiếp sức những bàn tay.
(Phạm Thôn Nhân)
Sài Gòn 15/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

NHỮNG VẾT SẸO

Kính tặng blogger- thương binh Phạm Thôn Nhân

Có vết sẹo sần sùi dày cộm lên theo tháng năm dòng chảy
Vơi cho đời bao mất mát chiến tranh
Có vết sẹo hun hút khoét thịt da ngày đêm bỏng cháy
Lấp đầy mắt bé thơ sắc trời biếc trong lành
Có vết sẹo âm ỉ chỉ riêng anh nhìn thấy
Anh lẳng lặng giấu đi như kho báu riêng mình
Em yêu vết sẹo ấy trong anh
Thản nhiên, anh mỉm cười, đứng dậy
Soi mắt anh, em thấy nước non mình
Mang hình chữ S và hai quần đảo Hoàng sa- Trường Sa muôn đời bất diệt!
Em yêu vết sẹo ấy trong anh!
( Bài cũ tặng anh Phạm Thôn Nhân ngày 27/7/2011)- 

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

CUỐI HÈ

Sen thoang thoảng suốt đêm dài
Hớp hồn mấy gã choai choai Dế mèn
Cào cào, Châu chấu đua chen
Hoa gạo đỏ ối cứ toen hoét cười
Nóng nung cháy thịt trời ơi!
Trách chi cái váy tuột rơi ban ngày

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

OI NỒNG


Đêm
con nhền nhện
tháo vòng
Mèo hoang 
điên dại
thét nồng nã yêu…
Ngày
gió hôn trượt
cánh diều
Chân bàn chỏng vó
tạc điều vu vơ…

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

MƯA NON NGÀN

Tản văn   của  Phùng Hải Yến                                                                                                   
"Mưa nguồn chớp bể". Thứ "nước trời" tích tụ từ những đám mây đen nặng trĩu, những áng mây được hình thành từ hơi nước bốc lên phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nguồn cội của chúng.
Từ trước đến nay, dải đất hình chữ S gắn với nghiệp nhà nông. Thế nên mưa không chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường, còn là bạn đồng hành thân thiết của những mùa vàng no ấm.
Phía bên kia dãy Trường Sơn, nơi nắng nóng gió lào, hơi thở biển khô hanh làm mặt đất se lại, vết nứt lỗ chỗ như người bị nẻ mùa đông. Những vạch ô như bàn cờ, như trận đồ bát quái của trời đất, những cánh đồng hạn oằn mình mong hạt nước. Cảm giác nơi này khát mưa vì nắng. Nhiệt độ như cái lò nung lớn, và mọi người phải trốn trong hộp diêm - mái nhà bé tẹo, nhờ làn gió tự tạo xua đi nóng nực kéo về.
Đối ngược với bên ấy, bên này dãy Trường Sơn họ hàng nhà mưa bắt đầu mở vũ hội của mình.
