Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

GỐC CỘI NGUỒN

Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Có những tiếng thì thầm rất khẽ trong lồng ngực người phụ nữ mặc bộ đồ sang trọng điều khiển tay lái chiếc SH màu mận chín. Người phụ nữ đó là tôi. Vẻ bề đài các, sang trọng, từ trang phục cho đến chiếc móng tay, rồi đôi xăng đan kiểu cách ôm gọn đôi chân. Chiếc xe cũng một kiểu cách nhẹ nhàng quá thể, nó lướt trên đường êm như đang trượt trên băng, ánh mắt tôi vô hồn đọng trên từng góc phố: các tán cây phủ dày bụi; tiếng còi xe thả ầm ĩ vào không gian, những ngôi nhà bao diêm xếp những que diêm con người thẳng tắp bên trong, những khu chung cư ở nước nào cũng giống với nước nào. Tất cả nhòe nhoẹt, những dãy hàng mỹ phẩm, áo quần, biển quảng cáo ngang dọc, xanh đỏ chen chúc với nhau, xếp đè lên nhau. Lớp lớp phô trương. Là đây - ước mơ của tôi khi những hạt tinh thể trăng trắng đọng trong ánh mắt còn có  khả năng biểu cảm. Khung cảnh này là khát vọng đỉnh điểm thời thiếu nữ mà tôi trả giá bằng học phí là đôi mắt vô hồn lúc này, ngay trên đỉnh ngọn EVeRest cuộc đời. Hình ảnh chợt hiện trong tôi: một con bé có những ngón tay thô sần, nhám đen, hạt đất giắt đầy móng tay, bàn chân bị xước vì đá đồi cào cấu, lọn tóc rối bời vì bị những cây, những que, cành, lá chải qua khi băng rừng tìm đàn trâu bị lạc…
Một chiếc xe tải chạy ào qua tôi, tạt mù mịt khói cay mắt. Người tài xế thò đầu qua khung cửa, giọng nói khạc từ cổ họng như tiếng đá bắn ra từ bom phá núi, văng tứ tung theo nước bọt, cứa từng nhát sắc lẻm vào tai người nghe:
-         Điên à, muốn chết hả?
Trên môi tôi vẫn mơ hồ một nụ cười, nó hờ hững bay về phía góc núi xa tắp, nơi những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa xanh ưỡn mình giữa bao la trời đất. Xứ này, đến nhánh lúa cũng hiên ngang. Tôi và lũ bạn cưỡi trâu, áo quần lem nhem và những tràng cười giòn tan như tiếng vỡ rôn rốt của bánh phồng tôm. Cái cười ấy sao mà xa thế? Dù chiếc miệng có hồng hồng, xinh xinh thế nào thì dưới lớp son loại xịn, tôi vẫn không thể đuổi bắt, nhét lại nụ cười, níu chặt nơi vành môi mình thêm một lần nữa. Nhìn vào gương xe, tôi cố gắng thả một nụ cười, hàm răng trắng vừa nhô ra đã như bị thuốc tê làm chết điếng. Tiếng cười gằn nơi cuống họng, nướu răng muốn bật máu vì bất lực. Tôi nuốt nghẹn nụ cười đó xuống. Đèn đỏ. Tôi đếm ngược thời gian cùng dòng người đang thi nhau sấp ngửa lao vào đằng trước, trườn cả lên vỉa hè, cùng với những tiếng còi kỳ dị. Quê tôi con đường nhỏ xíu, mẹ tôi đứng trước hè chờ con đi học về…
***
           “Hoa Ban, con!” – tiếng mẹ tôi gọi đấy, ăm ắp, tràn trề yêu thương. Giờ thì mọi người đều gọi tôi là Triệu Đoan Trang rồi! Thứ tên quê kệch không hợp với tôi – hay chính con người tài năng, xinh đẹp như tôi không xứng đáng với cái tên gởi gắm yêu thương của mẹ? Tôi đấu tranh vì cái tên mới, tôi sợ họ Chẻo khiến người ở phố biết tôi có gốc gác dân tộc. Lần đầu tiên tôi thấy mắt mẹ ánh lên những tia tột cùng đau khổ.
