Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

GIỚI THIỆU CHÙM THƠ CỦA THƯƠNG BINH PHẠM NGỌC SAN


Anh Phạm Ngọc San ( Bút danh: Phạm Thôn Nhân, Người Nhà Quê Họ Phạm) sinh năm 1944. quê gốc ở Thái Bình, hiện sống , viết và vẽ tại Hà Nội . Anh đã có nhiều năm học tập và làm việc tại Liên Xô( cũ), tham gia quân ngũ. Anh là thương binh nặng. Với nghị lực phi thường, anh vẫn cho ra đời bao bài thơ hay, bao bức tranh đẹp. Trên Diễn đàn Thi Viện.nét, mọi người gọi anh là Pa Ven. Anh khiêm tốn nói:
“Đừng so sánh tôi với Paven”
Phó tiến sĩ- giáo sư Nguyễn Kim Thiết - một người bạn đồng niên từng dạy tại trường Đại học Bách khoa đã viết tặng anh bài thơ:
Ngày ấy Paven bị liệt
Bi liệt đâu còn cảm thấy đau
Tôi đau nhức nhối mình tôi biết
Chẳng dám so được với ai đâu!

Và anh Phạm Ngọc San đã có bài họa sau:
Nửa liệt, kém Paven bại liệt!?
Và đau, chắc như tôi đang đau!?
Nhưng khi Bạn hữu mang Xuân đến,
Cười sún cả răng, kém ai đâu ! ?
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Bùi Thị Sơn xin trân trọng giới thiệu
Một chùm thơ của anh Phạm Ngọc San viết về đề tài này.

YÊN BÌNH

Bom đạn đã qua.
Vết thương vờ ngủ…
Ôi! cái bình yên trong bão lửa,
Hãy về, ru ngủ trái tim ta!
Cái thời khói lửa đã xa,
Mà nghe gió rít ngỡ là chiến tranh.
Hiền hoà bến nước đồng xanh.
Gió đừng rít để yên lành nước non.
XIN EM!
Xin Em, Em cứ hững hờ,
Với thế nhân, cả trong mơ của mình.
Trừ anh, và dưới cỏ xanh,
Những đồng chí của chúng mình. Hỡi em!

HOA XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT

Những mảnh xương vụn nát,
Cùng đất và cát,
Lẫn lộn vào nhau…
*
Chinh chiến qua lâu,
Bàng hoàng còn đó.
*
Tôi nhớ,
Thời rực đỏ,
Thời lính trẻ,
Anh, Tôi…
*
Biển cát lung linh hơi nóng ngút trời,
Hoa xương rồng đỏ thắm…
*
Có phải không ?
Từ nơi xa thẳm,
Anh hiện về đỏ rực không gian...
*
Nhắm mắt, tay đưa, nước mắt tuôn tràn,
Cố ôm ấp một bóng hình đồng đội...

HỘI NHẬP SẸO

Vết sẹo ơi! Sao mi chai lên thế!
Những bàn tay đầy sẹo bạn mi đây.
Cũng một thủa. Hình như, linh cảm thấy,
Sự dịu dàng đau đớn chốn bàn tay…

Thôi đừng nhé, nhắc chi về quá khứ.
Thịt da kia cũng thịt da này!
Bom đạn đã xa về dĩ vãng.
Những bàn tay tiếp sức những bàn tay.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