Ban đầu là những cơn mưa chớp nhoáng, đến rồi đi chỉ trong tích tắc. " Có cơn mưa nào lạ thế? Thoáng mưa rồi lại tạnh ngay, em chạy về em hỏi mẹ, mẹ bảo: mưa bóng mây".
Những cơn mưa tháng bảy ào qua, nhẹ và mát trong như bàn tay thiếu nữ độ xuân thì. Chúng chỉ đùa chơi trong không gian phút chốc. Chỉ đủ làm xanh nõn búp chồi, tô màu tươi mới lên cây trái. Cảnh vật sau mưa bừng lên màu sự sống. Còn chúng thì vội vã rủ nhau chạy nhảy trên tàng lá, mơn man hát lời tình ca tí tách.
Giọt mưa nô giỡn tạt qua má hồng cô gái mộng mơ vừa tan lớp về, nhẹ hôn lên tóc em bé đáng yêu chạy nhảy ngoài sân. Mưa rủ nắng cùng chơi, tạo ra chiếc cầu vồng bảy sắc. Chao ơi là đẹp! Mưa dễ thương quá!
Tháng 7 về... Mưa Tây Bắc như được mùa trẩy hội, nô nức, rộn ràng, nghe chừng vui vẻ lắm! Chả thế mà cô ca sĩ nào từng hát một giai điệu rất nhộn :" Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, lá xanh trên cành thành lá biếc, giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu, tròn xoe chiếc ô trên đầu".
Mưa ngâu- "nhà độc tài" chiếm hữu mùa tháng 7. Mưa kiêu hãnh vì mình có xuất xứ từ câu chuyện tình đẹp tuyện giữa nàng Ả Chức và chàng Ngưu xa cách một dải sông Ngân...
Giọt mưa tự mãn quá! Nó lớn dần lên, và sinh ra độc ác. Mưa cười khanh khách, nhảy nhót trên các mái nhà, lấy đi những khoảng trống khô thoáng. Mưa cười ngặt nghẽo, dùng mũi châm buốt lạnh xuyên thấu vào da người tím tái. Mưa rủ rê nhau họp thành bè lũ kéo xuống đường phá phách. Những con đường trong ngày đổi mới đẹp đẽ, sáng sủa là thế, vậy mà nó làm ngập trong màn nước đục ngầu; mưa nhấn chìm những vật cản trở lối đi, mưa chạy băng băng cùng với gió tạo cảnh khiếp hãi. Mưa vào hùa cùng mạch nước ngầm, các sông, hồ, ao, suối để gây nên bao thảm họa kinh hoàng.
Mùa nắng chạy trốn đâu mất. Chẳng kịp thương những cánh áo mỏng manh gặp mưa lạnh giữa đường, chẳng kịp thương lá hoa tơi tả trong mùa lũ, chẳng kịp thương những chiếc xe nửa chừng tắt máy, chẳng kịp thương những con đường bị đất đá theo mưa cuốn xuống, hòa vào sông... Cảnh vật như một gương mặt đẹp bị lĩnh nhát sẹo làm biến dạng, mất đi vẻ tươi tắn vốn có. Và làm tôi không quên màn mưa trút xuống phố hôm đó, hình như có một bản nhỏ - xứ quê xa của tôi - bị lũ ống tràn đến gây thảm họa xóa sạch vết dấu sự sống…
Chạnh lòng!