Xưa… Đêm mẹ sinh tôi, cơn đau kéo đến. Thấu vào bụng, thúc vào xương sườn, chấn động, run rẩy cả những tế bào nhỏ nhất, cảm giác như trăm ngàn mạch máu li ti đều đã vỡ nứt. Rút co ruột. Tiếng mấy cô hộ lý xôn xao, rồi rất nhẹ, tiếng ấy vẳng lại trong mẹ, loang xa, loang xa như lòng hồ rộng bao la, từng đợt sóng bị nuốt chìm cùng gió xoáy. Mẹ tôi lả người, mềm oặt. Giời giăng giăng sao, tán khắp bóng đêm, bao vây mẹ. Ngôi nhà nhìn từ dưới lên như một nốt ruồi trên gương mặt núi. Tiếng cha loãng vào đêm, mẹ không nghe được lời cha dặn về cái tên của tôi thì đá núi đã găm mất lời vào tim rừng. Mẹ đặt tên tôi theo loài hoa tình yêu của cha mẹ, loài hoa tinh khiết, đến nỗi không tin là nó có thể thuộc về cuộc đời. Mẹ vui sướng ngất lịm khi tôi oe oe khóc tiếng chào đời, chỉ một giây sau mẹ đã lại xỉu đi vì biết tin cha mất ở trận đấu cuối cùng trên đồi Độc Lập...
         Nhưng dù học cao, hiểu sâu đến mấy tôi cũng nhất quyết phải vì sĩ diện của mình mà đổi tên. Ước mơ của mẹ là bố, ước mơ của tôi là vượt qua 3.141m đỉnh Fanxiphăng về thủ đô bằng bất cứ giá nào. Mẹ khuỵu ngã khi nghe những câu người ta dùng để ám chỉ về cô con gái yêu của mình “con gái dân tộc biết chài”..., giây phút ấy tôi đang mải mê ngụp lặn trong dòng đam mê cùng một sếp cỡ bự...
Đường phố đang khô ráo, nắng rát, chợt ào một trận mưa, hàng bằng lăng hai bên đường nhạt trắng. Tôi nhớ trước đám tang của mẹ vài ngày, khi qua đây màu bằng lăng vẫn tím sẫm kia mà? Phải chăng những trận mưa đã nhuộm trắng màu nó mà tôi chẳng hay? Mưa càng lúc càng to, táp tới tấp vào mặt, những sợi mưa dai dẳng quất vào bờ vai mảnh dẻ, tôi quên cả chuyện mở cốp xe lấy áo mưa. Trước mặt tôi là dáng hình khắc khổ của bà bán hàng rong. Nước mưa rơi đầy mi mắt tôi, mặn chát hơn vị nước biển mùa yêu đương tôi vừa trải qua! Dáng hình đó tiến đến thật gần, tôi gào lên từ cõi sâu tiềm thức: đôi mắt tôi vô hồn từ phút ấy: dáng mẹ tôi đấy, oằn dấu hỏi trong khoảng trời bằng lăng nhạt thếch. Ngày mẹ đi tôi không kịp về, làm một việc có hiếu duy nhất trong đời là vuốt mắt cho bà ra đi thanh thản. Tôi quỳ trên nấm mộ đá, mắt lặng nhìn tấm phướn trắng xóa uốn mỏng dấu hỏi tạc giữa đá xám. Tháng ngày cuối bàn tay mẹ sục những gốc rạ cùn trên thửa ruộng bậc thang mót lúa, tôi lao vào lụa là, tiệc tùng, bàn chân lạc lối không bị ám ảnh nào đè nặng. Bóng mẹ hắt vào cây cột điện, con đường vắng ngắt, tôi nhào tới ôm lấy bà như thủa bé trong một cơn đau sắt se lồng ngực. Trái tim tôi đang đập những mạch bình thường. Mẹ sẽ lại vỗ về tôi, tha thứ cho những con đường tôi đã đi qua, như đã dang tay đón tôi trong bao dung ánh mắt. Những cành bằng lăng thoắt tím, lại thoắt trắng giăng giăng đầy màu mắt, vì sao ước mơ của tôi tối đen hơn bao giờ hết, nụ cười của người cha mà tôi chưa từng thấy mặt cũng hiện hình rõ nét trong ngôi nhà – nốt ruồi lưng núi và dòng suối uốn hình bản nhạc cuốn tôi bay lên, bay lên, ánh mắt có sinh khí trở lại, tôi bay lên trong hình hài người thiếu nữ có cái tên thuần khiết cha mẹ đặt…
***
         Sớm mai, người đàn ông thức dậy trễ tràng hơn mọi ngày. Ông mở cửa sổ, đập vào mắt là hàng bằng lăng phớt tím, loang dần, loang dần trong khoảng không gian được ánh mặt trời chiếu rọi. “Quái, hay mắt mình bị hoa nhỉ? Bằng lăng hôm qua bị mưa táp rụng hết xuống mặt đường rồi kia mà!”. Suy nghĩ của ông bị cắt ngang vì tiếng ngọt ngào của người vợ vọng ra từ trong bếp:
-         Anh vào uống cà phê đi, sáng nay anh dự hội nghị phải không?