TAM BIET

Kính thưa bà con Cong dong blog .spotcom !
Do bận một số công việc riêng, Bùi Thị Sơn tạm xa blog một thời gian.
BTS xin chân thành cám ơn các anh, các chị và các bạn đã sang thăm, giao lưu, động viên, phê bình và góp ý cho BTS thời gian qua. Cũng do điều kiện thời gian, BTS nhiều khi chưa kịp hồi âm hoặc sang thăm đáp lễ, giao lưu, học hỏi mọi người thường xuyên được. Rất mong được mọi người lượng thứ nhé !
Xin tạm biệt các anh, các chị và các bạn!Kính chúc mọi người luôn vui, khỏe, hạnh phúc, thành đạt, yêu đời và yêu thơ mãi nhé !
Tuyên Quang, ngày 22/7/2013
--------------------------------------------
Bùi Thị Sơn xin gửi tặng các anh, các chị và các bạn một truyện ngắn của con gái mình ( Phùng Hải Yến)viết về cuộc đời của thực của cha cháu nhé !
QUẢ TÁO MÈO
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Ba tuổi. Tôi mất đi tình thương yêu, vòng tay ấm của mẹ.Ba tuổi: Ngôn ngữ chưa bật lên ngôn từ tả về nỗi đau, tôi mới vẽ nỗi niềm bằng hình tiếng khóc ở mùa khát ấy.
-Oa, oa! Chẹp, chẹp! Oa, oa!
Âm thanh xoáy vào tôi, đôi mắt ba tuổi ngơ ngác. Thằng cu Phù, hai tuổi - em tôi cố bò, lao vào mẹ "ôi mẹ ôi!" Tiếng khóc đói sữa chưa dứt cơn, vì tiếng "Chẹp chẹp" phát từ miệng em tôi là tiếng bú mút trên một cái xác. Hai bầu vú mẹ tôi tím tái, linh hồn bà đã bay xa cách đây vài giờ đồng hồ. Một bàn chân thằng bé co lên, bàn chân kia vẫn gác lên bụng mẹ, cái chiếu rách dưới mẹ và thằng Phù như muốn rơi ra từng mảnh. Rách quá! Khát quá! Tôi sợ và tôi không
dám khóc.
Đoàn người đưa mẹ tôi ra đồng, mộ đắp bằng từng viên đá. Cái thằng tôi ba tuổi chân đất không biết rằng từ đó cuộc sống của mình sẽ sa xuống địa ngục.
Năm tuổi rưỡi, bố tôi mang tôi đi ở đợ. Vùng quê ngút ngát màu hoa thuốc phiện và những gié lúa cằn cỗi lúc nào cũng cần có người cấy lật lên. Năm tuổi rưỡi, bàn tay cuốc đất, cái lưng địu trẻ, công xá mỗi ngày của tôi là vài chỉ thuốc phiện về để bố hút cắt cơn.
Tôi năm tuổi rưỡi, không biết nói câu cảm ơn ngọng nghịu. Chỉ nhớ nhà chị Mẩy, nhà cô Lưu không đánh mình, lại cho ăn mỗi bữa một phần cơm to bằng quả trứng vịt. Nhà bà Sếnh cuối bản làm tôi sợ và ghét (đó là những cảm xúc mà mãi đến sau này tôi mới diễn tả được thành lời).
Mùa thu - quê tôi lạnh, không man mác gió mà buốt giá đến từng lỗ chân lông. Mùa đông thì khỏi nói, đó là mùa nước đóng băng dày trên các thửa ruộng và sương muối trải thảm lên cây lá. Cũng một buổi chiều thu gió táp rụt cả những mảnh vá trên vai, tôi - lúc ấy đã sáu tuổi địu thằng em nhỏ con bà chủ mới lên hai mà béo như con lợn. Tôi xốc nó, chạy liêu xiêu lên đồi hoang. Lưng tôi oằn vì mỏi nhưng hai hạt sao ở tròng mắt lại nhấp nháy sáng. Lũ trẻ con trong bản đang túm tụm chơi đánh cù. Con cù xoay tít, cái dây trên tay thằng chủ trò bỗng như có phép lạ "Vù, vù! Bốp". Con cù quay chính bị đánh bật ra, còn con cù vừa buông sợi dây thì xoay tròn như thằng trai Mông say gái múa khèn tít mù, ngả nghiêng bên chảo thắng cố. Tôi thú quá! Nhẩy cẫng lên, quên mất trên lưng còn ục ịch lợn con! "Bụp" - tôi vấp ngã trên tảng đá to gần đó, thằng bé đang ngủ ngon giật mình khóc ré lên làm tôi phát hoảng. Bàn tay tôi vội xoa lên mặt - vấy máu, chưa kịp hoảng hồn thì con lợn mẹ đã sồ sề chạy tới, chửi bới lu loa "Bốp"! Bàn tay to đùng còn in thêm vết trên gương mặt nhớp nháp máu của tôi. Cái đau thân xác làm tôi xót, nghĩ mình bị ngã không ai thương, còn xót hơn. Tôi còn bé quá, chưa đủ thông minh để hiểu và chưa có suy nghĩ gì lâu.Nhưng bị đánh đau nhiều, tôi đâm ra chai lì vì những mùa đắng đót lặng lẽ đi qua mà không ai nhìn đến mình. Con thú trong tôi tự liếm láp vết thương, tự đau, tự mưng mủ, vỡ nát và chai sần lại.
Bảy tuổi và lì lợm, tôi là đá trên cao nguyên, là cây trên đại ngàn. Tôi không yêu em Phù không phải vì nó được cưng chiều trong căn nhà trình trường ấm áp. Tôi không yêu nó vì sau ngày mẹ mất, tôi không còn được chơi, được gần nó nữa.
Mẹ kế ôm nó tối ngày, bố tôi ôm bàn đèn, còn cái thân tôi - tôi ôm con trâu của gia đình mình đi làm công ở đợ, ngủ cùng chuồng với nó. Cái thằng tôi là con trâu lạc loài mất mẹ. Tôi là con trâu mất đi tiếng khóc quen thuộc của con người. Sẽ không có gì để nhớ, đáng nhớ ở mùa đông thứ tám tôi được sinh ra nếu không có buổi hôm đó…
Mảnh nương tôi được nhà chủ giao phải lật lên để trồng đỗ răng ngựa vụ mới đã cuốc xong. Hai bàn tay bé nhỏ mỏi nhừ, vết chai phỏng rộp, đỏ ửng chứ không còn tướp máu như ngày đầu mới tập làm. Tôi thở dốc. Đầu núi có tiếng gọi, thằng Sơn - bạn chăn trâu ở bản hốt hoảng:
-Pao ơi, Pao, về thôi! Bố mày chết rồi!
Ô! Bố tôi chết ư? Bố tôi chết - tôi chẳng biết mình nên vui hay buồn? Ông bố bốn mùa nằm trong vách gỗ rít tẩu thuốc phiện bên mớ chăn rách rưới, nhàu nát đã không còn? Hay kẻ mang cái xác tôi, vắt kiệt sức lao động của một đứa trẻ từ lúc năm tuổi rưỡi đến đổi lấy vài chỉ thuốc phiện đã chết? "Ông ta chết rồi!".