Mưa xứ Huế "xối xả", "trắng trời", còn mưa Tây Bắc "ảm đạm màu bùn non". Biết bao giờ mưa ngoan ngoãn nghe theo bàn tay cải tạo của con người? Và trở thành những giọt mưa có ích, chứ đừng "để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu".

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

BẾP CỦA MẸ


Tản văn của Phùng Hải Yến
Nhớ tới gia đình, hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí tôi là dáng mẹ ngồi bên chiếc bếp lửa từ lúc tù mù sáng. Ngoài sân, từng đụn sương mù sà xuống mặt đất càng làm cho trời tối hơn. Trong nhà yên ắng vì mọi người đang chìm trong những giấc ngủ ngon lành thì mẹ đã lụi hụi chất bếp, nấu cơm để sáng ra có cơm nắm cho cả nhà mang theo đi làm nương.
Mãi cho đến lúc mùi cơm gạo đỏ theo gió lan đến cửa buồng tôi, tôi mới trở mình, hít hà mùi lúa mới rồi ngồi dậy. Ngoài trời đã hửng sáng, sương mù chỉ còn giăng nhè nhẹ, tản mát trong không gian. Nhìn sang gian bếp, thấy mẹ đang cặm cụi gọt khoai tây. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian vì hôm trước, tôi nghe mẹ than: “Khoai tây năm nay cho củ nhỏ quá”. Nhìn mẹ tỉ mẩn gọt từng củ khoai tây mất mùa chỉ nhỏ bằng ngón tay út, tôi sà xuống nũng nịu: “Con làm cùng mẹ cho nhanh”. Mẹ cười hiền: “Thôi, ra sau nhà rửa mặt đánh răng rồi vào ăn sáng còn đi, con”.
Tôi thường nghĩ: trong gia đình, mẹ là người tất bật nhất. Ngoài những buổi làm việc vất vả trên nương, rẫy, lúc nào tôi cũng thấy mẹ không ngơi tay làm việc nhà. Hình như mẹ luôn nghĩ rằng hôm nay nên nấu những món ăn gì cho bố con tôi. Nhiều việc là vậy, nhưng chẳng khi nào trên nét mặt mẹ vương vẻ buồn bã, mệt mỏi. Gương mặt lấm tấm mồ hôi ấy luôn sáng bừng niềm vui mỗi khi thấy bố con tôi ăn ngon miệng. Thì ra, đó là hạnh phúc lớn lao của đời mẹ...
Tôi nghe bố kể rằng chiếc bếp của mẹ chính là do bàn tay của bố làm nên. Bố thưng gỗ 3 phía rồi dùng đất sét nện chặt, sau đó khoét 2 lỗ ở bên trên vừa đủ đặt nồi cơm và ấm đun nước. Ở bếp đặt ấm đun nước, bố cũng chỉ khoét 2 lỗ bên cạnh để bỏ củi nhóm lò, nhằm tận dụng ngọn lửa. Bố giải thích: “Như thế, mẹ chất 1 bếp có thể nấu được cả 2 bên: bếp phía trong ít lửa hơn thì để ủ cơm nóng hoặc hầm thức ăn. Mẹ sẽ bớt mệt hơn khi ngồi nấu ăn trong bếp”... Lớn lên rồi tôi mới hiểu, ở thời đại bây giờ, chúng tôi có thể sắm cho vợ chiếc bếp ga thuận tiện. Ngày xưa, người đàn ông nghèo khó như bố tôi, bằng tình yêu thương cũng có thể san sẻ nhọc nhằn với vợ bằng chiếc bếp tự tạo...
Hai mươi năm trôi qua, bố tôi đã khuất núi, trở về nằm cạnh ông bà, tổ tiên. Tôi thu xếp công việc cơ quan rồi cùng vợ, con về làm giỗ bốn chín ngày cho bố. Chiếc xe con sang trọng dừng lại ở ngôi làng nghèo khó. Tôi bước qua bậc cửa gỗ cao vào trong bếp. Nhìn từ đằng sau mới thấy mẹ tôi đã già, cái lưng khom bốn mùa vì leo núi, giờ còng xuống chất bếp nấu cơm chờ đứa con xa lâu ngày trở lại quê hương... Tiếng mẹ trầm đục vang lên: “Thằng Mìn sắp bát đũa ăn cơm”. Tôi – quên mất mình nay đã là cán bộ tỉnh, lại chạy loăng quăng giúp mẹ như thuở trước...
Bữa cơm gia đình vẫn giản đơn như ngày tôi còn thơ bé. Bên cạnh những đĩa thịt, rau, mẹ đặt thêm một đĩa khoai tây trước mặt tôi. Rồi mẹ xúc thêm một bát, đặt đôi đũa và lấy thêm ghế mây đặt vào góc bố thường ngồi. Thấy mẹ đờ đẫn nhìn khoảng không gian ấy. Vợ tôi bảo: “Năm nay chúng con xin phép được đón mẹ ra nhà con ở cùng cho có mẹ, có con. Cháu Tuấn có bà trông dạy”. Mẹ lắc đầu: “Cảm ơn các con... nhưng gian bếp của mẹ chất đầy kỷ niệm về bố... mẹ không xa được”. Tôi gượng cười: “Thế con mua tặng mẹ một chiếc điện thoại để thỉnh thoảng lại được nghe giọng mẹ nói”. Mẹ xoa tay: “Không cần, mẹ chỉ mong cuối tháng, vợ chồng con cái về ăn bữa cơm mẹ nấu...”.
Tôi lặng đắng người khi nhìn chiếc bếp kỷ niệm bố làm tặng mẹ ngày về nhà mới. Bố ơi, biết mùa này ai cùng mẹ lên nương trỉa ngô, phát cỏ để trồng vụ sau?