        Người đàn ông không đáp, chỉ khẽ cười, nụ cười mơ hồ thoắt ẩn đã biến mất sau bộ râu con kiến. Đứa con trai chạy từ cầu thang xuống chào anh, xe đã đón ở ngoài cửa đưa nó đi học. Người đàn ông nheo nheo mắt lướt trên tờ nhật báo đặt sẵn trên bàn, tin về vụ tai nạn xảy ra hồi 16 giờ 30 phút tối ngày hôm trước: xe mới, không mất thắng, con đường lúc ấy vắng người mà cô gái tự nhiên đâm bổ vào cột điện. Người ta phán đoán đây là một vụ tự sát. Người đàn ông thản nhiên gấp tờ báo lại, những ngón tay nần nẫn như chú sâu chít bị ngâm rượu đến trương phềnh lên móc vào túi quần, nơi một chiếc chìa khóa xe SH tím sẫm còn nằm lại. 

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

CHUYỆN CỦA PHỦ MÌN

Truyện ngắn củaTrai Rừng (Phùng Cù Sân)

Tẩn Phủ Mìn đã học xong chương trình lớp 1 với kết quả đạt loại giỏi. Nó vui lắm. Bố mẹ nó và cô giáo Huyền càng vui hơn. Nhớ lại hồi tháng 9 năm ngoái, cô giáo Huyền - chủ nhiệm lớp 1 không khỏi bật cười khi nghĩ đến cậu bé Phủ Mìn bé xíu, thông minh và nghịch ngợm nhất lớp.
Buổi đầu tiên lên lớp, để tạo bầu không khí thân mật và để tạo điều kiện cho học sinh  làm quen với nhau, mặc dù đã nắm rõ “lý lịch trích ngang” của từng học sinh, cô giáo Huyền vẫn cho từng em đứng dậy tự giới thiệu về mình. Một cô bé lũn chũn có khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt tròn xoe đen láy ngồi ở đầu bàn trên cùng nhanh nhẹn đứng lên nói:
- Thưa cô! Em tên là Trần Thị Mỹ Dung, dân tộc Kinh, sinh năm 2000. Bố mẹ em cùng công tác tại Phòng Văn hóa huyện ạ!
Cả lớp vỗ tay hoan hô cô bé. Đúng là bố mẹ làm ở cơ quan văn hóa, con gái lại làm quen với ánh đèn sân khấu từ nhỏ nên nói năng lưu loát và bạo dạn thật.
Tiếp theo là cậu bé đầu húi cua, dân tộc Thái ở Nậm Mạ, có cái tên dịu dàng như con gái: Hương - Lò Văn Hương. Mặc dù theo bác trai lên ở huyện một năm rồi song cậu bé vẫn tỏ ra rất bẽn lẽn, e lệ. Nghe cả lớp vỗ tay, mặt cậu bé đỏ bừng như ngồi bên bếp lửa hồng. Lò Văn Hương chưa kịp ngồi xuống thì Tẩn Phủ Mìn đã đứng bật dậy, giơ tay chào cô giáo giống như bộ đội chào khi duyệt binh:
- Thưa cô! Cháu… à quên! Em tên là Tẩn Phủ Mìn, sinh năm 2000. Bố em công tác ở Huyện đội, còn mẹ em thì dạy học ở trường cấp 3 huyện ạ!
Cô Huyền nhẹ nhàng nhắc:
- Em quên chưa giới thiệu em là dân tộc gì ?
- Thưa cô! Bố em là người Dao, mẹ em là người Mông, còn em thì là người Kinh ạ !
Cả lớp cười ồ lên. Cô Huyền xoa đầu Mìn,nói:
- Vậy thì em là dân tộc Dao chứ!