Tôi lầm bầm nhắc lại, lòng chẳng nghĩ gì cả. Đúng thế! Không thể vui vì tôi mang họ của ông, cũng không thể buồn vì ông ta chết đi, nghĩa là tôi không phải làm trâu nữa.
Bước chân tôi về đến đầu sàn, mẹ kế mải sụt sịt than khóc nên quên chú ý đến tôi. Cô Hoa kéo tôi ra, cái kéo tay quá đà làm ống tay áo của tôi rách xoạc. "Mặc kệ" - bụng tôi réo lên "ọc, ọc" vì từ hôm qua đến hôm nay làm quần quật mà mới ăn một nắm cơm độn ngô bé bằng quả trứng gà. Thoáng chau mày khi nghe âm thanh ấy, chừng hiểu ra, cô xót xa:
- Sao khổ thế hả con? Vào đây, cô xới cơm cho mà ăn. Run run nhận bát cơm có miếng thịt lợn ở trên, các giác quan trong tôi chợt thức. Không phải vì đã quá lâu không được nhìn thấy cơm trắng và ngửi thấy mùi thịt, mà vì bàn tay ân cần của người đàn bà hàng xóm gợi nhớ lại bàn tay của mẹ xưa thường vỗ về tôi.
- Đấy! Các ông, bà, chú, bác nhìn đi. Bố nó chết mà nó có biết thương, biết xót gì đâu, chỉ cắm mặt cắm đầu ăn như con chó, con lợn. Mọi cảm xúc trong tôi tê điếng, chết lặng trong tiếng chửi chát chúa, cay nghiệt vút lên từ đôi môi thâm sì của dì ghẻ. Lẽ ra tôi phải đặt bát xuống và bỏ đi, nhưng bản tính ngỗ ngược trỗi đậy trong thằng tôi ương bướng, giục tôi cầm bát lên, và lấy và để trong ánh mắt hung hãn của bà ta. Tôi cười thầm vì nghĩ mình đã làm cho bà ta tức điên. Giá tôi được nghe mẹ kể về mụ phù thủy ác độc trong cổ tích, để tôi có thể ví với bà ta. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ bà ta giống con ma cà rồng xuất hiện trong những câu chuyện kể mà lũ bạn chăn trâu thường dọa nạt nhau. Bố chết. Chiều. Tôi lang thang trên quả đồi sau nhà. Không còn đi làm thuê cho nhà nào nữa, giờ tôi mới tin là bố đã chết. Rồi tôi thấy lố nhố những người mặc áo đen dưới con đường dốc, tiếng thằng Sơn đã sát bên tai.
- Pao, Pao, mày không biết gì à? Dì ghẻ mày đang đưa người Thái ở vùng thấp về, bà ấy định bán mày làm con trâu, con ngựa cho họ đấy! Trốn đi.
Tôi trợn mắt nhìn nó, không hiểu. Rồi tôi chợt hiểu ra. Quá sợ rồi những ngày bố mang tôi đổi lấy thuốc phiện. Tôi cắm mặt chạy. Không ngẩng lên. Không dám suy nghĩ. Một, rồi hai ngọn đồi. Tôi phải chạy thật xa bản thôi! Trí óc non nớt bảo vậy, đôi chân cuống cuồng. Tôi cứ chạy, chạy mãi.
Tôi choàng tỉnh dưới một gốc táo mèo quả còn xanh lét. Tôi đói, mắt hoa lên, chân mỏi rã rời. Tôi trèo thoăn thoắt mặc cho gai táo mèo cào thịt da xước xác - với tôi thế đã thấm gì? Quả táo mèo chua chát đượm vị nơi đầu lưỡi, nuốt xong rồi để lại dư vị ngòn ngọt khó quên.
Đằng xa, một người đàn ông và hai cậu bé đi tới, bác trai hỏi thăm tôi, còn lũ trẻ thơ nhìn tôi ngơ ngác. Tôi không biết tiếng phổ thông nên chỉ ú ớ ra hiệu kể với bác vì sao tôi ở đây và nghe được bập bõm những điều bác nói bằng tiếng quan hỏa. Bác rủ tôi cùng về huyện vì xưởng mộc bác đang làm cần một đứa trẻ phụ việc, hai đứa trẻ đi theo bác là em Hùng và Mạnh ở nhà không có bàn tay chăm sóc của bác gái. Tôi chậc lưỡi, giờ tôi còn biết nơi nào để đi? Tôi không có nhà và trực giác của tôi thằng nhóc vô học tám tuổi thúc giục, mách bảo tôi nên đi theo bác. "Bố Minh" đó là tiếng Việt đầu tiên bác dạy tôi. Bác lắc đầu nhìn bộ quần áo nhuộm chàm vá đụp đầy rận với ghẻ và đôi chân bốn mùa cắm xuống đồng ruộng của tôi. Hôm sau, bác ra hàng bách hóa mua về một cái áo trắng, một cái quần đen và một đôi dép cao su rồi bắt tôi cắt tóc, tắm rửa, gội đầu. Tôi thay đồ mới xong đã thấy tiếng cuốc vang lên ở sau vườn. Bác đang đào một cái hố chôn bộ đồ rách rưới của tôi xuống đó. Tôi òa khóc khi bác lấp đất. Hình ảnh trở lại với tôi lúc đó là tiếng khóc của em tôi khi mẹ bị cuốn vào manh chiếu, thằng bé cố sức lăn vào đòi bú. Tôi khóc - vừa mừng, vừa tủi. Cuộc - đời - không - tuổi - thơ của tôi đã chết rồi! Tôi hôm nay là Pao, con trai của bố Minh, anh trai của hai em Hùng và Mạnh, không cần đến cả lễ đổi tên bắt buộc của con trai dân tộc Dao khi tròn mười ba tuổi. Tôi tưởng mình mơ - tôi cười, tôi khóc. Nửa đêm, tôi không dám ngủ. Tôi giật mình thon thót, sợ rằng nếu thiếp đi, sáng dậy tất cả chỉ là mơ. Tôi gối đầu lên đôi dép cao su, rồi lại ôm vàolòng vì sợ nửa đêm có kẻ lẻn vào lấy đi mất…
* * *
Cô gái mặc áo đỏ đi giữa mùa đông cao nguyên lách qua đám người chen lấn vào chợ phiên. Ngoài cổng chợ, chiếc xe láng cóng mở sẵn cửa chờ cô. Người đàn ông tóc muối tiêu khi nhìn thấy những quả táo mèo trong túi bóng trên tay cô gái, đôi mắt ẩn sau cặp kính râm phút chốc cay xè. Chiếc xe dừng bánh ở khu đồi đá. Ba ngôi mộ nằm chính giữa lô xô đồi to đồi nhỏ đá bạc màu với thời gian. Những ngôi mộ tạo hình bằng chi chít đá. Tuyệt nhiên không có tên tuổi, quê quán hoặc khung ảnh thờ. Bằng thái độ trang nghiêm như khi đến dự những Hội nghị lớn, người đàn ông sang trọng cúi đầu vái lạy và cắm những thẻ hương cô gái mới đốt vào từng kẽ đá. Cô gái không nhìn cha, trước mắt cô những vòng hương cong queo đang vẽ hình vu vơ trong không gian, uốn cong vút dấu hỏi lên nền trời mà cha gọi là Quê Hương.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

NHỚ NÚI

Truyện ngắn ( Đăng lại )
Vị giáo sư khả kính - người thầy dạy môn ngôn ngữ chị từng hâm mộ và cũng là người bạn đời của chị - trong một đêm ân ái nồng nàn đã hôn lên mắt vợ và nói:
- Anh biết vì yêu anh, em mới ở lại Hà Nội cùng anh lập nghiệp. Chắc lúc nào em cũng nhớ núi lắm phải không?
Chị vùi đầu vào nách chồng, hít hà mùi mồ hôi ngai ngái, nồng nồng quen thuộc, nũng nịu:
- Làm sao anh biết?
- Chẳng phải em đã đặt tên cho con trai mình là Hoài Sơn sao?
Chị cười như nắc nẻ:
- Em chịu thầy rồi!
Người đàn ông hơn chị đến hai mươi tuổi mỉm cười điềm đạm. Trong thâm tâm, ông rất tự hào rằng: Dù đã trải qua bao cuộc tình lãng mạn thời sinh viên, từng hưởng thụ những mối tình chớp nhoáng với bao cô gái ngoại quốc dạn dĩ trong những năm tháng sống tự do phóng túng khi đi du học bên trời tây, cuối cùng ông vẫn cưới được một cô vợ trẻ đẹp, trong sáng như bông hoa ban rừng. Ừ, hồi mới vào học Đại học, chị - cô gái 17 tuổi, da trắng nõn như cái măng non vừa bóc vỏ, mắt đen tròn ngơ ngác như con nai rừng. Chị mặc một chiếc quần phíp đã bạc màu, rộng thùng thình, chiếc áo phin nõn cổ lá sen tuy có làm nổi bật cái cổ cao ba ngấn trắng ngần nhưng nhìn chếch xuống phần dưới một chút, phía ngoài đôi vú be bé hồng hồng ẩn hiện như hai cái nấm vừa bật nhú sau trận mưa rừng, còn loang lổ một mầu nhựa trái cây trên áo tròn to bằng nắm đấm (chắc là nhựa quả lê – ông thầm nghĩ – cô gái này chắc là con nhà nghèo hoặc rất cẩu thả). Lũ con gái Hà Nội ăn vận quần ống típ, áo
ống loe cùng học với cô bé bá cổ nhau, bụm miệng cười khúc khích. Nhưng ông lại cảm thấy ở cô bé nét ngây thơ, hấp dẫn đáng yêu … “Con gái chưa biết làm đỏm là còn chưa biết yêu”. Ông đinh ninh tin ở phỏng đoán của mình. Cho đến tận bây giờ, sau hơn ba mươi năm chung sống, ông vẫn rất hãnh diện khi nghĩ rằng mình là người đàn ông đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của vợ. Còn chị, sau trận cười như nắc nẻ và lời khen hào phóng ban phát cho chồng: “em chịu thầy rồi!”, chị vội quay mặt đi, khóc thầm lặng lẽ. Chị xót xa nhớ đến chàng trai bản đã dậy lên trong trái tim chị những rung động đầu đời... Chị chưa bao giờ có quan hệ thân xác với ai ngoài chồng và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ (dù chỉ thoáng qua) sẽ phản bội chồng dù xung quanh chị vẫn có những chàng trai bảnh bao ve vãn…Thế nhưng trong thâm tâm, chị vẫn cảm thấy có lỗi với chồng vì càng sống với nhau, chị càng nhận rõ tình cảm của mình giành cho chồng chỉ là lòng kính trọng xuất phát từ sự ngưỡi mộ tài năng thời xa xưa, “gái ham tài” mà ! Hình ảnh Phanh – chàng trai của núi rừng – luôn hiện về, ám ảnh chị trong từng giấc mơ...
… Một lần hai đứa đi lấy củi về đến dốc đá tai mèo thì Hoa trượt chân ngã, trẹo cả mắt cá chân. Phanh vội đặt gánh củi, quỳ xuống đất, nâng bàn chân của Hoa lên xoay xoay cho vào khớp.
- Ái!
Hoa run rẩy kêu lên, nước mắt trào ra …
Phanh luống cuống như con gà bị mắc tóc:
- Tớ… tớ xin… lỗi… chẳng may…
Hoa càng khóc nấc lên, Phanh càng lúng túng thanh minh:
-Tớ không cố tình làm Hoa đau. Thật mà …
Hoa đỏ cả mặt vừa thương vừa giận cậu bé thật thà, ngốc ngếch. Lúc đó, hai đứa cùng bước sang tuổi mười sáu. Mười sáu tuổi, Phanh còn vô tư lắm, không nhạy cảm và biết rung động sớm như Hoa đâu! Hoa khóc vì đau thì ít mà khóc vì sung sướng, cảm động được Phanh chăm sóc thì nhiều. Từ đó về sau, thỉnh thoảng đi cùng nhau vào rừng lấy củi hay hái măng, hái nấm, cô thường hay giả vờ trượt chân ngã để được Phanh chăm sóc. Cho đến một ngày đông, cái đầu “ngố” của Phanh cũng nhận ra chiêu lừa ngoạn mục của cô bé người Kinh láu lỉnh:
- Này! Tôi không phải là quân hầu của cậu. Cậu đừng có mà lợi dụng coi thường tôi…
Hoa ôm mặt khóc rưng rức:
- Hoa không lợi dụng Phanh… Hoa không coi thường Phanh… Hoa chỉ muốn được gần bên Phanh, thật gần…
Đôi mắt cô dại đi, ánh nhìn khát khao, van vỉ:
- Phanh ơi! Hoa rét lắm! Phanh có thể ôm Hoa thật chặt, được không?
Phanh há hốc mồm, kinh ngạc nhìn cô bạn hàng xóm thân nhau từ thủa còn thò lò mũi xanh, chưa biết nên phản ứng ra sao thì Hoa đã đổ oặt thân mình mềm nhũn vào Phanh. Toàn thân Phanh như đông cứng lại. Lần đầu tiên trong đời cậu cảm nhận được mùi da thịt con gái đê mê, ngọt ngào. Cậu lóng ngóng choàng tay ôm hờ lấy Hoa trong tiếng thì thào năn nỉ của cô: “Ôm chặt nữa vào! Phanh ơi! Ôm chặt Hoa đi Phanh”. Hai đứa cứ đứng ôm nhau trong rừng như thế rất lâu.. rất lâu… tưởng như dưới gầm trời này không còn ai nữa. Cho đến lúc trận mưa rừng bất ngờ ập đến, Phanh mới từ từ buông Hoa ra:
- Bọn mình chạy vào cái hang kia trú tạm, đợi tạnh mưa mới về được Hoa ạ!
Hoa ngoan ngoãn gật đầu. Hai đứa dắt tay nhau, chạy ào dưới mưa. Vừa đến cửa hang, Hoa đã chủ động ngả vào lòng Phanh:
- Chúng mình lại ôm nhau tiếp cho đến lúc mưa tạnh, Phanh nhé!
Phanh cuống quýt, vụng về hôn khắp mặt, khắp cổ Hoa… Rồi, sợ không làm chủ được mình, cậu nhẹ nhàng gỡ tay Hoa ra:
- Lúc nãy bọn mình bị dính mấy giọt mưa, phải đốt lửa lên sửa kẻo về bị cảm Hoa ạ!...
Hoa ngoan ngoãn gật đầu nhưng ánh nhìn rõ ràng còn tiếc nuối… Lửa được đốt lên, hai đứa mặt đỏ lựng như say rượu, chẳng dám nhìn mặt nhau…
Tình cảm của hai đứa có thể còn tiến xa hơn thế nữa nếu không xảy ra một tình huống bất ngờ…
Chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày 26 tháng 3 - ngày thành lập Đoàn, Liên đoàn nhà trường tổ chức một đêm văn nghệ vui ơi là vui. Hồi ấy, Phanh và Hoa đang cùng học lớp 10 - lớp cuối cấp. Hàng ngày đến lớp, chúng phải cuốc bộ vượt hơn 5 cây số đường rừng quanh co khúc khuỷu toàn những đá tai mèo lởm chởm. Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, là hạt nhân văn nghệ của trường, chỉ phải cái tính vụng về, cẩu thả và đoảng vị. Thấy con gái cứ đi ra đi vào săm soi cái quần phíp bạc màu và cái áo sơ mi bằng vải pô pơ lin đã cũ, mẹ bèn lục dưới đáy hòm gỗ, lấy ra một mảnh lụa hoa màu đen và một mảnh vải phin màu xanh da trời giành dụm từ bao giờ, cặm cụi thức cả đêm, cắt và khâu tay bộ quần áo mới cho Hoa. Hoa còn nhớ như in buổi sáng sớm hôm đó, Hoa vừa dậy đánh răng, rửa mặt xong đã nghe mẹ gọi:
- Hoa ơi! Vào đây mẹ bảo này!
Nét mặt rạng rỡ, mẹ đưa cho Hoa bộ quần áo vừa khâu xong đêm qua:
- Con vào buồng mặc thử. Hôm nay là chủ nhật, nếu không vừa mẹ sẽ sửa lại ngay cho con…
…Từ trong buồng bước ra, Hoa xúng xính trong bộ quần áo mới, nom xinh đẹp bội phần:
- Trời ơi! Chị Hoa nom đẹp như cô tiên…
Cái Hằng - em gái Hoa, kém cô hai tuổi suýt xoa ngắm nghía chị, ánh mắt lộ rõ vẻ khát khao thèm muốn… Mẹ tinh ý nhận thấy bèn ôm nó vào lòng, an ủi:
- Hằng ạ! Chị Hoa lớn rồi, chỉ còn mấy tháng nữa lại sắp đi học xa, mẹ may quần áo mới cho chị ấy trước. Gần tết, mẹ sẽ giành phiếu vải may bộ mới cho con.