Phủ mìn đỏ mặt tía tai vì bị các bạn cười, song cậu vẫn vừa gãi tai vừa thanh minh:
          - Ông nội em trước đi bộ đội. Hôm ra nhà em chơi, ông bảo với bố em là : “Thằng Phủ Mìn thành người Kinh rồi! Sao các con không dạy cháu tập nói tiếng Dao, Mông?”. Bố em bảo: “Chúng con bận công tác tối ngày, không có thời gian nào dạy cháu.Thôi cứ để nó lớn hẵng hay”. Ông em cứ lắc đầu nói mãi câu: “Nó đúng là người Kinh rồi. Từ quần áo, đầu tóc, tiếng nói… chỉ còn mỗi một cái tên..”.
Cô Huyền giải thích:
- Em chưa biết nói tiếng Dao song em vẫn là người Dao. Ông em muốn nhắc nhủ bố em: dù bận công tác cũng phải giành thời gian dạy cho con tiếng nói của bố mẹ đẻ..
          Sau buổi làm quen, cô giáo hướng dẫn cho cả lớp tập viết chữ O. ở lớp mẫu giáo, các em đã tập tô các chữ cái rồi nên bây giờ các em tập viết cũng không khó khăn lắm. Riêng Phủ Mìn viết chữ rất nguyệch ngoạc, méo mó. Cô Huyền cầm tay cho nó đưa từng nét chữ thì được, hễ cứ thả tay ra là Phủ Mìn không làm sao viết nổi một chữ O tròn như các bạn. Cuối buổi học, cô giáo khen cả lớp đã có nhiều cố gắng và động viên Phủ Mìn về nhà tập viết lại chữ O cho thật tròn. Thực ra thì cô giáo Huyền là người hàng xóm với gia đình Phủ Mìn. Từ trước đến nay Phủ Mìn quen gọi là cô xưng là cháu, giờ chuyển sang gọi là cô xưng em nó cứ thấy ngượng mồm thế nào ấy.
Ăn cơm tối xong, cô Huyền sang nhà Phủ Mìn chơi. Phủ Mìn chạy trốn vào trong buồng vì sợ phải nghe cô giáo mách mẹ chuyện ở trên lớp. Nó nghe mẹ và cô nói cười vui vẻ. Khi cô Huyền về rồi, nó lén đến bên mẹ nằn nì:  
- Mẹ ơi! Ngày mai mẹ xin cho con chuyển sang lớp mẹ nhé! Con chỉ thích làm “sinh viên” của mẹ thôi!
Mẹ cười, xoa đầu Mìn thủ thỉ:
- Con trai ngoan của mẹ! Con phải học từ lớp 1 đến hết lớp 9 thì mới được vào học lớp của mẹ dạy, làm học sinh của mẹ chứ không phải là sinh viên đâu… Cố gắng lên con nhé!
Phủ Mìn tròn xoe mắt vặn vẹo mẹ:
- Con thấy bố bảo chị Mý Lai nhà mình là sinh viên trường Sư phạm kia mà..
Mẹ ôn tồn giải thích:
- Rồi sau này con cũng sẽ trở thành sinh viên như chị Mý Lai, nhưng con phải học hết 12 năm phổ thông, rồi đi học nghề cơ!
         Đêm ấy, Phủ Mìn nằm mơ được làm chú bộ đội như bố, rồi lại được làm thầy giáo như mẹ và cô Huyền. Nửa đêm, giật mình tỉnh giấc, nghĩ đến nhiệm vụ cô Huyền giao cho. Nó len lén trở dậy bật điện, mím môi mím lợi viết chữ O. Cứ sắp đến đoạn vòng tròn nối vào nhau thì y như rằng nét chữ lại nguyệch sang lúc thì bên trái, lúc lại sang bên phải. Nó uể oải nhìn sang chiếc bàn soạn giáo án của mẹ. Chồng sách giáo khoa để riêng, các loại vở soạn bài để riêng; hộp đựng bút gắn một chiếc lọ hoa bé xíu,  lúc nào cũng cắm một bông hồng nhung tươi thắm trông thật đẹp mắt. Nó dụi mắt, ngắm nhìn hộp bút có đủ loại: bút bi, bút dạ, bút máy… các màu xanh, đỏ của mẹ. Cặp mắt nó sáng rực như mắt Tôn Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn:
- À, biết rồi!
Nhanh như một con sóc, nó trườn sang bàn mẹ, rút cái bút máy màu mực đen. Rồi nó ra bàn lấy cái chén úp xuống mặt bàn, mở nắp bút bơm một giọt mực nhỏ vào trôn chén.Nó cầm nắp bút máy chấm vào trôn chén rồi cẩn thận đóng từng nắp chữ lên trang vở tập viết, những chữ o tròn xoe lần lượt hiện ra, đều tăm tắp (tròn hơn cả chữ cô Huyền viết mẫu ở trên lớp). Khi trang vở đã kín mít chữ O, nó nhảy khỏi ghế, hét toáng lên:
- Hoan hô! Phủ Mìn giỏi quá!
Bố giật mình tỉnh giấc:
- Mẹ dậy xem con trai nói mơ cái gì kìa!
Mẹ hoảng hốt thấy Phủ Mìn tay cầm quyển vở, chân không đi dép đứng giữa nền nhà. Mẹ nhào tới ôm chầm lấy nó :
- Sao đang đêm con lại bật điện sáng choang thế này?
          Phủ Mìn dụi đầu vào vai mẹ, nũng nịu khoe:
- Mẹ xem con viết chữ O có đẹp không hở mẹ?
Mẹ cầm quyển vở và hiểu ra tất cả:
- Ôi! Con trai của mẹ! Sao con lại dùng nắp bút máy để in chữ thế này?
- Mẹ đừng nói cho cô Huyền biết nhé!
- Nhất định cô Huyền khắc biết! Thôi con đi ngủ đi! Để chiều mai mẹ sẽ hướng dẫn con tập viết lại…
- Không được đâu mẹ ơi! Sáng mai con phải đem vở lên lớp cho cô giáo kiểm tra lại rồi.
- Thế mẹ con mình cố gắng làm luôn bây giờ nhé!
Mẹ lấy khăn rửa mặt cho Phủ Mìn, rồi đem quyển vở ôly ra hướng dẫn con:
- Đây con nhìn mẹ viết mẫu một chữ này, con bắt đầu viết chữ từ dưới dòng kẻ ngang này rồi lượn xuống phía tay trái, từ từ thôi xuống đến dòng kẻ dưới rồi lại từ từ vòng lên phía tay phải. Thế! Thế! Con biết chưa nào?
- Vâng! Mẹ để con tự viết, mà tại sao chiếc bút này cứng thế hở mẹ?
- Ấy! Con phải cầm bút như thế này, nhẹ nhàng thôi, đừng nắm chặt thế! Mà con phải ngồi thật ngay ngắn vào. ừ, đúng rồi, con của mẹ thật là giỏi.
Được mẹ khích lệ, Phủ Mìn phấn khởi lắm! Tự tay nó đã viết hết một trang chữ O theo chỉ dẫn của mẹ, tuy chưa thật tròn trịa nhưng nom đã dễ nhìn. Hôm sau Phủ Mìn được cô giáo khen trước cả lớp nên nó phấn khởi lắm.
         Một hôm, Phủ Mìn quên không đem que tính đến lớp. Đến giờ học toán, cô giáo Huyền đứng trên bục giảng cứ thấy nó nhấp nhỏm, lúc thì trườn người ra bàn, lúc thì cúi xuống gầm bàn. Cô hỏi:
- Phủ Mìn làm gì dưới gầm bàn thế?
- Dạ, em làm toán ạ!
- Làm toán sao lại chui xuống gầm bàn?
- Em đếm bằng ngón chân ạ! Em đã đếm hết ngón tay rồi nhưng không đủ…
- Thế que tính của em đâu rồi?
- Thưa cô! Em để quên ở nhà ạ!
Cô Huyền hỏi cả lớp:
- Em nào xung phong lên bảng giải bài toán?
Ba, bốn rồi năm cánh tay rụt rè giơ lên. Cô giáo đảo mắt khắp lượt cả lớp như động viên khích lệ các em. Phủ Mìn sợ cánh tay của mình thấp, cô giáo không nhìn thấy nên nó đứng bật dậy, cố kiễng chân cao và giơ cánh tay phải lên:
- Em! Em ạ!
Cô giáo nhắc:
- Phủ Mìn ngồi xuống. Em phải ngồi ngay ngắn và giơ tay thẳng như các bạn, mà em không được la lên om sòm như thế!
Phủ Mìn đỏ bừng hai má, nó lí nhí :
- Dạ, Thưa cô! Lần sau em không làm như thế nữa ạ!