Hằng “vâng” thật ngoan nhưng ánh mắt đượm một vẻ buồn man mác. Sau này, cuộc sống khá giả lên, Hoa có biết bao bộ cánh mốt ôm sát những đường cong gợi cảm để sánh bước bên vị giáo sư khả kính mỗi khi ra đường, làm bao quý ông ngây ra ngắm nghía, ước ao, thèm muốn; làm bao quý bà giả vờ quay mặt đi không thèm để ý nhưng trong lòng lại sục sôi ghen tỵ… Hoa vẫn không sao quên được ánh mắt cô em gái một thời nghèo khó và tình yêu sâu nặng của mẹ…
…Đêm hội diễn hôm ấy, ngoài các tiết mục đồng ca, tốp ca tham gia cùng tập thể ra, Hoa còn hát đơn ca một bài và tham gia một điệu múa Thái cùng các bạn gái trong bản Hon. Tham gia màn đồng ca xong, Phanh kín đáo lui ra ngoài gốc muỗm chênh chếch phía cánh gà để được ngắm nhìn Hoa thoải mái… Trên sân khấu, dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng- xông, Hoa thoắt ẩn thoắt hiện, biến đổi diệu kỳ. Vừa mềm mại, duyên dáng trong chiếc áo màu xanh da trời, chiếc quần lụa đen óng ả, hai bím tóc vắt vẻo trên vai với giọng hát trong trẻo, cao vút: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?” khiến bao bạn trẻ hâm mộ hét lên: “Hát lại! Hát lại!”, Hoa đã nhanh chóng trở lại sân khấu trong trang phục váy áo cóm bó sát lưng ong cùng năm cô gái Thái trong điệu múa nón nhịp nhàng, duyên dáng… Phanh ngây ngất thầm kêu:”Hoa ơi! Em đẹp nhất đêm nay! Sao bây giờ anh mới nhận ra?...”
…Đêm hội diễn kết thúc. Cô Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 thông báo cho các bạn thu dọn tư trang, chuẩn bị liên hoan bữa cháo gà do phụ huynh học sinh nấu để bồi dưỡng cho Đội văn nghệ. Thấy Hoa cứ quanh quẩn mãi sau cánh gà không ra, các bạn chạy vào hỏi thì Hoa khóc nấc lên:
- Mình…bị… bị… mất cái quần lụa mới…
- Em để chỗ nào?
Cô Mai sốt sắng hỏi:
Em vắt lên cái mắc ở đây! Vì lúc ấy thay đổi chương trình đột xuất, em phải vội thay váy để tham gia điệu múa nón nên em chưa kịp cất vào trong túi…
Cô Mai nghiêm túc đảo mắt khắp lượt bọn con gái:
- Em nào đã trót cầm nhầm của bạn Hoa thì cho bạn xin lại. Cái quần lụa đẹp như thế!
Bọn con gái nhao lên:
- Em không cầm ạ!
Cô Mai nhìn xoáy vào từng đứa, rồi dằn giọng:
- Thôi, thế này vậy: Bây giờ khuya rồi, một số bạn nhà còn ở xa. Để cho nhanh chóng, tôi đề nghị: Tất cả các bạn gái bỏ túi của mình lên bàn. Ở đây có bạn Nam, bạn Thắng và bạn Phanh trong Đội cờ đỏ của nhà trường, các bạn kiểm tra, xem xét kỹ cho tôi!
Phanh cau mày. Cậu cảm thấy làm thế như có gì bất nhân. Đành rằng: Cậu rất thương Hoa, cậu biết đối với Hoa, chiếc quần lụa ấy vô cùng quý giá; đành rằng đứa con gái nào tham lam trót lấy quần của bạn thật đáng lên án, song trong thâm tâm, cậu thấy cô giáo xử lý như thế là không phải. Vốn tính thẳng thắn, cậu đáp ngay:
- Thưa cô! Em không làm được đâu ạ!
- Vì sao vậy?
- Vì em thấy làm như thế là không tốt.
- À, ra cậu bảo tôi xúi các cậu làm việc không tốt à? Cậu muốn bao che cho kẻ ăn cắp à? Được rồi, tôi sẽ xử lý cậu sau. Bây giờ cậu đứng yên ở đây cùng các bạn nữ chứng kiến tôi và cậu Nam, cậu Thắng cùng khám. Nhất định phải lôi thủ phạm ra ánh sáng...
Phanh đưa mắt nhìn Hoa thì bắt gặp cái nhìn khinh bỉ và căm thù tột độ của cô, cậu vội vàng quay mặt đi ngay. Chỉ vài phút mới đây, trên sân khấu, Hoa hiền lành và lộng lẫy như nàng tiên giáng trần... Vậy mà... không ngờ sự việc lại diễn ra căng thẳng, nặng nề đến thế! Phanh vừa mong Đội cờ đỏ chóng tìm được chiếc quần lụa cho Hoa vừa mong không phải nhìn thấy nét mặt đau khổ, bẽ bàng của một bạn gái nào đó trót dại... Nhìn nét mặt đứa con gái nào Phanh cũng thấy nó thật thà chất phác chứ không đến nỗi... Kết quả đúng như Phanh phỏng đoán: Không có bạn nào lấy quần của Hoa. Nghe tiếng thở dài nhẹ nhõm của các bạn nữ, Phanh như cất đi được một gáng nặng trong lòng nhưng lại cảm thấy thương Hoa quá chừng!
Chợt một đứa con gái vỗ trán, kêu lên:
- Thưa cô! Em nhớ ra rồi: Thúy hát xong tiết mục tốp ca được một lúc thì bỏ về…
- Sao? Thúy về sao không báo cho tôi biết?
- Dạ! có bà hàng xóm đạp xe đến gọi Thúy…
Cô giáo cả quyết:
- Thôi! Thế là đã rõ. Chúng ta đi ăn cháo kẻo nguội hết cả rồi. Sáng mai, tiết 5 ta sẽ họp lớp để kiểm điểm bạn Thúy!
Nồi cháo gà phi hành mỡ thơm phưng phức mà sao thấy nhạt phèo, vô vị, chẳng ai có hào hứng mà ăn, mà nói chuyện vui vẻ như mọi ngày. Bình thường Hoa vốn không mấy cảm tình với Thúy. Nó hơn Hoa hai tuổi, học dốt hơn Hoa, lại lầm lỳ, xấu gái. Từ nhỏ, bọn con trai đã gọi nó là “Thúy trề” bởi môi dưới nó dày và trễ xuống như quả chuối mắn, cái mũi thì ngắn tin hin, đôi mắt đã bé lại trông ngây ngây, đần đần… “Đã xấu người lại còn xấu nết” - Hoa vừa soàn soạt húp cháo gà vừa thầm nghĩ. Phanh liếc sang, nhìn nét mặt hể hả và cái cách húp cháo của Hoa, thấy ghét.
Dọc đường về nhà, chỉ có ba người cùng đi một lối (Phanh, Hoa và cái Hằng - em gái Hoa). Phanh tìm cách làm lành với Hoa nhưng Hoa lờ đi như không nghe, không nhìn thấy gì sất. Phanh quay sang, nói nhỏ với Hằng: “Em về đừng nói vội với mẹ chuyện chị Hoa bị mất quần nhé!”
Hôm sau, cái Thúy nghỉ học làm bọn con gái càng tăng thêm nghi vấn. Giờ ra chơi, dưới gốc nhãn nào cũng thấy chúng chụm đầu vào nhau như những con kiến khổng lồ, thì thào bàn tán chuyện cái Thúy ăn cắp quần của cái Hoa…
…Giải lao tiết thứ hai, cô Mai vẫy cái Đào - lớp trưởng, lại gần:
- Hôm nay, bạn Thúy nghỉ học không có lý do. Tiết 5, em vẫn báo cả lớp ở lại họp. Phải làm việc cho ra lẽ để còn răn đe người khác…
Thoáng thấy bóng cái Hằng đi ngang qua sân, Phanh vẫy nó lại gần, hỏi nhỏ:
- Tối qua, em có nói với mẹ chuyện cái quần không đấy?
- Anh này! Anh đã dặn em thế rồi, làm gì em còn kể…
Hằng hạ giọng xuống:
- À, mà anh Phanh ơi, chị em tìm thấy quần lụa rồi đấy!
Thấy Phanh tròn xoe mắt ngạc nhiên, Hằng vội kéo cậu ra gốc nhãn, thì thào:
- Chị Hoa bảo em không được nói lại với ai… chị ấy xấu hổ…
- Nhưng mà… chị ấy tìm thấy quần ở đâu?
Hằng đỏ mặt, ấp úng:
- Thấy ở… thấy ở… trong chiếc váy Thái chị ấy… đang mặc. Lúc qua đoạn đường rẽ vào nhà anh rồi, hai chị em rủ nhau tạt vào bụi chuối đi vệ sinh… chị ấy mới nhớ ra: vì vội chạy ra sân khấu, chị chỉ kịp vo viên hai ống quần lên ngang bẹn bên trong chiếc váy Thái rộng thùng thình mượn của chị Lả… Ở nhà, chị em vẫn thường hay đãng trí như thế đấy anh Phanh ạ!
“À, ra thế! Suýt nữa thì cái Thúy bị tiếng oan” - Phanh thầm nghĩ.
Giải lao tiết thứ ba, thứ tư, Phanh đều tìm cách lân la lại gần để nói chuyện với Hoa nhưng Hoa cố tình lảng tránh thật nhanh. Phanh cố nhủ lòng: “Chắc Hoa tự biết nên xử trí thế nào cho phải…”.
… Giờ sinh hoạt của lớp diễn ra trong không khí nặng nề, căng thẳng. Cô Mai dặng hắng mấy tiếng trước khi nói lời mào đầu:
- Hôm nay, chúng ta tổ chức cuộc họp lớp bất thường, chắc các em đã rõ lý do. Thực lòng tôi không muốn thế nhưng buộc phải làm thế vì danh dự chung của cả lớp, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” được. Trước khi cả lớp phân tích khuyết điểm của bạn Thúy, xử lý bạn Thúy để làm gương cho người khác, tôi đề nghị bạn Hoa đứng dậy trình bày đầu đuôi việc bị mất quần diễn ra như thế nào.
Hoa từ từ đứng lên, mặt đỏ lừ đến tận mang tai. Cô liếc qua Phanh một cái thật nhanh rồi nói liến láu:
- Thưa cô! Em không nghi ngờ gì cho bạn Thúy. Nhưng em nghĩ chắc chắn chiếc quần lụa chỉ mất ở đấy - sau cánh gà sân khấu ngay sau khi em thay trang phục Thái để múa nón…
Phanh không ngờ cái miệng Hoa trơn tru như bôi mỡ, bảo không nghi cho bạn nhưng lại ngầm ý khẳng định bạn lấy của mình. Thì tất cả bọn con gái (trừ Thúy) đã bị khám và được minh oan rồi đấy thôi! Vì ác ý hay vì xấu hổ đã trót kêu mất quần nên Hoa phải lấp liếm? Dù vì lý do gì đi chăng nữa, thái độ ấy của Hoa cũng không thể chấp nhận được…
Phanh vụt đứng dậy:
- Thưa cô! Bạn Hoa nói không đúng! Bạn ấy đã tìm thấy quần rồi.
Cả lớp nhao nhao lên:
- Tìm thấy quần rồi?
- Tìm thấy ở đâu mới được cơ chứ?
- Sao Hoa bảo chưa tìm thấy mà Phanh lại bảo là tìm thấy rồi nhỉ?
Cô Mai gõ thước lên bảng:
- Cả lớp trật tự! Đề nghị em Hoa nói lại chuyện này!
Hoa vụt chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở…
Kết cục thật buồn: Trưa hôm ấy, mẹ cái Thúy chết. Đêm qua, lúc đang xem biểu diễn văn nghệ, bà hàng xóm tất tả đạp xe đến gọi cái Thúy về ngay có việc. Thì ra, đã khuya mẹ nó còn mò mẫm ra ao rửa rau lợn, chẳng may lên cơn động kinh, trượt chân ngã xuống ao. Lúc bà hàng xóm chạy sang vay dầu hỏa thì thấy bà đang chới với giữa ao… Mặc dù được mọi người trong xóm nhanh chóng đưa xuống bệnh viện huyện, mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, bà cũng không qua khỏi…
Hôm cả lớp đến đưa tang mẹ cái Thúy, nghe bà Mận - hàng xóm của cái Thúy kể, các bạn mới vỡ lẽ cái Thúy không phải là đứa con hoang như mọi người đồn thổi. Nó có bố - một người bố dũng cảm đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ… Chỉ có điều: Bố mẹ nó chưa kịp cưới nhau thì bố nó đã hy sinh… Hồi ấy, chuyện một người con gái chưa có chồng mà chửa hoang là chuyện tày đình, mang tội làm ô danh dòng họ. Mẹ nó - cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp sau khi khóc cạn khô nước mắt vì thương nhớ người yêu đành phải trốn gia đình, vác cái bụng lùm lùm lên vùng đất hoang vu này, xới đất trồng chè, chờ ngày sinh con. Cái Thúy sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác. Nghe mọi người xầm xì sau lưng: “Đúng là mẹ tiên, con cú” mẹ nó càng buồn, càng thương nó vô hạn… Bà thường nhớ lại cánh rừng năm xưa nơi hai người yêu nhau say đắm, vội vã giữa hai trận đánh, rồi những trận sốt rét triền miên, trận cảm cúm bất ngờ khi bà mang thai Thúy…
…Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm học - kết thúc cuộc đời học sinh với bao kỷ niệm vui buồn ngờ nghệch.Thời gian ấy đối với Hoa thật căng thẳng, nặng nề. Cô không đủ can đảm để xin lỗi Thúy, cũng không đủ tự tin để làm lành với Phanh… cô Mai bị kỷ luật khiển trách của Ban giám hiệu. Thúy thi trượt . Còn Hoa cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với số điểm bình bình… Cô vội vã xin phép bố mẹ về nhà ông bác ruột ở Hà Nội để ôn thi Đại học. Thực chất cô muốn trốn chạy mối tình đầu, trốn chạy những kỷ niệm buồn và trốn chạy chính mình… Năm sau, bố mẹ cô được nghỉ chế độ, chuyển vùng về Thái Bình. Hoa không có dịp trở lại mảnh đất ấy…
…Hơn ba mươi năm rồi còn gì… Sao mình mãi không quên chuyện cũ? Sao mình mãi không quên nổi Phanh? Trước đây Hoa nghĩ: tình đầu rất khó phai. Chẳng phải Thế Lữ đã từng thốt lên rằng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa mấy đã ai quên” đó sao? Đó phải chăng là cảm xúc nhớ đời của lần đầu tiên được ôm ấp trong vòng tay vụng về của một người trai trẻ? Là nụ hôn trao nhau vội vã không gợn chút dục tình?... Bây giờ, chiêm nghiệm kỹ, Hoa mới thấy đó chính là nỗi ân hận, day dứt vì cách xử sự dại dột, nông nổi và ích kỷ của mình… Và, chính thái độ thẳng thắn, dứt khoát của Phanh đã dấy lên trong lòng cô niềm cảm phục sâu sắc. Chỉ tội anh ấy xử sự không khéo, làm mất mặt Hoa - nhưng anh ấy là một con người chân chính, biết bênh vực lẽ phải… Nếu ngày ấy Phanh a dua, tìm cách lấy lòng Hoa thì bây giờ liệu Hoa còn nhớ đến anh không? Liệu Hoa còn biết ân hận, day dứt vì việc làm sai trái của mình?
Sau khi đã có chồng, Hoa vẫn được những người đàn ông hào hoa, lịch lãm săn đón, buông bao “lời hay, ý đẹp”, thậm chí còn tặng thơ tình ca ngợi… nhưng không ai để lại cho cô cảm xúc luyến nhớ như Phanh - chàng trai rừng thật thà,
khờ khạo…
Hoa từng đọc ở đâu đó một câu nói, đại ý là: Sự ngoại tình trong tư tưởng còn tệ hại, nguy hiểm gấp trăm lần việc ngoại tình thể xác. Thực lòng, Hoa không muốn dối chồng nhưng suốt hơn ba mươi năm qua, chưa bao giờ cô quên nổi Phanh. Tính hiếu thắng, kiêu kỳ của một cô gái đẹp khiến Hoa cố tình không bao giờ nhắc đến Phanh mỗi lần gặp lại bạn cũ nơi xóm núi. Nhưng sự đời không đơn giản như cô tưởng. Hoa có thể giấu chồng, giấu con song không thể dối lòng mình được. Hình ảnh Phanh đẹp trai, hiền lành, trung thực… luôn hiện về, ám ảnh cô trong từng giấc mơ…
… Hoa về đến đồn biên phòng H thì trời đã tối hẳn. Trên hội trường, dưới ánh điện sáng choang, các anh bộ đội trẻ măng đang quây quần bên chiếc ti vi 29 inc, chăm chú theo dõi chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Đồn trưởng chừng ngoài 50 tuổi, tóc đã hoa râm, dáng vẻ phong trần, ân cần mời chị sang phòng khách của đơn vị… Sau khi nghe chị tự giới thiệu là mẹ của Hoài Sơn, anh bình tĩnh nói:
- Thế này chị Hoa ạ! Lẽ ra Hoài Sơn được đơn vị cho nghỉ từ ngày 27 tết để về Hà nội đón xuân cùng gia đình… thế nhưng…
Qua lời kể chậm rãi, điềm đạm của đồn trưởng, Hoa mới vỡ lẽ: ngày 26 tết, Hoài Sơn cùng một số anh em trong đơn vị vào bản Mới, lợp lại mái nhà cho một số gia đình chính sách… Đến đầu chiếc cầu treo bắc qua dòng suối lớn, Sơn và Toàn (bạn cùng đơn vị) nhìn thấy một đoàn con trai khoảng 12, 13 tuổi cởi truồng tồng ngồng đang hò hét thi nhau nhảy từ giữa cầu xuống suối… Thấy bọn trẻ nghịch dại, cậu chưa kịp chạy đến can ngăn đã nghe chúng la lên thất thanh:
- Ai cứu… cứu với! Thằng Kẻo chìm rồi!