Cô xoa đầu Phủ Mìn:
- Em biết lỗi thế là tốt rồi. Thế Phủ Mìn lên bảng giải bài toán đi!
Phủ Mìn giải bài toán rất nhanh, được cô giáo khen ngợi và các bạn trầm trồ cảm phục. Phủ Mìn vui sướng lắm. Nó rất hay giúp đỡ các bạn nên bạn nào cũng yêu quý nó. Nhưng đôi khi nó giúp bạn không đúng cách.
Một lần mẹ mua nải chuối xanh về để nấu ốc. Thấy nó và cái Mỷ lúi húi ở trái nhà mà nải chuối xanh thì vừa bị vặt mất hai quả, nhựa rỉ ra bàn, mẹ chạy ra nhắc nhủ hai đứa không được ăn chuối xanh. Vừa ra đến nơi mẹ thấy  chúng đang ngồi trước một bàn đất nặn, bên cạnh là hai quả chuối căng tròn cũng bằng đất nặn. Mẹ hỏi:
- Hai đứa dang làm gì đấy?
- Mẹ ơi! Con và bạn Mỷ đang làm thủ công, nặn quả chuối bằng đất
Nhìn hai quả chuối nặn to khác thường, mẹ hiểu ra tất cả:
- Ồ! Tại sao các con lại lấy đất bọc ra bên ngoài quả chuối thật? Nếu đem lên lớp, cô giáo sẽ phê bình là không thật thà. Mình phải tự nặn bằng đất nặn chứ!
Hai đứa biết lỗi, “dạ” thật ngoan.
Rồi mẹ cầm tay, hướng dẫn hai đứa nặn quả chuối. Cái Mỷ thích lắm, nó bảo: “Mẹ cậu giỏi thật đấy!”.

         Cứ thế, từng ngày, từng ngày, mẹ và cô Huyền chỉ bảo dìu dắt, hôm nay Phủ Mìn đã được lên lớp hai. Nó cũng đã biết nói chuyện với ông bà nội bằng tiếng Dao và nói chuyện với ông bà ngoại bằng tiếng Mông (tuy mới chỉ là những câu chào hỏi thông thường). Bố mẹ thường giành thời gian trước khi đi ngủ để dạy tiếng địa phương cho nó. Nó còn được nhà văn Tẩn Kim Phu cho quyển “Truyện  cổ tích dân tộc Dao Sìn Hồ”. Cuốn truyện đó nó gối đầu giường và đọc đi đọc lại đến thuộc lòng từng câu, từng chữ. “Năm học mới, đến giờ thi kể chuyện, nhất định mình sẽ xung phong kể một câu chuyện trong cuốn sách này cho cô giáo và các bạn nghe’’- Phủ Mìn thầm nghĩ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, hai tay vẫn cầm cuốn truyện và trên môi phảng phất một nụ cười thật tươi.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ


Chỉ còn một tuần nữa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày huyện được giải phóng( 19/12/1953- 19/12/2013).Để thiết thực chào mừng sự kiện này,từ mùa thu năm ngoái,gia đình Gái Núi đã hoàn thành bản thảo tập truyện và ký "SÌN HỒ DẤU YÊU" và đã được NXB Hội Nhà văn in xong quý III/2013(sách dày 280 trang, gồm 41 truyện và ký của 3 tác giả: Phùng Cù Sân, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến). UBND huyện Sìn Hồ đã đặt mua 300 cuốn để tặng cho các vị Đại biểu về dự mít tinh. Sau đây, GN xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng về cuốn sách này.
------------------------------------------------
Thay lời giới thiệu:
CÓ MỘT SÌN HỒ NHƯ THẾ
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng
Bạn đang có trên tay một tập sách đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng huyện Sìn Hồ, Lai Châu(19/12/1953-19/12/2013). Đó là tập văn “Sìn Hồ dấu yêu” do 3 cây bút cùng trong một gia đình từ quê hương Sìn Hồ viết lên như một bản hợp xướng tam ca đầy tâm huyết, có khả năng cuốn hút bất kỳ người đọc, người nghe nào. Cũng có thể nói, đây là bản tình ca đích thực về tình gia đình, tình yêu quê hương đất nước, nghĩa Đảng, lòng dân, sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống nơi cao nguyên đá xa xôi, gian khổ vào bậc nhất của cả nước đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
“Sìn Hồ dấu yêu” không chỉ dựng nên một thiên nhiên hùng vĩ của vùng cao Tây Bắc với những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, những khu rừng

già nguyên sinh, cái nôi của sự sống muôn loài, những sông suối đầu nguồn trong vắt, tiếng chim ca vượn hú mỗi ban mai trong lành, “Sìn Hồ dấu yêu” còn, và là điểm nổi bật nhất là vẽ nên chân dung đẹp, rất đa dạng của những con người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng sống, chiến đấu, lao động trên mảnh đất này.
Với tác giả Phùng Cù Sân, một người con của dân tộc Dao Sìn Hồ, từng là thầy giáo, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ và cán bộ Đảng nhiều năm, những trang viết của anh giàu trải nghiệm nhưng chan chứa tình đất, tình người, qua đó nổi bật lên chân dung những nhân vật đáng yêu, đáng nhớ.
Đó là bà mẹ dân tộc Thái, sống lặng lẽ nơi bản làng xa xôi, suốt đời hy sinh lo cho chồng con, cùng những người thân, ít ai biết rằng những năm tháng trẻ trung thời con gái bà đã có hành động dũng cảm của một anh hùng khi cùng với bố mẹ bảo vệ, cứu sống một cán bộ cách mạng từ miền xuôi lên hoạt động, đang bị thương và địch truy đuổi tưởng không sao thoát khỏi cái chết. Hành động anh hùng cùng mối tình thoáng qua nhưng để lại dấu ấn sâu nặng và đẹp như giấc mơ của bà tưởng đã chôn sâu trong ký ức bỗng vụt thức dạy khi có cô nhà báo trẻ từ Hà Nội, là cháu nội của “người xưa” lên tìm gặp và khi câu chuyện được hé mở, cả đứa cháu trai giỏi giang của bà hôm nay cũng ngỡ ngàng không thể nào ngờ tới.
Đó là Thượng tá công an Giàng A Páo, người con của Sìn Hồ suốt đời gắn bó với quê hương, không ngại gian nan, nguy hiểm để bảo vệ cuộc sống yên bình cho các dân tộc nơi đây, cả khi đã nghỉ hưu vẫn tha thiết có thể tiếp tục làm được những gì có ích cho quê hương.
Ngòi bút Phùng Cù Sân cũng không quên dành những trìu mến thân thương cho lớp trẻ thơ như em bé Phủ Mìn dược sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bố mẹ, cô giáo và cả cộng đồng khi cuộc sống đã ngày càng ấm no, hạnh phúc, những đói nghèo xưa của cha ông đã đi vào cổ tích.
Như một sự bổ sung cho Phùng Cù Sân, cũng viết về đất và người Sìn Hồ nhưng cây bút nữ Bùi Thị Sơn lại khai thác theo chiều hướng khác. Là một cô giáo vùng đồng bằng quê vải Thanh Hà, Hải Dương, trở thành cô giáo vùng cao Tây Bắc, rồi gặp chàng “trai rừng” đất Sìn Hồ, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, Bùi Thị Sơn yêu và gắn bó với đất và người Sìn Hồ như quê hương thứ hai của mình. Nữ tính, hồn hậu, kết hợp cái mộc mạc, dễ thương của con người miền núi với chất tinh tế, đa cảm và nhạy cảm của cô gái miền xuôi, ngòi bút Bùi Thị Sơn đã thu hút được cảm tình người đọc với những nét rất riêng, không lẫn với bất kỳ ai. Cũng viết về một cán bộ người Dao sinh ra ở Sìn Hồ, trưởng thành có nhiều năm xa quê hương nhưng tình cảm sâu nặng, chân thành dành cho nơi chôn nhau, cắt rốn vẫn nguyên vẹn, thủy chung như chưa hề có sự chia xa, Bùi Thị Sơn không miêu tả trực tiếp mà khai thác sâu vào tâm tư của những đề tài phong phú người trong cuộc của những thế hệ già, trẻ khác nhau, tạo nên cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Bùi Thị Sơn dành nhiều trang viết của mình cho những người vợ, người mẹ, ttrong đó có những số phận không may mắn, phải gánh chịu bao nhiêu nỗi đau không thể nói thành lời, nhưng vẫn âm thầm vượt lên tất cả để sống, để khẳng định niềm tin sắt son với đời. Không hề nhắc đến bom đạn của chiến tranh nhưng những đau thương mất mát và hệ lụy nặng nề của nó vẫn hiện diện, đè nặng lên những số phận con người của nhiều thế hệ, đặc biệt với những phụ nữ dân tộc ít người sống ở nơi xa xôi hẻo lánh dường như cách biệt với cộng đồng. Tâm hồn đa cảm của Bùi Thị Sơn còn khiến người đọc chia sẻ, cảm thông khi viết về những yêu thương, giận hờn, cả “những giọt nước mắt đời không thấy” trong đời sống vợ chồng, tưởng như rất ấm êm, hạnh phúc, để rồi khi được gỡ bỏ, tình yêu của họ càng thêm thắm thiết, chân thực hơn.