Sơn nhảy tùm xuống dòng nước xiết, túm được chân thằng Kẻo, hì hục lôi lên được gần bờ thì đuối sức. May mà Toàn kịp nhảy xuống tiếp sức, kéo được cả thằng Kẻo và Sơn lên bờ. Thì ra, chỗ suối ấy không sâu lắm nhưng lại ôm cả tảng đá ngầm nhọn hoắt trong lòng. Thằng Kẻo nhảy đúng vào tảng đá ấy, cú va đập từ độ cao xuống làm cánh tay nó dập nát, không đủ sức bơi được. May thay, nó vừa chìm xuống thì Sơn kịp lao tới, lôi nó lại gần bờ. Không ngờ, Sơn lại va vào tảng đá ngầm khác, bắp chân cậu đau điếng, máu phun xối xả… Sơn và cậu bé Kẻo cùng được đưa vào bệnh viện huyện ngay hôm ấy, giờ đã sắp khỏi… Có lẽ chỉ độ hai, ba ngày nữa, Hoài Sơn sẽ được ra viện….
Nghe đồn trưởng kể, nước mắt Hoa lã chã tuôn rơi. Chị vốn là người đa cảm và rất đỗi thương con:
- Thế mà, nó giấu cả gia đình, linh tính báo tôi mà…
Đồn trưởng đưa cho chị một ca nước âm ấm, lựa lời an ủi chị:
- Hoài Sơn là một chàng trai dũng cảm. Cháu không muốn để gia đình lo lắng cho cháu. Ngày nào đơn vị cũng cử người ở lại bệnh viện chăm sóc Hoài Sơn. Khua rồi, đêm nay chị nghỉ tạm tại đơn vị. Sáng mai chúng tôi sẽ bố trí xe cho chị xuống bệnh viện thăm cháu.
Hoa cám ơn Đồn trưởng, nói chị có ở lại đơn vị cũng không thể chợp mắt nổi. Quay sang người lái xe ôm, chị khẩn khoản nhờ anh ta chở tiếp chị xuống ngay bệnh viện.
Đồn trưởng thấy chị nóng lòng muốn gặp con trai quá, bèn nói:
- Thôi được rồi, chúng tôi sẽ bố trí cho chị xuống gặp Hoài Sơn ngay bây giờ…
…21 giờ, cửa buồng bệnh nhân vẫn mở. Có tiếng nói chuyện nho nhỏ, nghe rất vui vẻ cùng giọng cười trong vắt của một cô con gái…
Hoài Sơn khập khiễng nhào ra cửa, ôm choàng lấy mẹ:
- Mẹ! Sao mẹ biết con ở đây?
Chợt nhận ra có Đồn trưởng và người lái xe của đơn vị đi cùng mẹ, cậu đỏ mặt, lúng búng:
- Cháu… chào hai chú.
Một anh bộ đội trẻ, một cô gái Thái và một cậu bé con đứng dậy, lễ phép chào mọi người. Nhìn thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, lanh lợi, tay trái bó bột, chị tươi cười ôm lấy nó:
- Kẻo! Cháu là Kẻo phải không?
Thằng bé” Vâng ạ!”. Tiếng “Vâng” nghe thật ấm, thật ngoan. Như có một luồng điện chạy dọc khắp sống lưng Hoa khi cậu bé ngước mắt lên chị bắt gặp cặp lông mày hình lưỡi mác, đôi mắt đen ngời sáng, kiên nghị… giống như đôi mắt từng ám ảnh chị suốt mấy chục năm trời… một đôi mắt âm thầm biết nói.
Hoài Sơn mời mọi người ngồi giường và giới thiệu với mẹ:
- Đây là Toàn - bạn cùng đơn vị với con. Em Kẻo nằm điều trị phòng bên. Còn đây là Hoa - chị gái của em Kẻo, về chăm sóc em ấy. Hoa đang học trường sư phạm tỉnh.
- Hoa? Cháu cũng tên là Hoa ư? Thế là cô cháu mình trùng tên với nhau rồi…
Hoa kín đáo liếc nhìn cô bé. Hai chị em nó thật giống nhau: cũng sống mũi dọc dừa thanh tú, cũng đôi lông mày rậm và đặc biệt là đôi mắt - đôi mắt như…
Đồn trưởng ra ngoài một lát rồi quay lại, vui vẻ nói:
- Thôi, khuya rồi, xin phép chị Hoa, chúng tôi trở lại đơn vị. Tôi đã liên hệ với phòng trực bệnh viện bố trí cho chị một phòng nghỉ.
- Xin cảm ơn anh! Anh chu đáo quá!
Đợi Đồn trưởng và người lái xe đi khỏi phòng, cô nữ sinh sư phạm rụt rè đề nghị:
- Phòng em cháu điều trị có bốn giường bệnh mà chỉ có mỗi em Kẻo cháu là bệnh nhân. Cháu ngủ giường bên cạnh chăm sóc em, còn hai giường bỏ trống. Hay là… hay là cô sang ngủ cùng chị em cháu cho vui.
Cậu Toàn nãy giờ im lặng chẳng nói câu nào bỗng lên tiếng:
- Em Hoa nói phải đấy cô ạ! Bây giờ đang còn Tết, bệnh nhân điều trị nội trú ít. Cô sang ngủ cùng với các em cho vui. Hàng ngày, bố mẹ hai em vẫn đi xe ôm xuống tiếp tế đồ ăn cho chúng cháu…
Chị cười thật tươi:
- Ờ, thế để cô lên xin phép phòng trực…
… Hoa sang phòng bé Kẻo thì thấy chị của bé đã trải giường tinh tươm cho chị nghỉ. Ngắm cái eo thon lẳn trong bộ váy áo cóm cô bé đang mặc, Hoa chợt nhớ tới giọng đùa vui vẻ của Hoài Sơn qua di động hôm nào: “Con sẽ đem về cho mẹ một cô sơn nữ xinh và ngoan lắm, mẹ ạ!”. Chị ý tứ thăm dò cô bé:
- Cháu và anh Hoài Sơn quen nhau lâu chưa?
- Dạ, cháu mới biết anh Sơn và anh Toàn từ hôm hai anh cứu em Kẻo cháu. Cháu đang nghỉ tết nên đỡ bố mẹ đi chăm em ở viện. Anh Toàn cũng được đơn vị cử đi chăm sóc anh Sơn. Mà ở đồn, mọi người quan tâm đến anh Sơn lắm, cô ạ! Ngày nào cũng có người xuống thăm, đem quà cho anh Sơn và em Kẻo. Cháu và anh Toàn phải “cố gắng giúp đỡ giải quyết” mới hết được.
“À, ra thế! - Chị thầm nghĩ - cô bé này thật hồn nhiên đáng yêu…”
- Bố mẹ cháu ở bản Mới à?. Từ đó sang bản Hon có xa không cháu?
- Cháu nghe bà nội cháu kể: Trước đây bản Mới có tên là bản Hon đấy! Bản Hon ở gần đội chè của bà con Thái Bình lên khai hoang nên cả bản ai cũng nói thạo tiếng phổ thông. Sau, bản Hon bị Đế Quốc Mỹ thả bom cháy cả bản nên phải dời lên đây xây dựng bản Mới.
- Thế… thế bà con trong bản có ai bị thiệt mạng không cháu?
- Bà nội cháu bảo: Rất may hôm ấy những người còn khỏe, trẻ đều đi nương; còn người già, con trẻ đều đi sơ tán tận hang Thẳm nên không ai thiệt mạng…
Hoa thở phào nhẹ nhõm:
- Thế thì may quá rồi…
Ngập ngừng một lát, chị nhìn thẳng vào măt cô bé:
- Thế trong bản có bác nào tầm tuổi cô, tên là Phanh không cháu?
- Trong bản chỉ có bố cháu tên là Phanh thôi. Thế… thế cô quen bố cháu ạ?
Thảo nào lúc mới gặp hai đứa, chị đã ngờ ngợ như tìm thấy một dáng hình thân quen từ thưở xa lắc xa lơ nào đó…
- Ừ, ngày cô còn nhỏ, bố mẹ cô dạy học ở bản Hon. Cô học cùng bố cháu từ năm học lớp vỡ lòng cho đến hết cấp ba, cô về Hà Nội học, bố mẹ cô được nghỉ hưu cũng chuyển vùng. Từ đó đến nay, cô không được tin của bố cháu. Thế bố cháu không đi công tác à? Mẹ cháu cũng là người bản Hon à?
- Cháu nghe bố cháu kể: Năm 1974, tốt nghiệp lớp 10, bố cháu xung phong đi bộ đội. Mùa xuân năm 1975, trong một trận chiến đấu, bố cháu bị thương cụt một tay, một chân, phải đưa về trạm giải phẫu. Ở đó, bố cháu gặp lại mẹ cháu - người bạn gái cùng học từ nhỏ, lúc đó là y tá trong quân đội, được mẹ cháu chăm sóc tận tình, chu đáo… Sau ngày thống nhất đất nước, hai người mới gặp lại nhau ở bản Mới…
Hoa cắn chặt môi đến chảy máu. Chị cố ghìm nén xúc động để khỏi bật khóc thành tiếng. Rút khăn tay lau vội dòng nước mắt nhạt nhòa, chị hỏi cô bé bằng cái giọng ngàn ngạt:
- Thế mẹ cháu là con nhà ai vậy?
Thấy chị khóc, cô bé cũng sùi sụt lây:
- Mẹ cháu… là con liệt sĩ, quê… ở mãi tận Thái Bình. Khi ông ngoại cháu… hy sinh, mẹ cháu… vẫn… đang còn… nằm trong bụng bà ngoại. Bà ngoại cháu… hàng ngày chăm nom đồi chè ngay cạnh bản Hon… nuôi mẹ cháu học sắp hết lớp 10 thì… bà mất. Mẹ cháu buồn rầu… thương nhớ bà mà thi trượt… đành theo học một lớp y tá, sau đó xin đi phục vụ mặt trận…
- Có phải… mẹ cháu… tên là… Thúy không?
- Vâng! Thế cô … cũng quen… cả mẹ cháu nữa ạ?
- Ừ, cô là bạn của bố mẹ cháu mà
Giọng Hoa chùng xuống, thầm thì như tự nói với chính mình:
- Ngày mai… cô sẽ vào bản Mới… thăm bố mẹ cháu…
Đêm nay, trong bệnh viện, chị thao thức không chợp mắt được…

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

KỶ NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI LÍNH

Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn( Đăng lại)

Con gái yêu của mẹ!
Tháng bảy lại đến. Cái tháng nóng lắm, mưa nhiều - cái tháng khắc khoải trong mẹ một nỗi niềm nhớ thương da diết. Có một đêm tháng bảy, mẹ ngồi thẫn thờ bên ô cửa sổ, mắt dõi nhìn về phương Nam xa xôi trong hoài niệm, miệng khe khẽ hát một bài ca về người lính:
“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi…”
Hát đến đó, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi. Mẹ không biết con đã đứng sau lưng mẹ tự lúc nào. Bàn tay con nhẹ nhàng đặt lên vai mẹ mà không nói lời nào. Cử chỉ ấy đem đến cho mẹ niềm tin cậy: con gái mẹ đã 18 tuổi rồi! Tuổi của con là tuổi của hoa, của mộng. Mẹ cũng có một thời hoa mộng như thế, nhưng đó là những năm tháng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Con yêu!
Đêm nay, mẹ lại một mình lặng lẽ dưới ánh trăng, lặng lẽ hát bài hát cho người lính của riêng mình mãi mãi dừng ở tuổi 18.
Khi miền Nam hoàn toàn đươc giải phóng, suốt ngày các loa đài công cộng ca vang khúc khải hoàn chiến thắng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Việt Nam! Ôi Tổ quốc vinh quang!”  Tất cả mọi người như bay lên trong mơ, nghẹn ngào sung sướng. Trong niềm vui lớn lao của toàn dân tộc, mẹ nhìn đất nhìn trời đâu đâu cũng thấy mến yêu, nhìn trẻ già trai gái ai ai cũng thấy đẹp. Và thiêng liêng thay là tình yêu Tổ quốc! Nó làm cho mọi người xích lại gần nhau, thân ái như con trong một nhà. Không hề có bóng dáng của những kẻ nhỏ nhen, toan tính vị kỷ. Không có những lọc lừa, dối trá xấu xa.
***
Ba tháng sau, mẹ nhận được tin người ấy đã hy sinh anh dũng ngay từ chiều 29/4, một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ bàng hoàng như không còn tin vào tai, vào mắt mình nữa, dù vẫn biết rằng chiến thắng nào mà chẳng có hy sinh,vinh quang nào chẳng đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Nhưng người ấy còn quá trẻ, chú ra đi mà chưa hề biết rằng: đã có một người con gái lặng thầm yêu chú từ lâu, người con gái hằng đêm vẫn trông ngóng chú trở về.
Ông ngoại con kể lại: ông và ông Phương (bố của chú Phi Sơn) là đôi bạn thân cùng chung chiến hào trên Đồi Độc Lập. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hai anh chiến sĩ trẻ tình nguyện ở lại xây dựng nông trường và kết hôn cùng hai cô “sơn nữ” quê ở Mường So - quen nhau trong dịp hai cô đi dân quân hoả tuyến, tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh Điện Biên Phủ. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, hai đứa trẻ sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùngđược hai ông bố hay chữ đặt cho một cái tên đầy ý nghĩa: Sơn - Hoài Sơn và Phi Sơn. Hai gia đình mổ gà, làm chung một bữa tiệc nhỏ mời mấy người hàng xóm chung vui.
Ông Phương (hồi ấy gọi là anh Phương) sau khi nhấp vài hụm rượu, mặt đỏ như cua rang, giả vờ khề khà nói với ông ngoại:
- Này Tâm! Con trai tớ đặt tên là Sơn là đúng quá rồi! Nó gợi lên khí phách mạnh mẽ, hiên ngang của người quân tử. Con gái thì nên tìm một cái tên dịu dàng, nữ tính hơn.
Ông ngoại con ngắt lời ngay:
- Cái tên tớ lựa chọn là tớ đã ngẫm nghĩ từ lâu, dù là con gái hay con trai tớ cũng đặt tên ấy.
Sau một hồi tranh luận, ông ngoại con kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình, vì thế mẹ mang tên là Hoài Sơn. Từ bé mẹ đã là một con bé hay nghịch ngầm, chú Phi Sơn thì hiền lành và gan lỳ như một con dúi.
Bà ngoại kể:  “Hai đứa ngồi chung một cái cũi trong nhà trẻ. Con Hoài Sơn sắp mọc răng, ngứa lợi, nó giằng tay thằng Phi Sơn đưa lên miệng cắn hằn một vết đỏ. Thằng bé đau lắm, nhưng nó chỉ mím chặt môi, không khóc một tiếng, cũng không tìm cách đánh lại con bé. Được cái, bà ấy là người hiểu biết, nhân hậu nếu không thì... trẻ con lại làm mất lòng người lớn.”
Năm 1964, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc cũng là lúc mẹ và chú Phi Sơn cùng vào học lớp 1. Một lần, Mỹ ném bom xuống đúng khu nhà trẻ của nông trường. Biết vợ và một cô giữ trẻ khác không kịp đưa 35 cháu xuống hầm trú ẩn, ông Phương đang nhổ lạc vội chạy về hỗ trợ. Khi hai vợ chồng đang ôm hai đứa trẻ cuối cùng chạy ra hầm thì một loạt bom bi ập xuống. Ông bà Phương chỉ kịp đẩy hai đứa bé vào cửa hầm thì lăn ra bất tỉnh.
Buổi chiều hôm ấy là một buổi chiều vô cùng ảm đạm. Mây vần vũ dày đặc bầu trời, không khí oi nóng hầm hập. Gia đình 35 cháu và bà con hàng xóm quây quần khu tập thể nông trường tiếc thương vĩnh biệt đôi vợ chồng trẻ đã hy sinh cả tính mạng mình cứu lũ trẻ. Chú Phi Sơn đứng chết lặng nhìn trân trân vào hai chiếc quan tài đỏ thẫm đặt giữa nhà.
Từ đó, chú Phi Sơn về ở cùng một nhà với mẹ, được ông bà ngoại yêu quý, coi như con đẻ. Ông bà ngoại luôn căn dặn mẹ phải coi chú như một người anh ruột, không được làm anh buồn. Năm tháng dần trôi, nỗi đau thương mất mát nguôi ngoai dần, song trong đôi mắt thông minh, cương nghị của chú vẫn phảng phất nỗi buồn sâu lắng. Mùa hè năm 1974, chú Phi Sơn và mẹ cùng tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng loại giỏi. Ông bà ngoại bàn với nhau, sẽ cho cả hai đứa cùng thi vào trường Đại học sư phạm.
***
Một điều bất ngờ xảy ra ngoài sự tưởng tượng của ông bà ngoại và mẹ. Suốt 11 năm chung sống cùng gia đình, chưa bao giờ chú Phi Sơn giấu giếm hoặc làm một điều gì sai. Thế mà suốt mấy hôm liền, chú ấy xin phép ông bà ngoại lên thị trấn ôn thi cùng cậu Tiền Hải - một người bạn học cùng lớp với hai anh em. Bà ngoại bảo: “Thế thì con lấy xe đạp đèo Hoài Sơn cùng đi. Chú Phi Sơn vò đầu gãi tai, nói lí nhí: “Con sợ đi đường xa, Hoài Sơn mệt. Thôi mẹ để tối về, con và em cùng ôn lại bài.”. Mặc dù chú ấy giữ lời hứa nhưng cử chỉ điệu bộ rất ngượng ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Đúng là điệu bộ cử chỉ của người không quen nói dối.
Bữa cơm chiều hôm ấy thật im ắng khác thường. Chú Phi Sơn cứ nâng bát cơm lên tay lại đặt bát xuống mâm. Bà ngoại kín đáo đưa mắt nhìn ông ngoại rồi lại quay sang nhìn mẹ. Ai cũng ngầm hiểu sắp có chuyện hệ trọng gì xảy ra nhưng đều không ai nói. Im lặng một hồi, chú ấy ấp úng:
- Con xin lỗi bố mẹ! Đáng lẽ, con phải hỏi ý kiến của bố mẹ, nhưng con lo bố mẹ sẽ ngăn cản con nên đã giấu bố mẹ đăng ký đi bộ đội. Mọi thủ tục khám tuyển đã xong, hôm nay con đã nhận được giấy báo của Ban chỉ huy quân sự huyện. Ngày kia, con lên đường nhập ngũ, con xin bố mẹ tha lỗi cho con.
Ông ngoại ôn tồn nói:
- Trai thời chiến, lên đường giết giặc bảo vệ Tổ Quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ, như bố con và bố khi xưa, nhưng bố mẹ con giờ đã mất, lẽ ra con nên hỏi ý kiến bố mẹ để cùng bàn bạc.
Bà ngoại giãy nảy lên:
- Không bàn bạc gì nữa! Sáng mai tôi sẽ lên huyện đề nghị cho Phi Sơn đi học đại học. Mẹ đã hứa với vong linh bố mẹ con là sẽ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Phi Sơn nói nhỏ nhẹ:
- Con nghĩ kỹ rồi bố mẹ ạ. Năm nay con 18 tuổi là vừa đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sự học là lâu dài. Khi nào chiến thắng, con lại về học tiếp.
Mẹ không nói được lời nào. Sự việc diễn ra bất ngờ quá! Mẹ đã quen có chú Phi Sơn bên cạnh như một người anh trai thực sự để mè nheo, để dỗi hờn vô cớ. Mẹ vẫn ngỡ sẽ tiếp tục cùng chú học lên Đại học.
Đêm ấy, mẹ buồn rầu bỏ đi ngủ sớm. Ông bà ngoại và chú Phi Sơn vẫn ngồi bên bếp lửa nói chuyện rì rầm suốt tận đêm khuya. Không biết chú đã nói gì để thuyết phục ông bà ngoại. Chỉ biết rằng sáng hôm sau, bà vẫn ra huyện nhưng không phải xin cho chú không đi bộ đội mà là đi mua xà phòng thơm, khăn mặt, thuốc bổ chuẩn bị cho chú lên đường.
Sáng hôm sau, ông bà vừa đi làm, chú rủ mẹ vào rừng chặt nứa rồi cặm cụi đan phên, rào lại mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mẹ làm mặt giận, làm hùng hục và không thèm nói một lời nào dù chú ấy cố pha trò hài hước.
Hôm sau, chú Phi Sơn lên đường. Hàng xóm, bạn bè, các cơ quan, đoàn thể  đến tiễn chân rất đông. Lúc các tân binh xúng xính trong bộ quân phục mới chuẩn bị lên xe, mọi người thân xúm đến trao quà thì mẹ nhìn thấy cô Huyền và cô Na, bạn cùng học của mẹ và chú, mỗi người đều có một gói quà nhỏ tặng chú, mẹ mới thấy ân hận vì sự giận dỗi vô lý và thái độ cố chấp của mình. Bỗng nhiên, nước mắt mẹ lã chã tuôn rơi. Chú Phi Sơn nhoài từ trên xe giơ tay bắt tay mẹ. Bàn tay chú ấm mềm như có một dòng điện chạy dọc sống lưng mẹ.
***
Chú Phi Sơn đi rồi, mẹ mới cảm thấy trống vắng vô cùng. Mẹ mong chờ tin chú từng giờ từng phút để rồi 10 tháng sau mới nhận được tin chú đã hy sinh cùng một cuốn nhật ký chú viết trên đường hành quân gói trọn những tình cảm yêu thương nồng nàn chú dành cho bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi và “út Hoài Sơn - con chim sơn ca bé nhỏ của anh”. Trang cuối cùng của cuốn nhật ký viết dở , chú chép một bài thơ như là một linh cảm :
“Em ơi! Rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn.
Nhưng dù chết, em ơi!
Yêu em, anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ”.(*)
Cuộc đời quân ngũ cho đến lúc chú Phi Sơn hy sinh thật là ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 7 tháng 10 ngày. Chú là một trong những người lính cuối cùng hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Tiền Hải - cậu bạn thân cùng trốn gia đình đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và cùng vào Nam chiến đấu với chú Hoài Sơn - sau này trở về Lai Châu, đã kể cho mẹ nghe tường tận về cái chết oanh liệt của chú Phi Sơn: Chú bị một loạt đạn thù bắn thủng ruột khi đang bảo vệ một điểm chốt trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chú Tiền Hải lao đến, cuống cuồng nhét vội mớ ruột bùng nhùng be bét máu vào bụng chú Phi Sơn rồi quay sang Phú, bạn cùng chiến đấu:
- Mình đưa Phi Sơn về tuyến sau giải phẫu, cậu ở lại canh chừng mục tiêu. Sẽ có người yểm trợ.
Chú Phi Sơn thều thào đứt quãng:
- Không kịp... nữa rồi, Phú, Hải ơi! Các... cậu... gắng giữ chốt. Quyển... nhật... ký. ..mình... để trong... ba... lô...
***
Con gái yêu quý!
Bây giờ thì chắc con đã hiểu: Vì sao mãi đến năm 30 tuổi mẹ mới lấy chồng, vì sao mẹ đặt cho con tên Hoài Nam.  Vì mẹ luôn nhớ về phương Nam xa xôi, nơi chú Phi Sơn đã ngã xuống.
- Mẹ! Mẹ ơi! Thế bố con có biết chuyện này không?
- Có chứ! Vì bố con chính là chú Tiền Hải - Bạn thân của chú Phi Sơn ngày ấy.
- Ảnh bác Phi Sơn trên bàn thờ, ông bà ngoại và bố vẫn bảo bác là anh trai của mẹ. Con vẫn cứ ngỡ bác và mẹ là hai anh em sinh đôi. Mà sao bố con lại tên là Tiền Hải?
- À, hồi ấy bố con sinh ra ở Tam Đường nên ông bà nội đặt tên trong khai sinh bố tên là Đường. Bà nội nhớ quê gốc ở Tiền Hải (Thái Bình) nên cứ gọi tên bố là Tiền Hải. Thôi, khuya rồi, mẹ con mình xuống nhà cùng xem chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” với bố
***
Tôi nhìn mẹ. Ánh mắt xa xăm, buồn mênh mang như vụt trở về với thực tại, với tình yêu chồng con và trách nhiệm đời thường. Bố tôi đứng ở gian phòng thờ, kính cẩn thắp hương cho ông bà ngoại tôi và bác Phi Sơn.
 --------------------------------
(*)Thơ Phùng Quán