Phùng Hải Yến là thế hệ thứ hai trong gia đình và thật thú vị, Hải Yến sinh ra như để tiếp nối cả tình yêu thương, ước muốn, và năng khiếu bẩm sinh của cha mẹ với nghề viết.
Sinh năm 1985, được học hành, đào tạo bài bản, là một nhà báo trẻ chưa đầy 30 tuổi, cùng với nhiều bài báo sắc sảo, Hải Yến đã có những sáng tác văn thơ trình làng được người đọc chú ý. Phần đóng góp trong tập sách này, Hải Yến có cả truyện ngắn và phần tản văn với đề tài phong phú về đất và người Sìn Hồ như những bó hoa giàu hương sắc dâng tặng quê hương. Với cái nhìn trong sáng, hồn nhiên nhưng say mê, khao khát tìm hiểu, khám phá, Hải Yến đã tạo ra cái nhìn mới mẻ, trẻ trung với tất cả những gì là nét đẹp truyền thống của quê hương, từ cảnh quan thiên nhiên, những món ăn dân tộc độc đáo của vùng đất Sìn Hồ, những phong tục, tập quán từ bao đời vẫn được gìn giữ làm phong phú thêm tâm hồn, bản sắc dân tộc nơi đây mà ít nơi nào có được. Có cảm giác Hải Yến như một cây non đang sung sức, gắng cắm rễ sâu vào lòng đất mẹ để có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Nhờ bút pháp chân thực, trẻ trung, tươi mới nên cả những trang cuối sách viết về cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên đất Sìn Hồ hôm nay của Phùng Hải Yến vẫn chiếm được cảm tình và sự thuyết phục với người đọc, không hề khiên cưỡng.
“Sìn Hồ dấu yêu” tập sách của ba tác giả thuộc hai thế hệ trong một gia đình, đều là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, dù số trang còn khiêm tốn nhưng quả là món quà nhỏ nhưng quý, giàu ý nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Sìn Hồ.
Cách đây hơn 40 năm, tôi đã đến Lai Châu nhưng chưa có dịp được đặt chân lên Sìn Hồ nên cái tên Sìn Hồ từ trước tới nay đến với tôi vẫn nghe mịt mùng, xa lắc. Nhưng lạ thay, khi đọc “Sìn Hồ dấu yêu”, cảm giác xa lạ dường như không còn, thay vào đó, tôi có thể hình dung ra Sìn Hồ, cả thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, sông suối đến những con người thuộc các dân tộc anh em sống trên vùng đất này như đã gặp gỡ ở đâu đó, thân quen và yêu mến lạ lùng. “Văn học nghệ thuật là thiên nhiên thứ hai do con người tạo nên”. Ai đó từng nói như thế. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng viết: “Nơi ta chưa đi thì lòng sẽ đến”. Chưa đặt chân đến Sìn Hồ nhưng lòng tôi đã đến qua những trang viết của “Sìn Hồ dấu yêu” cùng với những tác giả khác.
Nhà thơ dân tộc thiểu số rất nổi tiếng của Liên Xô, Raxun Gamdatốp đã viết rất hay về xứ sở Đaghextan nhỏ bé của mình được người đọc cả thế giới hâm mộ, từng nhắc nhở: “Con suối nhỏ chảy ra tới biển, nhìn thấy trước mình là khoảng không xanh thẳm bao la và hòa mình vào khối nước màu xanh vĩ đại ấy, chớ nên quên con đường nhỏ, dài, gập ghềnh sỏi đá mà nó đã phải trải qua”.
“Sìn Hồ dấu yêu” là những trang viết nhắc ta điều đó.
Nha Trang, Mùa Thu 2012
Nguyễn Gia Nùng
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam).